Quốc Dũng/Người Việt
Thursday, August 27, 2015 7:50:23 PM
SANTA
ANA, California (NV) - Tận sâu trong tâm khảm, chị luôn muốn tìm hiểu gia
đình mình đã tị nạn như thế nào trên đất Mỹ, bởi vì khi chị hỏi nhưng cha mẹ đều
cho qua vì lẽ “quá khứ qua rồi, nhắc lại làm gì con.” Sự tò mò, quyết phải tìm
hiểu bằng được đã nhen nhóm suốt tuổi thơ của chị. Và rồi, dự án lịch sử truyền
khẩu người Mỹ gốc Việt đến với chị, và thế là, chị làm trong suốt gần hai năm,
hầu như không ngủ!
Nhưng để mất ăn mất ngủ cùng dự án, chị phải thoát
mình ra khỏi khuôn khổ của cha mẹ. Cho đến lúc vào đại học, chị vẫn học theo ý
nguyện của cha mẹ là ngành quản trị kinh doanh. “Học xong rồi nhưng tôi không làm thì ba mẹ rất thất vọng, vì theo ba mẹ
học ngành này để có một nghề ổn định. Tôi hiểu ba mẹ nào cũng muốn con mình
thành công theo cách mà họ lựa chọn. Nhưng tôi có những dự định riêng cho mình
và tôi muốn tìm hiểu những điều mà bấy lâu nay tôi chưa có được lời giải,” chị
Trâm Lê, phụ tá giám đốc Dự Án Lịch Sử Truyền Khẩu Người Mỹ Gốc Việt (Vietnamese
American Oral History Project - VAOHP), chia sẻ.
Chị Trâm Lê (phải) và họa sĩ Trinh Mai. (Hình: Quốc
Dũng/Người Việt)
Tự ti
vì “gốc Việt Nam nhưng không biết gì về Việt Nam”
Sinh ra tại Việt Nam nhưng ngay từ lúc hai tuổi,
cũng như nhiều đứa trẻ khác trong thời loạn lạc năm 1975, chị theo cha mẹ
tị nạn ở Mỹ. Chị Trâm hồi tưởng: “Là người
Việt Nam, lớn lên trong xã hội Mỹ, mà Mỹ trắng nữa, nhưng trong xã hội Mỹ tôi
cũng không hòa nhập được. Họ nhìn tôi lúc nào cũng là người ngoại quốc, dù tôi
nói tiếng Anh rành như họ. Còn với người Việt Nam thì tôi cũng không có cơ hội
hòa nhập vì nơi tôi sống không nhiều người Việt. Ngay chính bản thân tôi cũng
không nói được tiếng Việt nhiều, không biết viết tiếng Việt... Do vậy mà lúc
nào tôi cũng cảm thấy mình không thuộc về đâu hết.”
Rồi chị kể: “Tôi
giống Mỹ con nhưng lại không phải là Mỹ con. Còn gốc Việt Nam thì tôi cũng
không biết chút gì về nguồn gốc của mình. Những điều đó làm cho tôi cảm thấy tự
ti. Ngay cả tên của tôi, tụi bạn vẫn trêu chọc là “tram,” tức là xe điện, với
giọng điệu rất chế giễu. Lớp học chỉ có mình tôi là người Việt Nam nên đồ ăn
trưa mẹ chuẩn bị sẵn cũng bị trêu chọc. Trong khi tụi bạn ăn thịt ham, bánh mì
sandwich thì tôi ăn cơm với thịt heo kho. Thế là đứa nào cũng đưa tay bịt mũi
và chê hôi. Đối với họ, tôi rất lạ và kỳ dị.”
Theo chị, thời tiểu học là rất nặng nề. “Nhưng không hiểu sao tôi dửng dưng tất cả
và chỉ lao vào học. Đến khi vào đại học, được tiếp xúc và tham gia hội sinh
viên Việt Nam trong trường, lúc đó tôi mới thấy có một nhóm người hiểu
mình, mình không phải giải thích, không phải mắc cỡ, họ cũng có ba mẹ cũng vượt
biên tị nạn giống ba mẹ mình… Cùng lứa tuổi, cùng thế hệ như nhau nên chúng tôi
dễ hiểu nhau,” chị Trâm kể tiếp.
