Phạm Nhật Bình
Cập nhật: 28/06/2015
Tự
thú của Hữu Thọ
Năm nay, ngày báo chí Việt Nam 21/6 đột nhiên mặc lại
bộ áo “báo chí cách mạng”, một danh xưng đã không xài đến từ năm 1985. Những lễ
lạc đình đám đã diễn ra khắp nơi, khắp các cơ quan có liên quan đến hai chữ báo
chí với biết bao lời xưng tụng ngày “báo chí cách mạng” tròn 90 tuổi.
Nhưng chỉ trước đó hơn 10 ngày, tại một cuộc hội thảo
mang tên "Trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong kỷ nguyên số" tổ
chức tại Hà Nội, ông Hữu Thọ, người được mô tả là nhà báo lão thành, từng
giữ chức vụ Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương đã tâm sự: "Là nhà báo 50 năm cầm bút, tôi phải
đau lòng nói rằng chưa bao giờ uy tín báo chí giảm sút như hiện nay. Có người
giờ không dám nhận là nhà báo vì báo chí sai sự thật quá nhiều. Có những cái
sai không ngờ. Ví dụ, có nhà báo nghe vợ đi chợ về nói là có tin đồn bố chồng
dan díu với con dâu, về cũng làm tin đăng phát trên đài Quốc gia".
Nghe ông Hữu Thọ nói, người đọc báo không đau lòng
như ông vì từ lâu họ hiểu quá rõ điều này. Che giấu sự thật, bưng bít dư luận
là chủ trương nhất quán của đảng. Ngay cả những người đang cầm chịch báo chí
cũng chưa chắc gì có chút hổ thẹn, huống gì phải xấu hổ về cái mà họ gây ra.
Như thế, dù tự hào về đóng góp to lớn của nền báo
chí cách mạng, tiết lộ của nhà báo Hữu Thọ cũng chỉ mới thú nhận một trong nhiều
khuyết tật mà hơn 800 tờ báo dưới sự quản lý của nhà nước vấp phải.
Vùng
Nhạy Cảm
Cũng nằm trong hoạt động “90 năm ngày báo chí cách mạng”,
trong một bài báo đề ngày 19/6 một lãnh đạo cao cấp của đảng, ông Vũ Ngọc
Hoàng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tiết lộ thêm… “Lâu nay, trong chúng ta, đã và đang tồn tại
một khái niệm, tạm gọi như vậy, về vấn đề ‘nhạy cảm’. Hễ đụng đến vấn đề ‘nhạy
cảm’ thì coi như chạm vào vùng cấm, thường là né tránh, không viết, không nói,
kể cả không nghiên cứu, sợ viết sai, nói sai, sợ bị định kiến, sợ đụng chạm, sợ
bị đánh giá, bị quy chụp quan điểm… không phải bỗng nhiên mọi người lại sợ như
vậy mà do thực tế nó cũng có vậy và chúng ta bảo nhau phải tránh né vấn đề ‘nhạy
cảm’.”
Đối với nhiều người, những tiết lộ của phó Ban tuyên
giáo trung ương không có gì mới. Sở dĩ nó làm cho mọi người quan tâm vì được
nói ra từ cửa miệng của một người đang nắm quyền sinh sát báo chí trong tay. Nền
báo chí mà đảng tự hào là “báo chí cách mạng” thực ra từ lâu đã là một loại báo
chí “4 sợ, 4 không” như chính ông Vũ Ngọc Hoàng vạch ra trong bài viết của
mình.
Đứng trước một sự thật, hay còn được mô tả là “vấn đề
nhạy cảm”, người làm báo ăn lương chế độ tự ý hay bảo nhau phải biết sợ viết
sai, sợ bị định kiến, sợ đụng chạm, sợ bị quy chụp quan điểm…Nhà báo mua lấy
sự an toàn cho bản thân bằng thái độ bốn không: không tìm hiểu, không viết,
không nói, không nghiên cứu…mỗi khi đụng phải hai chữ “nhạy cảm”.
Vậy vùng nhạy
cảm ở đây là gì mà báo chí cách mạng lại né tránh?
Với những gì đang diễn ra hàng ngày trong chính quyền
dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng CSVN, câu trả lời thực ra không khó. Nó nằm
trong tình trạng tham ô, nhũng lạm, cửa quyền; nó là tình trạng ngang nhiên chà
đạp luật pháp của các cấp chính quyền do đảng dung dưỡng, khuyến khích. Không cần
kể ra chi tiết nhưng ai cũng thừa hiểu, tất cả những vụ bê bối trong lãnh vực
tài chính, những âm mưu xà xẻo dự án, bớt xén công trình lớn nhỏ đều có sự tham
gia tích cực của cán bộ đảng.
Đối với báo chí, nhất là báo chí sống do sự chu cấp
và chỉ đạo của chế độ, họ đều hiểu đây là khu vực cấm, không nên đụng tới. Vì đụng
tới là chạm phải bức tường quyền lực của đảng, tuy vô hình nhưng đầy hung bạo,
sẵn sàng nghiền nát những người chỉ trang bị bằng ngòi bút bé nhỏ. Đôi khi họ
chỉ được bật đèn xanh tới một mức nào đó để viết do nhu cầu triệt phá lẫn nhau
giữa các phe nhóm khi lợi ích của họ va chạm, giành giật. Trái ngược với các nước
dân chủ, khái niệm “quyền thứ tư” hoàn toàn xa lạ với người làm báo ở Việt Nam.
