Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nguyên Tổng Bí thư
Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 - 1/7/2015, lãnh đạo CSVN đã công khai tái khẳng định
sẽ tiếp tục độc tài, độc đảng và độc quyền cai trị như ông Linh đã vạch ra.
Chủ trương này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
và Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang đưa ra bằng lời nói
và bài viết có cùng lập trường nhất quyết không từ bỏ chủ nghĩa Cộng sản và chống
đa nguyên đa đảng. Tuy nhiên cả hai người lại không có bất cứ lời nào lên án
Trung cộng đang biến 7 bãi đá chiếm được của Việt Nam ở Trường Sa năm 1988
thành các đảo để sinh sống và căn cứ quân sự ở Biển Đông, có lẽ vì sợ gây phiền
não cho vong linh người quá cố?
Điều này dễ hiểu vì Trung cộng coi ông Nguyễn Văn
Linh là người có công với Bắc Kinh tại Hội nghị bí mật Thành Đô, Tỉnh Tứ Xuyên,
Trung Quốc trong hai ngày 3-4 Tháng 9 năm 1990.
Nguyễn Văn Linh đi Thành Đô cùng với Chủ tịch Hội đồng
Bộ trưởng (Thủ tướng) Đỗ Mười và Cố vấn Phạm Văn Đồng để bàn chuyện nối lại
bang giao với Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Trung Hoa Giang Trạch Dân và Thủ
tướng Lý Bằng.
Tại Thành Đô, theo các giới Ngoại giao của Việt Nam
thời bấy giờ như cố Thứ trưởng Ngọai giao Trần Quang Cơ và Đại sứ Việt Nam tại
Bắc Kinh, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh thì ông Linh đã chấp nhận 3 đòi hỏi
quan trọng của Giang Trạch Dân để được tái lập quan hệ ngoại giao. Ba điều kiện
đó là: Việt Nam phải rút quân vô điều kiện khỏi Campuchia và đồng ý một giải
pháp chính trị không loại phe Khmer đỏ thân Trung cộng; công khai chỉ trích và
cam kết thay đổi chính sách thân Liên Xô trước đó của Tổng Bí thư tiền nhiệm Lê
Duẩn; cất chức Bộ trưởng Ngọai giao Nguyễn Cơ Thạch, người có tư tưởng độc lập
với Trung cộng và loại ông khỏi Bộ Chính trị.
Vì các văn kiện Thành Đô, kể cả tài liệu quan trọng
được gọi là Kỷ Yếu Hội nghị do Lý Bằng soạn cho ông Linh ký kết với phía Trung
cộng chưa được bạch hóa nên không ai biết ông Linh còn cam kết dành cho Trung cộng
những đặc quyền đặc lợi nào khác.
Chỉ biết những việc sau đây đã xảy ra từ sau Hội nghị
Thành Đô:
- Đảng nghiêm cấm không cho tổ chức kỷ niệm hay nhắc
đến cuộc chiến xâm lược qua biên giới Việt Nam của quân Trung cộng từ 1979 đến
1987.
- Không đòi lại những phần đất, khoảng gần một ngàn
cây số vuông đã bị mất vào tay Trung cộng sau cuộc chiến biên giới, trong đó có
nhiều điểm cao chiến lược, tiêu biểu như điểm cao 1509 mà Trung Hoa gọi là
Laoshan (Lão Sơn hay Núi Đất) và Giả Âm Sơn (điểm cao 1250) ở tỉnh Hà Giang
(trước là Hà Tuyên).
- Ngăn chặn mọi nỗ lực tưởng niệm hay tuyên dương 74
chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc chiến đấu chống quân Tầu xâm lược
Hoàng Sa tháng 1/1974. Không có hành động đòi lại mà chỉ biết nói đi nói lại
”Hoàng Sa là của Việt Nam”.
- Chỉ cho tổ chức rất hạn chế và cục bộ để tưởng nhớ
đến 64 chiến sỹ quân đội nhân dân đã bỏ mình trong trận chiến bảo vệ biển đào
Trường Sa năm 1988, nhưng không có hành động nào nhằm lấy lại lãnh thổ đã mất.
- Sách lịch sử của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nói rất
sơ sài về những biến cố lịch sử này.
