Thursday, July 2, 2015

Nếu Hy Lạp ly dị khối Euro (Ngô Nhân Dụng)





Thứ Tư, ngày 01 tháng 7 năm 2015

Mười hai giờ đêm 30 tháng Sáu (2 giờ chiều ở California), Hy Lạp bước vào tình trạng vỡ nợ. Hết trợ cấp, chính phủ Hy Lạp không thể trả cho IMF €1.55 tỷ (đồng euro), gần $1.73 tỷ (mỹ kim). Khi bà Christine Lagarde, chủ tịch IMF chính thức công bố tin này, trên nguyên tắc các định chế tài chánh khác ở Châu Âu có quyền đòi Hy Lạp phải trả hết €180 tỷ đã cho vay. Làm như vậy không khác gì “rút ống dưỡng khí” của kinh tế Hy Lạp. Cho nên chưa ai làm dữ cả, mà còn hứa hẹn sẽ nói chuyện tiếp về các biện pháp cứu giúp khác. Chính phủ Alexis Tsipras sẽ thở được ít nhất đến ngày Thứ Hai tuần tới.

Thủ tướng Alexis Tsipras, 40 tuổi, đã “đánh cuộc,” còn gọi là “đánh cá.” Cuối năm 2014, đảng Syriza của ông thắng cử nhờ hứa với cử tri rằng ông sẽ xóa bỏ các chính sách “thắt lưng buộc bụng” do nước khác ở Châu Âu ép buộc. Các chính phủ trước đều phải chấp nhận các chính sách này, khi châu Âu đưa tay cứu Hy Lạp thoát khỏi bị vỡ nợ, năm 2012, là tăng thuế, cắt giảm chi tiêu, khiến người già bị giảm bớt lương hưu, người thất nghiệp sớm mất trợ cấp, công chức bị cắt lương, vân vân. Các người lãnh lương hưu đã bị cắt 45% rồi, nạn thất nghiệp đã lên tới 25%, và tổng sản lượng nội địa Hy Lạp đã giảm một phần tư kể từ năm 2010. Dân Hy Lạp, với 2 triệu rưỡi người nghỉ hưu và 600 ngàn công chức, chịu khổ cực quá, cho nên thấy đảng Syriza hứa hẹn thì hoan nghênh; chấp nhận đối đầu với các nước chủ nợ!

Ông Alexis Tsipras chắc nghĩ rằng nếu Hy Lạp cứ làm găng đến cùng, các nước khác sẽ phải nhượng bộ chứ không dám bỏ rơi nước ông. Nếu Hy Lạp vỡ nợ thật, sẽ phải rút ra khỏi nhóm 24 nước Châu Âu đang dùng đồng euro, trong đó có Vatican và Monaco. Nếu chuyện đó xẩy ra, hậu quả sẽ rất  lôi thôi, cho tất cả mọi người. Năm 2012 Liên hiệp Âu châu và IMF, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dưới ảnh hưởng của châu Âu, đã hùn tiền giúp Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp thoát cảnh vỡ nợ. Lý do cũng vì nếu không cứu ba nước này thì thì giới đầu tư khắp nơi sẽ mất niềm tin, kinh tế cả Châu Âu, và cả thế giới, sẽ suy yếu. Cho nên ông Tsipras đánh cá rằng năm nay cũng vậy; sau cùng các chủ nợ sẽ phải cứu; không dám đá Hy Lạp ra khỏi Nhóm Euro; rồi ra khỏi Liên hiệp Châu Âu (EU) luôn.

Dân Hy Lạp có vẻ tin ông Tsipras. Một cuộc nghiên cứu dư luận cho biết 74% dân Hy Lạp muốn nước họ nằm trong khối EU, nhưng 50% vẫn hoan nghênh đường lối cứng rắn của ông Tsipras. Tức là họ tin các nước Châu Âu sẽ không dám làm dữ. Cho nên trong sáu tháng qua, chính phủ Tsipras nhất định không nhượng bộ các định chế cho vay nợ, là IMF, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Hội đồng Liên hiệp Châu Âu (European Commission, EC). Các chủ nợ tỏ ra rất cương quyết, nhưng ông Tsipras vẫn làm như họ chỉ dọa, “tháu cáy,” chứ không dám đẩy Hy Lạp vào cảnh vỡ nợ.

