Tuesday, July 21, 2015

Hai phụ nữ chạy đua tranh chức tổng thống Đài Loan (Ralph Jennings - VOA Tiếng Việt)





Ralph Jennings  -  VOA Tiếng Việt
20.07.2015

ĐÀI BẮC—Cử tri Đài Loan hầu như chắc chắn sẽ chọn một người phụ nữ làm tổng thống. Hôm chủ nhật, Quốc Dân Đảng đương quyền chọn bà Hồng Tú Trụ, Phó chủ tịch Viện lập pháp, làm ứng viên tổng thống của đảng. Bà Hồng sẽ chạy đua với bà Thái Anh Văn, Chủ tịch Đảng Dân Tiến đối lập, trong cuộc bầu cử vào tháng giêng. Đây là lần đầu tiên cả hai đảng chính của Đài Loan đều chọn phụ nữ làm ứng viên tổng thống. Thông tín viên Ralph Jennings của đài VOA tường thuật từ Đài Bắc.

Quốc Dân Đảng đương quyền chọn bà Hồng Tú Trụ, Phó chủ tịch Viện lập pháp, làm ứng viên tổng thống của đảng.

Trong cuộc bầu cử vào tháng giêng sang năm, bà Hồng Tú Trụ, nữ ứng viên tổng thống đầu tiên của Quốc Dân Đảng đương quyền, sẽ chạy đua với bà Thái Anh Văn, người được Đảng Dân Tiến đối lập chọn làm ứng viên tổng thống của đảng hồi đầu năm nay. Bà Thái Anh Văn đã bị đương kim Tổng thống Mã Anh Cửu đánh bại trong cuộc bầu cử năm 2012.

Phụ nữ đã được chọn làm người đứng đầu chính phủ ở nhiều nước Á châu, như Ấn Độ và Nam Triều Tiên, nhưng việc này chưa từng xảy ra ở Đài Loan. Ông Dương Vĩnh Minh, phát ngôn viên của ban vận động bầu cử của Quốc Dân Đảng, nói rằng đây là một diễn tiến khá thú vị.

"Cả ứng viên của đảng đối lập chính lẫn ứng viên của đảng đương quyền đều là phụ nữ là một việc không có ở những nước khác, cho nên điều này có lẽ đang làm cho cuộc vận động bầu cử trở nên khá thú vị."

Bà Hồng Tú Trụ, 67 tuổi, xuất thân là giáo viên. Bà được nhiều người biết tiếng với những câu hỏi hóc búa và đôi lúc có tính chất hài hước mà bà nêu ra với các quan chức chính phủ tham dự những cuộc chất vấn tại quốc hội. Đối thủ của bà, bà Thái Anh Văn, là luật sư. Bà Thái, 58 tuổi, bị ông Mã Anh Cửu đánh bại với tỉ lệ chênh lệch phiếu là 6% trong cuộc bầu cử năm 2012.

Bà Thái Anh Văn, ứng cử viên của đảng Dân Tiến.

Các nhà quan sát chính trị nói rằng cử tri Đài Loan có thể chấp nhận một nữ tổng thống bởi vì nền dân chủ của nước này đã trưởng thành từ khi bắt đầu cuối thập niên 1980 và những người phụ nữ trên 50 tuổi thường được xem là những người có năng lực để đứng đầu gia tộc trong nền văn hoá cổ truyền là văn hoá Trung Hoa ở Đài Loan. Một phần ba đại biểu quốc hội Đài Loan là phụ nữ và nhiều công ty hàng đầu của đảo quốc này có tổng giám đốc là phụ nữ.

Trong một dấu hiệu cho thấy giới tính là một vấn đề không quan trọng đối với cử tri Đài Loan, cuộc tranh luận về chức vụ tổng thống đã chuyển sang trọng tâm sang một trong những vấn nạn gai góc nhất: (đó là) mối quan hệ với Trung Quốc, là mối quan hệ vốn có rất nhiều căng thẳng nhưng được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Bắc Kinh tuyên bố có chủ quyền đối với Đài Loan từ thập niên 1940 và đòi đôi bên phải tái thống nhất. Các cuộc thăm dò công luận cho thấy người dân Đài Loan muốn duy trì mức độ tự trị như hiện nay, chứ không muốn bị sáp nhập vào Trung Quốc.

