Friday, June 5, 2015

SÁM HỐI (Minh Võ - DCV Online)





Minh Võ
Posted on June 1, 2015 by editor — 0 Comments

Lời ngỏ: Những lời kêu gọi hoà giải dân tộc thường bị hiểu lầm và đả kích. Cho nên trước khi nhập đề, chúng tôi xin xác nhận đây chỉ là ý kiến về sự sám hối là điều kiện tiên quyết và là bước đầu để đi đến hoà giải thực sự. Không có sám hối từ cả hai phía thì sẽ không thể có hoà giải.
*
Sám hối, ôi hai chữ dể thương làm sao! Nhưng cũng dễ sợ thế nào ấy. Dễ thương vì khi nghe cô em gái nhận lỗi mà xin tôi tha thứ thì tôi chỉ muốn ôm chằm lấy mà tha mấy lần cũng được. Nhưng dễ sợ vì khi mẹ tôi bảo tôi nhận lỗi và ăn năn vì đã xích mích với em hay đánh trả em gái, thì y như rằng tôi phụng phịu. Lỗi nó chứ lỗi gì ở con?

Hai chữ sám hối mà tôi muốn nhắc đến ở đây tôi nghe đã 10 năm rồi. Tôi đâm ra có cảm tình ngay với người nói hai tiếng đó, mặc dầu hãy còn nhiều điều tôi chưa đồng ý với ông ta. Có người còn bảo ông ta chỉ là cò mồi, hay đặc công của Cộng Sản. Kể ra cũng oan. Cũng có người coi ông ấy là người của tướng nổi tiếng sát quân Võ Nguyên Giáp được phái ra nước ngoài dọn đường cho ông tướng này lên nắm quyền, v.v… Hư thực ra sao không cần biết. Nhưng dícch thực ông ta đã hoàn toàn thất vọng về ông tướng này rồi.

Sở dĩ tôi cứ rồi rắng mãi đến nay mới dám nhắc lại hay chữ gây cảm tình này, là vì tôi sợ, rằng tôi cũng phải sám hối, chứ chẳng chạy đâu khỏi. Xin thưa toạc ra rằng thì là…

Năm ấy, cách nay đúng một thập niên, trong khi nghiền ngẫm gần một trăm cuốn sách lớn nhỏ và hàng ngàn trang tài liệu đang gây tranh cãi, để biên soạn cuốn Phản Tỉnh Phản Kháng… (1)tôi đã chú ý đặc biệt tới thái độ sám hối của một nhân vật. Tôi đã đếm trong 4 tác phẩm (2) của ông ta được đúng 3 lần hai chữ sám hối. Nhiều lần ông ta đã viết, hay nói:

“Tôi nhìn nhận là tôi đã đóng góp vào những phần tội lỗi của đảng Cộng Sản khi tôi có chức có quyền.”

Thì ra đấy là lý do sám hối.

Năm nay, tôi nhớ lại thái độ của một người từng “ở bên kia”, và đâm hổ thẹn và cũng cố lấy can đảm để nói lên hai chữ sám hối, dầu đã quá muộn. Tôi chẳng nhân danh ai, nhân danh cái gì, mà chỉ vì một chút lòng tự trọng còn rơi rớt lại trong một con người, từ trước chỉ nghĩ mình có công chứ không bao giờ có tội để phải sám hối.

Tôi có tội đối với việc để mất Đệ Nhất Cộng Hoà, rồi Đệ Nhị Cộng Hoà. Tuy lúc ấy chức vụ quyền hạn của tôi rất nhỏ hẹp, chỉ là những phó và phụ tá. Nhưng nếu tôi cố gắng hơn, yêu nước hơn, hiểu rõ CS hơn, chắc tôi đã góp được phần nhỏ vào việc giữ được nền Đệ Nhất Cộng Hoà, hay ít ra cũng không để mất nước vào ngày 30 tháng tư. Tôi rất ân hận.

Và tôi biết ở cả hai phía, đều có những người như tôi, hoặc ngay cả những thanh niên sinh ra sau chiến tranh chẳng dính líu gì đến các tội ác chiến tranh, hay ngay cả những dân lành vô tội, suốt đời chỉ chịu sự chỉ huy điều khiển của kẻ khác. Những người đó, trong lúc vận nước không may, nguy biến xảy ra, họ cũng ân hận mình đã chẳng làm được gì hơn để cứu nước. Họ ăn năn hối tiếc vì nghĩ tới lời người xưa, Quốc Gia Hưng Vong Thất Phu Hữu Trách.

Như vậy thì những bậc lãnh đạo quốc gia trong những giai đoạn nước nhà có biến, những bâc lãnh tụ các đảng phái, cộng đồng, có thể nào không ăn năn hối lỗi vì những hành vi sơ sót của mình hay không?

Chuyện xét xử công minh thuộc về trách nhiệm của lịch sử, hoặc theo ý tôi, tuỳ vào sự khoan hồng độ lượng của Tổ Tiên, Trời Phật, hay Thượng Đế. Ở đây chúng tôi không dám lạm bàn.

Đã không giữ được nước là một cái tội. Nhưng mất nước đã gần 35 năm rồi, vẫn chưa làm được gì cứu nước. Tội còn nặng hơn. Trong khi đó mình lại cứ ôm dĩ vãng mà sống. Chỉ biết tự hào là phe mình có chính nghĩa, phe mình đã tạo nên hàng trăm hàng nghìn chiến công oanh liệt.

Ngoài điều đó ra tôi còn phải ân hận, và tự trách mình vì đã chẳng đóng góp được gì vào những kỳ công của cộng đồng người Việt hải ngoại nhằm tố cáo tội ác Cộng Sản, hay can thiệp với Liên Hiệp Quốc, với các cường quốc trên thế giới, hay với các tổ chức Ân Xá Quốc Tế, Văn Bút Quốc Tế, hội phóng viên không biên giới, v.v. Tôi đã chẳng mấy khi có mặt trong các cuộc biểu tình chống triển lãm tranh ảnh HCM, chống các cuộc xuất hiện của các lãnh tụ Việt Cộng, chống các cuộc trình diễn văn nghệ do CS tổ chức để quảng cáo cho chế độ phi nhân ở trong nứoc. Tôi đã không có công gì trong việc dựng được cờ vàng trên cả trăm thành phố và nhiều tiểu bang ở Mỹ và các nơi khác.

Tôi cũng chẳng làm được gì tiếp tay cho những cá nhận hay đoàn thể can thiệp với các nhà lập pháp nơi quê hương thứ hai để họ làm áp lực với nhà cầm quyề CS trong nước bớt bắt bớ giam cầm những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền trong nước.

Đã thế, nhiều lúc tôi còn tự coi mình mới là kẻ thắng, còn việt Cộng mới là kẻ bại. Chỉ vì những lời khen xã giao hay lời an ủi của một số người. Cho nên tôi cứ tự hào, tự mãn về những tự do no ấm và tiện nghi vật chất mà mình được hửong nhờ sự hảo tâm và bố thí của các nước bạn giầu lòng từ thiện. Rồi đem so sánh với những đảng viên CS xấu số không nằm trong bộ chính trị hay Trung Ương Đảng.

