29/07/2015
Vụ kiện Philippines chống lại Trung Quốc ở hội đồng
trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển
(UNCLOS) năm 1982 đã thu hút sự chú ý trên toàn thế giới vì một số lý do, một
trong số đó là việc Trung Quốc từ chối tham gia vào thủ tục tố tụng, do
Philippines khởi xướng.
Việc một bên vắng mặt trước tòa án quốc tế không phải
là hiếm, hoặc cũng không phải là lần đầu tiên một bên quyết định không xuất hiện
trước cơ quan giải quyết tranh chấp của UNCLOS. Vào năm 2013, Nga đã lẩn tránh
cả hai tiến trình giải quyết tạm thời trước Tòa Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) và
hiện nay, như đã xảy ra, họ không xuất hiện trước tòa trọng tài thành lập theo
Phụ lục VII trong vụ kiện tàu Arctic Sunrise do Hà Lan khởi xướng. Tuy nhiên,
điều đặc biệt về vụ Philippines kiện Trung Quốc là, mặc dù Trung Quốc đã chính
thức lên tiếng công khai rằng họ sẽ không tham gia vào quá trình tố tụng, nhưng
họ đã không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để làm rõ chi tiết về vị thế của họ thông
qua cả hai kênh chính thức và không chính thức. Tình thế này làm nảy sinh một số
vấn đề pháp lý thú vị.
Có
thể nào Trung Quốc chọn không tham gia?
Mặc dù luật pháp quốc tế yêu cầu các quốc gia phải
có nghĩa vụ giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, khi tìm đến sự phân xử hay
trọng tài quốc tế, các quốc gia vẫn dành quyền quyết định có tham gia hay
không. Quyết định tham gia tiến trình tố tụng hay không là do vấn đề tự giác,
tuy nhiên phải công nhận rằng luật pháp quốc tế cho phép các quốc gia không
tham gia. Trong trường hợp cụ thể này, Điều 9, Phụ lục VII của UNCLOS, không hiện
diện, và Điều 25 Quy tắc về thủ tục của Tòa trọng tài mô tả tình huống một
trong các bên không xuất hiện trước tòa. Tuy nhiên, cả hai điều khoản này nói rằng
việc vắng mặt của một bên sẽ không tạo thành bước cản đối với các thủ tục tố tụng
và đồng thời cho phép tòa án “có toàn quyền đưa ra quyết định và các tuyên bố
phải dựa trên thực tế và luật pháp”.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc từ chối xuất hiện trước
tòa của Trung Quốc không phủ nhận sự đồng thuận mà Trung Quốc đã trao cho hội đồng
trọng tài quyền tài phán có tính cưỡng hành khi trở thành thành viên của
UNCLOS. Việc sử dụng các lập luận cho rằng hội đồng trọng tài không có quyền
tài phán như một lý do để không tham gia tố tụng thật là không có căn cứ, ít nhất
là như vậy, và thực sự đã bị phủ quyết bởi tòa trọng tài trong vụ kiện Arctic
Sunrise chống lại Nga. Trung Quốc vẫn là một bên trong vụ kiện trừ khi và cho đến
khi tòa án tìm ra rằng họ không có quyền tài phán.
Tác
động của truyền thông Trung Quốc là
gì?
Mặc dù với vị trí chính thức rằng “họ không chấp nhận
vụ kiện trọng tài do Philippines khởi xướng”, Trung Quốc khó có thể áp dụng
chính sách “phủi tay” đối với thủ tục tố tụng trọng tài. Trung Quốc đã, thông
qua các kênh khác nhau, xác định vị thế của họ đối với quyền tài phán của tòa
án cho thế giới biết, trong khi vẫn giữ im lặng về vấn đề đúng sai của vụ kiện.
Một cách chính thức, chính phủ Trung Quốc đã công bố tài liệu “Lập trường của
Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về vấn đề Quyền tài phán của vụ kiện
lên Tòa Trọng tài về Biển Đông do nước Cộng hòa Philippines khởi xướng”, trong
đó Trung Quốc lập luận khá chi tiết những lý do tại sao họ tin rằng tòa trọng
tài không có quyền tài phán. Ngoài ra, các học giả Trung Quốc đã rất tích cực
trong việc xuất bản sách và các bài viết chống lại quyền tài phán của tòa án và
toàn thể vụ kiện. Một trong số những ấn phẩm này công khai nói rằng đó là “để
dùng như một bằng chứng vô tư trước các lập luận pháp lý khả dĩ thay mặt cho
bên vắng mặt”.