Năm 2008 Tổng thống Mã Anh Cửu đã gác qua một bên những vụ tranh chấp chính trị với Trung Quốc để tiến hành cuộc đối thoại có tính chất lịch sử và kết quả là đôi bên đã ký kết với nhau hàng loạt các hiệp định thương mại, kinh tế. Bà Hồng Tú Trụ chủ trương nên tiếp tục cuộc đối thoại dựa trên điều kiện của Bắc Kinh là đôi bên tự xem là một nước Trung Quốc duy nhất, nhưng không có đồng quan điểm về nội dung của cụm từ “một nước Trung Quốc.” Bà Thái Anh Văn cũng muốn đối thoại với Bắc Kinh nhưng bác bỏ điều kiện một nước Trung Quốc, và điều đó làm cho Trung Quốc cảm thấy lo ngại.

Ông Ross Feingold, một nhà tư vấn cấp cao ở Đài Bắc của công ty tư vấn rủi ro chính trị DC International Advisory của Mỹ, nói rằng cử tri sẽ xem xét tới chính sách về Trung Quốc của hai ứng viên -- cũng như quan điểm của họ về các vấn đề kinh tế.
"Cả hai ứng viên này đều là những nhân vật công chúng trong một thời gian khá lâu, cho nên chắc chắn là có những chuyện để xem xét trong thành tích của họ trong quá khứ và lập trường của họ đối với các vấn đề hiện nay. Những chuyện này đủ để cho mọi người bàn tán, tranh luận với nhau mà không cần phải nói tới vấn đề giới tính."

Nhiều người Đài Loan muốn có một mối quan hệ có tính chất dè dặt hơn với Trung Quốc và các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy bà Thái Anh Văn đang dẫn trước đối thủ trong lúc còn khoảng nửa năm nữa là tới ngày bỏ phiếu.

Tổng thống Mã Anh Cửu, theo qui định của hiến pháp, phải rút lui sau khi phục vụ hai nhiệm kỳ.  

TIN LIÊN QUAN :

Victor Beattie  -  VOA Tiếng Việt
04.06.2015

Một ứng cử viên tổng thống của phe đối lập Đài Loan cam kết theo đuổi mối quan hệ ổn định, khả đoán và lâu bền với Trung Quốc nếu đắc cử trong cuộc bầu cử vào năm tới. Theo tường thuật của thông tín viên Victor Beattie của đài VOA, bà Thái Anh Văn, Chủ tịch Đảng Dân Tiến, cho biết tại một cuộc diễn thuyết ở Washington rằng có một sự đồng thuận ở Đài Loan là nên duy trì hiện trạng.

Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington hôm thứ tư, bà Thái Anh Văn nói rằng việc duy trì một mối quan hệ hoà bình và ổn định với Trung Quốc là vô cùng quan trọng đối với Đài Loan. Bà cam kết, nếu đắc cử vào tháng giêng tới đây, bà sẽ đại diện cho toàn dân Đài Loan và theo đuổi những mối quan hệ xuyên eo biển mà bà mô tả là “nhất quán, có thể tiên đoán và lâu bền” với Hoa Lục.

"Việc thực thi chính sách xuyên eo biển phải vượt qua lập trường của một đảng phái chính trị và tổng hợp những quan điểm khác nhau. Một nhà lãnh đạo phải xem xét tới sự đồng thuận của công chúng khi làm ra quyết định. Chúng tôi có một sự đồng thuận rộng rãi ở Đài Loan và đó là duy trì hiện trạng."

Bà Thái Anh Văn cho biết, nếu được đắc cử, bà sẽ ủng hộ cho việc đặt ra luật lệ để có một tập hợp đầy đủ của các nguyên tắc chi phối sự giao lưu và thương thuyết giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Bà nói rằng những hiệp định với Bắc Kinh đang được thương lượng hoặc đang được quốc hội Đài Loan duyệt xét sẽ được duyệt xét lại hoặc thương thuyết lại dựa trên luật mới.