- Việt Nam cũng đã để mất 2/3 thác Bản Giốc và chịu
nhận đường biên giới hai nước nằm ở phía nam Ải Nam Quan, thay vì phía bắc Ải
này, căn cứ theo Hiệp định biên giới trên đất liền ký ngày 30/12/1999. Như vậy Ải
lịch sử Nam Quan nay nằm bên phiá Tàu.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới
Chính phủ từng tham gia đàm phán với Tàu cộng nói: “Căn cứ vào các tư
liệu có giá trị pháp lý theo Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn
đề biên giới lãnh thổ mà Việt Nam và Trung Quốc ký năm 1993, thì rõ ràng đường
biên giới tại khu vực này luôn nằm về phía nam Ải Nam Quan, chứ không phải đi
qua Ải Nam Quan theo tiềm thức của người Việt Nam. Như vậy không có chuyện Việt
Nam đã nhường Ải Nam Quan cho Trung Quốc như nhiều người suy diễn theo cảm tính
và dựa vào những thông tin thiếu khách quan, không có giá trị pháp lý.” (trích
Việt Nam Express, 31/01/2015)
Tuy nhiên, ông Trục đã quên rằng sách sử Việt Nam đều
đã từng nói “nước Việt Nam từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu”?
- Ngoài mất mát trên đất liền Việt Nam còn đồng ý ký
2 Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ và Hợp tác Nghề Cá với Trung cộng năm 2000 có
nhiều bất lợi cho Việt Nam, theo quan điểm của một số chuyên viên của Quỹ
nghiên cứu Biển Đông.
Các chuyên viên biển đảo Việt Nam ở trong nước và nước
ngoài của Qũy này cho biết: “Vịnh Bắc Bộ được bao bọc bởi Việt Nam và
Tàu có diện tích 123.700 km2, chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 320 km (176 hải
lý) và nơi hẹp nhất khoảng 220 km (119 hải lý). Chiều dài bờ biển phía Việt Nam
khoảng 763 km, còn phía Tàu khoảng 695 km. Phần Vịnh phía Việt Nam có khoảng
1.300 hòn đảo ven bờ, đặc biệt có đảo Bạch Long Vĩ nằm cách đất liền nước ta
khoảng 110 km, cách đảo Hải Nam (Tàu) khoảng 130 km. Vịnh có vị trí chiến lược
quan trọng đối với Việt Nam và Tàu về an ninh và quốc phòng. (Trích bài viết “Đàm
phán Việt - Trung về khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ” ngày 24/02/2014).
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên cho biết: “Việt
Nam được hưởng 53,23% diện tích Vịnh và Trung Quốc được hưởng 46,77% diện
tích Vịnh”.
Như vậy, phía Việt Nam hơn Tàu 6,46%, hay khoảng
8,205 cây số vuông, theo ước tính của Quỹ Biển Đông.
Hợp
tác cùng phát triển
Đáng chú ý là trong Hiệp định này, Việt Nam đã đồng
ý “hợp tác cùng phát triển”với Tàu cộng ở vùng biển này, và nay cả ở
khu vực bên ngoài vịnh Bắc Bộ. Nội dung này phù hợp với chủ trương cốt lõi của
Tàu từ thời Đặng Tiểu Bình đưa ra năm 1979 và được tái khẳng định bởi Tập Cận
Bình năm 2013, theo đó Tàu luôn luôn coi Biển Đông là “biển của ta, gác
tranh chấp để cùng khai thác”!
Việc Tàu cộng tự nhận chủ quyền trong hình Lưỡi bò
chiếm ¾ diện tích 3.5 triệu cây số vuông Biển Đông là một bằng chứng.
Dù Tàu cộng không giấu diếm tham vọng, nhưng vào
ngày 11/10/2011, tân Tổng Bí thư đảng CSVN khóa XI Nguyễn Phú Trọng vẫn vội vã
sang Tàu họp với Tổng Bí thư - Chủ tịch nhà nước Trung cộng Hồ Cẩm Đào để tái
cam kết 6 điểm về“Nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển Việt-Trung”. Tại
Bắc Kinh, ông Trọng đã đồng ý “Giải quyết các vấn đề trên biển theo
tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau. Vững bước thúc đẩy đàm phán phân
định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực bàn bạc về vấn đề hợp
tác cùng phát triển tại vùng biển này.” (điểm 5)
Sau chuyến đi của ông Trọng, phía Tàu cộng tiếp tục
áp lực Việt Nam phải mau chóng thi hành những cam kết đã ký qua các chuyến qua
lại của lãnh đạo hai nước, trong đó có các chuyến đến Việt Nam của Thủ tướng Lý
Khắc Cường, Ủy viên Quốc vụ viện phụ trách biên giới- biển đảo Dương Khiết Trì
và của Ngoại trưởng Vương Nghị.
