Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-07-27
2015-07-27
Hai
ông Thanh
Vẫn có nhiều đề tài khác nhau trên các trang blog tiếng
Việt trong tuần qua, nhưng chủ đề được nhiều độc giả quan tâm vẫn xoay quanh số
phận ông Phùng Quang Thanh, Đại tướng Bộ trưởng Bộ quốc phòng. Ban điều hành một
trong những trang blog có nhiều người đọc nhất là Ba Sàm cho biết là chỉ trong
ngày 21/7 đã có đến 136 ngàn lượt truy cập. Ngày 21 là ngày truyền thông
Việt nam lên tiếng phủ nhận tin ông Thanh từ trần được một hãng tin Đức đưa trước
đó.
Một trong những nguyên nhân làm cho độc giả quan tâm
đến ông Thanh chính là tin đồn về ông được lan truyền trước đó rất lâu, ngay
sau chuyến thăm nước Pháp của ông, và người ta thấy ông biến mất. Lại nữa,
trong một buổi lễ lớn của Bộ quốc Phòng người ta cũng thấy vắng bóng ông.
Người ta đồn là ông bị ám sát.
Phải một thời gian khá lâu sau đó, tin tức từ cơ
quan bảo vệ sức khỏe cho các cán bộ cao cấp của đảng cộng sản mới ra thông báo
nói rằng ông đi Pháp chữa bệnh.
Tuyệt nhiên không có hình ảnh ông.
Blogger
Kami cho rằng việc không có hình ảnh càng làm người ta
tin là ông bị bắt giữ hay đã trốn sang Trung quốc. Rồi lại có tin đồn là ông bị
phái thân Mỹ trong nội bộ đảng cộng sản giam giữ ở đâu đó!
Sao lại đồn là ông trốn sang Trung quốc?
Trong một bài viết về tin đồn trong xã hội cộng sản,
blogger Nguyễn Vũ Bình có nói là do sự bưng bít thông tin của những người
cầm quyền cho nên người ta cứ thấy điều gì có vẻ hợp lý thì người ta đồn đãi.
Ông Thanh vốn từng lên tiếng lo ngại chuyện dư luận trong nước có khuynh hướng
chống Trung quốc, với câu nói nổi tiếng là ông rất tâm tư về thái độ đó.
Nay thấy ông biệt tăm biệt tích người ta đồn rằng
ông trốn sang Trung quốc là điều hợp lý!
Một điều nữa là người ta trông vào câu chuyện một đồng
chí của ông cũng tên Thanh.
Đó là ông Nguyễn Bá Thanh ở Đà nẵng.
Ông Bá Thanh vốn là một gương mặt chính trị nổi tiếng
từng được blogger Trương Duy Nhất cho là nổi bật trong hàng ngũ lãnh đạo Việt
nam thời hiện đại, vì ông không nhạt nhẽo như những người còn lại.
Ông Bá Thanh có vẻ được nhiều người trong đảng tin
tưởng là sẽ có vai trò lớn trong cuộc chiến chống tham nhũng đầy gian truân mà
đảng cho rằng mình đang tiến hành. Người ta cất nhắc ông lên nắm chức Trưởng
ban nội chính trung ương, cơ quan bài trừ tham nhũng của đảng.
Đùng một cái ông biến mất.
Người ta đồn là ông bị ám sát!
Lời đồn này cũng hợp lý vì ông đang phụ trách chống
tham nhũng nên có thể có nhiều kẻ thù.
Một thời gian khá lâu sau, đảng cộng sản lên tiếng
là ông chữa bệnh ở Mỹ, rồi đảng sau đó lại nói là ông hồi phục và trở về nước.
Nhưng tuyệt nhiên người ta cũng không thấy hình ảnh
ông, cũng giống như trường hợp ông Quang Thanh hiện nay vậy. Thế cho nên người
ta lại đồn là ông Bá Thanh đã chết.
Mà sau đó, ông … chết thật!
Cả hai ông Thanh trước khi biến mất khỏi truyền
thông đều có một mẩu số chung là có một tương lai chính trị to lớn. Ông Bá
Thanh là vai trò thượng phương bảo kiếm chống tham nhũng, còn ông Quang Thanh
thì có người cho rằng ông có thể lên tới chức Tổng bí thư đảng sau kỳ đại hội đảng
vào năm tới.
Chuyện chung nữa là cả hai ông đều được truyền thông
của Đảng tuyên bố rằng đi chữa bệnh ở nước ngoài.
Nhận thấy sự trùng hợp đó, blogger Vi Anh cho
rằng đó là một cách ứng xử chính trị của đảng cộng sản có thể được gọi là Được
làm vua, thua đi chữa bệnh.
