Nguyễn
Giang
bbcvietnamese.com
29
tháng 6 2015
Phát
biểu của Cục trưởng Cục Báo chí ông Hoàng Hữu Lượng đại ý rằng "Bộ giữ lại
báo Bưu điện Việt Nam cũng với hy vọng báo sẽ tạo được uy tín và danh tiếng như
các tờ Washington Post, Bangkok Post" đã gây ra nhiều tranh luận.
Một
số bạn đã nêu rằng báo nước ngoài có chữ 'Post' trong tên của chúng nhưng không
liên quan gì đến ngành bưu điện.
Ở
đây, tôi chỉ nói thêm hai ý, về nguồn gốc tư nhân của đa số các tờ báo nổi tiếng
cũng có chữ 'Post' và về tham vọng quốc tế của báo chí Việt Nam đang bị trói lại
bằng chính những thói quen của Nhà nước.
Nhưng
cũng cần trở lại ngữ nghĩa từ 'Post' trong
câu chuyện.
Lịch
sử báo chí trên thế giới, theo Jim Bernhard trong cuốn sách kinh điển về ngành
này, có thể truy nguyên tới tận thời La Mã khi Hoàng đế Julius Ceasar (thế kỷ
1 trước Công nguyên) lập ra 'Acta Diurna Populi Romani' (Nhật trình của người
La Mã).
Đây
là một thứ văn bản ghi chép lại các sự kiện của thành Rome và được gửi đến
các tỉnh của đế chế, phục vụ quan chức và bạn đọc hàng ngày, cả quý tộc lẫn bình
dân.
Từ
đó, tên các báo chí châu Âu thường chỉ ngày: Journal, Giornale, Dziennik,
Daily...hoặc chỉ thời gian, tính thời sự: Times, News, Currant, Chronicle...
Ngoài
ra, các tiếng Pháp và Ý cũng đóng góp cho nghề báo tên 'Gazette' sau thành
Gazeta ở một số tiếng Đông Âu.
Cũng
có các báo mang tên Tribune, Citizen, Register, Observer, Mirror (Spiegel trong
tiếng Đức) nhấn vào góc độ phục vụ công chúng, là diễn đàn, là điểm quan sát,
là tấm gương phản ảnh các sự việc, sự kiện.
Một dạng tên khác liên quan đến quá
trình vận chuyển báo qua bưu chính là Mail, Post.
Tờ
Washington Post ra đời năm 1877 và ban đầu chủ yếu lưu hành tại khu vực hành
chính Washington, D.C., sau này mới có uy tín trên cả nước và trên thế giới.
Ở
Anh, tờ Daily Mail ra đời năm 1896 và ngay từ đầu đã nhắm tới giới bình dân với
giá buổi sơ khai chỉ một nửa xu Anh (pence), bằng 1/2 giá tờ The Times tại
London.
Một
trong những tờ báo đầu tiên ở Đức có chữ Post là Berliner Morgenpost (1898) và
từng có tiếng về các tin địa phương.
Nhưng
đúng như nhiều người đã nói, các tờ báo trên không có liên quan gì đến ngành
bưu điện.
Đấy
chỉ là cách đặt tên gắn liền với cách thức chuyển phát bưu kiện một thời,
hoặc chỉ mang tính biểu tượng, hoặc hàm ý chuyển tin nhanh: Express,
Messenger, Courrier, Dispatch.
Cùng
sự thay đổi của công nghệ, báo chí chỉ còn gắn với tin tức, bất kể cách phát
hành ra sao.
Lấy
ví dụ gần đây, người ta còn muốn bỏ hẳn chữ 'paper' trong 'newspaper' vì báo
không còn liên quan gì đến ngành in nữa mà chủ yếu xuất bản trên mạng, phục vụ
bạn đọc trên các phương tiện di động.
Tham
vọng và thực tế
Phát
biểu của Cục trưởng Hoàng Hữu Lượng xét cho cùng không sai về ngôn từ dù không
còn chính xác vào thời điểm này.