Nhưng than ôi, tôi đã quên bẵng đi rằng vì mình không giữ được nước, để nhân dân rơi vào vòng oan khiên cho nên ngày nay những thảm cảnh xảy ra khắp nước chính là trách nhiệm của tôi. Hàng trăm, hàng ngàn nạn nhân như Nguyễn Văn Lý, Lê Thị Công Nhân,… Hàng ngàn hàng vạn những dân oan vì mất đất mất nhà. Hàng vạn dân nghèo bệnh không có thuốc. Hàng triệu trẻ em 6, 7 tuổi không được đến trường phải đi bới rác kiếm ăn. Và kinh khủng nhất là hàng trăm, hàng ngàn bé gái 8, 9 tuổi phải bán thân nuôi miệng ở xứ Chùa Tháp.

Những thảm cảnh trên không do tôi gây ra trực tiếp. Nhưng vì chúng tôi thất trận nên đã gián tiếp gây ra. Ăn năn hối lỗi đến bao giờ mới đủ? Ai có chút lòng trắc ẩn hay một tâm hồn của con người bình thường có thể còn nói rằng mình không thua, chỉ bị bỏ rơi cho nên chẳng có trách nhiệm gì về những tội ác và thảm cảnh đang diễn ra trong đất mẹ không?

Vì vậy càng nghĩ tôi càng thẹn và càng thấy mình sám hối bao nhiêu cũng chưa đủ.

Suy bụng ta ra bụng người. Tôi dám chắc nhiều người trong quý vị đang đọc hàng chữ này, cũng có lúc suy nghĩ và hối hận như tôi. Vậy thì xin phép quý vị, chúng ta thử cùng nhau kiểm điểm lại tình hình trong nước.

Chúng tôi xin trình bày một số sự kiện lịch sử của nước nhà bắt đầu từ những thập niên 20, 30 thế kỷ trước chứng tỏ cả hai phía Cộng sản và Quốc Gia chúng ta đều cần phải can đảm nhận lấy trách nhiệm và hối lỗi.

Vào lúc ấy kẻ viết những hàng chữ này, hoặc là chưa sinh ra, hoặc còn là hài nhi, thiếu nhi. Cho nên xin thưa trước là chúng tôi không dám hỗn láo phê bình chỉ trích các bậc tiền bối như các cụ Hồ Học Lãm, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, Huỳnh Thúc Kháng vân vân… Cũng không dám trách vua Bảo Đại, thủ tướng Trần Trọng Kim và các vị bộ trưởng trong chính phủ của ông.

Nhưng đọc lại lịch sử thì chúng tôi phải ghi nhận rằng các vị đó đã không hiểu Cộng Sản, và những mưu mô mánh lới của lãnh tụ Cộng Đảng Hồ Chí Minh. Mặc dù, xin thú thật, nếu ở vào địa vị các vị tiền bối đó, chắc chắn chúng tôi cũng không rõ mình phải làm gì cho đúng, vì chắc gì vào thời gian đó chúng tôi đã hiểu CS hơn ai. Chỉ gần đây cái quái thai của lịch sử là chủ nghĩa CS mới được nhân loại thấu hiểu. Cho nên trong dĩ vãng không hiểu rõ về CS là điều có thể thông cảm.

Trong năm 2009 này nhiều sự việc hệ trọng xảy ra trong nước khiến nhiều nhà trí thức, đặc biệt là thuộc Viện Nghiên Cứu Phát Triển, đã phải kêu toáng lên, mất nước đến nơi rồi. Mặc dầu đối với nhiều người Việt ở Hải Ngoại, thực sự nước đã mất từ ngày 30 tháng tư năm 1975 kia.

Sở dĩ trong năm nay hiểm hoạ mất nước một lần nữa vào tay Tầu Cộng mới hiện ra rõ rệt đối với đại đa số trí thức là vì có dự án khai thác mỏ bôxít ở Trung Nguyên chỉ xảy ra ít lâu sau vụ Trung Cộng lập huyện Tam Sa thuộc đảo Hải Nam. Người ta nhớ lại và liên kết hai sự kiện trên với những sự kiện xảy ra trong dĩ vãng và thấy càng ngày âm mưu thôn tính từ phương Bắc càng rõ rệt.

Từ công hàm của Phạm Văn Đồng ngày 14-9-1958, đến bài học quân sự mà Đặng Tiểu Bình “dậy” cho Việt Cộng tại biên giới Việt Trung năm 1979. Nhất là vụ Trung Cộng và Việt Cộng công khai tổ chức lễ khánh thành cột mốc biên giới trên bộ tượng trưng mang số 1369, dưới sự chứng kiến của thứ trưởng Ngoại Giao Trung Cộng Vương Nghị và thứ trưởng Ngoại Giao Việt Cộng Lê Công Phụng (nay là đại sứ VC tại Mỹ). Sự kiện này xảy ra ngày 27-12-2001. Chưa kể những trận hải chiến do Trung Cộng tung ra vào những năm 1974 và 1988 nhằm xâm lấn và chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa. Cũng chưa kể việc nhiều ngư dân Việt Nam khi hành nghề trong hải phận Việt Nam đã bị tầu của Trung Cộng bắt giữ và giam cầm trái phép.

Với những hiệp định về biên giới (30-12-1999) và về lãnh hải (25-12-2000) ký kết giữa Trung Cộng và Việt Cộng, phía Việt Nam đã bị thiệt khỏang gần 1000 CS trên bộ trong đó bị mất thác Bản Giốc, Suối Phi Khanh và Ải Nam Quan, và khỏang 10,000 cây số vuông trên biển, coi như Trung Cộng cũng chỉ mới trắc nghiệm những điểm ven biên. Nhưng với dự án khai thác Bô-xít ở Trung Nguyên thì Trung Cộng đã đánh thẳng vào trái tim tổ quốc Việt Nam. Vì ai cũng rõ đây chính là địa điểm chiến lược quan trọng, coi như yết hầu của Việt Nam. Ông Ngô Đình Diệm từ những năm 1947 đến 1953 nhiều lần nhắc đến phần đất có tính chiến lược về mặt quân sự cũng như kinh tế này. Và sau khi lên cầm quyền ông đã luôn nhắc nhở, phải giữ cho bằng được Trung Nguyên, và ông đã chết hụt tại hội chợ Ban Mê Thuột năm 1957 cũng vì muốn tạo bức tường thành bằng người ở đó.

Vì thấy “yết hầu” bị đe doạ, các nhà trí thức nói trên đã “kiến nghị”, “thỉnh nguyện”, “phản biện”… hầu nhắc nhở hay làm áp lực với nhà cầm quyền CS phải cứng rắn hơn với Trung Cộng, phải hủy bỏ kế hoạch khai thác bô xít. Nhưng không có kết quả.

Tại hải ngoại trong vài năm nay, nhiều luật gia, chính khách đã lên tiếng đòi lại Hoàng Sa và Trường Sa cho Việt Nam. Tuy rằng ai cũng biết đất nước ngày nay nằm trong tay Việt Cộng, đồng chí, đồng đảng với Trung Cộng. Cho nên nếu đòi được hai quần đảo đó cũng chỉ là đòi hộ cho VC mà thôi và đã dễ gì mà đòi được. Trước hết người đòi là cá nhân hay tập thể một cộng đồng, hay chính đảng người Việt ở hải ngỏai lấy tư cách pháp nhân gì theo quốc tế công pháp để đứng tên đòi, khi mình chưa đoàn kết được để thành một pháp nhân có uy tín và thẩm quyền. Liên Hiệp Quốc, hay một toà án quốc tế nào đó có coi một ông cựu bộ trưởng hay cựu thủ tướng VNCH trước đây còn uy tín hay thẩm quyền không?