Blogger
Kinh Thư thì đặt câu hỏi:
Thuở xưa, thời của thâm cung bí sử của các vị hoàng
đế cái gì xảy ra họ cũng dấu. Vua mà có băng hà thì cũng đắp chiếu nằm đó chơi,
đợi khi vua mới được lập đàng hoàng rồi mới được phép khóc than.
Thời bây giờ mà còn giống chuyện ngàn năm trước thì không thấy kỳ quái lắm ru?
Thời bây giờ mà còn giống chuyện ngàn năm trước thì không thấy kỳ quái lắm ru?
Nhiệt kế lòng tin
Đó là lời một blogger viết trên trang Ba sàm để chỉ
dư luận xung quanh tung tích của ông Đại tướng Phùng Quang Thanh. Sở dĩ blogger
này viết như thế vì nhận thấy rằng dư luận chẳng những không đau buồn về bệnh
tình, hay là sự rủi ro có thể đến với ông Bộ trưởng, mà đôi khi người ta còn
đùa giỡn, mắng chửi.
Nhà
báo Đoan Trang có nhận xét là ở Hà nội người ta lấy năm sinh và số
tuổi của ông Thanh để chơi trò đỏ đen.
Blogger
nhà báo Lê Diễn Đức, sau khi điểm lại lần lượt những tin tức, và lời đồn
xung quanh câu chuyện về ông Thanh nhận xét rằng:
Chỉ mỗi cộng đồng mạng xã hội là sung sướng và hoan
hỉ đón nhận tin cái chết của tướng Phùng Quang Thanh.
Ông Thanh đã đi ngược lại với tâm tư và tình cảm của
người dân trước việc bành trướng và tham vọng biến Biển Đông thành ao nhà của
Trung Quốc. Dù thế nào đi nữa cũng là sự trả giá
Những thuyết âm mưu
chính trị
Những lời bình luận nhiều nhất về tung tích của ông
Bộ trưởng quốc phòng là về âm mưu chính trị, về những tranh giành quyết liệt
trong hệ thống chóp bu của đảng cộng sản.
Tác
giả Trung Điền viết trên Trang Việt báo rằng đang có một cuộc cạnh
tranh để nắm giữ lực lượng quân đội Việt nam giữa một bên là các viên chỉ huy
quân khu trung thành với ông Phùng Quang Thanh, còn bên kia là những nhà lãnh đạo
mới của Bộ Quốc phòng từ một phe phái khác.
Cuộc cạnh tranh này được blogger Bà Đầm Xòe gọi
là đã bắt đầu có mùi máu, và ông điểm lại những vụ từ chức hàng loạt của các
quan chức đảng trong thời gian gần đây và cho rằng đó là một cuộc bỏ chạy thoát
thân của những người này để khỏi bị thanh trừng. Ông cho rằng đây là cuộc chiến
giành quyền lực giữa phe đảng và phe chính phủ.
Blogger
Kinh Thư, người dù sống ở Mỹ nhưng rất quan tâm tới tình
hình Việt nam đưa ra một nhận xét sau vụ bắt giữ một viên chức cao cấp từng
tháp tùng ông Tổng bí thư đảng sang Mỹ vừa rồi:
Có vẻ như tình hình chính trị ở VN bắt đầu động đậy
và cường độ đang tăng dần. Các thuyết âm mưu đang bay lượn như bướm giữa mùa
xuân. Hôm qua có tin sẽ làm chủ tịch nước, hôm nay bí mật đi nước ngoài chữa bệnh,
hôm mai không biết có còn nguyên vẹn để về nhà không? Hôm qua theo cụ tổng, đi
Mỹ ký kết các hiệp ước bạc triệu, bạc tỷ, hôm nay vào bệnh viện vì huyết áp
tăng cao, chiều tối đi thẳng luôn vào nhà giam.
Blogger
Kami, người hay có nhưng bài phân tích chính trị nội bộ
Việt nam cho rằng Ông Dũng đã nắm trong tay đến 80% các ủy viên trung
ương sẳn sàng trở thành người lãnh đạo tối cao.
Kami cũng đặt câu hỏi là tại sao truyền thông nhà nước
lại đồng loạt lên tiếng phản bác bản tin về cái chết của ông Quang Thanh do
thông tấn xã Đức loan tải? Kami cho rằng có những thế lực trong quân đội mượn
truyền thông nước ngoài để loan tin này, vì truyền thông trong nước bị phe đối
địch của họ kiểm soát.
