Sunday, July 26, 2015

Cách dạy học ở Việt Nam 'bạo lực'? (BBC Tiếng Việt)





24 tháng 7 2015

"Cái mà chúng tôi muốn sửa đổi thì chúng tôi không sửa đổi bằng cách nêu lên ý kiến phản biện mà chúng tôi lặng lẽ chữa nó đi," nhà giáo Phạm Toàn, thuộc nhóm soạn ra bộ sách Cánh Buồm cho bậc tiểu học nói trong Bàn tròn thứ Năm của BBC hôm 23/07. (Xem lại toàn bộ buổi thảo luận trên YouTube tại:http://bit.ly/1MHVxJa).
"Tôi lấy thí dụ, chúng tôi chữa bắt đầu từ định nghĩa về giáo dục. Hiện nay tất cả những định nghĩa về giáo dục đều áp đặt từ người lớn cho trẻ con. Lịch sự nhất thì là nói đến thì là chuẩn bị lực lượng xã hội. Tức là những con người ấy vẫn bị cư xử không phải như những chủ thể học tập."
"Chúng tôi muốn thay đổi thực tại, một cái thực tại không có định nghĩa nào cho nó chính xác cả, và không thấy có một cách nào làm để thấy mình có thể đến được tương lai chắc chắn và nhất lại là làm trên cơ sở tôn trọng người học, tôn trọng trẻ em."

Bà Vũ Thị Phương Anh, nhà nghiên cứu độc lập về giáo dục cũng nói trong chương trình: "Phản biện, nói nhiều quá mà hình như mọi người không nghe, hay nghe và hiểu nhưng mà hình như có cái gì đó vướng mắc nên không làm được."

Tiến sỹ Trần Tuấn thì cho rằng, cải cách giáo dục Việt Nam trong những năm gần đây, nhìn một cách tổng thể thì cách làm chung không được định hướng bởi phân tích khoa học.
"Và có điểm trống rất lớn là họ vẫn không chịu thực hiện là thực hiện giám sát, đánh giá chất lượng giáo dục, chất lượng đào tạo giáo dục một cách khách quan," giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển cộng đồng nói.

Một khách mời khác của chương trình, Trần Thị Hồng Nhi, nhà tâm lý lâm sàng, giảng viên Đại học Nhân văn TP.HCM cho rằng có sự khác biệt lớn giữa cách học và dạy ở Pháp và Việt Nam là lấy người học làm trung tâm.
"Bao giờ [họ] cũng muốn xem là người học đó khả năng họ ra sao, họ quan tâm đến cái gì, khả năng họ sáng tạo ra sao, họ biện luận thế nào về dự án mà họ làm.
"Cái này khác biệt rất lớn khi mà còn học ở Việt Nam. Ở Việt Nam chương trình học rất nặng nề. Nó gần như là độc tài và bạo lực, và hình như càng ngày càng bạo lực thì phải," Hồng Nhi, cũng là bác sỹ tâm lý ở bệnh viện Pháp Việt TP.HCM nói.

'Vừa hồng vừa chuyên'

Tiến sỹ Vũ Thị Phương Anh cũng nhấn mạnh, những người như bà hay nhà giáo Phạm Toàn cho tới nay "không còn tin vào hệ thống".
"Chúng ta khi chọn người thì vừa hồng vừa chuyên... Suốt đời ở trong nhà nước tôi biết là, Hồng là theo nghĩa có đạo đức cách mạng, nhưng đạo đức cách mạng có nghĩa là đứng trong tổ chức đảng v.v.
"Và điều đó nó dẫn tới, hình như làm chính trị là trên hết, còn chuyên môn chỉ là thứ yếu".
Các chuyên gia cũng đưa ra nhiều ý kiến khác nhau về việc đâu là bậc học cần được ưu tiên cải cách hơn cả.
Nhà nghiên cứu Vũ Thị Phương Anh cho rằng, nếu muốn bắt đầu cải cách, phải bắt đầu từ nhân sự, những nhân sự quản lý.
Nhà giáo Phạm Toàn cho rằng bậc học nào cũng quan trọng và cần được định nghĩa lại các bậc học để thực hiện đúng vai trò của nó.

Với Tiến sỹ Trần Tuấn, bậc học cần được tập trung vào nhất là phổ thông trung học, do đó là lứa tuổi bắt đầu có tư duy học, làm khoa học.
"Và lúc đó giả sử đào tạo tiểu học có sai lệch đi nữa thì vẫn còn kịp cho chúng ta điều chỉnh."
"Nhà giáo Phạm Toàn có nói là không nên chờ thêm gì nữa, và không nên bàn thêm vì chúng ta, tôi tạm gọi là đã quá thất vọng với hiện trạng rồi, thì tôi nghĩ chính vì hiện trạng như thế thì mới cần sự dũng cảm của các giáo viên."

Nhà tâm lý Trần Thị Hồng Nhi nói, với cô, lứa tiểu học cần được ưu tiên do học sinh tiểu học ở Việt Nam "bị buộc phải làm toán đố", trong khi về mặt tâm lý, các em chưa được chuẩn bị đầy đủ để làm loại toán này.
Hồng Nhi giải thích: "Toán đố yêu cầu một tư duy trừu tượng và tư duy trừu tượng này phải đợi đến một mức lứa tuổi mới có thể phát triển.
"Nhưng hiện giờ rất bạo lực là các bạn buộc phải làm, nên giáo viên tìm ra cách là dạy các bạn ấy là trong bài toán nếu có chữ 'tổng cộng' thì là phép cộng, có chữ 'còn lại' thì là phép trừ, có nghĩa là chỉ dạy các bạn ấy làm lý thôi.
"...Bạn nào cũng phải học thuộc như vậy nhưng thực ra các bạn chẳng hiểu cái gì cả vì tư duy trừu tượng của bài toán đó."
"Tôi rất mong là các bạn ấy được đón vào thế giới tri thức một cách đầy đủ và hài hòa hơn, được phát triển về mặt cả tình cảm xã hội, về mặt thể chất lẫn cả về mặt tri thức."

Xem lại toàn bộ buổi thảo luận trên kênh YouTube của BBC Tiếng Việt tại: http://bit.ly/1MHVxJa

-----------------------
Tin liên quan












No comments:

Post a Comment