Tuy nhiên làm là cứ phải làm để chứng tỏ lòng yêu nước, và ít nhất cũng cho người dân trong nước biết đến và so sánh: Tại sao kẻ quản lý đất nước lại không làm việc đó mà lại để cho kẻ đã mất nước phải đứng ra làm thay.

Trong năm nay nhiều tổ chức đảng phái quốc gia ở hải ngoại đã tích cực vận động các tổ chức nhân quyền, ân xá quốc tế, văn bút quốc tế, phóng viên không biên giới v.v… để họ can thiệp hay làm áp lực với VC trong nước hầu bênh vực cho các người đấu tranh cho dân chủ trong nước bị VC bắt giam, kết án, bỏ tù, hay cho những dân oan đi khiếu kiện vì bị cướp nhà, cướp đất. Nhưng kết quả chẳng được là bao. Ngay Linh mục Nguyễn Văn Lý hay nữ luật sư trẻ tuổi Lê Thị Công Nhân là những từ nhân lương tâm được cả thế giới biết đến, cũng không được VC phóng thích hay giảm án. Chẳng những thế, khi lâm trọng bệnh không được điều trị hay cung cấp thuốc men, cho nên đang sống dở chết dở. 37 nghị sĩ (tức trên một phần ba thượng viện) thuộc lưỡng đảng Mỹ đã chính thực can thiệp cho linh mục Lý. Vậy mà khi VC ân xá hàng ngàn tù nhân vào dịp “quốc khánh” mồng 2 tháng 9 vừa qua ông cũng không được thả.

Xem ra chính sách ngoại giao của những nước lớn như Hoa Kỳ không hứa hẹn gì cho cuộc vận động quốc tế cho nhân quyền tại Việt Nam nữa.

Những sự việc xảy ra tại Việt Nam ngày nay trước những vụ bắt bớ giam cần hàng loạt những nhà phản kháng đấu tranh cho dân chủ tự do khiến nhiều người không khỏi nhớ lại những vụ Cộng Sản đàn áp dã man các cuộc vùng dậy của nhân dân Ba Lan (Poznan 1956), Hung Gia Lợi (Budapest 1956) và Tiệp Khắc (Praha 1968) vào những thập niên 50, 60 thế kỷ trứoc. Và cả vụ Trung Cộng đàn áp dã man cuộc biểu tình đòi tự do của thanh niên sinh viên Trung Quốc tại quảng trường Thiên An Môn giữa năm 1989. Những cuộc đàn áp vô cùng dã man đó, khiến hàng vạn dân vô tội bị hy sinh, đã làm rung chuyển dư luận thế giới. Nhưng lúc ấy cũng chẳng có cường quốc nào trong thế giới tự do dám can thiệp để cứu các nạn nhân.

Cho nên mấy năm vừa qua phần đông các nhà lãnh đạo tinh thần các tôn giáo trong nước đã không dám khuyến khích giáo dân biểu tình để đòi công lý trong những vụ toà khâm sứ Hà Nội, các giáo xứ Thái Hà, Tam Toà. Loan Lý, v.v. vì sợ con chiên bị đẩy vào chỗ chết mà sẽ chẳng ai can thiệp để cứu. Mặc dù như chúng ta đã thấy những cuộc gọi là “biểu tình” đó chỉ là những buổi cầu nguyện và hát thánh ca với đèn cầy cầm tay.

Tất cả những sự việc đó xảy ra cùng lúc với những vụ đàn áp, bắt bớ hàng loạt các người khác như Vũ Hùng, Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Hữu Tính, Nguyễn Kim Nhân, Ngô Quỳnh và Phạm Văn Trội, Trần Kim Anh, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung. Đó là chưa kể những “bloggers” có những cái tên ngộ nghĩnh như Điếu Cầy, Người Buôn Gió, Mẹ Nấm, v.v…

Theo dõi tình hình trong nứoc suốt hơn chục năm qua, quả thực phải công nhận nếu cứ chờ sự can thiệp của ngoại quốc để thay đổi thì chỉ là ảo mộng. Cho nên lần này, nhân thấy được mối nguy Việt Nam bị Trung Cộng thôn tính, nhiều tổ chức và đảng phái quốc gia ở hải ngoại muốn sát cánh với những người trong nước còn tâm huyết với dân tộc để cứu nguy đất nước. Có người còn lạc quan cho rằng lúc này đây đã là giai đoạn cuối của cuộc tranh đấu cho dân chủ tự do. Chỉ cần những người đứng ở hai bên chiến tuyến trước đây biết hoà giải vói nhau, xoá bỏ hận thù để cùng nhau vùng dậy cứu nước.

Tuy nhiên cũng rất nhiều người không lạc quan như vậy. Những người này không tin những lời “phản biện”, tuyên bố, kiến nghị…. của nhũng trí thức trong nước, hay của một vài bộ mặt trong hàng ngũ cán bộ cao cấp đã hết thời, hết lực, trong đó có tướng Giáp. Họ vẫn cho rằng những kẻ này phản tỉnh giả vờ, hay phản tỉnh vào giờ thứ 25.

Nhưng những người yêu nước thực sự sẽ không thể làm gì để thay đổi, nếu không xoá bỏ được hận thù do cuộc chiến kéo dài gây ra để có thể hoà giải với nhau và đoàn kết cùng nhau đối phó với kẻ thù phương Bắc.

Để giải quyết vấn để nan giải này, chúng tôi mạo muội đưa ra một đề nghị. Chúng ta hãy lấy lòng yêu nứoc thực sự của đại chúng ở trong cũng như ở ngoài nứoc làm nền tảng, coi đó như nguồn nước thanh tẩy. Mọi người hãy sám hối và tự thanh tẩy mọi di tích phản bội, yếu kém trong dĩ vãng trong nguồn nước trong ấy. Tất cả những ai đã sám hối và được thanh tẩy bởi lòng yêu nước chân chính, coi như đã được hoàn toàn đỗi mới, và khi đối diện với nhau sẽ chỉ thấy mọi người đều là anh em, “đồng chí”, đồng bào. Đó là khởi điểm của đoàn kết dân tộc, bước đầu trên con đường cứu nước đầy chông gai gian khổ có thể dài muôn dặm, mà chỉ có sự đoàn kết do lòng yêu nứoc mới hứa hẹn thành công.

Việc sám hối sẽ thực hiện ra sao và bắt đầu từ đâu?

Đây là vấn đề phức tạp nhiêu khê dễ gây tranh cãi. Chúng tôi sẽ cố trình bày một cách thành thực theo ý nghĩ chủ quan của mình, dù biết sẽ có nhiều người không đồng ý.

Trước hết xin trở lại từ đầu với các vị tiền bối đã nêu danh tánh ở đầu bài.

