Thursday, June 4, 2015

Tiết lộ quy mô xây dựng ‘choáng váng’ của Trung Quốc (Hoàng Hường - Vietnamnet)





Được đăng ngày Thứ năm, 04 Tháng 6 2015 05:05

LTS : Tuần Việt Nam giới thiệu loạt bài của nhà báo Hoàng Hường, thành viên trong đoàn nhà báo 14 nước vùng Châu Á - Thái Bình Dương đến làm việc tại 4 nước Mỹ, Trung Quốc, Philippines và Singapore về vấn đề Biển Đông.

*

Phần Một :

Mỗi ngày ngủ dậy Trung Quốc đã xây dựng thêm 96,5m2

Trong buổi làm việc với đoàn nhà báo đến từ 14 nước Thái Bình Dương về vấn đề Biển Đông, đại diện Bộ Quốc phòng Philippines, tướng Guillermo A. Molina, Phó tư lệnh Bộ tư lệnh phía Tây, Philippines cho biết "Trung Quốc đẩy tốc độ xây dựng trên Biển Đông lên đến tốc độ chóng mặt. Trung bình cứ mỗi ngày ngủ dậy Trung Quốc đã xây dựng thêm 96.5m2 diện tích Biển Đông".

Tướng Guillermo A. Molina, Phó tư lệnh Bộ tư lệnh phía Tây, Philippines. Ảnh : Hoàng Hường

Tướng Guillermo A. Molina cho biết, cập nhật mới nhất trong trong tháng 5/2015 của Bộ Quốc phòng Philippines cho thấy Trung Quốc đang gấp rút xây dựng nhiều công trình tại các hòn đảo tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Qua những tấm ảnh mới chụp trong tháng 5 của Bộ Quốc phòng Philippines, có thể thấy các hòn đảo đã bị Trung Quốc "làm nở" gần 20 lần so với diện tích ban đầu, chỉ trong khoảng ba năm (*). 

Cụ thể :

- Đảo Zamora (Subi) thuộc quần đảo Trường Sa (Spratly Islands) có diện tích ban đầu là khoảng 1000m2, nay Trung Quốc đang khoanh vùng xây dựng với diện tích 76ha (760.000m2), gấp 760 lần diện tích ban đầu, bao gồm hạ tầng cảng biển.

- Đảo Mabini (Johnson, Gạc Ma) cũng có diện tích xây dựng năm 2012 khoảng 4.128m2, nay Trung Quốc đã xây dựng lên 10,9 ha (109.000m2), bao gồm 4.128m2 mặt sàn và 6 công trình khác nhau với một khu vực cảng có thể cho tàu có chiều dài 130m đỗ. 

- Đá Calderon (Cuarteron, Châu Viên) phần Trung Quốc mới xây dựng là 24,6ha (246.000m2) trên diện tích 4,128m2, bao gồm một cảng và một sân bay trực thăng.

- Đá Gaven (Ga Ven) có diện tích 4128m2 vào thời điểm 2012, nay Trung Quốc đã xây trên diện tích 13,5ha (135.000m2), gồm một cảng biển kiên cố.
- Đá Kagitingan (Flery Cross, Chữ Thập) có diện tích ban đầu là 1.000m2, nay Trung Quốc xây thêm 10ha (100.000m2) gồm tổ hợp sân bay, cảng biển dài 3000m.

- Đá Kennan (Chigua) có diện tích xây dựng năm 2012 là 4,128m2, nay là 7,2ha (72.000m2).

- Đá Panganiban (Mischief, Vành Khăn) từ diện tích xấp xỉ 1.000m2, giờ Trung Quốc đã cải tạo lên 27ha (270.000m2).

"Các hoạt động cải tạo, xây dựng của Trung Quốc đang được tiến hành ở tất cả 7 quần thể mà nước này chiếm lĩnh. Những thực thể này hoàn toàn chìm trong nước và không có sự sinh sống của con người",tướng Guillermo A. Molina nói.

Tướng Guillermo A Molina giải thích đây là một phần trong chiến lược và phương pháp tiếp cận quang phổ (Full-Spectrum), được hiểu là một chiến lược toàn diện, sâu rộng của Trung Quốc nhằm mục đích kiểm soát Biển Đông.

"Trong lĩnh vực thông tin, Trung Quốc luôn thể hiện Biển Đông là lợi ích cốt lõi của mình và theo đuổi các mục tiêu chiến lược, như việc tuyên bố với thế giới vào năm 2012 về thành phố Tam Sa, với mục đích thực hiện quản lý trên toàn bộ Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh quyền sở hữu chính trị. Kể từ năm 1991, sau khi các căn cứ của Mỹ ở Philippines đóng cửa, Trung Quốc ngày càng được đà theo đuổi chiến lược tiếp cận toàn diện DIME (Diplomatic, Informational, Military, Economic/Ngoại giao, Thông tin, Quân sự, Kinh tế) để đạt được nền tảng vững chắc của họ trong khu vực Biển Đông",tướng Guillermo A. Molina nói. 

