Thu, 08/27/2015 - 21:27 — nguyenthituhuy
Liên quan đến câu hỏi của bài trước, «Chúng ta còn tiếp
tục sống như thế này đến bao giờ ?», là một câu hỏi khác, mà có lẽ rất
nhiều người trong chúng ta đã và đang tự đặt ra cho chính mình và đặt ra cho những
người xung quanh, cho toàn bộ xã hội, trong bối cảnh bi đát hiện nay:
« Vậy phải làm gì ? ». Hoặc cũng có thể đặt câu hỏi này theo
cách khác : « Vậy phải sống như thế nào ? ».
Câu hỏi này, « phải sống như thế
nào ? », thực ra Václav Havel đã trả lời cho chúng ta từ những năm 70
của thế kỷ trước.
Câu trả lời của Havel : «Sống trong sự thật ».
Câu trả lời này được đưa ra xuất phát từ sự phân
tích và nhận thức của Havel về các đặc trưng cơ bản của hệ thống toàn trị :
đó là một hệ thống vận hành dựa trên nguyên lý của sự dối trá. Hệ thống toàn trị
còn tồn tại chừng nào các cá nhân trong đó còn tham gia vào các trò diễn dối
trá của nó. Vì thế mà sống chân thực, sống trong sự thật, trở thành một thứ sức
mạnh, một thứ quyền lực. Và sống trong sự thật chính là để khôi phục lại phẩm
giá và đạo đức cho mỗi cá nhân và cho toàn xã hội.
Như vậy ở đây ta thấy một cách rõ ràng sự gặp gỡ giữa
ý tưởng của Havel ở những năm 1970 về sức mạnh chính trị của lối sống trong sự
thật và thực tế về sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu từ cuối thập niên 1980, nếu
ta đồng ý với Leon Aron rằng Liên Xô tan rã là vì người Nga muốn bảo vệ nhân phẩm,
muốn có một cuộc sống đạo đức, với đầy đủ các giá trị tinh thần, vì họ muốn từ
bỏ cuộc sống nhục nhã trong dối trá.
Chính Havel, trong tác phẩm « Quyền lực của kẻ
không quyền lực », viết năm 1978, cũng tìm cách trả lời cho câu hỏi do
chính ông đặt ra: « Thế thì phải làm gì ? ».
Do đánh giá được ý nghĩa to lớn của việc sống trong
sự thật mà Havel nhìn thấy tầm quan trọng của những người bất đồng chính kiến
và hoạt động của xã hội dân sự, hai trong số các yếu tố có ảnh hưởng tới sự tồn
vong của chế độ toàn trị.
Trước tiên, đối với Havel, ý nghĩa của các hoạt động
bất đồng chính kiến nằm trong chính việc thiết lập hình thức « sống trong
sự thật » để chống lại sự dối trá vốn là nguyên lý vận hành của hệ thống
toàn trị. Ông viết : « công việc chính của các “phong trào bất đồng
chính kiến” là phụng sự sự thật, tức là, phụng sự những mục tiêu chân chính của
sự đời, và nếu nó nhất định phải phát triển thành phong trào bảo vệ cá nhân và
quyền được sống cuộc đời tự do và chân thực của anh ta (có nghĩa là bảo vệ các
quyền con người và đấu tranh để buộc người ta tôn trọng pháp luật) thì
cách tiếp cận này phải có một giai đoạn tiếp theo, có thể là giai đoạn trưởng
thành nhất cho đến nay, tức là giai đoạn mà Václav Benda gọi là tạo ra những
“cơ cấu song hành”” (Trích “Quyền lực của kẻ không quyền lực”, bản dịch của
Phạm Nguyên Trường).
Theo phân tích của Havel, khi những người bất đồng
chính kiến bị đẩy ra khỏi cơ cấu chung của xã hội hiện hành thì họ kết nối lại
với nhau và cùng nhau tạo thành một cơ cấu riêng của họ, tồn tại song song với
cơ cấu toàn trị. Khi những cơ cấu này đủ lớn mạnh họ sẽ tạo ra “cuộc sống tự chủ
của xã hội”. Và khi nào đời sống độc lập này của xã hội được tổ chức một cách
chặt chẽ và được thể chế hóa thì lúc đó đời sống chính trị song hành sẽ được
hình thành. Ta có thể thấy Hội cựu tù nhân lương tâm Việt Nam và một số hội độc
lập khác chính là minh chứng cho phân tích của Havel. Tuy nhiên, ta còn chưa biết
đến bao giờ thì những tổ chức này đủ lớn mạnh và được tổ chức một cách chặt chẽ
để hình thành một đời sống chính trị song hành với đời sống chính trị toàn trị
hiện nay ở Việt Nam.