Các cụ Hồ Học Lãm, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ, nhũng nhà ái quốc theo chủ nghĩa dân tộc, phi Cộng sản, đã từng giúp đỡ, che chở, bảo lãnh cho Hồ Chí Minh và những cán bộ nòng cốt của đảng CS sau này như Phạm Văn Đồng, Hoàng Van Hoan, Phùng Chí Kiên v.v….lại để cho Hồ Chí Minh xâm nhập và lợi dụng Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội (gọi tắt là Việt Minh) và Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh (gọi tắt là Việt Cách). Nếu các vị đó còn sống chắc chắn sẽ hối hận lắm. Và ở dưới suối vàng có thể đang thành tâm hối lỗi, về sự sơ ý và “lòng tốt” của mình đã dành cho “bọn cướp nước”.

Giờ sám hối? Nguồn: huffingtonpost.com

Các lãnh tụ Việt Quốc, Việt Cách như các cụ Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, và nhất là Vũ Hồng Khanh…và một số đảng viên Đại Việt đã ngủa tay nhận 70 ghế đại biểu trong cái gọi là Quốc Hội đầu tiên của Hồ Chí Minh, và gia nhập chính phủ Liên Hiệp của Hó Chí Minh chắc ở dưới suối vàng cũng hối hận, vì mình đã tạo uy tín cho họ Hồ và đảng CS, để họ có được cái nhãn, cái chiêu bài dân tộc, mà lôi kéo toàn dân vào những cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt. Đặc biệt đáng nói là 70 ghế đại biểu đã được tặng không (không phải bầu bán gì cả) như một thứ quà hối lộ. Sự khờ dại của các vị đó đã tạo cớ cho CS phỉ báng những đảng yêu nứoc quốc gia, dám so sánh các lãnh tụ quốc gia đó với phân bón. (3)

Chúng tôi đã viết “nhất là cụ Vũ Hồng Khanh”, vì cụ còn mắc bẫy của HCM cùng ký với ông ta vào hiệp định sơ bộ 6-3-1946, mà sau này các đồng chí của cụ gọi là “hiệp định bán nước”, không khỏi cảm thấy mình “há miệng mắc quai”.

Về việc vua Bảo Đại và thủ tướng Trần Trọng Kim thoái vị và từ chức trong tháng 8 năm 1945, lúc ấy nhiều người coi đó là một cử chỉ sáng suốt của những công dân yêu nước. Nhưng ngày nay nhìn lại thì ai cũng chê là dại dột, không nắm vững tình hình, không biết người biết mình. Trong 2 cuốn hồi ký “Con Rồng Việt Nam” và “Một cơn Gió Bụi” sau này, hai ông đã hối hận thì đã quá muộn. Nhưng xem ra trong nội các Trần Trọng Kim hãy còn có những người như Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (bộ trưởng Giáo Dục), đến cuối thế kỷ 20 hãy còn ca tụng “công lao dành độc lập” của Hồ Chí Minh. Không biết tác giả “Tự Điển Danh Từ Khoa Học” sẽ có tỉnh ngộ và hối hận không.

Chiến thắng Điện Biên của Cộng quân đưa đến việc chia đôi đất nước được nhiều người cho rằng đó là lỗi của tướng Pháp Navare không nắm vững địa hình địa vật và khả năng tiếp vận của địch. Có người lại trách Mỹ đã không chịu cho thực hiện kế hoạch Vulture để dùng không lực hùng hậu của mình (thậm chí cả bửu bối bom nguyên tử) tiếp cứu đồng minh v.v. Nhưng đó là vấn đè trách nhiệm của Đồng Minh. Khỏi bàn. Chúng ta hãy bàn về trách nhiệm và lỗi lầm của chúng ta.

Ai cũng biết quân ta lúc ấy rất yếu cả về quân số lẫn tiếp vận và chỉ huy. Nên phải trông cậy hỏan toàn vào quân Liên Hiệp Pháp. Quốc Trưởng Bảo Đại và các lãnh tụ Quốc Gia không tự mình chống đỡ được những cuộc tấn công của Cộng Quân được Liên Sô, Trung Cộng tiếp viện dồi dào về vũ khí và tuyên truyền. Nếu ngày nay còn sống chắc qúi vị ấy cũng hối hận là mình chưa cố gắng đủ. Nhất là những ai lúc ấy chỉ cố bám lấy sức mạnh quân sự của Pháp để tin rằng vũ khí vật chất mạnh hơn sức mạnh của ý chí, mưu lược và tuyên truyền. Vì Cộng quân đã chiến thắng phần lớn nhờ sự tuyên truyền rằng họ đánh Pháp và tố cáo các chính phủ của Bảo Đại chỉ là tay sai của Pháp. Nếu lúc ấy (1946-1948) tất cả các lãnh tụ đảng phái quốc gia và các chính khách độc lập yêu nước cùng đoàn kết với nhau để cùng quốc trưởng Bảo Đại tranh đấu với Pháp, đòi cho bằng được một nền độc lập hoàn toàn thì sẽ có cơ sở vững mạnh hơn để đánh sập chiêu bài “kháng chiến giành độc lập” của CS.

Từ khi chế độ Đệ Nhất Cộng Hoà được thành lập vào năm 1955, thì ta đã có một nửa nứoc hoàn toàn độc lập, không còn bóng quân Pháp thực dân. Cờ vàng ba sọc đỏ, biểu tượng của chủ quyền quốc gia Việt Nam bắt đầu tung bay trước Dinh Norodom, phủ toàn quyền của Pháp, dấu tích của gần một thế kỷ nô lệ, đã được cải danh là Dinh Độc Lập. Như vậy phe Quốc Gia đã có một bửu bối để lột mặt nạ chiêu bài dân tộc của phe Cộng. Nhưng một số tướng lãnh và vài chính đảng đã bị người Mỹ mua chuộc để phá sập toà nhà độc lập được xây dụng lên với bao công sức. Một chính quyền có cơ sở pháp lý vững vàng có uy tín trước quốc dân và trước cộng đồng quốc tế bỗng dưng tiêu tan, tạo ra một tình trạng vô chính phụ, hỗn loạn, trong đó “chính quyền trở thành thứ mà ai cũng cướp giật được”, như tổng thống Mỹ Richard Nixon đã nói về hậu quả của việc lật đổ ông Ngô Đình Diệm.

(Còn tiếp)

© 2009-2015 DCVOnline


(1) Phản Tỉnh Phản Kháng, Thực Hay Hư? Thông Vũ xuất bản năm 1999 và tái bản năm 2004, 650 trang.
(2) 4 tác phẩm của Bùi Tín: Hoa Xuyên Tuyết, NXB Nhân Quyền; Về Ba Ông Thánh, Mây Mù Thế Kỷ, và Mặt Thật, NXB Saigon Press,
(3) Trong cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch”, tác giả Trần Dân Tiên, tức Hồ Chí Minh (trang 141) và cuốn hồi ký “Những năm tháng không thể nào quên” của Võ Nguyên Giáp (trang 100-102) đều có nhắc lại những lời lăng nhục này. Phải chăng đó là một trong những lý do khiến thời đệ nhất Cộng Hoà, ông Diệm đã dè dặt không dám dùng những lãnh tụ quốc gia đã mất uy tín đó?