Thế là chị tập nói tiếng Việt với gia đình nhiều
hơn, gặp người Việt Nam là chị nói tiếng Việt để tăng vốn từ. “Có một thời gian ba mẹ mở tiệm bán băng, đĩa
nên tôi bắt chước chép theo các tựa đề phim kiếm hiệp, do vậy mà quen dần mặt
chữ và… không bị mù chữ,” chị hóm hỉnh nói.
Giúp
người Việt trẻ tìm hiểu cội nguồn
Sau khi tốt nghiệp đại học, chị hoạt động nhiều
trong cộng đồng, nói tiếng Việt nhiều hơn. Cũng từ đây chị bắt đầu tìm hiểu nhiều
hơn về nguồn gốc của mình, về lịch sử tị nạn. Chị quyết định học cao học nghiên
cứu về người Mỹ gốc Á tại đại học UCLA và luận án tốt nghiệp của chị nghiên cứu
về hành trình của thế hệ người Việt đầu tiên tại Orange County qua lịch sử
truyền miệng và nghệ thuật trình diễn.
Chị cho biết: “Tôi
thấy ngành này thích hợp với tôi, tôi hiểu biết được nhiều hơn và hơn hết là
giúp đỡ được cộng đồng.” Từ đây, chị tham gia dự án VAOHP tại đại học UC
Irvine. Song song đó chị dạy lớp “Vietnamese American Experience”
(Kinh nghiệm của người Mỹ gốc Việt) cùng với Tiến Sĩ Thúy Võ Ðặng, hiện là
người phụ trách Văn Khố Đông Nam Á tại UC Irvine.
Theo chị, lớp học nhằm mục đích bảo tồn và phổ biến
các câu chuyện về cuộc sống của người Mỹ gốc Việt tại miền Nam California. Quan
trọng hơn, lớp học nhằm hướng dẫn sinh viên cách phỏng vấn, lắng nghe, và các
phương pháp sao chép. Mỗi sinh viên sẽ chọn một người để thực hiện một cuộc
phỏng vấn lịch sử để mở rộng kiến thức về cộng đồng, lịch sử và văn hóa. Lớp
học là cầu nối giữa sinh viên với cộng đồng, để bảo đảm rằng sinh viên sẽ
áp dụng những gì học hỏi được để đóng góp cho cộng đồng.
Chị xúc động nói: “Lớp học này tự chọn, không bắt buộc. Trung bình lớp có khoảng 20-40
sinh viên, phần lớn sinh viên là người Mỹ gốc Việt và đa số đều trên 20 tuổi.
Tuy nhiên, một số sinh viên tâm sự với tôi rằng họ chọn lớp học này vì trước hết
họ muốn hiểu họ, muốn hiểu ba mẹ, hiểu gia đình. Nhiều người, nhất là thế hệ
này, họ cảm thấy không dám nhìn nhận mình là người Việt, vì họ không biết gì về
Việt Nam, về cộng đồng Việt Nam, không biết tiếng Việt... Nghe xong, tôi thấy
sao họ giống tôi quá.”
“Quả thật, người Việt
trẻ lớn lên ở đây, không phải ai cũng hiểu thấu đáo về lịch sử tị nạn và di dân
của người Mỹ gốc Việt. Có sinh viên nói với tôi, lớp học đã giúp họ hiểu rõ hơn
về những gì các thế hệ trước đã trải qua, và khiến họ bắt đầu suy nghĩ là phải
làm gì để đóng góp cho cộng đồng. Hoặc có du học sinh Việt Nam lần đầu tiên được
biết về chuyện vượt biên, về lịch sử của người tị nạn nên họ ngạc nhiên lắm.
Nghe những tâm sự này của sinh viên, tôi cảm thấy rất khích lệ,” chị chia sẻ.