Diễn biến mới nhất là chuyến sang Tàu của ông Nguyễn
Phú Trọng từ ngày 7 đến 10 tháng 4/2015 để gặp Tổng Bí đảng Cộng sản Tàu Tập Cận
Bình, trước khi ông Trọng thực hiện chuyến đi lịch sử sang Hoa Kỳ gặp Tồng Thống
Barrack Obama, dự kiến từ ngày 07 đến 09 tháng 7/2015.
Tại Bắc Kinh, theo tin Việt Nam Thống tấn xã thì hai
bên tái khẳng định: “Đối với vấn đề trên biển, (hai bên) nhấn mạnh tuân
thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước,
nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết
vấn đề trên biển Việt Nam- Trung Quốc;” sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính
phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam- Trung Quốc, kiên trì thông qua hiệp thương
và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể
chấp nhận được, tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng
đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, bao gồm tích cực nghiên cứu
và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển.”
Sau đó, khỏang 2 tuấn lễ trước ngày ông Trọng đến
Hoa Thịnh Đốn, Bộ trưởng Ngọai giao Phạm Bình Minh lại đi Bắc Kinh họp với Ủy
viên Quốc vụ Quốc vụ viện Dương Khiết Trì, từ ngày 17- 19/06/2015, trong khuôn
khổ của Phiên họp lần thứ 8 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt-Trung.
Ngoài Dương Khiết Trì, ông Minh còn gặp Thủ tướng Lý
Khắc Cường và Bộ trưởng Ngọai giao Vương Nghị để hai bên cam kết “không
có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; xử lý kịp thời thỏa đáng vấn đề
nảy sinh, duy trì đại cục quan hệ Việt-Trung và hòa bình, ổn định ở Biển Đông.”
Tuy cam kết như thế, nhưng phía Tàu cộng đã và đang
làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp với các hoạt động bành trướng lãnh thổ
và chiêm đóng biển đảo của Việt Nam.
Đáng chú ý là không thấy ông Minh đề xuất Tàu cộng
phải ngưng ngay lập tức việc xây dựng các đảo nhân tạo, thiết lập căn cứ quân sự
ở Biển Đông, hay đòi chấm dứt các cuộc tấn công tầu cá Việt Nam.
Bởi vì, theo Cục Kiểm ngư Việt Nam thì “nhiều
tàu cá của ngư dân ở hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đã bị một số lượng lớn tàu
cá vỏ sắt của Trung Quốc liên tiếp đâm uy hiếp và đe dọa. Trong đó, riêng tại Quảng Ngãi, Trung Quốc đã uy
hiếp, tấn công 23 tàu cá của ngư dân.” (theo Thông tấn
Xã Việt Nam (TTXVN) ngày 30/06/2015)
Cùng thời gian này, nhiều tầu cá Tàu cộng đã công
khai xâm nhập sâu vào vùng biển Việt Nam để đánh bắt nhưng chỉ bị cảnh cáo, xử
phạt hành chính và xua đuổi đi nơi khác.
Việc làm này của phía Việt Nam trái ngược với các vụ
tấn công, đánh ngư dân và tịch thu tài sản tầu cá Việt Nam của các tầu hải giám
Trung cộng.
Tại sao Việt Nam lại yếu mềm và sợ Tàu trước ngày
ông Trọng đi Mỹ như thế thì chỉ có lãnh đạo và nhà nước Việt Nam mới có thể trả
lời được.