"Trung Quốc tích cực tuyên truyền để hỗ trợ, biện minh cho yêu sách ‘đường chín đoạn’ và các dự án xây dựng trên Biển Đông ; đồng thời nước này cũng tận dụng nhiều phương tiện truyền thông như báo chí hay mạng xã hội đề tuyên truyền về chủ trương của họ trên Biển Đông. Đáng chú ý nhất là thông điệp của họ luôn là : Trung Quốc là nước lớn, các nước khác đều nhỏ",tướng Guillermo A. Molina giải thích lý do ‘bành trướng’ Biển Đông của Trung Quốc. 

Chúng tôi thật sự lo ngại

"Vào thời điểm này, thậm chí tôi có thể dùng điện thoại Iphone cũng chụp được tất cả các tàu của Trung Quốc qua lại phục vụ công việc xây dựng, rõ ràng từng tên, hướng đi hay hàng hóa của các con tàu, tầu hết tàu đó của Trung Quốc, chở vật liệu xây dựng và cát",ông Charles Jose, Vụ phó Vụ Hàng hải và Đại dương thuộc Bộ ngoại giao Philippines chia sẻ. 
"Những vấn đề đang diễn ra trên Biển Đông tác động đến tất cả các bên, không chỉ Philippines. Những gì Trung Quốc đang làm vượt xa những gì người ta có thể hình dung, đương nhiên chúng tôi lo lắng. Lúc nãy có phóng viên hỏi rằng nhiều nước cùng có yêu sách và hoạt động trên Biển Đông, thậm chí có nước có nhiều đảo ở Biển Đông hơn Trung Quốc, sao Philippines lại lo ngại Trung Quốc nhất. Tôi có thể nói rằng chúng tôi không quan tâm đến con số đảo, mà chúng tôi lo ngại vì Trung Quốc đang tìm cách thay đổi trạng thái và mục đích sử dụng đối với các đảo, khiến chúng tôi thật sự lo ngại",ông Hon Roilo Golez, nghị sĩ Hạ viện Philippines tiếp lời. 

Trong Báo cáo hàng năm của Bộ quốc phòng Mỹ mới được công bố cuối tháng 4/2015 có mục ‘Chuyên đề đặc biệt’ dành cho vấn đề xây dựng và cải tạo đảo của Trung Quốc trên Biển Đông. Báo cáo có đoạn : "Trong năm 2014, Trung Quốc nỗ lực cải tạo trong diện tích rộng tại quần đảo Trường Sa(Spratly Islands). Tính đến cuối tháng 12/2014, Trung Quốc đã mở rộng khoảng 500 mẫu (202.343ha) trong chiến dịch cải tạo này. Tại bốn điểm cải tạo, Trung Quốc chuyển từ hoạt động cải tạo để phát triển cơ sở hạ tầng và các công trình xây dựng nặng. Mặc dù chưa có kết luận rõ ràng, có thể thấy các công trình xây dựng bao gồm bến cảng, hệ thống thông tin liên lạc và hệ thống giám sát, hỗ trợ hậu cần, và ít nhất một phi trường. 
Tại các điểm cải tạo, Trung Quốc đào kênh sâu và xây dựng các khu vực đỗ mới cho phép các tàu lớn cập bến. Mục đích cuối cùng của dự án mở rộng vẫn chưa rõ ràng và Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố các dự án này chủ yếu là để cải thiện đời sống và điều kiện làm việc của những người đóng quân trên đảo. Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích bên ngoài Trung Quốc tin rằng Trung Quốc đang cố gắng thay đổi tình hình thực địa bằng cách cải thiện cơ sở hạ tầng quốc phòng của mình ở Biển Đông".


****************

Phần hai :

Nếu không nỗ lực, bản đồ Biển Đông sẽ bị vẽ lại !

Vấn đề Biển Đông nóng lên từng giờ, thế giới không chỉ theo dõi mọi động thái từ Bắc Kinh, mà còn theo dõi các diễn biến từ Manila, nơi đồng minh Philippines của Mỹ đang nắm giữ nhiều chìa khoá vấn đề.

Diễn biến của Trung Quốc thách thức các học thuyết quân sự

Trong các cuộc làm việc với đoàn nhà báo Thái Bình Dương tại thủ đô Manila và TP Masinloc, các đại diện Philippines, bao gồm các nghị sĩ, nhà lãnh đạo, tướng lĩnh quân đội và các học giả nước này thường nhận được các câu hỏi về quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Philippines ; tương quan quân sự và ảnh hưởng của Trung Quốc ; cũng như Philippines với vai trò ‘bàn đạp Châu Á’ của Mỹ trong chiến lược tái cân bằng quyền lực ở vùng Châu Á - Thái Bình Dương. Các câu trả lời khá thú vị và đôi khi bất ngờ.