Một góc triển lãm Vietnamese Focus: Generations of
Stories. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)
Ghi lại
hình ảnh sau 40 năm tị nạn
Vừa dạy, vừa làm dự án, chị Trâm đã đi từng nhà, gặp
từng người Việt Nam để nghe họ nói, để xin họ chụp hình những kỷ vật, hình
ảnh mà họ đã lưu giữ. “Tôi hoàn toàn
không có một danh sách người Việt nào cả, gặp ai thì hỏi người đó và người này
chỉ sang người kia. Miễn sao người phỏng vấn phải trên 30 tuổi, sống hoặc làm
việc ở miền Nam California và giới hạn tiếp theo là từ Santa Barbara
County đến San Diego County,” chị cho biết.
Chị kể: “Phải
làm sao để họ đồng ý trả lời phỏng vấn mới khó. Bởi vì nhiều người, phần lớn là
phụ nữ, ít khi muốn kể câu chuyện mình, vì họ cứ nghĩ câu chuyện mình không đủ
quan trọng. Họ nói: 'Tôi đâu phải là tướng đâu nên nghe câu chuyện tôi làm gì,
tôi chỉ là người mẹ, là người vợ.' Nhưng chính người mẹ, người vợ đó mới là người
giữ nhiều tư liệu, biết được nhiều câu chuyện nhất. Lịch sử không viết về họ,
thì mình phải đặt họ vào trong lịch sử như vậy cho thế hệ sau này biết.”
Và khi đã được họ kể, kể hết, chị mới bàng hoàng khi
biết được trong hành trình tị nạn, nhiều người không vượt qua được nỗi đau do
không tưởng tượng mình mất cả gia đình và chỉ còn mình còn sống; hay nhìn thấy
ba mình tàn tạ trong tù cải tạo; hay nhà cửa mình bỗ dưng bị mất hết và người
thân sống trong kiếp ăn mày…
“Điều đặc biệt khi
làm dự án này là tôi thấy người Việt Nam mình lúc nào cũng hiếu khách. Mỗi lần
tôi đến thì gia đình đều đãi ăn, lo lắng cho tôi và cảm ơn tôi làm việc này. Dù
tôi phải là người cảm ơn họ đã bỏ ra thời gian để tham gia dự án, ngược lại họ
lại quý mình lắm. Đến nay thì chúng tôi đã thu thập thông tin được hơn 300 gia
đình,” chị cho biết.
Chị chia sẻ: “Khi
đến phỏng vấn cho dự án lịch sử truyền khẩu tôi mới biết rất nhiều gia đình phải
đốt đi những hình ảnh và các giấy tờ tài liệu để sống còn trong thời chiến, lúc
đi vượt biên cũng không thể mang theo. Bởi vậy khi thu thập được một kỷ vật, tư
liệu nào đó thì quý lắm.”
Tuy nhiên, chị nói thêm: “Quan trọng hơn, sau hơn 40 năm, tôi mới thấy dần dần thế hệ người Việt
đầu tiên bắt đầu mất đi. Họ mất đi đồng nghĩa với những câu chuyện, kỷ niệm, kỷ
vật cũng biến mất. Thêm nữa là họ mất đi thì con cháu họ sẽ bỏ đi những tài liệu,
hình ảnh, cổ vật… mà họ đã cất giữ mấy chục năm qua. Bởi vì tôi biết nhiều thế
hệ sau không hiểu được tầm quan trọng, giá trị của những món đồ đó. Do vậy, tôi
rất mong đồng hương Việt Nam hãy hưởng ứng, cung cấp hình ảnh, tài liệu để Văn
Khố Đông Nam Á trường UC Irvine có thể lưu giữ cho nhiều thế hệ mai sau.”
Gần hai
năm không ngủ
Họa sĩ Trinh Mai giới thiệu tác phẩm Thuyền Nhân do
cô sáng tác. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)
Cùng với dự án chị còn có thời gian làm việc với Văn
Khố Đông Nam Á, chị nhận ra Văn Khố đã sưu tầm từ năm 1987 rất nhiều hình ảnh
quý, tài liệu, cổ vật… về người Việt tị nạn và thấy cộng đồng Việt Nam có quá
nhiều câu chuyện, nhiều món đồ không ai biết. Thế là chị cùng với Tiến Sĩ Linda
Trinh Võ và Tiến Sĩ Thúy Võ Đặng, cả ba người là đồng tác giả cuốn sách “Người
Việt ở Orange County,” nhằm đưa ra những hình ảnh hơn 40 năm lịch sử tị nạn
của cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại.