*
*

Minh Võ
Posted on June 2, 2015 by editor — 1 Comment

Trước khi kết thúc, chúng tôi xin nhấn mạnh rằng sám hối chỉ là điều kiện tiên quyết, cần nhưng chưa đủ để đoàn kết dân tộc. Nó cũng chỉ là bứoc đầu trên con đường cứu nước. Những bước kế tiếp sẽ còn khó khăn, phức tạp hơn.

Về cái lỗi lầm chiến lược to lớn này, phía Mỹ – chính quyền cũng như báo giới – đã minh nhiên công nhận và có người đã minh thị ngỏ lời xin lỗi nhân dân Việt Nam (Ví dụ McNamara đã nói lời xin lỗi nhân dân Việt Nam với nhà cầm quyền Cộng Sản. Thật đáng tiếc. Nhưng cũng chẳng nên trách ông ta vì than ôi! Việt Nam Cộng Hoà đã bị chúng ta đánh mất.) Nhưng những kẻ a dua thuộc hàng tướng lãnh Việt Nam và mấy chính khách bất mãn, thì xem ra vẫn còn đổ lỗi cho “gia đình “ ông Diệm.

Tuy nhiên chắc chắn cũng có nhiều người trong số họ đã tỏ dấu ân hận. Chẳng hạn, như ông Cao Xuân Vỹ đã nêu đích danh, các ông Trần Văn Đôn, Bùi Diễm, Nguyễn Cao Kỳ đã đứng nghiêng mình trước chân dung cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm tại nhà ông Vỹ. Còn hai tướng Nguyễn Khánh và Nguyễn Chánh Thi thì quỳ gối và tướng Tôn Thất Đính thì quỳ lậy 4 lậy(4).  Có người bào chữa cho những kẻ làm đảo chánh rằng họ “không biết việc mình làm” và hy vọng Thượng Đế sẽ khoan hồng đối với họ như Chúa Giêsu trên thánh giá đã tha tội cho kẻ trộm lành (!) Hầu hết các tướng đã không cố ý giết ông Diệm chỉ có vài kẻ cầm đầu mà thôi. Và lý do họ lật ông Diệm không phải vì phản bội, mà chỉ vì thấy người Mỹ muốn vậy cho nên, vì nhu nhược, không dám cưỡng lại ý muốn và quyền lực của siêu cường Mỹ. Hơn nữa từ lâu họ vẫn ngầm trách ông Diệm quá nghiêm khắc, bắt mọi người thắt lưng buộc bụng, thậm chí các tiệm “dancing” cũng bị đóng cửa… Nhất là họ bất đồng ý với ông Diệm về việc không chấp nhận cho Hoa Kỳ đổ quân nhiều vào “để chống Cộng hữu hiệu hơn”, và để nền kinh tế trong nước được phát triển hơn với hàng tỷ Mỹ Kim ồ ạt đổ vào theo hàng triệu lính Mỹ v.v.

Có người thắc mắc không rõ 2 ông Diệm, Nhu có sám hối không. Nhưng cũng nhiều người nghĩ, chắc là có. Vì ai mà không có lỗi, chính quyền nào lại không phạm sai lầm. Chẳng hạn dùng người không chọn kỹ, quá nhân từ, khoan dung, mềm yếu với kẻ mưu sát mình, không quyết đáp trước yêu cầu để cho vệ quân tấn công, bắt trọn nhóm tướng lãnh phản loạn… Và nói chung nguyên việc để mình thất bại không vượt qua được mưu toan ám hại của đồng minh và thuộc hạ, cũng là một cái tội, về một mặt nào đó.

Trong thời gian hậu Diệm lỗi lầm lớn nhất của phe Quốc Gia chúng ta, theo thiển ý, chính là việc thủ tướng Phan Huy Quát đón nhận – hay làm ngơ, hay không biết(?) – 3 tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến Mỹ cùng với xe tăng trọng pháo đổ bộ lần đầu tiên lên Đà Nẵng mở màn cho 2 triệu quân sau đó ồ ạt vào Việt Nam. Nhiều người, rất nhiều người, cho đến nay vẫn nghĩ đó là điều tốt, vì Việt Nam lúc ấy quá yếu, không thể tự mình chiến đấu chống trả VC được Trung Cộng và Liên Sô viện trợ dồi dào. Ở đây thiết tưởng không nên tranh luận về những vấn đề đó(5).

Sau tháng tư 1975, thủ tướng bác sĩ Phan Huy Quát đã bị VC bắt đi “cải tạo” cùng vói nhiều vị phó thủ tướng, tổng bộ trưởng, nghị sĩ, dân biểu, tướng lãnh và sĩ quan, công chức cao cấp VNCH, trong đó có cả phó thủ tướng luật sư Trần Văn Tuyên. Trong tù ông cựu thủ tướng được sống gần con, ở ngay phòng bên, nhưng Việt Cộng không bao giờ cho phép hai cha con gặp nhau. Thậm chí khi ông gần chết người con muốn chuyển cho ông mấy viên thuốc cũng bị cấm chỉ, để ông chết một cách vô cùng thê thảm ngày 27-4-1979.

Nếu như bác sĩ Quát có lầm lỗi gì to lớn mấy chăng nữa, chúng tôi thiết tưởng những khổ đau và nhục nhã, mà ông phải chịu trong tù, cũng đã được rửa sạch hết bằng nước mắt sám hối của ông rồi

TT Nguyễn văn Thiệu đang cầu nguyện tại Vương Cung Thánh Đường La Vang ngày 20 tháng 9 năm 1972   Nguồn: tqlcvn.org

Chúng tôi xin bỏ qua những lỗi lầm của nhiều nhân vật và chính khách khác. Nhưng xin nói về trường hợp của cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, người đã được số mệnh ưu đãi, được qua đời tại Mỹ và còn được nhiều người nhớ ơn, tổ chức tưởng niệm. Nói về Tổng Thống Thiệu là nói về cả chế độ Đệ nhị Cộng hoà, một chế độ chịu trách nhiệm trực tiếp về việc mất nước. Nhiều người cho đến nay vẫn bào chữa cho ông, gián tiếp cho họ, rằng Việt Nam bị mất là vì bị Đồng Minh bỏ rơi, chứ Tổng Thống đã làm hết cách mà không ngăn cản được sự “phản bội” của Đồng Minh. Nhưng cũng nhiều người khác quy trách cho ông và chính quyền đệ nhị Cộng Hoà trong đó gồm rất nhiều đảng viên Đại Việt kể cả các lãnh tụ Hà Thúc Ký, Nguyễn Tôn Hoàn, Phan Quang Đán…và anh ruột của ông Thiệu, đại sứ Nguyễn Văn Kiểu.

Với sự quân viện dồi dào, hùng hậu của Đồng minh — thường trực hơn nửa triệu quân Mỹ và hàng vạn quân các nước khác như Úc, Tân Tây Lan, Thái Lan, Đại Hàn, Phi Luật Tân…– ông Thiệu vẫn không đánh thắng đoàn quân Bắc Việt được viện trợ ít hơn nhiều về mặt quân sự. Mặc dù mãi sau này, sau khi Liên Xô đã sụp đổ nhiều năm, người ta mới biết đã có khỏang 3000 quân Nga có mặt tại Bắc Việt trong những năm chiến tranh.