Vì thế chọn sự tránh né được coi như một thái độ khôn ngoan.
Một vài bài học nhãn tiền cho thấy sự chọn lựa ấy của
người làm báo dưới cái bóng của công an và tuyên giáo không phải không có lý
do; như ký giả bị bỏ tù khi đụng đến nạn mãi lộ của CSGT. Hay mới đây, tổng
biên tập báo Người cao tuổi bị truy tố do một loạt bài báo phơi bày tình trạng
tham nhũng ngay trong cấp cao nhất của chế độ và nạn mua bán “quân hàm” trong
quân đội.
Bộ 4T của Đại tá Nguyễn Bắc Son luôn trưng dẫn chế độ
có trên 800 tờ báo đang xuất bản trên cả nước để tự hào về sự phát triển mạnh mẽ
của báo chí Việt Nam. Nhưng ông không chứng minh được rằng một số lượng báo lớn
lao nằm trong sự điều hướng của đảng, hoàn toàn không cho thấy sự phát triển
quyền tự do ngôn luận căn bản nhất của người dân.
Cho tới nay, tự do báo chí vẫn bị siết chặt mà cụ thể
nhất là các viên chức cao cấp nhất của đảng vẫn kiên quyết loại trừ khu vực báo
chí tư nhân ra khỏi sinh hoạt xã hội và luôn coi đó như một sự đe dọa đến sự sống
còn của chế độ. Ngay như một hội đoàn xã hội dân sự như Hội Nhà Báo Độc Lập
cũng bị công an bắt phải chấm dứt hoạt động. Tự do báo chí cuối cùng chỉ là cái
bánh vẽ to tướng!
Vì thế, điều dễ thấy hiện nay là dù Việt Nam có hơn
800 tờ báo đang xuất bản nhưng chỉ có một ông tổng biên tập duy nhất. Tính duy
nhất của chế độ được thừa nhận như một thuộc tính không tranh cãi nên người tổng
biên tập đó không ai khác hơn chính là đảng. Và người thay mặt đảng để giữ vững
sợi dây cương “tự do báo chí định hướng xã hội chủ nghĩa” là Ban tuyên giáo
trung ương và Bộ công an. Báo chí giờ đây giống như những con ngựa bị che mắt
chỉ chạy theo con đường mòn vạch sẵn dưới ngọn roi của người xà-ích.
Dĩ nhiên chỉ có một tổng biên tập thì tờ báo nào,
nhà báo nào cũng phải thuộc lòng 4 điều sợ như một thứ cẩm nang an toàn trên đường
thực hiện chức năng được cho là cao cả của mình! Bị quy chụp quan điểm dưới chế
độ hiện nay không khác bị quàng một sợi dây thòng lọng vào cổ mà người làm báo
không biết sẽ bị siết lại lúc nào!
Đảng luôn kêu gào báo chí phải đi đầu trong cuộc chiến
chống tham nhũng nhưng từ khi thành lập Ủy ban phòng chống tham nhũng từ trung
ương tới địa phương, hiệu quả của nó chỉ là chống cho tham nhũng đứng vững và
bành trướng thêm. Vì như ông Nguyễn Phú Trọng đã từng nói trong cương vị là Trưởng
ban chỉ đạo trung ương năm 2013 “Tay nhúng chàm không thể chống tham nhũng, vì
nói chẳng ai nghe!”
Đến năm 2014 ông lại lên lớp cán bộ khi tiếp xúc với
cử tri Hà Nội: “Chống tham nhũng đòi hỏi phải khôn ngoan, đánh con chuột đừng để
vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa.” Lập luận ấy khiến dư
luận ngỡ ngàng vì thấy bầy chuột sẽ tiếp tục được nuôi béo bên chiếc bình hoa
quý. Cuối cùng báo chí cũng như nhân dân Việt Nam đều thấy rõ một điều: chuyện
hô hào đánh tham nhũng chỉ là khẩu hiệu tốt đẹp trên bàn giấy.
Đó cũng là lý do khiến cho “vấn đề nhạy cảm” tiếp tục
lan tỏa trong xã hội. Nó đương nhiên biến thành một vùng cấm càng ngày càng
đáng sợ mà những người cầm bút không muốn để mắt tới.
Ông Vũ Ngọc Hoàng kêu gào người làm báo “xông vào
các lãnh vực nhạy cảm” để làm tròn vai trò của báo chí cách mạng. Ông vẽ ra niềm
tự hào của quá khứ 90 năm nhưng ông không chỉ cách cho họ làm sao thoát khỏi nổi
lo “bốn sợ”. Vì thế bài viết của ông chỉ là tiếng kêu tuyệt vọng và cô đơn từ
đáy vực của một con ếch già nua.
No comments:
Post a Comment