Tàu Hoa Kỳ tại Cảng Subic, căn cứ quân sự của Mỹ tại Thành phố Masinloc, Philippines. Ảnh : Hoàng Hường

Với cương vị là đại diện cấp cao của Bộ Quốc phòng Philippines, tướng Guillermo A. Molina, Phó tư lệnh Bộ tư lệnh phía Tây, Philippines cho biết : 

"Ảnh hưởng và thách thức của Trung Quốc ở Biển Đông tới Philippines và khu vực phức tạp hơn nhiều lần mọi người có thể nghĩ. 
Những diễn biến bất thường, bất đối xứng và phi quân sự ở mặt hình thức của Trung Quốc đang trực tiếp thách thức các học thuyết quân sự và các chiến lược hoạt động".

Theo vị tướng này, trong khuôn khổ phương pháp tiếp cận DIME, khi chuyển dịch sang một hình thức chiến tranh, cách tiếp cận tổng thể của Trung Quốc được tiến hành trên tất cả các lĩnh vực mà không có khung thời gian, không thuần túy quân sự với tổng lực quốc gia. 

Các tác động và thách thức này từ chiến lược này của Trung Quốc rất lớn, đa hướng, tác động sâu rộng và nhiều thế hệ vượt lên giới hạn "phòng thủ quân sự cần thiết"

Tướng Guillermo A. Molina nhấn mạnh viễn cảnh đáng quan ngại : "Nếu không có bất kỳ nỗ lực rõ ràng để đối phó với diễn biến đó (của Trung Quốc), có thể nói là các biểu hiển sớm của việc mở rộng lãnh thổ, sẽ dẫn đến kết quả cuối cùng là Trung Quốc vẽ lại ranh giới, kiểm soát nguồn tài nguyên biển, hạn chế tự do hàng hải, thách thức quyền lợi của cư dân khu vực, đe dọa tất cả các nước có yêu sách khác và sự thay đổi trật tự quốc tế ở Biển Đông".

Nguyên tướng quân đội, Thống đốc bang Zambales, nơi có đảo Scarborough đã bị Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát, ông Hermogenes E. Ebdane dùng bảng chữ HOPES (Historical Context, Opposing Views, Political Dimension, Economic Dimension, Standpoints and salient points of the issue/Bối cảnh lịch sử, Góc nhìn đối ngược, Tương quan chính trị, Tương quan kinh tế, Quan điểm nổi bật) để giải thích về bối cảnh và trạng thái mà Philippines đang đối mặt với các thách thức của Trung Quốc.

"Tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines trong vấn đề chủ quyền của đảo Scarborough đã và đang ở trong giai đoạn rất căng thẳng, đòi hỏi hai nước phải giải quyết rốt ráo. Trong khi cả hai phía kiên quyết giữ lý lẽ và sự cứng rắn, cùng nỗ lực đưa ra những bằng chứng và lập luận bảo vệ mình, thì vấn đề Scarborough đã vượt ra ngoài biên giới hai nước tranh chấp, trở thành mối quan tâm và lo ngại về tác động của nó tới quan hệ quốc tế, thỏa thuận song phương và đa phương", thống đốc Hermogenes E. Ebdane nói.

Ông chia sẻ với tư cách người đứng đầu bang, nhiều lần ông phải nghe chuyện ngư dân Philippines bị Trung Quốc ngăn cản đánh bắt cá, và hiện nay người dân Philippines không còn có thể tiếp cận vùng biển gần Scarborough do vấp phải sự ngăn cản dữ dội từ Trung Quốc.

"Hiện giải pháp cho vấn đề tranh chấp vẫn rất mờ mịt, nên sự hồi phục kinh tế cho Philippines không có dấu hiệu nào. Sự can thiệp của cộng đồng quốc tế có thể không thực sự giải quyết được vấn đề, nhưng những hoạt động ngoại giao giữa các nước ASEAN có thể tác động tích cực", thống đốc Hermogenes E. Ebdane nhận định.

Mỹ đứng ở đâu trong vấn đề của đồng minh ?

Tuy nhiên, chia sẻ quan điểm về vai trò đồng minh quân sự với Mỹ, các đại diện của Philippines có chia sẻ khá khác nhau.

Trả lời câu hỏi : "Từ quan điểm của Philippines, ông có xem xét Mỹ như là tác nhân chính trong việc tăng cường sức mạnh với vấn đề Biển Đông không ?". Ông Hon Roilo Golez, nguyên cố vấn an ninh quốc gia, nghị sĩ Hạ viện Philippines trả lời : "Có ! Chúng tôi coi Mỹ đóng vai trò chính trong vấn đề Biển Đông".