Nhưng đêm hôm qua, ông Tsipras đã chịu thua một keo. Các nước Châu Âu không “tháu cáy.” IMF không cho trì hoãn món tiền €1.55 tỷ euro. Hy Lạp đã vỡ nợ thật dù bà Lagarde không dùng từ ngữ đó. Nhưng tai họa không chỉ có thế. Đến ngày 20 tháng Bảy tới, nếu không có tiền trả €3.5 nợ đáo hạn cho Ngân hàng Châu Âu thì chắc chắn Hy Lạp coi như sẽ tự động rút ra ngoài Khối 24 nước dùng đồng Euro. Vì lúc đó các ngân hàng Hy Lạp sẽ không được trợ cấp để có tiền trả cho các trương chủ muốn rút ra.

Nói “tự động” bởi vì nội quy Nhóm Euro không có điều khoản nào về “rút ra” hoặc “bị đuổi ra.” Trước đây chưa có nước nào đã ra cả. Nhưng việc Hy Lạp rút ra, gọi là “Grexit,” nếu xẩy ra sẽ là một chuỗi các biến cố, chứ không phải một biến cố gọn gàng. Khi nào chính phủ Hy Lạp tuyên bố sẽ phát hành một đồng tiền mới, gọi tên cũ là “drachma” thì hành động đó có thể đánh dấu biến cố “Hy Lạp Ra, Grexit.”

Thứ Bảy vừa qua, ông Tsipras đánh cá một cú chót. Ông tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, đặt một câu hỏi cho dân Hy Lạp là họ có chấp thuận các điều kiện mới của Châu Âu hay không? Trong tuần lễ chờ đợi, ông ra lệnh các ngân hàng đóng cửa và hạn chế số tiền dân có thể rút ra từ các máy tự động (€60 mỗi ngày).

Biện pháp cho các ngân hàng tạm nghỉ nhằm cứu cả hệ thống khỏi cảnh dân ào ạt rút tiền ra. Từ khi chính phủ Tsipras nắm quyền, số tiền dân gửi trong các ngân hàng từ €164 tỷ đã giảm một phần năm, chỉ còn €130 tỷ. Trong mấy tuần qua, số tiền rút ra khỏi các ngân hàng lên gần €10 tỷ. Người ta đoán dân Hy Lạp đang cất trong nhà khoảng €45 tỷ.

Việc tổ chức trưng cầu dân ý là một hành động “trốn trách nhiệm” của Thủ tướng Alexis Tsipras để đảng Syriza có thể rút lại các lời hứa khi tranh cử. Nếu dân chúng chấp thuận các điều kiện của Châu Âu, ông Tsipras có thể coi là ông bị bắt buộc “thắt lưng buộc bụng” ngoài ý muốn. Chắc dân Hy lạp sẽ chấp thuận, nhưng họ sẽ “trừng phạt” đảng Syriza trong cuộc bỏ phiếu sắp tới. Các đảng đang liên hiệp với Syriza sẽ làm áp lực buộc ông Tsipras phải từ chức để bàu cử lại. Hai đảng được lợi nhất trong cơ khủng hoảng này là đảng Cộng sản và đảng Cực hữu Bình Minh Vàng (Golden Dawn), khuynh hướng phát xít. Nước Hy Lạp đã từng trải qua nhiều cuộc đảo chính trong quá khứ; dân chúng sẽ lo sợ tái diễn sau cuộc khủng hoảng này!

Đây không phải là lần đầu tiên, chính phủ Hy Lạp đã vỡ nợ bẩy lần trong 200 năm qua. Năm 1830 nước này không trả được nợ cho Anh quốc khiến Hải quân Hoàng Gia phải đưa tầu đến chiếm các tài sản gán nợ! Thực ra trên thế giới hầu hết các quốc gia đã vỡ nợ, trừ năm nước là Australia, New Zealand, Thái Lan, Đan Mạch, Canada và Mỹ. Vụ Hy Lạp vỡ nợ lần này gây to chuyện vì liên can đến cả Châu Âu và đồng euro.

Người ta đã tính toán xem nếu Hy Lạp phải rút ra khỏi khối Euco thì hai bên sẽ thiệt và lợi những gì. Khi tính sổ xong, thì đối với cả hai bên, lợi bất cập hại. Hy Lạp thiệt hại nhiều, khối châu Âu thiệt hại nhẹ hơn. Nếu các nhà lãnh đạo đều suy nghĩ một cách thuần lý thì họ sẽ tìm đủ mọi cách để việc “ly dị” không xẩy ra. Nhưng chúng ta biết, ngay trong hôn nhân, nhiều khi hai người quyết định ly dị nhau mà không ai suy nghĩ chín chắn.