Trên thực tế, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), đã từng
có dịp đối phó với tình trạng vắng mặt của bị đơn trong một số các trường hợp,
thường lưu tâm đến thông tin từ các nước không hiện diện trước tòa. Tòa án thường
tham khảo các thông tin đó để xác định lập luận của bên vắng mặt như họ có thể
đặt ra nếu xuất hiện trước tòa. Hội đồng trọng tài trong trường hợp này dường
như đang theo phương cách tương tự. Trong thông cáo báo chí, tòa tuyên bố rằng
sẽ “xem xét các thông tin của Trung Quốc (bao gồm cả Tài liệu Lập trường) như cấu
thành một thỏa thuận điều đình liên quan tới quyền tài phán của Tòa án trọng
tài”.
Do đó, Trung Quốc được lợi từ cả việc làm cho tòa án
hiểu biết về lập trường của họ và duy trì vị thế không công nhận tính hợp pháp
và kết quả của tòa án. Tất nhiên điều này đặt ra câu hỏi về sự công bằng cho quốc
gia hiện diện trước tòa, như Philippines, đã hoàn toàn tuân thủ tất cả các yêu
cầu thủ tục của họ.
Tuy nhiên, người ta có thể biện giải rằng nếu chúng
ta nhìn tình hình từ một góc độ khác, có lẽ sẽ tốt hơn nếu Trung Quốc hoàn toàn
giữ im lặng? Như mong muốn được sự tham gia và hợp tác từ các bên trong vụ kiện,
thực tế của vấn đề là Trung Quốc đã nhất quyết từ chối chấp nhận trọng tài và
tòa án trọng tài vẫn cần phải xác định quan điểm của cả hai bên. Kết quả là, một
số dấu hiệu phản đối của bị đơn có thể là hữu ích như một điểm khởi hành. Đối với
Philippines, Trung Quốc cho biết lập trường của họ bằng một số cách thức nào đó
sẽ làm giảm số lượng các dự đoán liên quan và giúp cho Philippines sửa soạn kế
hoạch phản biện để biện hộ một cách kỹ lưỡng hơn. Điều này có vẻ như chính những
gì Philippines đã làm trong quá trình tố tụng bằng miệng hồi đầu tháng Bảy. Dù
thế nào đi nữa, hình thức thông tin không chính thức không thể và không nên
thay thế cho sự hiện diện thực sự của Trung Quốc trước tòa án, vì lợi ích của
công lý và nguyên tắc cốt yếu “thỏa thuận phải được tôn trọng” (pacta sunt
servanda) theo luật pháp quốc tế.
Lập trường của Trung Quốc cho đến nay chỉ liên quan đến
vấn đề quyền tài phán. Điều này có vẻ phù hợp với chính sách lâu dài của Trung
Quốc “cố tình nhập nhằng” xung quanh các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Do đó,
không chắc rằng Trung Quốc sẽ đưa ra lập trường liên quan đến sự đúng sai của vấn
đề, giả sử rằng tòa án tìm thấy có quyền tài phán và tiến hành tới giai đoạn
này. Đây là một vụ kiện mà tòa án phải đối mặt với một số lượng các chi tiết kỹ
thuật và dữ liệu vô cùng lớn, phán quyết từ 4000 trang hồ sơ của Philippines.
Do đó, có vẻ như sự không tham gia của Trung Quốc vào giai đoạn xét xử sẽ đặt để
nhiều trở ngại cho tòa trọng tài hơn là trong giai đoạn quyền tài phán.
Hậu
quả sự vắng mặt của Trung Quốc là gì?
Nói về mặt pháp lý, sự tồn tại của Điều 9, Phụ lục
VII và quy tắc 25 của Quy định về thủ tục được thiết kế để ngăn ngừa bất kỳ hậu
quả xấu nào cho bên không tham gia vào quá trình tố tụng. Theo ghi nhận, bên
không hiện diện vẫn là một bên trong vụ án và vẫn bị ràng buộc bởi các quyết định
của tòa án cho dù họ có đồng ý hay không.