Ông Hon Roilo Golez giải thích : "Khi chúng ta nhìn vào vấn đề Biển Đông, ta thấy Trung Quốc muốn kiểm soát gần hết vùng biển chung. Hay nói cách khác, thuộc quyền sở hữu của tất cả mọi người, trừ các vùng đặc quyền kinh tế của từng nước. Trung Quốc hay các nước khác trong khu vực như Việt Nam, Philippines, Australia... đều có quyền tự do trong vùng biển chung.
Tuy nhiên hiện nay Trung Quốc đã và đang trở thành mối thách thức. Thách thức này mặt nào đó có thể chấp nhận nếu Trung Quốc không tìm cách kiểm soát vùng biển, không sử dụng tài nguyên chung, không ngăn cản các nước khác tiếp cận quyền lợi của họ. Giống như một cộng đồng cùng chia sẻ một cái công viên, bỗng nhiên một thành viên mạnh nhất đòi :Công viên này là của tôi, những người khác không được sử dụng".

Đó là một cách chiếm đoạt tài sản chung, và đó là cách chúng tôi nhìn vào vấn đề Biển Đông hiện nay. Do đó chúng tôi trông cậy Hoa Kỳ sẽ nắm vai trò chính trong việc bảo vệ quyền lợi chung".

Tuy nhiên, từ góc độ khác, học giả Walden Bello, nguyên là nghị sĩ Philippines, sáng lập viên Viện nghiên cứu Focus on the Global South, lại có cái nhìn bi quan về quan hệ đồng minh Philippines - Hoa Kỳ.

Tiến sĩ Walden Bello dùng từ "dao động/volatile" khi nói về vấn đề Biển Đông.

Ông cho rằng vào thời điểm này, Biển Đông là khu vực căng thẳng nhất thế giới "với sự đối đầu của hai thế lực mạnh nhất" là Mỹ và Trung Quốc. 

Trong bối cảnh đó, Philippines trở thành yếu tố quan trọng trong cuộc đối đầu này, với tư cách là đồng minh quân sự của Mỹ ở Châu Á. Tuy nhiên "Philippines không được lợi gì từ quan hệ này", ông Bello nói.

Theo ông thỏa thuận EDCA (Enhanced Defense Cooperation Agreement/Thỏa thuận nâng cao Hợp tác quốc phòng) mà Washington và Manila ký năm 2014, trong đó vấn đề tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc của Philippines là một trong những nội dung chính. 

"Với sự hỗ trợ của Washington, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III muốn làm cho Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Philippines", ông Walden Bello nói. "Nhưng thực tế thỏa thuận đó chẳng giúp được gì. Đó là lý do tôi đã phản đối bản thỏa thuận dù cho lúc đó tôi vẫn là đồng minh của Tổng thống Aquino".

Ông Bello giải thích : vì bản thỏa thuận đó bất lợi cho Philippines khi cho phép Hoa Kỳ sử dụng căn cứ quân sự ở Philippines - không mất tiền thuê - cũng không có cam kết bảo vệ Philippines trong vấn đề tranh chấp chủ quyền.

Ông Bello dẫn lời Đô đốc Hải quân Mỹ Michael Mcdevitt "tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough dường như giống tình huống đảo Senkaku giữa Trung Quốc - Nhật Bản vì Nhật và Philippines đều là đồng minh của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trên thực tế hai tình huống này khác nhau. Trong trường hợp Scarborough, Philippines không tuyên bố chủ quyền rõ ràng trước khi xảy ra vụ đụng độ năm 2012. Thứ hai, Mỹ không can thiệp trực tiếp vào vấn đề Scarborough vì cam kết quốc phòng với Philippines không bắt buộc Mỹ phải lựa chọn bên trong vấn đề chủ quyền".

"Nếu thỏa thuận đồng minh không làm cho Mỹ bênh vực Philippines, thì Philippines được gì trong quan hệ này ?", ông Bello nói.

 Hoàng Hường
Theo TuanVietnam, 29&30/05/2015

(*) Do mỗi nước và quốc tế có cách gọi khác nhau về các quần đảo trên Biển Đông, để tôn trọng nguồn tin và tính trung thực thông tin, chúng tôi đồng thời sử dụng tên quần đảo theo cách gọi của nguồn tin (tiếng Philippines) và của Việt Nam.

Loạt bài được thực hiện tại Hawaii (Mỹ), Bắc Kinh, Hải Nam (Trung Quốc), Masinloc, Manila (Philippines) và Singapore. Tuần Việt Nam giữ Bản quyền đặc biệt, đề nghị các báo không sao chép.






No comments:

Post a Comment