- Phía Việt Nam còn bị “mắc họng” khó nói với thế giới
vì sao năm 1958 Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi công hàm cho Thủ tướng Chu Ân
Lai nhìn nhận chủ quyền của Tàu ở Hòang Sa và Trường Sa. Chính phủ Việt Nam Dân
Chủ Cộng hoà (miền Bắc) cũng không hề lên tiếng phản đối khi quân Trung cộng
chiếm Hòang Sa từ tay Quân đội Việt Nam Cộng hòa năm 1974. Do đó báo chí Tàu
trong những ngày cuối tháng 6/2015 đã gia tăng chỉ trích Việt Nam đã quên những
cam kết qúa khứ và thay đồi lập trường sau ngày thống nhất đất nước năm 1976.
- Song song với những việc làm tréo cẳng ngỗng khó
hiểu này, Đại tướng Lê Đức Anh, trong chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng, đã phạm lỗi
lầm lịch sử tại mặt trận Trường Sa năm 1988, khi ông ra lệnh cho binh sĩ bảo vệ
đá Gạc Ma không được nổ súng chống lại quân Tầu khi chúng xâm lược và chiếm 7
bãi đá. 64 binh sỹ của Việt Nam đã bị quân Tàu giết hạ trong cuộc chiến “bị bó
tay” này!
Vì vậy ông Anh đã được phía Tàu sử dụng làm quân cờ
đi đêm với Đại sứ Tàu ở Hà Nội, qua mặt Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, để
phối trí đưa phái đòan Nguyễn Văn Linh đi Hội nghị Thành Đô dàn xếp chuyện
Campuchia theo những điều kiện của Bắc Kinh.
Sau Hội nghị Thành Đô, Đỗ Mười, người năng nổ nhất
trí với phía Tàu, sau Nguyễn Văn Linh, đã lên làm Tổng Bí thư khoá đảng VII và
Đại tướng Lê Đức Anh được tưởng thưởng chức Chủ tịch nước khiến Bắc Kinh hả dạ
cười tươi.
Vì vậy, trước những nhượng bộ chính trị làm mất thể
diện quốc gia và tư cách lãnh đạo của các ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Lê Đức
Anh ở Thành Đô, ông Nguyễn Cơ Thạch đã thốt lên câu nói lịch sử: "Một
thời kỳ Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã khởi sự."
Lời cảnh giác của ông Nguyễn Cơ Thạch đã dẫn chứng
trong 2 Hiệp định biên giới và Vịnh Bắc Bộ bất lợi cho Việt Nam của thời Tổng
Bí thư Lê Khả Phiêu (khoá đảng VIII). Đến thời Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (hai
khoá IX và X) thì ông Mạnh lại nghe theo lời đường mật của Tàu cho họ vào khai
thác Bauxite ở Tây Nguyên mà hiệu qủa kinh tế còn rất mờ mịt.
Theo tài liệu của Bách khoa Toàn thư mở thì Tiến sĩ
Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, khẳng định: "Dự
án bô- xít Tây Nguyên vừa lỗ nặng, vừa gây ô nhiễm đến môi trường cả trước mắt
và lâu dài". Cũng theo ông Trường thì "Nhà đầu tư TKV (Tập
đòan Khoáng sản Việt Nam, Vinacomin), đã được Bộ Tài nguyên & Môi trường
"bao cấp" không tính phí tài nguyên môi trường, Bộ GTVT "hỗ trợ"
tuyến đường vận chuyển (bằng tiền ngân sách), Bộ Công Thương dự trù "biếu
không" nhà máy thủy điện Đồng Nai 5 để phục vụ cho dự án bô- xit... Tất cả
các công trình nói trên là tiền ngân sách, thực chất là tiền thuế của dân, cần
phải hết sức thận trọng, suy tính sử dụng cho có hiệu quả vì nợ công đã đến mức
báo động đỏ."
Theo ước tính của một số chuyên gia thì tổng số tiền
lỗ của mỗi năm ít nhất là 33 triệu.
Đó là “thành tích” lệ thuộc Tàu của ông Nông Đức Mạnh,
sau 10 năm cầm quyền (1992 - 2001).
Chuyện
bây giờ
Với bối cảnh lịch sử và những hệ lụy xảy ra sau đó
cho Việt Nam từ sau Hội nghị Thành Đô trong 30 năm qua các thời đại Nguyễn Văn
Linh (khoá đảng VI), Đỗ Mười (khoá VII), Lê Khả Phiêu (khoá VIII), Nông Đức Mạnh
(hai khoá IX và X) cho đến Nguyễn Phú Trọng (khoá đảng XI), Việt Nam tiếp tục bị
Trung cộng xỏ mũi kéo đi phiêu lưu để kiệt quệ cả nhân lực và tài lực.