Tuy nhiên, theo luật học trước toà án quốc tế chỉ ra
rằng, bên không hiện diện phải chấp nhận họ không thể mong đợi tòa án hiểu biết
đầy đủ về lập trường của họ, giống như là họ hiện diện. Điều này vẫn đúng ngay
cả khi họ công bố công khai lập trường bằng các phương tiện truyền thông khác.
Tòa Công lý Quốc tế (ICJ) trong trường hợp vụ Nicaragua kiện Mỹ tuyên bố rằng
tòa “không thể bằng sự điều tra của riêng mình hoàn toàn bù đắp cho sự vắng mặt
của một trong các bên” và rằng “vắng mặt, trong một vụ xử… liên quan đến nhiều
câu hỏi về điều thật, chắc chắn sẽ giới hạn mức độ mà tòa biết về các điều thật”.
Hoàn cảnh này thoạt nhìn có vẻ có lợi cho Philippines, nhưng như đã nói, sự thiếu
hợp tác của Trung Quốc có thể dẫn đến việc thiếu các bằng chứng cần thiết để
tòa đi đến quyết định.
Trong vụ Artic Sunrise, các nhà bình luận cho thấy rằng
các biện pháp tạm thời mà ITLOS sử dụng có lẽ không thiên về (hoặc gần giống)
yêu cầu của Hà Lan nếu như Nga quyết định tham gia và tự bào chữa. Nga rõ ràng
bị “trừng phạt” do vắng mặt bằng một phán quyết nhiều phần đi ngược lại lợi ích
của họ. Trong ý kiến riêng khác, Thẩm phán
Wolfrum và Kelly phê phán kịch liệt bên vắng mặt. Các thẩm phán đã chỉ ra rằng
tòa án hoặc tòa án quốc tế, trong trường hợp vắng mặt, có thể “phải dựa trên
các sự kiện và lập luận pháp lý do một bên trình bày mà bên kia không có được
cơ hội lắng nghe. Điều này không thể được bù đắp đầy đủ bằng cách dựa vào các sự
kiện ở phạm vi công cộng”. Một cách để hiểu câu này là, bất kể các yêu cầu của
Điều 9, các thẩm phán có thể có cảm tình hơn với quan điểm của bên hiện diện,
chỉ đơn giản là vì không có gì được phản bác lại từ phía bên kia. Một câu hỏi
được mở ra là phải chăng tòa trọng tài trong trường hợp này sẽ phản ứng theo
cách tương tự như ITLOS. Cần lưu ý rằng hội đồng trọng tài hiện nay gồm ba thẩm
phán ITLOS trong vụ xử Artic Sunrise và, điều thú vị là luật sư chính của
Philippines cũng là luật sư chính trong một trong những trường hợp nổi tiếng nhất
về sự vắng mặt, là vụ Nicaragua. Vì thế, sẽ rất hào hứng để xem những hiệu ứng
gì, nếu có, mà khả năng này có thể có trên kết quả của vụ kiện.
Cơ cấu
chế tài gì hiện đang có?
Như đã đề cập, quyết định của Trung Quốc không xuất
hiện trước tòa trọng tài không xóa bỏ vai trò là một bên trong cuộc tranh chấp,
có nghĩa là phán quyết trọng tài sẽ là tối hậu và có tính chất ràng buộc. Tuy
nhiên, thật không may, hệ thống giải quyết tranh chấp của UNCLOS không bao gồm
cơ chế thực thi pháp luật tương đương với hệ thống của Tòa Công lý Quốc tế
(ICJ) của Hội đồng Bảo an, ít nhất là trên lý thuyết. Điều này có nghĩa là nếu
Trung Quốc từ chối tuân theo một quyết định được xem là bất lợi cho họ, không
chắc rằng có thể có bất kỳ biện pháp trừng phạt pháp lý nào đối với việc không
tuân theo đó.