Trong hàng trăm tin tức nửa hư nửa thực, lại có chuyến
thăm Việt nam của ông Trương Cao Lệ, một quan chức cao cấp của đảng cộng sản
Trung quốc. Người ta cho rằng chuyến thăm này có liên quan đến ông Quang Thanh
được xem là thân Trung quốc.
Còn trang Bauxite Việt nam lại đưa ra lời
bình luận như sau về buổi nói chuyện của ông Trương với Thủ tướng Việt nam để
nói về vị thế của người được cho là đối địch với ông Thanh, là Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng:
Trong cuộc hội đàm, không thấy ông Thủ tướng ngỏ một
ý chấp thuận nào trước lời mời nồng nhiệt của phái viên Trương Cao Lệ, ngoài những
đáp từ xã giao cũng rất “nồng mặn”, và tiếp đấy là những đề xuất xem ra khá thiết
thực và cụ thể về những vấn đề cần giải quyết giữa hai nước, kể cả chuyện tuân
thủ luật pháp quốc tế cũng như việc cùng các nước ASEAN tiến tới xây dựng Bộ
quy tắc ứng xử COC trên Biển Đông mà chính đối tác Tàu cứ lần lữa mãi. Có phải
ông Thủ tướng đã tính hết được những nước cờ khôn khéo để cho mình không sập “bẫy
mời” đó chăng?
Câu chuyện về ông
Nguyễn Ái Quốc thời xưa
Có một câu chuyện cũng liên quan đến sống chết của
các lãnh tụ. Đó là thông tin về việc ông Nguyễn Ái Quốc, người thành lập đảng cộng
sản bị ám sát chết ở Hồng Kong vào năm 1933.
Một văn bản được cho là văn kiện đảng cộng sản được
đưa lên trang mạng của đảng cộng sản Việt nam vào năm 2003. 12 năm sau lại được
lưu truyền rất rộng rãi. Văn bảng này nói rằng ông Quốc đã bị ám sát vào năm
1933.
Bản tin này làm dấy lên lời đồn bấy lâu rằng ông Hồ
Chí Minh chỉ là một người Trung quốc giả dạng. Phải đến 1 tuần sau đảng cộng sản
mới lên tiếng nói rằng văn bản này ngày xưa bị sai vì thông tin lúc ấy không rõ
ràng, và các đồng chí của ông Quốc nghĩ rằng ông đã chết.
Blogger Kami đặt câu hỏi là tại sao trong tình hình
hiện nay lại có một nguồn tin như vậy được đưa ra từ phía đảng cộng sản? Nó cố
ý hay vô tình? Phải chăng điều đó báo hiệu một sự thay đổi hay không?
Điều này làm người ta nhớ lại về việc đảng cộng sản
đã từng giấu ngày mất của ông Hồ Chí Minh, và sau đó cũng chính đảng này đưa ra
lời đính chính và giải thích.
Blogger Kami viết:
Người ta có thể lừa dối cả một dân tộc trong một thời
gian dài nhưng không thể lừa dối được lịch sử. Và chắc chắn, mọi sự thật sẽ được
lịch sử bóc trần, không mau thì chậm, vấn đề chỉ còn là thời gian.
Blogger
Cánh Cò viết bài Những con ma ẩn mình chờ chết,
trong đó tác giả nói rằng những người cộng sản bị đảng của họ không cho cả cái
quyền được chết.
Sở dĩ chúng ẩn mình vì không thể lên tiếng công khai
cho cái chết của chúng và vì vậy chưa được gia nhập vào thế giới ma. Những con
ma ấy thường là cấp lớn nhất trong hệ thống lãnh đạo và do đó Đảng phải đắn đo
ngày giờ phù hợp cho nó chết.
Và Cánh Cò viết về ông Minh:
Đảng không cho ông chết mặc dù khi lâm chung ông đã
yêu cầu được hỏa thiêu và nhất là không được làm rầm rộ trên xác chết của ông.
Nhưng Đảng muốn rầm rộ thì toàn dân phải rầm rộ. Đảng muốn ông chưa được chết
thật sự thì dù ông là ma cao cấp nhất vẫn phải ẩn mình chờ chết.
Nhà
báo Nguyễn Giang, sau khi lượt lại những câu chuyện về bệnh tật hay
sống chết của các lãnh tụ cộng sản, viết trên blog của mình rằng Sức khỏe
lãnh tụ là bí mật quốc gia.
Đó có thể là câu chuyện ông Quốc, ông Minh ngày xưa,
và là câu chuyện của hai ông Thanh ngày nay chăng?
No comments:
Post a Comment