Đăng ngày 25-08-2015
Người
tỵ nạn vẫn là đề tài “nóng” nhất trên chính trường Hungary khi nó được nhắc tới
nhiều lần trong các phát biểu của giới lãnh đạo thượng đỉnh nước này trong Đại
lễ 20/8 vừa qua, trong bối cảnh một phần của hàng rào ngăn dân tỵ nạn dọc biên
giới Hungary - Serbia sắp được hoàn thành.
Song song với việc rốt ráo xúc tiến việc dựng hàng
rào, Chính phủ Hungary còn đưa ra hàng loạt chủ trương khác - mà truyền thông
nước này cùng các tổ chức dân sự, bảo vệ nhân quyền cho là mang xu hướng bài
ngoại - nhằm hạn chế làn sóng người tỵ nạn, tuy nhiên tính hiệu quả của chúng
chưa được chứng tỏ. Từ Budapest, thông tín viên Hoàng Nguyễn tường trình:
NGHE :
Hoàng Nguyễn, Budapest.25/08/2015
Những
phát biểu nghiêm trọng của chính giới
0/8 là một trong ba Quốc lễ thường niên của Hungary,
đồng thời là Quốc khánh nước này. Đó là ngày kỷ niệm vị vua lập quốc của
Hungary, Thánh István hay István Đệ nhất, người sáng lập nước Hung Công giáo
vào cuối năm 1000, đầu năm 1001.
István Đệ nhất, trong lá thư gửi Hoàng thái tử Imre
hơn một ngàn năm trước, đã có những lời huấn dụ cho tới nay vẫn hay được trích
dẫn, theo đó một đất nước chỉ có một ngôn ngữ và một phong tục thì là đất nước
yếu ớt và bạc nhược, và cần tôn trọng và đối xử tốt với người nhập cư.
Có lẽ muốn phản hồi lại những ý kiến như vậy, nên
ngay trong ngày kỷ niệm vị vua lập quốc, trong lễ phong hàm sĩ quan trọng thể
cho các quân nhân quân đội Hungary, cả Tổng thống lẫn Bộ trưởng Quốc phòng Hung
đều có những phát biểu mạnh mẽ một cách hiếm thấy.
Cụ thể, Tổng thống Áder János cho rằng kể từ khi lập
quốc tới nay, nước Hung luôn phải tự vệ và tái thiết mình bằng sức lực của
chính mình. Nhất là trong thời hiện tại, khi chưa bao giờ Châu Âu và nước Hung
bị đe dọa đến thế bởi những hiểm nguy mới đến từ bên ngoài.
Tổng thống Hungary nhấn mạnh: trên cương vị thành
viên khối NATO và Liên hiệp Châu Âu, Hungary ảo tưởng rằng sẽ không còn bị đe dọa,
nhưng hiểm họa của một cuộc Chiến tranh lạnh mới - trong đó có vấn đề người tỵ
nạn - khiến việc tự bảo vệ tổ quốc là điều sống còn.
Tiếp lời vị nguyên thủ quốc gia, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
Hende Csaba còn dùng những từ ngữ mạnh mẽ hơn, khi ông khẳng định Tổ quốc
Hungary không phải là nơi ai thích đến thì đến, thích đi thì đi, mà cần đưa hiện
tượng di cư vào khuôn khổ pháp luật, chẳng hạn bằng việc dựng hàng rào.
Nhân đó, ông Hende Csaba cũng biểu dương các quân
nhân Hungary đã tham gia xây dựng hàng rào ngăn người tỵ nạn trên tuyến biên giới
Hung - Serbia ngay cả trong những ngày nóng nực nhất của mùa hè năm nay.
Gần
xong hàng rào, nhưng dân tỵ nạn vẫn tới
Những phát biểu của giới lãnh đạo thượng đỉnh
Hungary tiếp tục làm nóng vấn đề làn sóng tỵ nạn ở Hung, và giải pháp do chính
quyền nước này đưa ra, là dựng một “bức màn sắt” mang tính chất “vệ quốc” dài
175 cây số tại biên giới Hung - Serbia, khởi đầu từ trung tuần tháng 7.
Hàng rào sắt này, theo dự kiến, sẽ được hoàn tất vào
tháng 11 năm nay. Tuy nhiên, một phiên bản tạm thời của nó - chướng ngại vật bằng
sắt được cài đặt dọc biên giới - thì đã được thực hiện trên 110 cây số, phần
còn lại (65 cây số) sẽ xong trong tháng này, theo kế hoạch.