Trước hết, đối với nước Hy Lạp, nếu chấp nhận “vỡ nợ” thì ích lợi đầu tiên là sẽ không phải lo trả ngay những món nợ ngập đầu €320 tỷ, trong đó có €240 tỷ mới được cấp từ năm 2012 và €56 tỷ nợ nước Đức. Nhưng thực ra, việc trả các món nợ này đều rất nhẹ. Lãi suất rất thấp, số tiền trả nợ mỗi năm chỉ chiếm 3% GDP, kinh tế Hy Lạp có thể chịu đựng được. Rút ra khỏi khối Euro, Hy Lạp sẽ khó vay được nợ với lãi suất thấp như vậy, trừ khi vay chính phủ Nga hay Trung Quốc, đánh đổi với các điều kiện chính trị mà dân chúng sẽ chống đối.

Việc thay đổi đồng tiền từ euro sang drachma, đồng tiền dân Hy Lạp dùng từ năm 1830 đến năm 2001, sẽ gây nhiều rắc rối. Năm 1993, nước Slovak tách ra khỏi Tiệp Khắc, phải mất sáu tháng việc đổi tiền mới làm xong. Sẽ cần đến 430 triệu mỹ kim để in tiền mới. Đồng tiền mới khiến cho mọi bản hợp đồng thương mại, trong nước và với nước ngoài, sẽ phải được viết lại, dùng đồng tiền drachma thay euro. Nhưng các món nợ sẽ được tính theo tỷ lệ hối suất nào? Rất nhiều cuộc giao thương sẽ đình trệ khi hai bên không đồng ý với nhau về tỷ giá. Đồng drachma của Hy Lạp chắc chắn sẽ mất giá ít nhất 50% ngay khi ra đời.

Một hậu quả khi đồng tiền xuống là hàng nhập cảng sẽ lên giá. Các nhà nhập cảng có thể không bán hàng ra trong khi chưa biết họ sẽ mua hàng mới với giá nào, vì hối suất bấp bênh thay đổi. Ngược lại, mối lợi khi tiền xuống giá là hàng Hy Lạp bán ra nước ngoài sẽ được lợi vì giá hạ hơn, dễ cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, trong nền kinh tế Hy Lạp phần ngoại thương chiếm phần nhỏ cho nên mối lợi về xuất cảng nếu có cũng không đáng kể. Trong ba năm qua chính phủ Hy Lạp đã hạ giá hàng xuất cảng rồi, khi buộc các công nhân giảm lương 16%; nhưng sau đó số hàng xuất cảng cũng không thấy tăng lên.

Ảnh hưởng kinh tế sẽ kéo dài nếu Hy Lạp rút ra. Ngay lập tức, nhiều ngân hàng sẽ phá sản vì hiện nay họ sống nhờ Ngân hàng Châu Âu bơm tiền cấp cứu. Khi đồng tiền mất giá, mọi người dân tiết kiệm đều mất tiền, có thể mất một nửa. Người dân mất niềm tin thì số tiết kiệm và đầu tư sẽ giảm, mọi việc giao thương bị trì trệ. Nhiều thanh niên Hy Lạp sẽ đi ngoại quốc, người có tiền cũng đem ra ngoài làm ăn. Giới đầu tư quốc tế sẽ ngần ngại hơn khi muốn đưa tiền vào Hy Lạp. Một quốc gia vỡ nợ sẽ bị gạt ra ngoài thị trường vốn thế giới trong một thời gian dài, hàng chục năm trở lên. Nói tóm lại, Hy Lạp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn là được lợi nếu ra khỏi khối Euro.

Đối với Liên hiệp Châu Âu việc xóa nợ cho Hy Lạp không gây thiệt hại lớn lắm. Nhưng nếu Hy Lạp rút ra thì khối Euro sẽ không vững chắc như trước nữa.

