Friday, June 5, 2015

Trung Quốc nhắc Ấn Độ đừng khai thác dầu ở nơi tranh chấp tại Biển Đông (Đức Tâm - RFI)





Đức Tâm  -  RFI
Đăng ngày 05-06-2015 

Theo báo chí Ấn Độ, hôm qua, 04/06/2015, một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng New Delhi không thể tiến hành thăm dò dầu khí tại những nơi có tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, quan chức này lại điềm nhiên khẳng định, dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan chạy qua vùng có tranh chấp lãnh thổ giữa Pakistan và Ấn Độ không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của New Delhi.

Nói chuyện với một nhóm nhà báo và giới nghiên cứu Ấn Độ, tại Bắc Kinh, ông Hoàng Lệ Nhàn (Huang Xilian), Tổng Vụ phó Vụ Châu Á, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề cập đến dự án "Hành lang kinh tế" bao gồm một mạng lưới đườg bộ, đường sắt, ống dẫn dầu, dài khoảng 3000 km nối liên tỉnh Tân Cương chạy qua vùng với cảng Gwadar, ở phía đông nam Pakistan.

Ấn Độ đã phản đối vì dự án này chạy qua vùng lãnh thổ Kashimir do Pakistan quản lý, nhưng Ấn Độ đòi hỏi chủ quyền, tức là vùng có tranh chấp.

Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc giải thích là Bắc Kinh hiểu được lo ngại của New Dehli, nhưng dự án này, không có mục đích chính trị, chỉ nhằm mục tiêu kinh tế và phục vụ cho đời sống của người dân.

Tuy nhiên, nguyên tắc này không áp dụng đối với New Delhi, khi vị quan chức ngoại giao Trung Quốc nói về các hoạt động thăm dò dầu khí của Ấn Độ tại Biển Đông.

Ông Hoàng Lệ Nhàn nói rằng ông không biết chính xác Ấn Độ có kế hoạch thăm dò dầu khí trong khu vực nào ở Biển Đông, nhưng nếu nằm trong vùng có tranh chấp chủ quyền thì không được. Quan chức này biện hộ : « Ấn Độ sẽ có phản ứng nếu như một công ty Trung Quốc hoạt động trong vùng có tranh chấp với các nước láng giềng Nam Á ».

Trong quá khứ, Trung Quốc đã có phản ứng rất mạnh trước việc tập đoàn dầu khí Ấn Độ ONGC ký các hợp đồng thăm dò dầu khí với Việt Nam. Phía Ấn Độ đã đáp lại là những dự án này có mục đích thuần túy thương mại và không nên chính trị hóa vấn đề.

TIN LIÊN QUAN :

Trọng Nghĩa  -  RFI
Đăng ngày 29-10-2014

Quan hệ chiến lược Việt-Ấn đã được thúc đẩy đáng kể với chuyến công du Ấn Độ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng kết thúc vào hôm qua, 28/10/2014. Ngoài quyết định tăng cường mạnh mẽ quan hệ quân sự và quốc phòng – và dĩ nhiên là kinh tế - hai bên còn thể hiện một sự tương đồng quan điểm trên vấn đề Biển Đông, với việc Ấn Độ bất chấp phản đối của Trung Quốc, đã đồng ý thăm dò thêm hai lô dầu khí ở Biển Đông theo đề nghị của Việt Nam.

Theo thỏa thuận được ký kết hôm qua 28/10/2014 giữa tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ OVL (ONGC Videsh Limited) và PetroVietnam, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, phía Ấn Độ sẽ hợp tác với Việt Nam trong việc thăm dò và khai thác 2 lô mang ký hiệu 102/10 và 106/10 ở vùng Biển Đông, ngoài khơi bờ biển Việt Nam. 

Đây là hai trong số 5 lô dầu khí mà phía Việt Nam từng mời đối tác Ấn Độ tham gia thăm dò, và cả hai lô này đều không nằm trong khu vực bị Trung Quốc tranh chấp. 

Thỏa thuận dầu khí ký kết hôm qua còn liên quan đến việc Ấn Độ tiếp tục duy trì công cuộc thăm dò và khai thác một lô dầu khí thứ ba ở Biển Đông, lô 128, mà hợp đồng vừa được phía Việt Nam triển hạn. Điểm mới là OVL đã nhượng lại cho PetroVietnam 50% phần hùn của họ trong lô này. 

Vào năm 2011, Trung Quốc từng đe dọa Ấn Độ về việc tập đoàn Ấn Độ khai thác hai lô dầu khí 127 và 128 trong vùng mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền của họ. Mới đây, sau khi kết luận rằng lô 127 không có lợi, Ấn Độ đã giao trả lại lô này cho Việt Nam, nhưng vẫn giữ lại lô 128. 

Vấn đề Biển Đông và các hành động quyết đoán của Bắc Kinh nhằm áp đặt chủ quyền của Trung Quốc đã được hai bên đề cập đến. Tương đồng quan điểm giữa Việt Nam và Ấn Độ đã được nêu bật trong buổi họp báo chung của lãnh đạo chính phủ hai nước vào hôm qua sau buổi hội đàm tại New Delhi. 

Dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng bản Tuyên bố chung Ấn-Việt đã nhấn mạnh rằng Ấn Độ và Việt Nam hoàn toàn nhất trí cho rằng : « Tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông không thể bị cản trở ». Hai nước do đó yêu cầu các bên liên quan « không sử dụng hoặc đe đoạ sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình phù hợp với các nguyên tắc được công nhận của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 ». 

Theo giới quan sát, sự kiện Việt Nam và Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác dầu khí tại Biển Đông chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc phật ý, đặc biệt trong bối cảnh New Delhi công khai giúp đỡ Việt Nam hiện đại hóa quân đội bằng việc huấn luyện thủy thủ tầu ngầm và phi công lái chiến đấu cơ, bán tàu tuần tra và có dấu hiệu sẵn sàng cung cấp tên lửa siêu thanh chống hạm BrahMos cho Việt Nam, tất cả các phương tiện này đều có thể được dùng để đối phó với Trung Quốc.







No comments:

Post a Comment