Xung quanh việc dựng hàng rào, ngay từ lúc khởi xây,
đã rộ lên những cuộc tranh luận liên quan tới tính hiệu quả của nó. Giới ký giả
Hung đặt vấn đề, hàng rào được xây trên lãnh thổ Hung, do đó bất cứ ai đã tiến
đến hàng rào và yêu cầu được tỵ nạn, thì Hung bắt buộc phải xét đơn của người
đó.
Đây là điều mà chính quyền Hung không thể phủ nhận
và nó cũng đã diễn ra trong thực tế kể từ khi “bức màn sắt” bắt đầu được dựng
cho tới nay, tuy nhiên câu hỏi dựng hàng rào làm gì, tốn công tốn của, vẫn
không được giới lãnh đạo Hung lý giải một cách thấu đáo.
Hơn nữa, như thử nghiệm của một nhóm ký giả Hung (được
đăng tải trên báo chí), hàng rào tạm thời có thể bị vô hiệu hóa khá dễ dàng bằng
bất cứ công cụ gì, như kìm, kéo, v.v... nên với những người tỵ nạn muốn vượt
qua, nó không phải là một trở ngại đáng kể.
Bên cạnh đó, nhiều người tỵ nạn đã không vượt biên
qua “đường rừng”, mà nhờ sự hỗ trợ của các nhóm đưa người, hoặc giới tài xế
Hungary. Do đó, lượng người tỵ nạn nhập cảnh Hung hàng ngày vẫn ở mức 1-2 ngàn
người, chủ yếu đến từ Syria, Afghanistan, Iraq và Pakistan.
Đối với các nước láng giềng, “hàng rào vệ quốc” của
Hungary gặp phải thái độ bất bình. Serbia cho rằng dựng hàng rào thì quá dễ, chỉ
còn thiếu nước mắc điện vào đó, nhưng đây không phải là cách xử lý vấn đề người
tỵ nạn và EU lẽ ra không được nhắm mắt cho Hung làm điều đó.
Croatia thì cho rằng hành động của Hung khiến dòng
người tỵ nạn dồn về phía nước này, và Ủy ban Châu Âu cũng cho rằng, cho dù Hung
thuộc hàng những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi vấn đề tỵ nạn, nhưng “chúng
ta ở đây là để dỡ tường, chứ không phải để xây mới”.
Tiếp
tục những biện pháp “mạnh”
Bên cạnh việc xây tường, chính quyền Hungary tiếp tục
có những phát ngôn và biện pháp nghiêm ngặt đối với người nhập cư và tỵ nạn. Thủ
tướng Orbán Viktor đề nghị điều động nhiều ngàn cảnh sát tới biên giới Hungary
- Serbia, với nhiệm vụ bảo vệ biên giới.
Đối tượng của những đơn vị cảnh sát này là người nhập
cư bị coi là ngày càng có hành động quá khích và có đòi hỏi hung hãn. Bên cạnh
đó, Quốc hội Hungary đang bàn thảo về việc sửa đổi Đạo luật Hình sự, cho phép
tuyên án tù giam 3-4 năm đối với những kẻ vượt biên bất hợp pháp vào Hung.
Bình luận về những động thái mới này, báo chí Hung
cho rằng, chiến dịch bài xích người tỵ nạn của chính quyền Hung đã có thêm một
yếu tố kích động mới, khi lãnh đạo Hungary cho rằng dân tỵ nạn vượt biên trái
phép vào Hung ngày càng hung hãn và lắm đòi hỏi, hạch sách.
Trước đây, chính quyền Hung đã tìm cách kích động
dân chúng để công luận sinh ác cảm với người tỵ nạn (rằng người tỵ nạn cướp việc
của dân Hung, không tôn trọng nền văn hóa Hung và lan truyền khủng bố), thì giờ
đây họ mới nghĩ thêm ra rằng người tỵ nạn hung hãn.
Tuy nhiên, trên thực tế, những tin hình sự hàng ngày
không xác nhận điều đó. Người tỵ nạn không xuất hiện trong các vụ việc hình sự
tại Hung, hoặc nếu có thì cũng chỉ mới trên tư cách nạn nhân, khi họ bị một số
thành phần Hung bất hảo lợi dụng, lừa đảo và cướp bóc.