Các nước Đông Âu đã tỏ thái độ cứng rắn nhất đối với Hy Lạp trong thời gian qua, vì họ thấy không có lý do gì dân chúng nước họ chịu một mức sống thấp hơn dân Hy Lạp, mà tiền họ đóng góp cho Liên hiệp Châu Âu lại được đem giúp cho Hy Lạp. Nhưng nếu Grexit xẩy ra,  vùng bị ảnh hưởng nặng nhất nằm ở Đông Âu vì niềm tin của giới đầu tư nói chung sẽ sụt giảm. Đồng zloty của Ba Lan, đồng florint của Hungary có thể sẽ mất giá 15 đến 20% so với đô la Mỹ. Số tiền đầu tư tại các nước Đông Âu có thể xuống vì, vì người ta bớt tin tưởng.

Tuy nhiên, những mối lo trên có thể rất nhẹ và sẽ thoáng qua rất nhanh; khác với tình trạng năm 2012. Nếu năm đó Hy Lạp rút ra thì Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng ra đi. Nhưng năm nay, hai nước trên đã hồi phục, được thị trường tin tưởng hơn. Bằng cớ là chính phủ hai nước này đang vay nợ chỉ phải trả lãi suất hàng năm khoảng trên dưới 2% cho các trái khoán 10 năm; trong khi chính phủ Hy Lạp phải trả tới 10 hay 12%. Cho nên, nhiều người nghĩ rằng nếu Châu Âu dứt bỏ được một “của nợ” là nước Hy Lạp thì sau đó sẽ bớt được một vấn đề khó khăn! Đối với nước Mỹ, ảnh hưởng sẽ không đáng kể, trừ một số công ty làm ăn nhiều với Châu Âu. Thực ra kinh tế Hy Lạp còn nhỏ hơn kinh tế các thành phố lớn ở Mỹ!

Tuy nhiên, khối các nước dùng đồng Euro sẽ phải đối phó với một vấn đề mới: Việc tham gia vào khối từ nay sẽ không còn là những cam kết vĩnh viễn như trước nữa. Nếu Hy Lạp “bị đuổi ra” thì nhiều nước kinh tế yếu khác sẽ có thể sẽ phải ra đi, như Cyprus, Bồ Đào Nha; trong một cuộc khủng hoảng sau này. Tham vọng thống nhất Châu Âu sẽ mờ nhạt ít nhất mất nửa thế kỷ.

Có lẽ ông Tsipras đã đánh cá rằng khối Euro muốn tránh tình trạng đó bất cứ với giá nào. Cho nên ông mới “đánh cá” rằng Châu Âu không bao giờ dám “đuổi Hy Lạp” ra ngoài. Có điều, ông không biết nghĩ rằng một khối Châu Âu muốn tồn tại mà lại bỏ qua không tôn trọng các quy tắc tối thiểu của thị trường tài chính, thì cả khối sẽ mất uy tín và khó điều hành. Mối lo đó còn lớn hơn là chịu những thiệt hại nhỏ khi chịu mất một thành viên để bảo vệ các quy tắc tài chánh.

Nhưng dân Hy Lạp sẽ phải nhận ra rằng ông Tsipras thích đánh cá, và ông ta đã đem nền kinh tế cả nước và tương lai đất nước đặt lên bàn đánh cá! Năm 2014, kinh tế Hy Lạp thực ra đã ngưng suy thoái, bắt đầu tăng trưởng. Nhưng chính phủ Tsipras thiếu khả năng, bao cấp cho bè đảng nhiều hơn các chính phủ trước, khiến kinh tế khựng lại và nay lại đang xuống.

Chủ tịch Liên hiệp Châu Âu Jean-Claude Juncker đã mỉa mai rằng ông Tsipras tự nhận là theo chủ nghĩa xã hội; nhưng khi được yêu cầu tăng thuế các nhà giầu thì ông lại cưỡng đến phút chót mới làm. Ông Juncker kêu gọi dân Hy Lạp chấp thuận các đề nghị của các chủ nợ trong khi chính phủ Tsipras cổ động dân bỏ phiếu chống. Ông Juncker nhấn mạnh rằng các đề nghị mới của châu Âu không đòi phải cắt giảm lương và hưu bổng. Tuy nhiên, khi họ đòi Hy Lạp tăng thuế tiêu thụ (VAT) thì hậu quả là tất cả mọi người bị giảm lương! Tổng thống Pháp Francois Hollande nói thẳng rằng nếu dân Hy Lạp bỏ phiếu KHÔNG thì coi như họ muốn ra khỏi khối sử dụng đồng euro. Ngày Chủ Nhật tới, dân Hy Lạp sẽ cho biết quyết định của họ.






No comments:

Post a Comment