Cho dù (giả dụ như) đồng minh có thực sự phản bội, “bỏ rơi” ông, nhưng là một chính trị gia, một quốc trưởng, ông – và các phụ tá của ông – cũng phải tiên liệu việc đó sẽ xảy ra chứ. Vì khi chính phủ Phan Huy Quát đã mở cửa đón nhận quân Mỹ tự do ồ ạt vào, thì từ đó ai cũng phải hiểu rằng sẽ có ngày cái đoàn quân viễn chinh đó sẽ “tự do” rút đi, để chúng ta “tự do” tự lo lấy số phận của nước mình chứ. Và họ ra đi tự do cũng giống như họ đã vào tự do vậy mà. Sao lại trách họ, mà không tự trách mình? Nếu mình quá ý lại vào sức mạnh quân sự của Đồng Minh mà quên lãng việc cổ võ tinh thần tực lực cánh sinh của nhân dân, thì khi Đồng Minh đi rồi có tài thánh cũng phải thua thôi.

Cá nhân Tổng Thống Thiệu có lẽ đã sám hối phần nào về việc ông “bất đắc dĩ” mắc mưu các phản tướng và khiếp sợ cai uy của Cabot Lodge mà nhúng tay vào vụ lật đổ Đệ Nhất Cộng Hoà. Vợ ông, đệ nhất phu nhân, đã có lần công khai tới dự lễ tưởng niệm vị Tổng Thống tiên khởi, khi chồng mình đang nắm quyền trị quốc với tư cách là vị tổng thống thứ hai.

Nhưng quan trọng hơn, chắc chắn ông đã rất ân hận về việc ông để đất nước rơi vào tay CS. Không biết khi ở dưới “tuyền đài” ông có vui lòng thấy rằng cho đến nay đàn em ông, con cháu ông vẫn còn bênh vực cho ông một cách cố chấp không?

Nói đến Tổng thống Thiệu là nói đến kẻ đứng đầu, vị thủ lãnh của tất cả chúng ta trong ché độ Đệ nhị Công hoà. Bắt đầu từ các cố vấn các bộ trưởng kế hoạch, bộ trưởng ngoại giao, những ông đại sứ, bộ trưởng thông tin là những người đã hầu như không làm được gì để thuyết phục, thu phục giới ký giả Mỹ, nhất là những Neil Sheehan, David Halberstam… đã từng cổ võ cho việc lật ông Diệm, và cũng là những kẻ ca tụng ông Hồ, coi ông ta mới là kẻ có chính nghĩa. Và hệ quả của giọng nói xấc xược và miệt thị của những nhà báo trẻ này đối với các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, là quốc hội và nhân dân Mỹ đã không ủng hộ chúng ta, không để cho chính quyền Nixon cứu chúng ta khi bị Bắc Việt tràn vào Saigon bất chấp hiệp định Paris. Và không phải một số ký giả Mỹ đã ảnh hửong quyết định đến dư luận Mỹ, nhân dân Mỹ và quốc hội Mỹ. Mà nó chúng còn ảnh hưởng quyết định đến dư luận thế giới. Khắp nơi đều lên án chính quyền Mỹ, làm áp lực bắt Hoa Kỳ phải ngưng các cuộc dội bom và rút quân khỏi Việt Nam.

Không hiểu thế nào là chiến tranh ý thức hệ, thì không thể hiểu được tại sao mấy nhà báo trẻ măng lại có thể tạo ra được làn sóng phản đối chiến tranh trên khắp thế giới khiến một siêu cường có bom nguyên tử phải thua một đoàn quân đi dép râu. Vì không thể hiểu điều đó nên cho đến nay vẫn còn một số người nhất định bảo Mỹ không thua, chỉ giả vờ thua để rút quân vì họ đã bắt tay được với Trung Cộng và Liên Xô rồi (!) Những người này dĩ nhiên tự tách mình ra khỏi những người biết hối hận về lỗi lầm của tập thể.

Dĩ nhiên không phải chỉ có mấy vị bộ trưởng và các đại sứ nên sám hối vì đã không làm hết sức mình. Mà tất cả chúng ta từ các dân biểu, nghị sĩ, tổng giám đốc, sĩ quan cao cấp cho đến người lính trơn, nguời công chức quèn, trong đó có người viết, cũng phải sám hối. Chúng tôi chỉ đan cử một ví dụ cụ thể. Một công chức chỉ biết phục vụ không có tham vọng chính trị, sau khi đệ nhất Cộng Hoà sụp đổ đã đâm ra bi quan và tiêu cực, làm việc chỉ để có lương nuôi gia đình. Nên khi được cấp trên (trong Đệ II CH) muốn trao cho anh ta một chức vụ lãnh đạo một cơ quan đã nhất định từ khước, lấy lý do mình không có khả năng. Người công chức này có biết mình đã đắc tội về thái độ tiêu cực của mình không, hay cho rằng mình chẳng có lỗi gì?

Trong thời Đệ nhị Cộng hòa từng có phong trào chống tham nhũng của LM Trần Hữu Thanh gây xôn xao dư luận và hiện tượng ký giả đi ăn mày. Những người chủ xướng và tham gia có nên sám hối vì đã gián tiếp góp phần làm mất nước không? Hay nên hãnh diện về việc làm đó, lấy cớ rằng nếu chính quyền của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã nghe theo họ mà bớt tham nhũng thì đã cứu được nước? Theo chúng tôi đã đến nước này, tất cả chúng ta phải ăn năn. Vì lỗi mất nước là lỗi chung của mọi người.

Còn giới trí thức ngoài chính quyền như các ký giả tự do, các văn nghệ sĩ … cũng phải nhận mình có lỗi như lời hai văn thi sĩ nói với nhau nhân lần hai người gặp mặt đầu tiên ở Virginia năm đầu thiên niên kỷ:

‒ “Tôi nghĩ chúng ta có tội khi để đất nước rơi vào tay bọn cộng sản. Ta càng có tội hơn khi ta không cứu được đất nước ra khỏi tai hoạ cộng sản” (nhà văn)

‒“Để cho cộng sản chiếm quê hương, tất cả chúng ta đều có tội.” (nhà thơ)(6)

Trong một cuộc chiến tranh quy ước thi văn sĩ thường đứng ngoài và dù bên nào thắng thì họ cũng được coi là vô tội. Nhưng trong cuộc chiến Việt Nam, một cuộc chiến ý thức hệ, do Cộng Sản khai chiến để rồi chiếm được cả nước, thì người dân nào còn chút lòng yêu nước đều cảm thấy đau xót và tự thấy mình có tội.

Dĩ nhiên mức độ tội trạng tuỳ theo địa vị, chức vụ, và vai trò của từng cá nhân trong xã hội. Ở đây chúng tôi không đặt vấn đề cân đo đong đếm tội lỗi, cũng không đặt tiêu chuẩn, mỗi người phải sám hối như thế nào và nhiều ít bao nhiêu. Nếu mọi người trong chúng ta đều nói lên những lời thú nhận như 2 thi văn sĩ trên thì đã đủ. Nếu những lãnh tụ các đảng phái, tổ chức đấu tranh minh thị nói lời nhận tội của riêng mình và của tập thể thì càng tốt. Còn hơn là luôn luôn đổ tội cho kẻ khác, hay đồng minh.

