Monday, August 24, 2015

Kinh tế Trung Quốc suy yếu ảnh hưởng toàn cầu (Hà Tường Cát – Người Việt)





Monday, August 24, 2015 3:50:05 PM 

Thị trường chứng khoán trên toàn thế giới rớt mạnh do lo sợ của các nhà đầu tư  về tình hình kinh tế Trung Quốc tiếp tục xuống dốc. Qua một tuần lễ sút giảm kỷ lục, hôm Thứ Hai không có dấu hiệu đã qua cơn sóng gió.

Chứng khoán Trung Quốc xuống gần 9% qua đêm và tình trạng bán tháo ổ ạt  vẫn gia tăng  sáng Thứ Hai.  Cuối tuần trước, không thấy có kế hoạch nào để đáp ứng với tình thế, và các nhà đầu tư trong nước cũng như ngoại quốc tin là có vẻ chính quyền Trung Quốc muốn ủng hộ giá cả thị trường. Những đợt bán tháo ồ ạt trước kia được đối phó bằng giải pháp cấm các đại công ty xí nghiệp bán ra nhằm hưởng lợi giảm lãi suất.

Sự thiếu giải pháp ứng phó có thể là dấu hiệu xấu – chứng tỏ Trung Quốc không còn phương cách gì hiệu quả, và do đó làm tổ hại uy tín của một chính quyền đã có nhiều câu kết  vào thị trường đang lên của họ. Nhưng mặt khác đó có thể là dấu hiệu tốt nếu như quả thật Trung Quốc giữ đúng lời nói là chấm dứt việc thao tùng thị trường để tạo điều kiện cho cải cách.

Sáng Thứ Hai khi Thị Trưởng Chứng Khoán mở cửa giao dịch, Dow Jones xuống 1,089 điểm (6%) chưa hề thấy từ xưa đến nay trong một ngày. Theo Stephen Guilfoyle  của Deep Value, thị trường gần đi tới chỗ hoảng hốt, tuy nhiên nhớ lại vụ chứng khoán  rớt năm 1987 thì ông thấy chưa đến nỗi nào. Nhưng 40 phút sau Dow lấy lại được phân nửa mất mát  ban đầu và đến quá trưa ổn định ở mức 16,330 nghĩa là chỉ mất 120 điểm hay 0.8%. S&P rớt 20 điểm hay 1% còn 1,951. Nasdaq xuống 18 điểm hay 0.4% còn 4,687.

Tại Anh chỉ số FTSE 100 kết thúc vào cuối ngày xuống 4.6% còn 5,898.87, tương đương trị giá mất 73.75 tỷ bảng Anh.  Các thị trường chính ở Âu Châu khác như Pháp xuống 5.5% và Đức xuống 4.96%.

Trong hai ngày cuối tuần trước Dow giảm sút thê thảm, mất khoảng 900 điểm, tệ hại nhất trong năm. So với cao điểm hồi tháng 5, Dow xuống 10%. Lý do được giải thích bao gồm lo ngại trước tình hình phát triển trì trệ ở Trung Quốc, bất ổn tài chính tại Hy Lạp đặc biệt sau khi Thủ Tướng từ chức, giá dầu thô hạ và dự đoán lãi suất tăng. Tuy nhiên có lẽ quan trọng nhất là tâm lý của các nhà đầu tư lo ngại rằng kinh tế Mỹ không đủ mạnh để chống đỡ những biến động từ nước ngoài đặc biệt là Trung Quốc.

Lo lắng về kinh tế Trung Quốc trì trệ làm nhu cầu tiêu thụ dầu lửa giảm mạnh. Dầu thô tiếp tục xuống giá 8 tuần liên tiếp, mức giảm liên tục kéo dài nhất kể từ 1986. Một thùng dầu tiêu chuẩn Mỹ chỉ còn dưới $40 và dầu Brent crude khoảng $45. Vàng giao vào tương lai vững giá ở $1,159 một ounce, chỉ xuống 60 cents nghĩa là dưới 0.1%.

Cũng trong tuần trước, chỉ số Caixin bất ngờ xuống tới 47.1, dưới 50 có nghĩa là kinh tế co cụm. Chỉ số của sàn chứng khoán Thượng Hải giảm 4.3%. và đã mất 8.5% chỉ còn 3,210 gần tới chỗ xóa hết những gì đã đạt được trong năm nay.

Hugh Johnson, chủ tịch cơ quan tư vấn Hugh Johnson Avisors, nói với CBS Money Watch: “Tất cả tình hình hiện nay khởi đầu từ cái bong bóng chứng khoán ở Trung Quốc với gia tăng 160% trong hai năm từ tháng 6/2013 đến tháng 6/2015”. Ông nói: “Khi tháo hơi một cái bong bóng, nó sẽ không ngừng lại ở 30% hay 35%, nhất là với tác động của các nhà đầu tư, 90 triệu nhà đầu tư Trung Quốc. Đó là điều đang xảy ra và sẽ không ngưng ở 35%”. Ông cũng nói thêm rằng những nhà đầu tư Trung Quốc chiếm trên 50% những người ngoại quốc nắm giữ cổ phiếu Mỹ.  

Tình trạng bán tháo tăng nhanh hôm Thứ Hai là áp lực nặng nề cho Bắc Kinh, đã dự tính sẽ tung thêm nhiều tiền mới vào hệ thống ngân hàng để bù lại những hiệu ứng của việc đột ngột hạ giá đồng nhân dân tệ vừa qua. Động thái này nhằm giải phóng thêm vốn cho vay – bằng cách giảm tiền ký quỷ mà ngân hàng phải giữ lại làm dự trữ. Nhưng đồng thời cũng sẽ khiến Trung Quốc mất nhiều tư bản chuyển ra nước ngoài.

