Thursday, July 30, 2015

Nếu VN chọn Hoa Kỳ làm đồng minh, TQ có áp dụng lại đối sách 1979? (Thiện Ý)





30.07.2015

Sau chuyến đi Hoa Kỳ mới đây của Tổng Bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, có dự đoán lạc quan rằng Việt Nam có thể chấm dứt chính sách ngoại giao đi dây và dứt khoát chọn Hoa Kỳ làm đồng minh.

Nếu dự đoán trên xảy ra trên thực tế, liệu Trung Quốc có sẽ áp dụng lại đối sách năm 1979 khi Hà Nội ngả theo Liên Xô?

I/- Đối sách với Việt Nam năm 1979 của Trung Quốc

Sau khi Việt Nam ngả theo Liên Xô, đối sách năm 1979 của Trung Quốc có mục đích trừng phạt và khuất phục Việt Nam bằng cách gây khó khăn nghiêm trọng, toàn diện về đối nội cũng như đối ngoại cho Việt Nam. Để đạt mục đích này, Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp tấn công quân sự, phá hoại kinh tế, gây bất ổn chính trị và cô lập Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong thời kỳ chiến tranh ý thức hệ giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản, cuộc tranh chấp quyền lãnh đạo phe xã hội chủ nghĩa giữa Liên Xô và Trung Quốc đã đến mức phân hai khối cộng sản, một số nước theo Liên Xô, một số nước theo Trung Quốc. Vì nhu cầu chiến tranh chống Miền Nam cần sự yểm trợ vũ khí, lương thực của cả Liên Xô và Trung Quốc, nên Hà Nội vẫn cố giữ thế trung lập. Nhưng sau khi cuộc nội chiến Quốc-Cộng chấm dứt, Viêt Nam đã chọn Liên Xô là “Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa” của mình. Giận kẻ vong ơn bội nghĩa, Trung Quốc đã sử dụng lá bài Campuchia để trừng phạt Việt Nam.   

1. Mũi nhọn thứ nhất: Trung Quốc đã sử dụng chính quyền Pol Pot và Ieng Sary ở Campuchia để tấn công quấy phá biên giới Tây Nam, đánh chiếm vài đảo nhỏ của Việt Nam, kích động lòng hận thù dân tộc. Sau ba năm chịu đựng sự quấy phá quân sự Việt Nam đã kéo đại binh chính phạt Pot-Pot vào mùa xuân năm 1979. Trong vòng không đầy một tháng tiến công,quân đội nhân dân Việt Nam đã “giải phóng” được đất nước Chùa Tháp khỏi nạn diệt chủng. Nhưng việc chiếm đóng Campuchia đã bị cả thế giới lên án là kẻ xâm lược. Chế độ Hà Nội bị cô lập về chính trị, ngoại giao và bị bao vây kinh tế bởi chính sách cấm vận của Hoa Kỳ. Thế nhưng Việt Nam tiến vào Campuchia thì dễ mà rút ra thì khó, vì đây là “trận địa vũng lầy” được Trung Quốc chuẩn bị cho Việt Nam bị sa lầy.
 
2. Mũi nhọn thứ hai là sau khi gài thế chôn chân Việt Nam ở Campuchia và những khó khăn hậu chiến chồng chất, Trung Quốc đã mở cuộc đại tấn công quân sự tràn qua biên giới phía Bắc Việt Nam gọi là để “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Theo tố cáo của Hà Nội, trong trận chiến này Trung Quốc đã huy động tới 600.000 quân với 800 xe tăng và xe bọc thép, hàng ngàn trọng pháo, hàng trăm máy bay đủ loại. Đặng Tiểu Bình, lãnh tụ của Trung Quốc lúc đó, gọi hành động quân sự này là để “dạy cho Việt Nam một bài học”. Trên thực tế, Trung Quốc đã tự rút về, sau một tháng tấn công, chiếm đóng sáu tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam (Từ 17-2 đến 18-3-1979), triệt phá các cơ sở chính quyền, kinh tế của Việt Nam, tàn sát nhiều người, phá trụi bốn thị xã Lào Cai, Cẩm Đường, Cao Bằng, Lạng Sơn…
 
3. Ngoài hai mũi nhọn trên, Trung Quốc còn tung thêm mũi nhọn tấn công trên lãnh vực kinh tế và chính trị của Việt Nam.

Về kinh tế, ngay sau khi Hà Nội nghiêng hẳn về Mạc Tư Khoa (Moscow), lập tức Bắc Kinh đòi nợ khẩn cấp, cắt hết viện trợ hậu chiến, ngưng ngang các công trình đang xây dựng và rút hết chuyên gia về nước. Đồng thời cắt đứt đường vận chuyển qua đường sắt Vân Nam - Hà Nội, vốn là con đường vận tải đường bộ duy nhất lúc bấy giờ để Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa giao lưu hàng hóa với Việt Nam.  