Nhắc lại lời nhận tội của hai văn thi sĩ ở hải ngoại, chúng tôi đồng thời nhớ tới sự hối hận của một trí thức trong nước ẩn danh dưới cái tên blogger Pson Khanh. Ông này đã kết luận một bài thú tôi của ông bằng câu: “Tôi thật sự ân hận vì đã vào Đảng (CS).” Có lời ân hận này là vì suốt 15 năm ở trong đảng, ông đã chứng kiến quá nhiều điều sai quấy, tội lỗi của đảng và đã bao lần muốn bỏ đảng mà không dám vì những cái sợ trăm chiều.

Câu sám hối của blogger này có thể nói là câu đang ở đầu lưỡi của hàng vạn đảng viên khác, chỉ chờ có dịp thốt ra mà chưa dám.

Đến bao giờ thì nó thốt ra và bao nhiêu người sẽ hưởng ứng là tuỳ thuộc vào lòng yêu nước của nhân dân trong nước còn nồng nhiệt đến mức độ nào.

Điều mà nhiều người đã mong mỏi và đã nuối tiếc là vào cuối thập niên 80 đã không có một giọt nước mắt sám hối nào nhỏ xuống từ cặp mắt những nhà lãnh đạo CS trong nước đủ để Việt Nam có thể xuất hiện một Gorbachev hay Yeltsin.

Anh hùng đảo chánh/TT đầu hàng.  Nguồn: stetson.edu/Dirck Halstead

Một vài Trần Xuân Bách, hay Nguyễn Cơ Thạch … chưa có được dũng khí của lãnh tụ, hoăc chưa có sự khuyến khích của một số đông những kẻ biết nhìn ra tội lỗi mình và thành tâm nhận lỗi, xin lỗi. Những Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Hà Sỹ Phu, Nguyễn Thanh Giang … thì hãy còn sợ đụng phải thần tượng Hồ Chí Minh. Nhiều người đã có lúc trông chờ và rồi đã phải thất vọng về một Võ Nguyên Giáp vì ông này còn luyến tiếc cái hào quang Điện Biên và loá mắt trước hào quang anh hùng dân tộc của “Bác Hồ” mà ông ta tôn là chiến lược gia đại tài.

Thực ra Việt Nam đã không thể có một Gorbachev như nước Nga, hay một cuộc đổi đời chợt đến như các dân tộc Ba Lan, Đông Đức, Hung Gia Lợi … ở Đông Âu, cũng vì hào quang “cha gia dân tộc” Hồ Chí Minh.

Và những huyền thoại u ám loại này đang ngăn cản núoc mắt sám hối nhỏ ra vì lòng yêu nước.

Chỉ một cuốn hồi ký loại “Hồi Ký của một thằng hèn” có đáng gọi là nước mắt sám hối của những đảng viên CS không? Nếu nó không có tác dụng cải hối và thay đổi tâm trạng hàm ân của số đông đối với kẻ cướp, tâm trạng sợ sệt đến độ “thâm căn cố đế” trước bạo lực vô nhân của kẻ cướp, thì chưa có gì đáng khích lệ. Cần có hàng trăm, hàng ngàn hồi ký sám hối như vậy mới hy vọng thay đổi được hiện trạng.

Đã đến lúc một số lớn những kẻ có chức có quyền phải lên tiếng nhận lỗi, xin lỗi về những tai hoạ đã gây ra cho dân tộc trong gần một thế kỷ vừa qua.

Hồ Chí Minh là nguồn gốc căn nguyên gây tai hoạ cho dân tộc ta đang ở dưới suối vàng cùng với Các Mác và Lênin, phải là người ăn năn khóc lóc trước hết. Nhưng ông ta đã sang cõi âm. Tổ tiên, Trời Phật, Thượng Đế sẽ xét xem nước mắt ông ấy đổ ra có phải do lòng yêu nước hay do nuối tiếc một ánh hào quang phù phiếm le lói trong ảo vọng?

Từ đầu việc ông tin theo Mác có thể thông cảm, vì trên thế giới lúc ấy nhiều người ban đầu cũng nghĩ rằng Mác hay, Mác đúng. Dùng các phương pháp bạo lực của Mác và Lênin để tranh đấu cho độc lập dân tộc cũng có thể là tốt. Nhưng thực sự tranh đấu cho chủ nghĩa đại đồng không tửong, mà lại nói dối là tranh đấu cho độc lập dân tộc thì là cái tội vô cùng to lớn. Nhất là lại vì cái chủ nghĩa vô nhân đó mà đưa hàng triệu đồng bào vào chỗ chết thì có đáng được khoan hồng không? Dù ông có hối hận đến đâu ở cõi âm, dám chắc Tổ Tiên cũng khó mà xoá tội cho ông.

Có người căn cứ vào một di chúc “thứ hai” nào đó để bào chữa cho ông Hồ, cho rằng ông đã hối hận trước khi chết. Vì vậy mà có cuốn Đỉnh Cao Chói Lọi cũng hùa theo bào chữa cho ông. Nhưng tất cả những ai muốn ông được giảm khinh đều phải cùng ông hối hận.

Võ Nguyên Giáp, một trong mấy phụ tá thân cận nhất của ông Hồ, kẻ đã áp dụng chiến thuật biển người nướng hàng chục vạn sinh linh là kẻ phải sám hối nhiều nhất trong những kẻ còn sống sót. Liệu ông ấy có nhìn ra tội lỗi của mình chưa. Chưa hề thấy ông ta nói lên lời sám hối bao giờ. Có người bảo ngày nay ông ta hay ngồi thiền. Có phải để tu tâm dưỡng tính hòng ăn năn hối lỗi một cách âm thầm không. Nhưng chưa công khai nói lên lời hối lỗi thì chưa gây được tác dụng gì đối với dân tộc.

Liệu trong số đảng viên cao cấp trong bộ Chính trị và Trung ương đảng có ai đang âm thầm sám hối không? Mong rằng có. Vậy thì hãy can đảm ra khỏi bóng tối âm thầm để công khai nói lên lời nhận tội và xin lỗi nhân dân. Vì điều đó sẽ là mồi lửa châm ngòi cho hàng loạt tiếng nói và hành động hối cải khác.

Những nhà trí thức trong nước ở tuổi 50, 60 trở lên có nghĩ rằng mình không tán thành, ủng hộ tích cực cái chế độ này, thì chẳng có gì phải ăn năn? Xin hãy tự hỏi mình có đi bầu “quốc hội” của Đảng CS không? Có đề nghị, kiến nghị hay thỉnh nguyện các lãnh tụ CS bao giờ không? Và có coi những hành vi, thái độ tương tự là một cách chấp nhận, tán thành, ủng hộ nó không?

Chúng tôi không đi vào chi tiết về những tầng lớp nhân dân khác cần phải sám hối. Mà chỉ đưa ra một ý kiến là mọi người phải sám hối, vì bằng cách này hay cách khác, tất cả chúng ta kẻ ở bên này cũng như người ở bên kia làn ranh quốc cộng đều có lỗi khi để mất nước. Người xưa thường nói: Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách là vậy.

Các hình thức hối lỗi có thể khác nhau, và mức độ tội lỗi của mỗi người không giống nhau. Nhưng chỉ cần ăn năn hối lỗi vì lòng yêu nước, thì nguồn nước trong là lòng yêu nước sẽ thanh tẩy chúng ta, biến tất cả mọi người trở lại thành đồng bào có thể đoàn kết để cứu nước khỏi hoạ diệt vong từ phương Bắc.

