Sunday, August 30, 2015

Hãy một lần xuống với công nhân (Đào Tuấn - Lao động Online)





27/08/2015 10:31

Năm 2013, một quan chức Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội bấm ngón tay tính rằng, đã 20 năm những nhà làm lương vẫn đang mải mê cuộc tranh luận “lương tối thiểu đáp ứng được đời sống tối thiểu”. 2013 cũng là năm mà Bộ luật Lao động có hiệu lực, trong đó có quy định là mức lương tối thiểu sẽ phải đảm bảo nhu cầu tối thiểu của người lao động (NLĐ). Mà luật định có nghĩa là “Không nói nhiều”, không tranh luận nữa.

Khái niệm thế nào là “lương tối thiểu” năm đó cũng được Oxfam đưa ra: Mức lương đủ sống phải đảm bảo đủ mua một giỏ hàng lương thực thực phẩm (LTTP) cần thiết và một giỏ hàng hóa phi LTTP (mặc, ở, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đi lại, hỗ trợ bố mẹ già, quan hệ xã hội, khoản tiết kiệm nhỏ…).

Đấy, con người thì không thể chỉ cần đầy dạ dày như con vật!

Nhưng cũng ngay trong năm 2013, NLĐ bị giội nước lạnh khi những người “làm lương” xin “có lộ trình”, xin hoãn thời gian “đủ sống” đến 2015.

Đến năm 2015, cái bánh vẽ tái xuất hiện “đến năm 2017”. Lý do vẫn chỉ một: DN “sẽ khó trụ, có thể sẽ phá sản hàng loạt” trong… “bối cảnh hiện nay”.

“Bối cảnh hiện nay” sao mà giống cái bối cảnh năm 2003, y như cái bối cảnh 2013, và có lẽ giống luôn cả bối cảnh 2017! Đó là cái bối cảnh mà cứ động đến quyền lợi là người ta phủ sạch trơn những bản thành tích tràn đầy “tăng trưởng, phát triển, cải thiện, đảm bảo” vẫn ưỡn ngực đọc mỗi cuối năm. Đó là cái bối cảnh bất chấp thực tế lương tối thiểu thấp rất xa nhu cầu tối thiểutrong một sự so sánh mà trọng tài luôn là “bối cảnh hiện tại”.

Ngày 25-8, sau cuộc thương lượng bất thànhPhó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính nói cực thẳng thắn rằng: Chúng ta làm chính sách mà ngồi phòng máy lạnh thì không bao giờ thấy được nỗi khổ của công nhân. Và ông mời các vị trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia một lần xuống với công nhân.

Xuống đi, thưa quý vị!
Xuống, để thấy cái “lương tối thiểu” đang quá thấp mà điều chỉnh bao nhiêu lần vẫn luôn có kết quả “không đủ sống”!
Xuống, để nghe thấy lời than của 9,4 triệu NLĐ đang đóng BHXH trước nguy cơ trở thành “những người nghèo mới” ngay sau khi nghỉ hưu.
Xuống, để thấy sự bạc bẽo trong bữa cơm đạm bạc của những người đang đóng góp hơn 60% tổng sản phẩm xã hội và 70%ngân sách nhà nước.
Xuống, để thấy cái lắc đầu ngày 25.8 nó y như sự bỏ mặc cuộc sống của 17 triệu lao động, của mấy chục phần trăm dân số!

Xuống, để thấy cái bánh vẽ 20 năm đang khiến những NLĐ phải xa con cái. Còn con cái thì không phụng dưỡng nổi cha mẹ chỉ khi đó là những khoản chi đột xuất mà nhiều người đã không còn có thể bóp mồm bóp miệng thêm được nữa.







No comments:

Post a Comment