Đó là hậu qủa của lời cám ơn Giang Trạch Dân của ông
Nguyễn Văn Linh tại Hội nghị Thành Đô năm 1990 khi ông ca ngợi quan hệ hữu nghị
giữa Việt Nam và Tàu là “vừa là đồng chí vừa là anh em” như Hồ
Chí Minh đã nói, căn cứ theo tác giả Tàu là Trương Thanh, lúc đó là Vụ phó Vụ Á
châu 1 Bộ Ngoại giao Tàu cộng, người tham dự hội nghị. (Tài liệu của chuyên gia
về Trung cộng Dương Danh Dy, BBC, 23/10/2014).
Nguyễn
Phú Trọng- Trần Đại Quang
Vậy mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong diễn văn
kỷ niệm 100 năm ngày sinh tại quê hương Hưng Yên của ông Nguyễn Văn Linh sáng
ngày 30/06/2015 đã không ngớt ca ngợi lập trường kiên trì chủ nghĩa cộng sản
thân Tàu của ông Linh và coi đó như khuôn vàng thước ngọc để bảo vệ quyền lực
cho đảng.
Ông Trọng lập lại lời Nguyễn Văn Linh nói rằng: "Kiên
trì con đường xã hội chủ nghĩa là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn của Đảng ta...
Chẳng lẽ bao nhiêu thành quả cách mạng giành được bằng xương máu của biết bao
thế hệ người Việt Nam lại đem trao vào tay những lực lượng đưa đất nước đi vào
con đường tư bản chủ nghĩa, con đường chắc chắn không thể bảo đảm độc lập thật
sự cho dân tộc, tự do hạnh phúc thật sự cho tuyệt đại đa số nhân
dân"
Ông cũng không quên đọc lời ông Linh quả quyết: “Kiên
trì chủ nghĩa Mác - Lênin là vấn đề có tính nguyên tắc số một đối với Đảng ta.
Trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin có nghĩa là nắm vững bản chất cách mạng
và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng một cách đúng đắn, thích hợp với
điều kiện nước ta, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin một cách sáng tạo.
Chúng ta phải đấu tranh chống những luận điệu và thủ đoạn đả kích, phủ nhận,
xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh từ phía những thế lực thù
địch, những kẻ cơ hội. Đồng chí kịch liệt phê phán quan điểm đòi "đa
nguyên, đa đảng". Đồng chí nói: "Trong điều kiện nước ta, không có sự
cần thiết khách quan để lập nên cơ chế chính trị đa nguyên, đa đảng đối lập. Thừa
nhận đa đảng đối lập có nghĩa là tạo điều kiện cho sự ngóc đầu dậy ngay tức khắc
và một cách hợp pháp các lực lượng phản động... hoạt động chống Tổ quốc, chống
nhân dân, chống chế độ. Đó là điều mà nhân dân ta dứt khoát không chấp nhận.”
Khi ông Trọng mượn lời Nguyễn Văn Linh để nói vào thời
điểm đảng CSVN chuẩn bị Đại hội đảng XII chính là ông muốn nói với đảng viên và
người dân về chủ trương lạc hậu và phản dân chủ của những người cầm quyền bây
giờ.
Quan điểm độc quyền cai trị của đảng CSVN và chống
đa nguyên đa đảng, chống bầu cử dân chủ tự do đã được ông Trọng nói trắng ra mà
không cần biết nhân dân và cán bộ đảng viên có còn muốn nghe theo hay
không.
Nhưng tại sao ông Trọng lại phải mượn những lời sặc
mùi bảo thủ cộng sản của ông Linh để hù họa người dân vào lúc giặc ngọai xâm
Tàu cộng đã vào bên trong ngôi nhà Việt Nam từ Biển Đông đến đất liền?
Phải chăng ông muốn gửi một thông điệp cho người bạn
láng giềng Tàu cộng Tập Cận Bình biết để yên tâm ông sẽ không thay lòng đổi dạ
trong chuyến đi Hoa Kỳ gặp Tổng thống Obama trong những ngày sắp tới?