Một ký giả Hung còn bỏ công nhập vai làm người tỵ nạn
và qua nhiều trải nghiệm trong hệ thống quản lý tỵ nạn ở Hung, anh đã cảm nhận
được rất nhiều điều nhưng không thấy sự hung hãn trong các nhóm tỵ nạn, theo
chia sẻ của nhà báo này trong loạt bài phóng sự điều tra.
Truyền thông Hung nhận xét rằng, xuất phát từ hoàn cảnh
khốn cùng của người tỵ nạn trên xứ sở lạ, họ thường có xu hướng cam chịu thì
đúng hơn là hung hãn. Một tờ báo mạng, do đó, đã gửi câu hỏi chất vấn Bộ Nội vụ
Hung và hứa sẽ đăng ngay nếu nhận được hồi âm.
Câu hỏi mà mạng index.hu đặt ra là, lãnh đạo Hung
ngày càng đưa ra những lời buộc tội gay gắt đối với người tỵ nạn là dựa trên cơ
sở gì? Cho dù, như cách diễn đạt của một nhà báo, “hỏi tức là trả lời”: chừng
nào còn chuyện “làm ăn”, chừng ấy còn phải tung những thứ mới ra thị trường!
Vì
đâu nên nỗi?
Một câu hỏi được đặt ra là vấn đề người tỵ nạn thực
sự ảnh hưởng tới Hungary ra sao, để chính quyền nước này phải có những phát
ngôn và biện pháp quyết liệt như thế?
Trong thực tế, phải thừa nhận rằng từ một quốc gia
mà vấn đề người tỵ nạn chưa hề xuất hiện trong công luận, từ đầu năm 2015 cho tới
giữa tháng 7, đã có tổng cộng 123 ngàn đơn xin tỵ nạn được nộp, theo thống kê của
Cục Nhập cư và Quốc tịch Hungary (BÁH).
Con số này gấp ba toàn bộ số đơn được nộp trong năm
ngoái, và chiếm một tỷ lệ rất cao trong tổng số người tỵ nạn đến Châu Âu trong
năm nay, khiến Hungary cùng Ý và Hy Lạp trở thành những quốc gia EU “chịu trận”
nhiều nhất bởi làn sóng tỵ nạn và di dân hiện tại.
Cảnh tượng người tỵ nạn nằm, ngồi la liệt ở nhiều vườn
hoa, công viên và các ga tàu hỏa quốc tế tại thủ đô Budapest, cùng nhiều thông
tin liên tục về họ được cập nhật trên truyền thông, phần nào cho thấy Hungary
đang phải đối mặt với một thử thách mà họ chưa hề có kinh nghiệm xử lý.
Tuy nhiên, trong trường hợp của Hungary, cần nói
thêm rằng đại đa số người tỵ nạn chỉ coi đây là chặng trung chuyển rồi đi tiếp
sang các quốc gia Phương Tây, và số còn lại cũng chỉ có rất ít người được chấp
nhận quy chế tỵ nạn (tỷ lệ chừng 10%, thấp nhất Châu Âu).
Hungary cũng đã đệ đơn đề nghị EU cấp 2,5 tỷ Ft cho
vấn đề tỵ nạn, và đơn của phía Hung sẽ được xem xét “không chậm trễ”, theo quan
chức Ủy ban Châu Âu. Người tỵ nạn không hẳn là gánh nặng tài chính cho nước
Hung, không “cướp việc của dân Hung” như chính quyền nước này dọa dẫm.
Hẳn nhiên, không một quốc gia nào khi chưa có sự chuẩn
bị lại muốn tiếp nhận một đám đông đến từ những nơi có nền văn hóa, tín ngưỡng
và phong tục tập quán khác biệt (hoặc đôi khi trái ngược hoàn toàn) với mình,
và trong vấn đề này Hungary không phải là duy nhất.
Tuy nhiên, như Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude
Juncker nhấn mạnh, các quốc gia thành viên có bổn phận kiểm soát biên giới,
nhưng phải tôn trọng nhân quyền của người tỵ nạn, và không được trục xuất họ về
nơi mà tính mạng và sự tự do của họ bị đe dọa.
Đó cũng là lý do khiến Ủy ban, cùng một bộ phận đáng
kể trong xã hội dân sự và phe đối lập Hungary phản đối việc xây hàng rào, cho
là cần có biện pháp khác thích hợp hơn, cũng như phản đối những phát ngôn theo
xu hướng bài ngoại của giới lãnh đạo Hungary.
No comments:
Post a Comment