Về các tổ chức xã hội dân sự, Havel cho rằng các hoạt
động xã hội dân sự có vai trò quan trọng trong việc phục hồi đạo đức xã hội, bởi
vì chúng “ phục hồi những giá trị như niềm tin, cởi mở, trách nhiệm, tương trợ,
yêu thương”. Trong định nghĩa của Havel, các tổ chức xã hội dân sự là những tổ
chức hình thành một cách tự phát, do sự thúc đẩy của các nhu cầu có thực của đời
sống. Chính những nhu cầu thực sự đó gắn kết mọi người lại với nhau trong những
bối cảnh cụ thể của đời sống để cùng nhau giải quyết vấn đề. Và khi vấn đề đã
được giải quyết thì tổ chức ấy có thể giải tán, để rồi sau đó các tổ chức khác
lại hình thành khi mà các vấn đề của cuộc sống được đặt ra và đòi hỏi được giải
quyết. Vì thế các tổ chức ấy giống như những mảnh ghép muôn hình muôn dạng
trong xã hội, nảy nở, sinh sôi và tán tụ cũng theo một cách thức hết sức linh
hoạt.
Những hoạt động như phong trào phản đối vụ chặt cây
Hà Nội chính là hoạt động xã hội dân sự theo định nghĩa của Havel. Phong trào
phản đối chặt cây xanh đã diễn ra theo đúng nhịp thở của đời sống, nó nhằm bảo
vệ nhu cầu được sống trong môi trường xanh của con người. Và cũng vì thế, theo
định nghĩa của Havel, nếu sau khi mục đích đã đạt được, phong trào vì cây xanh
có tan rã thì cũng là bình thường. Những người đấu tranh không nên lo lắng và
những người chứng kiến không nên thất vọng. Xã hội dân sự giống như những làn
sóng biển, bọt sóng sẽ tung lên thành hoa khi những con sóng tiến vào gần bờ, để
rồi khi lên bờ hoa sóng sẽ tan ra thành nước và quay trở lại biển, và nước biển
sẽ tiếp tục tạo nên những đợt sóng khác. Càng có nhiều đợt sóng thì xã hội dân
sự càng sôi động, nghĩa là xã hội càng được “sống”, trong khi mà hệ thống toàn
trị muốn bót nghẹt tất cả, muốn bịt miệng tất cả và muốn xếp con người vào hộp
như những hộp cá trích. Những tổ chức như Hội Nhà báo Độc lập sẽ phải tồn tại
lâu hơn, vì mục đích của nó là tự do xuất bản, tự do ngôn luận, quyền lập hội,
quyền biểu tình... những mục đích này còn lâu lắm mới có thể đạt được, nếu ta
nhìn thẳng vào thực trạng của nền chính trị hiện hành.
Theo quan sát của Havel, các tổ chức xã hội dân sự
không có tham vọng bành trướng và thực thi quyền lực. Mà đó là những cơ cấu gắn
bó với nhau bằng những cảm nhận chung về trách nhiệm đối với cộng đồng. Đấy
chính là sự khác biệt của các cơ cấu xã hội dân sự so với các hoạt động chính
trị truyền thống. Ông viết: “Chẳng phải là những nhóm này sinh ra, trưởng
thành và tiêu vong dưới áp lực của những nhu cầu đích thực và cụ thể, chứ không
phải mang trên vai gánh nặng của những truyền thống trống rỗng hay sao? Những cố
gắng của họ nhằm sáng tạo một hình thức cụ thể của sống trong sự thật và khôi
phục lại cảm giác về trách nhiệm trong một xã hội thờ ơ chẳng phải là dấu hiệu
thực sự về sự hồi sinh đạo đức hay sao?”
Như vậy, hoạt động của xã hội dân sự chính là dấu hiệu
của sự hồi sinh đạo đức trong một cơ chế chính trị mà quyền lực được xây dựng
nhờ vào sự huỷ diệt đạo đức, nhờ vào sự tha hóa của con người.
Điều đó khiến cho các hoạt động của xã hội dân sự
mang một ý nghĩa hết sức quan trọng.
Nice, ngày 27/8/2015
Nguyễn
Thị Từ Huy
---------------------------------------
Thu, 08/27/2015 - 15:50 — nguyenthituhuy
No comments:
Post a Comment