Ngay  nội bộ Ngân Hàng Nhân Dân Trung Quốc (PBOC) cũng có những ý kiến không đồng ý với chính sách này. Một giới chức không nêu danh tánh cho là: “Ngân hàng trung ương lẽ ra không nên tung tiền ra tràn ngập thị trường nếu có thể chọn giải pháp khác”.  Hối suất do PBOC ấn định cho đồng nhân dân tệ không được áp dụng thực tế và  trên thị trường đồng tiền này mất giá nhiều hơn.

Trong cuộc khủng hoảng tiền tệ thế giới năm 2006 và 2008, Trung Quốc với một kế hoạch kích thích khổng lồ, đóng vai trò tiếp nhận và làm nhẹ va chạm, nhưng bây giờ lại chính là Trung Quốc tạo ra những va chạm ấy.  Xuất lượng (tên do chuyên gia  kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa dùng cho từ 'output') của Trung Quốc chì chiếm 15% toàn cầu nhưng đóng góp tới trên phân nửa tăng trưởng.
                                                                                                                                     Giới chức lãnh đạo kinh tế Trung Quốc tuần trước kêu gọi các ngân hàng tăng ngân khoản và đẩy nhanh việc cho vay để hỗ trợ các dự án nhà nước, theo họ sự thiếu vốn là nguyên nhân hàng đầu của phát triển đầu tư. Han Zhifeng, chủ tịch Ủy Ban Phát Triển và Cải Cách thuộc bộ đầu tư nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo là Trung Quốc Phát Triển Ngân Hàng (CDB) đã hứa hẹn cung ấp 1,160 tỷ nhân dân tệ ($181.4 tỷ) cho 11 dự án đầu tư chủ chốt do chính quyền đề ra năm nay, nhưng đến bây giờ mới chỉ có 71.9 tỷ nhân dân tệ. Một ngân hàng khác, ngân hàng phát triển nông nghiệp, hứa hẹ cung cấp 46.2 tỷ nhân dân tệ nhưng mới chỉ đưa ra 2.8 tỷ.

Vừa đây, hành động chậm chạp với thảm họa tại Thiên Tân là thêm một sự kiện khác về sự chập choạng đối phó khủng hoảng của chính quyền Trung Quốc. “Thế giới bắt đầu nhận ra rằng Trung Quốc không có đủ trình độ như người ta tưởng, đặc biệt là trong kinh tế mà ai cũng đã cho họ điểm cao”. Đó là nhận định của Fraser Howie, đồng  tác giả cuốn sách: “Tư Bản Đỏ: Cơ sở mỏng manh trong sự phát triển của Trung Quốc”.

Phân tích gia kinh tế Brian Kelly nói với thông tấn xã Reuters hôm Chủ Nhật rằng: “Rối loạn kinh tế toàn cầu hiện nay là do hai nguyên nhân chính: Dầu lửa và Trung Quốc. Tình thế tương lai sẽ tùy thuộc vào việc ứng phó của thế giới với vấn đề năng lượng, và chính sách hiệu quả của nhà cầm quyền Bắc Kinh để vượt qua bế tắc mà chình họ đã tạo nên”.  (HC)

-----------------------

Monday, August 24, 2015 3:56:55 PM 


BẮC KINH, Trung Quốc (AFP) - Thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh hôm Thứ Hai, xóa sạch những tăng trưởng có từ đầu năm tới nay và khiến các thị trường chứng khoán khác ở Á Châu cùng khắp thế giới lâm vào tình trạng khốn đốn. 

Các nỗ lực can thiệp để vực dậy thị trường của chính quyền Trung Quốc xem ra không có hiệu quả và không tạo được sự tin tưởng nơi người đầu tư.
Giá cổ phiếu Trung Quốc đã sút giảm từ giữa Tháng Sáu tới nay và nhà cầm quyền đã có nhiều hành động can thiệp nhằm ngăn không cho suy sụp hơn nữa. Tuy nhiên, các lo ngại về sự khựng lại của phát triển kinh tế cùng là giá trị thực sự của cổ phiếu đã khiến tiếp tục có sự suy thoái.
Việc chính quyền Bắc Kinh bất ngờ phá giá đồng yuan hôm 11 Tháng Tám tạo thêm sự lo ngại rằng nền kinh tế lớn hàng thứ nhì thế giới này không thực sự vững mạnh như đã nghĩ, gây ra tình trạng bán tống bán tháo cổ phiếu, xóa đi hơn $5 ngàn tỷ ở khắp thị trường chứng khoán thế giới.
Không chỉ ở Trung Quốc mà các thị trường tại Hồng Kông, Đài Loan, Tokyo, cũng như New York, với chỉ số Dow có lúc xuống hơn 1,000 điểm trong ngày.
“Tình hình kinh tế Trung Quốc lúc này không khả quan cho lắm,” theo lời Wu Kan, một giới chức điều hành quỹ đầu tư ở Thượng Hải cho công ty JK Life Insurance cho Bloomberg News hay.
Nền kinh tế Trung Quốc, đóng phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế thế giới, năm ngoái đã phát triển ở mức thấp nhất từ năm 1990 đến nay, với tình hình năm nay còn tệ hại hơn nữa.
“Thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ còn xuống thấp hơn,” theo lời Qian Qimin, một phân tích gia thuộc công ty Shenwan Hongyuan, cho AFP hay.
“Đây cũng là điều bình thường vì các thị trường khác trên toàn thế giới cũng đang rớt xuống.”(V.Giang)










No comments:

Post a Comment