Friday, August 28, 2015

Nghĩ về một biểu ngữ : cách làm giáo dục lạ đời (FB Nguyễn Tuấn)






Hôm qua, trên đường từ Rạch Giá về quê, tôi chú ý đến một cái pano trước cổng trường tiểu học gần Minh Lương mà tôi xem là lạ, vì nó nói lên kiểu làm giáo dục bằng tuyên truyền. Đó là tấm biển chữ đỏ trên nền xanh, đọc là "Học để hoàn thiện bản thân", và phía dưới dòng chữ là "Hãy động viên con em đến lớp". Chỉ cần nhìn qua dòng chữ đó người ta cũng có thể đoán được ở vùng này đang có tình trạng học trò bỏ trường. 


Cái dòng chữ "học để hoàn thiện bản thân", công bằng mà nói chẳng có gì sai, nhưng tôi vẫn thấy hình như nó không hợp cảnh. Đối với học trò tiểu học thì cái khái niệm hoàn thiện bản thân là cái gì đó xa lạ, làm sao các em có thể hiểu được. Thật ra, ngay cả bậc cha mẹ ở vùng quê này chưa chắc đã hiểu khái niệm trừu tượng đó. Tôi thậm chí còn nghĩ rằng người viết khẩu hiệu đó chưa chắc hiểu họ muốn nói gì và chuyển tải thông điệp gì. Tại sao họ không nghĩ đến một thông điệp hay một câu văn nào cho thật dễ hiểu, dễ đi vào lòng người nông dân, mà lại chọn cái câu trừu tượng như thế. Thật ra, nếu suy nghĩ cho kĩ thì câu đó chẳng chuyển tải một thông tin gì cả.

Chỉ cần nói chuyện với vài phụ huynh ở vùng quê là tôi có thể biết được tình trạng học trò bỏ học và hiểu thêm tại sao bỏ học. Tôi không có con số cụ thể về số học trò bỏ trường, nhưng chỉ đếm qua một số gia đình chung quanh nhà tôi, thì ước tính có thể lên đến 10%, đặc biệt là ở người Khmer và những gia đình nghèo khó. Có em học đã đến lớp 5 rồi, học đàng hoàng, mà gia đình đành phải rút về làm ruộng. Có gia đình thì dùng chiến lược ưu tiên, và tiêu chuẩn ưu tiên là dựa vào trai hay gái, hoặc khả năng học hành. Đứa nào học giỏi thì được cho học tiếp, đứa nào học dở thì rút về nhà giúp việc. Tình trạng này chắc chắn sẽ tạo ra một sự bất ổn trong xã hội trong tương lai.

Không chỉ học sinh tiểu học, mà ngay cả đại học cũng có người bỏ học, tuy con số thấp hơn. Có một trường hợp thú vị: một em gốc Khmer học giỏi, thi đậu vào 3 trường đại học (2 đại học ở Sài Gòn và 1 ở ĐH Cần Thơ), nhưng cuối cùng thì giấc mơ đại học cũng đành phải bỏ. Ba má em ấy lí giải rằng: học để làm gì, nhìn quanh số sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp tùm lum cả, mà ngay cả xin được việc thì cũng cần đến 500 triệu đồng đút lót thì làm sao nhà có khả năng lo nổi. Tôi kinh ngạc về con số 500 triệu đồng (tức là 25000 đôla), nên phải hỏi lại cho chắc ăn, thì bà con đều khẳng định đó là con số tiêu biểu, có trường hợp thấp hơn nhưng cũng có trường hợp cao hơn. Tình trạng mua chức đâu phải chỉ ở ngoài Bắc, mà đang lan về nông thôn miền Tây rồi đấy.

Tại sao bỏ học? Tôi chỉ cần trò chuyện với một số bà con chòm xóm là có thể biết được nguyên nhân, và một trong những nguyên nhân chính là … nghèo. Nghèo vì thiếu tiền để đóng học phí, để đóng vào hàng tá quĩ mà cái hệ thống giáo dục này nó nghĩ ra để móc túi người dân. Một em học trò lớp 2 phải đóng cho nhà trường khoảng 1.2 triệu đồng mỗi năm, số tiền này kể cả bảo hiểm (chẳng biết bảo hiểm gì). Thật ra, tiền bảo hiểm còn cao hơn cả tiền học phí. Đó là chưa kể tiền đóng góp vào những quĩ của trường, và thường là đóng hàng tuần hoặc hàng tháng. Tuy tiền đóng cho quĩ không nhiều, nhưng cộng nhiều quĩ lại cũng lên đến con số khoảng 500 ngàn đồng mỗi năm. Rồi đến lớp cao hơn, mỗi em học sinh phải đóng tiền "phụ đạo" khoảng 300 ngàn mỗi 3 tháng (vị chi là 1.2 triệu mỗi năm). Như vậy, một em học sinh phải "cúng" cho nhà trường (hay Nhà nước) tối thiểu 1.7 triệu đồng, nếu cỡ lớp 5 trở đi thì mỗi năm phải tốn ~3 triệu đồng. Nếu gia đình có 2 con, thì con số có thể lên đến 3.5 triệu đồng (tối thiểu).