Tuy
thế, ta cũng nên ghi nhận ông đã thừa nhận uy tín của hai tờ báo nước ngoài, ở
Mỹ và ở Thái Lan, cho thấy Việt Nam luôn có tham vọng để báo chí vươn lên một
đẳng cấp cao hơn.
Nhưng để làm được điều đó thì giải pháp
trên thế giới lại là để báo chí tách ra khỏi nhà nước.
Không
chỉ hai tờ Washington Post và Bangkok Post mà tất cả các báo lớn trên thế giới
đều do tư nhân lập ra.
Washington Post dưới thời của ông
Ben Bradlee làm chủ đã nổi tiếng với các phóng sự về vụ Watergate, khiến tổng
thống Richard Nixon phải từ chức.
Còn
tại châu Á, tờ Bangkok Post, được
lập ra năm 1946, tuy muộn hơn nhiều báo tiếng Việt và tiếng Pháp thời Đông
Dương thuộc Pháp, nhưng cũng là của chủ tư nhân, hai ông Alexander MacDonald
và Prasit Lulitanond.
Bên
Hong Kong, tờ South China Morning Post
(tiếng Trung là 'Nanhua Zaobao - báo buổi sáng, không hề có nghĩa bưu điện),
cũng do hai nhà đầu tư Anh và Trung Hoa lập ra năm 1903.
Nhìn
chung, trên thế giới, nhà nước cùng lắm chỉ nắm ngành phát thanh truyền hình,
còn các tờ báo đều do công ty tư hoặc tập đoàn truyền thông làm chủ.
Báo
là một doanh nghiệp nên cũng xuất hiện tại các thị trường chứng khoán để gọi
vốn và chỉ hoạt động theo luật là đủ.
Trong khi đó, ở Việt Nam chính quyền
không cho báo tư nhân ra đời nhưng lại duy trì tình trạng bất bình đẳng: các
'siêu bộ' nắm các 'siêu báo', và tiếp tục định hướng cho báo chí.
Nếu
như Cục trưởng Hoàng Hữu Lượng mong báo Bưu điện Việt Nam sẽ "tạo được
uy tín và danh tiếng" như báo nước ngoài, thì Thứ trưởng Trương
Minh Tuấn lại nói:
"Nhân dịp kỷ niệm
90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúc Báo Bưu điện Việt Nam, Infonet tiếp
tục phát triển. Rất mong các đồng chí luôn giữ đúng tôn chỉ mục đích, đặc biệt,
tờ Bưu điện Việt Nam phải chuyên về bưu điện."
Đây
quả là 'mission impossible' vì nếu chỉ "chuyên về bưu điện" và giữ
vai trò đưa tin về hoạt động của một ngành nghề thì hỏi làm sao tờ báo có thể
vươn ra thế giới được?
Như
đã nói ở trên, tờ báo nào cũng muốn đến với bạn đọc nhanh nhất, và ước vọng
'nhanh như điện tín' thể hiện trong tên của nhiều tờ báo.
Báo
Bưu điện Việt Nam có làm nổi như Washington Post năm 1971 để 'hạ bệ một tổng
thống' hay không?
Báo
chí cũng còn cần có chính kiến và viễn kiến, như tờ Bangkok Post ghi rõ đây là
'Cửa sổ cho thế giới nhìn vào Thái Lan' (The World's Window into Thailand).
Các
tờ báo Việt Nam hiện thiếu hẳn một viễn kiến tương tự và điều này không phải
vì Việt Nam không có nhà báo giỏi hay vì thiếu vốn kinh doanh ngành báo chí,
truyền thông.
Hiển
nhiên để cho tư nhân làm báo không phải là giải pháp hoàn hảo gì nhưng ít ra là
xu hướng tự nhiên, chủ báo, nhà đầu tư phải làm cho tốt để tồn tại, nếu phá sản
cũng là chuyện bình thường.
Còn
hiện nay, chừng nào báo chí vẫn tiếp tục phải đóng vai trò 'báo bộ, báo
ngành' thì tham vọng để báo chí Việt Nam có uy tín và danh tiếng quốc tế có lẽ
chỉ vẫn ở quanh quẩn trong 'vùng mơ tưởng' (dreamland) mà thôi.
No comments:
Post a Comment