Tuy nhiên, phản ứng của các nước không tham gia các
vụ kiện sau khi có quyết định thật đa dạng. Mặc dù khẳng định sự từ chối phán
quyết của tòa, một số bên không tham gia vụ kiện cuối cùng đã hành động phù hợp
với phán quyết cuối cùng. Ví dụ, trong vụ Artic Sunrise, Nga tuyên bố sẽ không
tuân theo các biện pháp tạm thời theo quy định của ITLOS. Tuy nhiên, gần nửa
năm sau khi các biện pháp tạm thời được đưa ra, họ đã phóng thích các nhà hoạt
động và chiếc tàu, mặc dù – Moscow khẳng định – theo quyết định trong nước và
không phải quyết định của ITLOS. Những nước khác có vẻ ương ngạnh hơn. Trong vụ
Nicaragua, Mỹ liên tục bất chấp phán quyết của ICJ và từ chối tham gia vào bất
cứ cuộc đàm phán nào với Nicaragua về bồi thường. Nicaragua đã cố gắng thi hành
án thông qua các cơ chế khác nhau bao gồm cả việc nhờ vả Hội đồng Bảo an, Đại hội
đồng LHQ, và Tòa án một lần nữa, với những mức độ thành công khác nhau.
Phải chăng điều này có nghĩa tòa trọng tài là vô
ích? Sau cùng, ích lợi gì khi theo đuổi một vụ kiện tốn kém tiền bạc và thời
gian nếu phán quyết cuối cùng coi như bị làm ngơ? Khi đánh giá tính hữu ích của
việc kiện tụng cho người đệ đơn, một cuộc khảo sát về mục đích của người đệ đơn
trong việc đưa vấn đề ra trước tòa án là việc làm hữu ích. Chỉ tập trung vào vấn
đề làm cách nào để sự tuân theo được thực thi một cách lý tưởng là bỏ qua vấn đề
quan trọng về mức độ đối với quyền hạn của người đệ đơn có được, hoặc tiếp tục
bị vi phạm mà không cần một phán quyết. Trong trường hợp này, Philippines đã
tuyên bố rằng họ xem vụ kiện không phải là kết cuộc cho các tranh chấp ở Biển
Đông, mà là sự khởi đầu. Điều này cho thấy, Philippines hoàn toàn nhận thức được
mức độ mà phán quyết trọng tài có thể giải quyết tất cả các tranh chấp. Những
gì Philippines đang tìm kiếm dường như là để Trung Quốc phải làm rõ yêu sách của
mình và giúp đưa những yêu cách đó phù hợp với luật pháp quốc tế. Điều này tự
nó chỉ là bước đầu tiên trong việc gỡ rối các tranh chấp ở Biển Đông và tạo điều
kiện cho các bên giải quyết các tranh chấp trên một nền tảng công bằng và bình
đẳng. Để đối phó với một nước láng giềng hùng mạnh hơn mình trong tất cả các
khía cạnh, tòa trọng tài cũng là một cách để thu hút sự chú ý của công chúng tới
các tuyên bố và hành động của Trung Quốc và để tạo ra áp lực quốc tế lên Trung
Quốc để họ xét lại vị trí.
Một cách vắn tắt, sự vắng mặt của Trung Quốc trước
Tòa trọng tài theo Phụ lục VII, trên thực tế không ngăn cản được tòa trọng tài
hướng về phía trước. Tuy nhiên, lập trường chính thức từ chối trọng tài của
Trung Quốc có vẻ khá hùng biện. Các phương tiện khác nhau mà theo đó Trung Quốc
dùng để đưa ra các lập luận của họ liên quan đến vụ kiện, thực ra, đã tạo nên một
hình thức hiện diện nửa vời. Cho dù luật pháp quốc tế và các tiền lệ không ngăn
cấm hành động như vậy, nhưng nó chứng tỏ sự thiếu vắng nghiêm trọng về lòng tin
trong các nỗ lực để đạt được một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp thật phức
tạp. Thế đứng bất định này chắc chắn cũng làm cho thủ tục tố tụng trọng tài khó
khăn hơn so với những khó khăn sẵn có.
Lan Nguyễn là một ứng viên tiến sĩ tại Khoa Luật, Đại
học Cambridge. Cô có bằng Cao học Luật từ Đại học Cambridge và đã từng là giảng
viên và nghiên cứu sinh về luật pháp quốc tế tại Học viện Ngoại giao Việt Nam
No comments:
Post a Comment