Song song với diễn văn của ông Trọng là bài viết của
Đại tướng Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang được báo đảng CSVN phổ biến có tựa đề “Tiếp
tục giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong
sự nghiệp đổi mới đất nước”.
Bài viết cũng chỉ nhằm ca tụng quan điểm chính trị
quyệt đôi trung thành với chủ nghĩa cộng sản và chống đa nguyên đa đảng của
Nguyễn Văn Linh.
Ông Quang viết: “Đồng chí kịch liệt phê phán
những tư tưởng, quan điểm chính trị sai trái, không phù hợp với cách mạng nước
ta, nhất là quan điểm “đa nguyên, đa đảng”, đòi Đảng ta từ bỏ nguyên tắc tập
trung dân chủ; đồng chí kiên quyết khẳng định: “Trong điều kiện nước ta không
có sự cần thiết khách quan để lập nên cơ chế chính trị đa nguyên, đa đảng đối lập.
Thừa nhận đa đảng đối lập có nghĩa là tạo điều kiện cho sự ngóc đầu dậy ngay tức
khắc và một cách hợp pháp các lực lượng phản động, phục thù trong nước và từ nước
ngoài trở về hoạt động chống Tổ quốc, chống nhân dân, chống chế độ. Đó là điều
mà nhân dân ta dứt khoát không chấp nhận.”
Ám chỉ đến tình trạng “tự diễn biến, tự chuyễn hóa”
trong nội bộ đang đe dọa sự sống còn của đảng, ông Quang đã mượn hòan cảnh dao
động của đảng viên thời Nguyễn Văn Linh cầm quyền (1986- 1991), đúng là lúc Nhà
nước Cộng sản sụp đổ ở Nga và các nước Cộng sản Đông Âu để quyết tâm giữ vững lập
trường.
Ông viết: “Lập trường, quan điểm rõ ràng, dứt
khoát, không khoan nhượng của Trung ương Đảng ta, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí
thư Nguyễn Văn Linh vừa quyết tâm đổi mới đến thắng lợi, vừa kiên định tuyệt đối
nguyên tắc cách mạng trong cuộc đấu tranh với những biểu hiện dao động, cơ hội,
hữu khuynh của một số người trong và ngoài Đảng đã kịp thời chỉnh đốn về tư tưởng
và hành động của cán bộ, đảng viên, đẩy lùi âm mưu, hoạt động chống phá cách mạng
nước ta của các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội chống chủ
nghĩa xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo tiền đề để sự
nghiệp đổi mới đất nước tiếp tục phát triển.”
Nhưng sau 17 năm ngày ông Linh qua đời (1998), tình
hình thế giới đã thay đổi, thế giới Cộng sản đã tan biến và những con người Cộng
sản ở Việt Nam và Tàu cũng đã nhìn ra ánh sáng của dân chủ và tự do cần thiết
cho đời sống con người như thế nào.
Nhưng ông tướng công an đã tát nước theo mưa với ông
Trọng để mượn lời Nguyễn Văn Linh mà cao rao: “Kiên trì con đường xã hội
chủ nghĩa là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn” ...Cũng không có lý do gì để chúng
ta phải “lùi lại” giai đoạn dân chủ nhân dân, mà lịch sử đã vượt qua. Nếu có những
việc của giai đoạn trước chưa làm xong hoặc chưa làm tốt thì chúng ta tiếp tục
giải quyết nốt trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy, nhân
dân ta quyết không chấp nhận con đường nào khác ngoài con đường xã hội chủ
nghĩa.”
Nhưng tại sao người cầm đầu Bộ Công an, lực lượng bảo
vệ đảng thứ hai sau Quân đội phải lên giọng quyết liệt bảo vệ chủ nghĩa Cộng sản
và bảo vệ đảng đến tận răng như thế vào lúc này?
Phải chăng Công an cũng đang “tự diễn biến” và “tự
chuyền hoá” như Quân đội và một số không nhỏ cán bộ, đảng viên?
Hay Trần Đại Quang cũng muốn chuyển một tín hiệu qua
biên giới cho Công an Tàu để họ yên tâm trước chuyến Mỹ du lịch sử của Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng?
03.07.2015
No comments:
Post a Comment