Friday, August 28, 2015

Khủng hoảng di dân: EU và các nước Balkan họp tìm giải pháp (Anh Vũ - RFI)





Anh Vũ  -  RFI
Đăng ngày 27-08-2015 

Ngày 27/08/2015, Thủ tướng Đức Angela Merkel và lãnh đạo các nước phía tây vùng Balkan đã họp tại Vienna để cùng tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng di dân đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Hai quốc gia Macedonia và Serbia, điểm trung chuyển chính của hàng chục ngàn người di cư tìm đường vào Liên Hiệp Châu Âu, đã kêu gọi UE phải khẩn trương hành động trước cuộc khủng hoảng di dân « lớn nhất từ sau Thế chiến thứ 2 ». Trọng tâm của hội nghị là tìm kiếm sự hợp tác giữa Liên Hiệp Châu Âu và các nước trong vùng trọng điểm cửa ngõ vào Tây Âu để đối phó với làn sóng nhập cư đã trở nên quá tải đối với các nước cả Đông và Tây Âu trong EU. Để giúp các nước phía tây Balkan, Berlin và Bruxelles đã chi 2,5 triệu euro.

Hội nghị lần này với sự có mặt của Thủ tướng Đức Angela Merkel và lãnh đạo Ngoại giao Châu Âu Feredica Mogherini cho thấy tầm mức quan trọng cần phải tìm giải pháp cho làn sóng di dân qua ngõ Balkan. Trong khi đó, các nước thành viên của EU vẫn không thể thống nhất được với nhau về việc phân bổ số người xin tỵ nạn đón nhận.

Từ đầu năm đến nay ,đã có hơn 102 nghìn người di cư qua các nước Balkan để tìm đường sang các nước Tây Âu. Dòng người từ Syria, Irak chạy lánh nạn chiến tranh trong những ngày qua ùn ùn đổ qua các nước Balkan để vào Liên Hiệp Châu Âu. Nhưng đồng thời còn có hàng nghìn người Albani, Kosovo và Serbia nhân cơ hội này cũng muốn đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn ở các nước trong Liên Âu. Bằng đủ mọi phương tiện, từ xe bus hay đi bộ, đoàn người di dân vượt qua các hàng rào thép gai, rồi đổ lên các chuyến tàu, gây ra những cảnh tượng hỗn loạn ở nhiều nước phía Đông Âu.

Hungary, một thành viên của UE, đang phải chật vật đối phó với làn sóng kỷ lục người di dân vượt qua đường biên giới với Serbia, hôm nay (27/8) thông báo chỉ trong ngày hôm qua đã có hơn ba nghìn người tỵ nạn tràn vào. Người nhập cư đổ vào Hungary càng lớn hơn khi mà đến ngày 31/8 tới nước này sẽ hoàn thành xây dựng bức tường rào dài 175 km dọc biên giới với Serbia. Hôm qua, đảng Fidesz cầm quyền tại Hungary dự tính yêu cầu Quốc hội cho phép triển khai quân đội dọc biên giới với Serbia để ngăn chặn người di cư.

Trong khi đó, ở một cửa ngõ khác đổ vào châu Âu là Địa Trung Hải, hôm qua lực lượng tuần duyên Ý đã phải tiến hành 10 đợt cứu vớt người tỵ nạn bị đắm thuyền trên đường vượt biển từ Lybia sang đảo Sicile. Theo lực lượng cảnh sát biển Ý, họ đã vớt được 3000 thuyền nhân và tìm thấy 55 xác người chết trên 3 chiếc thuyền tồi tàn.

---------------------------
27 tháng 8 2015

Lượng người nhập cư thực sự vào Anh ước tính là 330 ngàn người tính đến tháng Ba, là con số cao kỷ lục, Cục Thống kê Quốc gia của Anh (ONS) nói.
Số liệu - được tính bằng cách lấy tổng số người nhập cư vào Anh trừ đi tổng số người di cư ra khỏi Anh - hiện cao hơn gấp ba lần so với mục tiêu chính phủ đề ra.
Năm 2014, 13% dân Anh là người sinh ra ở nước ngoài, đạt 8,3 triệu người.
Quan chức phụ trách vấn đề nhập cư James Brokenshire nói tình hình 'vô cùng đáng thất vọng'.
Đây là quý thứ năm liên tiếp lượng người nhập cư thực sự tăng thêm, điều mà ONS nói là do số lượng các công dân EU vào Anh tăng.
Số thực các công dân EU là 180 ngàn, tăng 53 ngàn so với tháng Ba năm ngoái.
Số lượng người tới từ các nước ngoài khối EU vẫn cao, đạt 196 ngàn. Nhưng mức tăng hàng năm so với trước đã giảm, đạt 39 ngàn người.

Hồi 2011, Thủ tướng David Cameron trong một bài phát biểu nói rằng ông hứa hẹn "không có chuyện 'nếu', không có chuyện 'nhưng'" và ông sẽ giảm lượng người nhập cư xuống "những mức mà đất nước chúng ta có thể kiểm soát đươc".
Sau khi những số liệu mới nhất này được công bố, chính phủ nói rằng họ đang hành động để kiểm soát tình trạng nhập cư nhưng nói EU cần phải hành động nhiều hơn nữa để giúp giảm bớt cuộc khủng hoảng di dân hiện thời trên toàn châu Âu.

Brokenshire nói: "Những số liệu ghê gớm này là vô cùng đáng thất vọng."
"Trong lúc các số liệu cho thấy những thách thức chúng ta phải xử lý nhằm giảm lượng nhập cư ròng, chúng cũng cho thấy lời cảnh tỉnh đối với EU."
"Dòng người di chuyển trên khắp châu Âu hiện nay đang ở quy mô chưa từng thấy kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai tới hay. Điều này không thể kéo dài, và nó có nguy cơ gây hại cho sự phát triển kinh tế của các quốc gia thành viên khác trong EU."

Một số thông tin ONS đưa ra dựa trên các số liệu mới nhất:
  • Ấn Độ là nơi xuất xứ của nhóm dân số lớn nhất hiện sống tại Anh nhưng sinh ra bên ngoài nước Anh, với 793 ngàn cư dân được sinh ra tại Ấn Độ
  • Ba Lan là quốc tịch phổ biến nhất trong nhóm cư dân không mang quốc tịch Anh, với 853 ngàn người (trong đó gồm cả những người được sinh ra tại Anh) nhận mình là người Ba Lan
  • Có 25.771 đơn xin tỵ nạn tính đến tháng Sáu 2015, tăng 10% so với 12 tháng trước. Tổng số 11.600 người đã được cấp quy chế tỵ nạn hoặc hình thức bảo hộ khác.






No comments:

Post a Comment