“Nhưng rồi tụi mình
thấy vẫn chưa đủ, vì sách không thể đưa hết những thứ khác như di vật, hình ảnh…
Bởi vì nhà xuất bản rất hạn chế số trang, chỉ có 128 trang, 250 tấm hình
và 18,000 chữ. Còn những cổ vật, hình ảnh… thì làm thế nào đây, thế là tụi mình
bèn làm triển lãm để trình bày hết ý tưởng, nói hết những điều muốn nói. Thế
nhưng làm triển lãm rồi thì vẫn thấy chưa thể hiện hết được, nhưng ít nhiều
cũng phong phú hơn, đầy đủ hơn,” chị chia sẻ.
Chị kể: “Khi
làm sách, chúng tôi mất chín tháng chỉ để xem hình. Sách vừa hoàn thành thì chúng
tôi lại mất tám tháng để lựa chọn hình ảnh cho triển lãm. Lúc đầu nghĩ rằng làm
sách xong thì làm triển lãm dễ lắm, nhưng khi bắt tay vô làm thì rất khó, vì có
hình hợp với sách nhưng lại không hợp với triển lãm, với câu chuyện muốn kể.”
“Nhóm làm triển lãm
gồm tôi, Tiến Sĩ Linda Trinh Võ, họa sĩ Trinh Mai và kiến trúc sư James Định.
Trong đó Trinh Mai là họa sĩ của dự án, còn James Định là người bạn bên ngoài
được tôi mời về để thiết kế từng bức tường, từng khung hình nằm ở đâu…. Ai cũng
thức khuya đến ba, bốn giờ sáng và nhiều đêm không ngủ ở nhà. Xem như liên tục
hơn 17 tháng chúng tôi mất ăn mất ngủ để làm việc này,” chị Trâm cho biết.
Cuộc triển lãm mang tên “Vietnamese Focus:
Generations of Stories” (Tâm điểm người Việt: Câu chuyện của các thế hệ) do VAOHP
tổ chức với sự phối hợp của trường đại học UC Irvine và Sở Công Viên Orange
County, nhằm mục đích trình bày những khát vọng của người Việt trên đường tìm tự
do, sự can đảm, hy sinh, chấp nhận gian khổ trên đường vượt thoát, và sự thành
công của cộng đồng Việt Nam sau 40 năm định cư tại Mỹ.
Về mục đích của triển lãm, chị cho biết: “Triển lãm cho mọi người thấy được sự đa dạng
của cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Không phải người nào cũng vượt biên năm 1975,
không phải ai cũng có học thức và nhất là không phải ai cũng là bác sĩ, là kỹ
sư. Thực tế, chúng ta làm đủ mọi ngành nghề. Đặc biệt, tôi cũng muốn cho mọi
người biết rằng, không phải tất cả người Việt tị nạn được người Mỹ cứu, mà phần
lớn là chúng ta đã tự cứu lấy mình.”
Triển lãm được tổ chức trên tầng lầu ba của Orange
County Old Courthouse, 211 W. Santa Ana Blvd., Santa Ana, CA 92701. Triển
lãm mở cửa cho công chúng xem miễn phí, theo lịch trình từ Tháng Tám đến hết
Tháng Hai, 2016. Phòng triển lãm mở từ 8 giờ 30 sáng đến 4 giờ 30 chiều, Thứ
Hai đến Thứ Sáu. Riêng các ngày Thứ Bảy 29 Tháng Tám; 19 Tháng Chín; 17 Tháng
Mười; 19 Tháng Mười Hai; và 23 Tháng Giêng, 2016, từ 10 giờ sáng đến ba giờ chiều.
-----
Liên lạc tác giả: truong.dung@nguoi-viet.com
No comments:
Post a Comment