II/- Trung Quốc có sẽ áp dụng lại đối sách năm 1979 với Việt Nam?

Quá khứ là vậy, còn hiện tại và tương lai thì sao?

Câu trả lời tổng quát có thể là: Trung Quốc ngày nay sẽ không dám sử dụng lại đối sách trên đây đối với Việt Nam, một khi Hà Nội thật sự chọn Hoa Kỳ làm đồng minh. Vì sao?
Là vì vị thế và tình hình Việt Nam trong tương quan với cộng đồng các quốc gia trên thế giới ngày nay so với 36 năm trước đây (1979-2015) đã khác xa. Chiến lược toàn cầu hay là nền trật tự quôc tế mới hay là một hệ thống kinh tế quốc tế mới đã được các cường quốc xác lập từ lâu, trong đó có sự tham gia của cả Trung Quốc và Việt Nam. Hơn ai hết, ngày nay Trung Quốc phải hiểu là mình không còn có thể muốn làm gì thì làm mà không gánh chịu hậu quả nghiêm trọng về chính trị, kinh tế và ngoại giao.

Vì vậy có thể nhận định rằng, Trung Quốc sẽ không thể áp dụng lại đối sách năm 1979.
1. Thực tế Trung cộng sẽ không thúc đẩy cuộc chiến tranh giữa hai nước Việt Nam  -Campuchia để có cớ trừng phạt Việt Nam, mặc dầu có những dấu hiệu khơi mào tương tự như đã đẩy Việt Nam vào cuộc chiến tranh chinh phạt Campuchia vào năm 1979.

Dấu hiệu khơi mào đầu tiên trước chuyến đi Hoa Kỳ của Tổng Bí thư đảng CSVN là việc Campuchia đã chủ động khơi lại vấn đề tranh chấp biên giới với Việt Nam xảy ra vào ngày 28-6-2015 và những hành động tiếp theo vào những ngày sau đó trên vùng biên giới giáp ranh tỉnh Svay Rieng của Campuchia và tỉnh Long An của Việt Nam.

Dấu hiệu tiếp theo xảy ra một ngày sau chuyến đi Hoa Kỳ của Ông Nguyễn Phú Trọng là việc một phái đoàn quân sự và an ninh cấp cao do Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh dẫn đầu khởi sự chuyến đi thăm Bắc Kinh hôm 8 tháng 7. Ông Tea Banh nói rằng chuyến đi này nằm trong khuôn khổ một cuộc “trao đổi thường niên”. Nhưng tham gia chuyến đi có các Tư lệnh của cả 3 quân chủng thuộc Quân đội Hoàng gia Campuchia và Tư lệnh Quân cảnh Quốc gia – điều này nói lên tầm quan trọng của chuyến đi, bất chấp lời phát biểu của ông Tea Banh.

Thế nhưng trên thực tế, cũng có những dấu hiệu cho thấy các cuộc xung đột lẻ tẻ ở biên giới Việt Nam - Campuchia sẽ không dẫn đến chiến tranh giữa hai nước như năm 1979. Nhà chức trách hai nước đã tức thời gặp nhau và khẳng định tiếp tục giải quyết vấn đề biên giới thông qua thương lượng, căn cứ trên bản đồ lịch sử và luật pháp quốc tế. Chính Thủ tướng Hunsen cũng đã cho hay là Ông đã yêu cầu các chính phủ Pháp, Anh, Hoa Kỳ cung cấp cho các bản đồ ổn cố từ thời Đông Dương thuộc Pháp làm căn cứ để xác định biên giới hai nước, mà ông tin văn khố các nước này hiện còn lưu trữ.

2. Mặc dầu có nhưng sự đồn đoán về sự chuyển quân về phía biên giới Việt - Trung, song Trung Quốc sẽ không dám ngang nhiên tấn công quân sự gọi là để “dạy cho Việt Nam một bài học” như năm 1979, nếu Việt Nam ngả theo Hoa Kỳ. Vì Hoa Kỳ hiện nay khác Liên Xô trong quá khứ. Hoa Kỳ sẽ không đứng nhìn Trung Quốc tự tung tự tác như Liên Xô trước đây. Vì Hoa Kỳ không phải là “Con cọp giấy” như Trung Quốc thường rêu rao trước đây, mà là “Con cọp thật” đã và đang thể hiện sức mạnh thực sự của một mãnh hổ, vượt trội Trung Quốc về quân sự cũng như nhiều mặt khác, để nếu xẩy ra bất cứ xung đột quân sự nào, ưu thế vẫn nghiêng về phía Hoa Kỳ.