Quốc Dân Đảng đương quyền của Tổng thống Mã Anh Cửu muốn có những mối quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh, nhưng nhà phân tích Bruce Jacobs của Đại học Monash ở Australia cho biết trong sự suy nghĩ của nhiều người thì Hoa Lục đã được hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách đó.

"Chính phủ hiện nay nói rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc và đó là một điều mà xét theo khía cạnh lịch sử thì không có cơ sở thật sự để khẳng định như vậy, nhưng sự khẳng định này được đưa ra với ý nghĩa là Đài Loan muốn có một mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc. Trên thực tế, chính sách này không mang lại kết quả. Trung Quốc đã cho chính phủ của ông Mã Anh Cửu rất ít, mặc dù họ đã có những sự nhượng bộ nào đó; và tôi nghĩ rằng một trong những lý do khiến chính phủ Mã Anh Cửu không được dân chúng ủng hộ là họ đã áp dụng phương pháp tiếp cận vô lý như vậy đối với Trung Quốc. Tôi tin rằng bà Thái Anh Văn sẽ có được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân Đài Loan nếu bà thúc đẩy cho những chính sách mới."

Giáo sư Jacobs cho biết bà Thái Anh Văn chưa bao giờ tán thành điều được gọi là “sự đồng thuận năm 1992”, theo đó Đài Loan và Trung Quốc chấp nhận là chỉ có một nước Trung Quốc.

Bà Thái Anh Văn cho biết trong lúc ủng hộ cho những sự giao lưu và đối thoại xây dựng với Trung Quốc, bà sẽ làm cho tiến trình này có tính chất dân chủ và minh bạch và sẽ bảo đảm là những lợi ích kinh tế được chia sẻ một cách đồng đều.

Nhà lãnh đạo chính trị Đài Loan này cũng nói rằng để Đài Loan có thể là một đối tác đáng tin cậy trong nền an ninh khu vực, đảo quốc này phải đầu tư vào lãnh vực quốc phòng để có được khả năng răn đe khả tín.

"Vì mối đe dọa quân sự và an ninh mà Đài Loan đối mặt mỗi lúc một tăng, cho nên sự phát triển những khả năng bất cân xứng -- bao gồm việc tăng cường quan hệ quân sự với các nước thân hữu, tăng cường sự huấn luyện cho nhân viên quân sự về cơ cấu quân đội hiện đại và mua sắm những trang thiết bị quốc phòng cần thiết, là những bộ phận thiết yếu của chiến lược răn đe của chúng tôi."

Ông Bill Sharp, một chuyên gia về Đài Loan của Đại học Hawaii-Pacific, nói rằng Đảng Dân Tiến đang ra sức làm vui lòng cả Washington lẫn Bắc Kinh, không tạo ra tình huống đột ngột và không tranh thủ độc lập cho Đài Loan. Ông nói rằng dưới thời Tổng thống Trần Thuỷ Biển của Đảng Dân Tiến, Đài Loan đã mưu tìm độc lập thoát khỏi Trung Quốc, nhưng giới lãnh đạo hiện nay cần phải có một cái nhìn thực tế hơn.

"Họ muốn nắm quyền trở lại và họ nhận thức được là nếu họ cổ võ cho độc lập thì việc đó sẽ làm cho nhiều người ở Đài Loan cảm thấy bất an. Có một số người ở Đài Loan muốn như vậy, nhưng tôi tin rằng tỉ lệ đó rất thấp, cũng giống như có một số người ở Đài Loan muốn thống nhất với Trung Quốc vào lúc này, nhưng trong cả hai trường hợp, tỉ lệ của họ rất thấp."

Giáo sư Sharp cho biết ông tin là cuộc vận động bầu cử sắp tới ở Đài Loan sẽ dựa trên các vấn đề quốc nội, như kinh tế, chứ không phải các mối quan hệ với Trung Quốc.






No comments:

Post a Comment