Như tôi từng nói trước đây, con số vài triệu đồng đối với người thành thị thì có lẽ không nhiều, nhưng ở vùng quê thì là cả một gia tài. Đại đa số người dân miệt quê làm ruộng, mà cũng không nhiều nhu trước 1975. Thời VNCH, mỗi gia đình có thể có tối thiểu 10 công đất, thì nay con số đó chỉ 5 công, giảm phân nửa. Làm ruộng ngày nay là một cuộc đấu tranh sinh tồn với thiên nhiên. Đủ thứ đe doạ trực chờ người nông dân, từ nước phèn (ngập mặn), đến sâu rầy, tất cả đều có khả năng làm cho một vụ mùa mất trắng. Một số thiên tai là do chính các quan chức du nhập từ nước ngoài, đặc biệt là Tàu cộng, vào (ví dụ như ốc bưu vàng). Để chống trả, người dân phải dùng đến thuốc hoá học đắt tiền. Để dùng thuốc hoá học thì phải vay tiền từ ngân hàng. Đến mùa làm xong ra hạt lúa thì bị bọn gian thương chèn ép giá cả. Bọn gian thương lớn nhất, dã man nhất, vô cảm nhất, và đáng phỉ nhổ nhất chẳng ai khác hơn là Vinafood! Đây là tập đoàn của Nhà nước, cái tên này đã từng được Gs Võ Tòng Xuân và báo chí vạch mặt là bọn làm cho nông dân nghèo. Cho dù có bán được lúa cho chúng, thì sau khi bán là bị ngân hàng đến đòi nợ. Trả nợ xong xuôi đâu đó cả gia đình có thể chỉ còn dư độ 5-10 triệu đồng. Rồi lại vay nợ để làm vụ kế tiếp, để rồi cái chu kì nợ - chèn ép – trả nợ - nghèo lại tiếp tục.

Thử hỏi một người nông dân dành dụm được số tiền 5-10 triệu đồng làm sao có khả năng lo chuyện học hành cho con cái. Đó chính là lí do tại sao nhiều em học trò ở nông thôn bỏ học. Học sinh ở nông thôn bỏ học đâu phải vì họ không muốn "hoàn thiện bản thân", mà vì họ không có tiền để đóng cho nhà trường. Có trớ trêu không khi một nhà nước nhân danh "xã hội chủ nghĩa" mà học trò phải đóng tiền học phí còn (tương đối) cao hơn cả ở những nước tư bản mà có thời nhà nước này cho rằng họ ác ôn và bóc lột. Viết đến đây làm tôi nhớ đến một bài viết trong cuốn "Báo Tuổi Trẻ đã viết" (mới xuất bản năm nay nhân kỉ niệm 40 năm thành lập báo), trong đó ông cận vệ chủ tịch Hồ Chí Minh (nay là thiếu tướng) viết về một chuyến đi thăm một người nghèo ở Hà Nội, và ông HCM thốt lên ".. Người nghèo còn nhiều. Một đảng cầm quyền mà để người dân mình nghèo hết còn chỗ để nghèo thì đó là lỗi của đảng với nhân dân …", rồi ông giảng thêm: "Làm cách mạng là phải lo cái ăn, cái ở và sức khoẻ của dân." Câu này ổng nói đã 45 năm trước, nhưng xem ra cho đến nay vẫn chưa thành hiện thực.

Làm sao thành hiện thực khi mà ngay cả làm giáo dục dựa vào tuyên truyền. Thật ra, cái gì ở VN cũng làm theo phong trào và tuyên truyền. Tai nạn giao thông tăng? Biện pháp là tăng cường tuyên truyền và "giáo dục" dân chúng. Sâu bọ hoành hành đồng ruộng? Tuyên truyền. Học sinh bỏ học? Tuyên truyền. Tuyên truyền thì chỉ cần cái pano hay vài câu ngớ ngẩn là xong, ai muốn hiểu sao thì hiểu, chứ có hiệu quả gì đâu. Cuối cùng, tôi nghĩ mấy người làm giáo dục ở đây cũng chỉ làm cho có, nhưng chắc gì họ nghĩ đến hiệu quả. Và hệ quả là người dân lãnh đủ, học sinh bỏ học vì nghèo, và Nhà nước mang danh XHCN không làm tròn nhiệm vụ cao cả đối với cộng đồng dân tộc.







No comments:

Post a Comment