Vì vậy, Hoa Kỳ đã không ngần ngại công khai lên án mạnh mẽ hành động của Trung Quốc xâm lấn Biển Đông, lấn áp các nước nhỏ yếu trong vùng trong đó có Việt Nam và khẳng định nhiều lần rằng Hoa Kỳ có quyền lợi quốc gia trong vùng Biển Đông phải bảo vệ.

Dường như Trung Quốc cũng hiểu được quyết tâm và hành động thực sự của Hoa Kỳ lần này không thể coi thường. Vì vậy đã có dấu hiệu của một sự xoa dịu tình hình. Một điển hình là ngay sau chuyến đi Hoa Kỳ của Tổng Bí thư đảng CSVN, Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ đã tới thăm Việt Nam trong ba ngày (từ 6 đến 19-7-2015). Theo Tân Hoa Xã, Ông Trương đã hội kiến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trong cưộc gặp Ông Sang, Phó Thủ tướng Trung Quốc nói rằng mối quan hệ truyền thống do hai lãnh đạo của hai nước là Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh vun đắp là “một tài sản quý giá của hai đảng và nhân dân hai nước”. Phó Thủ tướng Trung Quốc cũng được trích lời nói thêm rằng vì “quyền lợi cơ bản của hai nước, cần phải thắt chặt mối quan hệ truyền thống này”. Bản tin của Tân Hoa Xã không đề cập tới vấn đề tranh chấp biển Đông. Tuy nhiên, báo chí Việt Nam cho hay, trong cuộc gặp với ông Trương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên “tuân thủ các thỏa thuận và nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước về những bất đồng trên biển và sớm cùng các nước ASEAN hoàn tất xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”.
 
3. Ngoài hai mũi nhọn trên của đối sách năm 1979 không dám áp dụng lại, Trung Quốc có thể tung mũi nhọn tấn công trên lãnh vực kinh tế và chính trị của Việt Nam hay không?
Vì kinh tế Việt Nam hiện nay lệ thuộc kinh tế Trung quốc trên khá nhiều mặt, nhưng nếu Bắc Kinh đã chọn đối sách hòa dịu, thì họ sẽ không sử dụng mũi nhọn này tấn công Việt Nam. Nếu có sử dụng đi nữa cũng không gây khó khăn nhiều cho Việt Nam như năm 1979. Vì nền kinh tế Việt Nam nay đã khác xưa, không còn bị bế quan tỏa cảng (do chế độ kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bị cấm vận), mà đã vững mạnh nhờ mở rộng làm ăn theo kinh tế thị trường. Nếu Trung Quốc gây khó khăn về kinh tế, Việt Nam sẽ vượt qua, nhờ sự trợ giúp của Hoa Kỳ và các nước tư bản có đầu tư tại Việt Nam.

Về chính trị, Trung Quốc cũng khó tạo biến cố gây bất ổn chính trị cho Việt Nam. Vì một khi chọn Mỹ và các cường quốc tư bản làm đồng minh, thoát khỏi sự kềm kẹp của Trung Quốc, chế độ sẽ tạo được sức hậu thuẫn mạnh mẽ của toàn dân, tình hình chính trị sẽ ổn định và ngày càng được củng cố, sẽ vô hiệu hóa mọi thủ đoạn của Bắc Kinh nhằm phân hóa nội bộ, gây bất ổn chính trị và xáo trộn xã hội Việt Nam.

III/- Kết luận

Tóm lại, nếu Việt Nam chọn Hoa Kỳ làm đồng minh, Trung Quốc sẽ không thể thực hiện đối sách năm 1979 với Việt Nam, sau khi Việt Nam ngả theo Liên Xô. Vì tình hình Việt Nam và cục diện thế giới đã thay đổi. Tư thế và nội lực Hoa Kỳ ngày nay khác tư thế và nội lực Liên Xô ngày xưa. Trung Quốc chắc cũng đã hiểu rõ điều đó và có đủ khôn ngoan để có một đối sách khác hơn năm 1979 đối với Việt Nam vì quyền lợi thiết thân của mình.

Nếu các nhà lãnh đạo đảng và nước Việt Nam hiện nay không chọn Hoa Kỳ làm đồng minh, thì họ sẽ bị mất cơ hội ngàn năm một thuở để thoát khỏi sự kềm kẹp bao lâu nay của Trung Quốc và họa mất nước chỉ còn là vấn đề thời gian. Đảng CSVN sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước quốc dân và lịch sử Việt Nam.

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.










No comments:

Post a Comment