24.07.2015
Việt Nam mới thông báo sẽ thả tới 17 nghìn tù nhân
trước thời hạn trong dịp đặc xá quy mô lớn nhất từ trước tới nay nhân dịp Quốc
khánh 2/9.
Theo Công điện của Chính phủ, những người được xét đặc
xá phải “chấp hành tốt nội quy trại giam, nhà tạm giữ” và “tích cực học tập,
lao động”.
Chính quyền Việt Nam chưa công bố sẽ có bao nhiêu tù
nhân chính trị được thả trong dịp này, nhưng các nhà bất đồng chính kiến, trong
đó có luật sư Nguyễn Văn Đài, cho rằng đây là dịp tốt để chính quyền Hà
Nội đáp ứng các yêu cầu của quốc tế về nhân quyền.
Ông Đài nói: “Trong
việc Việt Nam và Hoa Kỳ đàm phán về tiến trình gia nhập TPP, một trong những
đòi hỏi mà phía Hoa Kỳ đưa cho Việt Nam là phải trả tự do cho tất cả tù nhân
chính trị và tù nhân lương tâm. Dịp quốc khánh 2/9 tới đây là cơ hội tốt nhất để
cho Việt Nam có thể thực thi các điều kiện về thả tù nhân chính trị để có thể
bước vào đàm phán với Hoa Kỳ, để hai nước có thể kết thúc đàm phán TPP với Hoa
Kỳ".
Luật
sư Đài nói thêm: "Đồng
thời, không chỉ riêng sức ép của Hoa Kỳ mà còn cả cộng đồng châu Âu EU hay các
nước như Đức và Pháp đã gây áp lực đối với Việt Nam trong nhiều năm qua. Tôi
cho rằng đây là cơ hội tốt nhất để Việt Nam đáp ứng mong muốn không chỉ của người
Việt Nam trong nước mà cả quốc tế”.
Trong chuyến thăm Việt Nam năm ngoái, Trợ lý Ngoại
trưởng Hoa Kỳ về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, ông Tom Malinowski, nói rằng
Washington muốn mối bang giao với Hà Nội “sâu sắc và bền vững hơn, như các mối
quan hệ đối tác của Mỹ với các bạn hữu và các đồng minh thân thiết nhất ở châu
Á, châu Âu cũng như những nơi khác”.
'Quan hệ đổi chác'
Nhưng để đạt tới điều đó, ông cho rằng mối quan hệ
Việt – Mỹ cần phải “dựa trên những giá trị chung”, và đó là lý do vì sao Hoa Kỳ
“nhấn mạnh rất nhiều tới vấn đề nhân quyền”.
Ông Malinowski có đề cập tới một số tiến bộ của Việt
Nam, trong đó có việc thả 12 tù nhân lương tâm, nhưng ông nói phía Mỹ “muốn thấy
nhiều hơn thế”.
Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ còn nói rằng Mỹ không muốn
“quan hệ đổi chác” với Việt Nam trong khi giới quan sát nhận định rằng Hà Nội
dường như đang sử dụng các nhà bất đồng chính kiến trong cuộc mặc cả với
Washington.
Luật
sư bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Đài nhận định: “Mỗi một lần bắt giữ thì họ đều nhắm đến các
đối tượng mà họ có thể đưa ra đàm phán hay mặc cả trong cuộc đối thoại về nhân
quyền với Mỹ, Liên minh châu Âu hay là Úc và trong cuộc mặc cả về các vấn đề
như là thương mại tự do hay các vấn đề khác".
Ông nói thêm: "Việc
tham gia TPP với Hoa Kỳ hay là trong việc đàm phán với EU thì phía quốc tế luôn
đưa ra các điều kiện như vậy và Việt Nam thì lại tìm mọi cách để mặc cả với họ.
Rõ ràng những tù nhân chính trị hay tù nhân lương tâm Việt Nam đã trở thành những
món hàng để Việt Nam trao đổi với cộng đồng quốc tế.
Theo thống kê được Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền có
trụ sở tại Châu Âu công bố năm ngoái, hiện có ít nhất 212 nhà bất đồng chính
kiến đang bị Hà Nội giam cầm và nhiều người khác còn bị quản thúc tại
gia.
Việt Nam lâu nay vẫn tuyên bố không tống giam các tù
nhân chính trị mà chỉ bắt những người vi phạm pháp luật.
No comments:
Post a Comment