Nói vậy tuy có vẻ giản dị, dễ dàng, nhưng thực ra là điều quá khó hầu như không thể nào thực hiện được. Vì lòng yêu nứoc thực sự đòi phải được cụ thể hoá bằng hành động. Mà từ tâm tư chuyển sang hành động là cả một quá trình phức tạp.

Tóm lại, theo những gì biết được về Cộng Sản và lịch sử, nhất là lịch sử chiến tranh Việt Nam, chúng tôi có thể khẳng định:

Muốn chống lại âm mưu thôn tính và đồng hoá của kẻ thù phương Bắc, toàn dân phải đoàn kết một lòng. Và muốn có đoàn kết thì trước hết cả hai phía đều phải thực lòng nhận lỗi và hối lỗi, để có thể hoà giải với nhau.

Ban đầu tất cả chúng ta đều không hiểu rõ về CS nên kẻ thì rước nó về coi nó như cứu cánh, kẻ thì ủng hộ tiếp tay cho việc phô biến nó, tưởng rằng nó sẽ có thể là phương tiện giúp toàn dân đánh đuổi thực dân, giành độc lập.

Điều mà cho đến nay vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ là thứ chủ nghĩa dân tộc mà Lênin đề cao chỉ là sách lược giai đoạn hoàn toàn khác với chủ nghĩa dân tộc thực sự. Vì thế cho nên khi ông Hồ hô hào toàn dân kháng chiến chống Pháp, thì khẩu hiệu kháng chiến chống Pháp đó chỉ là chiêu bài dân tộc chứ không phải chủ nghĩa dân tộc thực sự. Đa số những ngừơi theo kháng chiến ban đầu đều lầm. Và sở dĩ ngày nay thần tượng ông Hồ còn tồn tại được như cái phao cho đảng CS bấu víu vào đó là sống sót, cũng vì cho đến nay nhiều người vẫn còn lầm.

Tất cả những ai đã đánh lừa và đã lầm vì điều đó đều nên mhận lỗi. đó là về phía những người đã và đang theo CS ở trong nước, bất kể người có chức quyền, hay người đã lầm đi theo hay đứng về phía kẻ cầm quyền.

Phía chống Cộng hay phi CS cũng rất ít người đã hiểu thấu đáo về CS nhất là về chiêu bài dân tộc giả dối của Lênin. Trong số ít này có ông Ngô Đình Diệm. Vì hiểu rõ âm mưu thâm độc đó của ông Hô, nên ngay từ những năm 47- 48 ông đã cố vấn và tích cực giúp quốc trửơng Bảo Đại tranh đấu với thực dân Pháp đòi độc lập hoàn toàn. Mà vì không thành công nên ông đã không nhận làm thủ tướng hai lần sau những hiệp ước vịnh Hạ Long (1948) và Élysée (1949). Cho đến khi Pháp đã thua hẳn và đã phải nhận chia cho Việt Cộng một nửa nước, ông mới đứng ra cứu nước để cố giữ nửa còn lại.

Nhờ đường lối sáng suốt đúng đắn nên ông đã thành công sáng lập ra Cộng Hoà Việt Nam. Chỉ có thành quả đó có thể sẽ lột mặt nạ chiêu bài dân tộc của Hồ Chí Minh.

Nhưng tiếc rằng chúng ta đã để công trình vĩ đại đó sụp đổ tan tành bằng một cuộc đảo chính, lấy cớ người lãnh đạo bất tài, độc tài, gia đình trị, kỳ thị tôn giáo v.v. Cho nên chúng ta phải tự trách. Kẻ ủng hộ cũng như người chống đối.

Dù đã cố trình bày những khía cạnh khác nhau của lịch sử. Tuy nhiên đó chỉ mới là một phần mười những tình huống và hoàn cảnh khác nhau của một tổng thể hết sức phức tạp và đa dạng. Nhưng nếu chúng ta coi nhau như cùng một đại gia đình có Tổ Quốc cưu mang, có Đất Mẹ đùm bọc bằng một mối tình tinh tuyền, thì mọi việc dù rắc rối đến đâu cũng có thể chín bỏ làm mười để hoà giải với nhau trong niềm hối hận chung, không xét tới ai phải ai trái, ai có lỗi nhiều ai có lỗi ít.

Khi chúng tôi đánh liều viết bài sám hối này, chúng tôi không dám kỳ vọng những lời hô hào sẽ được nhiều nguời hưởng ứng. Vì nội tình ở trong nước cũng như hải ngoại quá phức tạp, chia rẽ, không dễ gì có thể có một sự nhận lỗi và ăn năn chung.

Nhưng không sao. Nếu vận nước đã đến thì điều đó sẽ xảy ra không chóng thì chày. Còn nếu cả hai bên đều cố chấp thì, theo thiển ý, sẽ không có cách gì đoàn kết được, và chúng ta sẽ phải chờ một thời gian nữa. Thời gian đó dài bao lâu (mấy thế kỷ?) là tuỳ thuộc vào sự thành tâm của một thiểu số thiện chí sẽ may ra có thể dần dần làm biến đổi lòng người theo vận nước.

Trước khi kết thúc, chúng tôi xin nhấn mạnh rằng sám hối chỉ là điều kiện tiên quyết, cần nhưng chưa đủ để đoàn kết dân tộc. Nó cũng chỉ là bứoc đầu trên con đường cứu nước. Những bước kế tiếp sẽ còn khó khăn, phức tạp hơn. Xin để các cộng đồng, các chính đảng, có thẩm quyền, có phương tiện đưa ra quan điểm và chương trình kế sách khả thi. Chúng tôi cũng không ngần ngại nói lên ý nghĩ thành khẩn của mình, dựa vào kinh nghiệm dĩ vãng: Là chúng ta chỉ có thể cứu nước bằng chính lực lượng của nhân dân cả nước. Không thể trông cậy vào ngoại nhân.

Sau hết, có nên ước mong rằng trong cái gọi là đại hội giữa những người Cộng sản trong nước với một số “đại diện” của “những Việt Kiều Yêu Nước” sẽ nhóm tại Hà Nội vào hạ tuần tháng này, tất cả tham dự viên sẽ đồng thanh nói lên lời hối lỗi để chứng tỏ thiện chí muốn hoà giải để có thẻ đoàn kết mà cứu nước?

Thưa quý độc giả,

Có thể quý vị cho là ý kiến của chúng tôi quá lý tưởng, hay viển vông. Nhưng dầu sao đó chính là đòi hỏi cấp bách của thời cuộc, của Tổ Quốc trước hiểm hoạ bị Tầu Cộng thôn tính. Nếu tất cả chúng ta, ở bên này cũng như bên kia, không gạt bỏ được lòng vị kỷ, tính hiếu thắng, mặc cảm tội lỗi, hay quyền lợi của phe nhóm và tinh thần ỷ lại, vọng ngoại để đáp ứng, thì theo thiển kiến, chẳng bao lâu lời tiên đoán của tác giả Chính Đề Việt Nam, một năm trước khi qua đời sẽ thành sự thực:

“Nếu miền Nam mất vào tay Việt Cộng thì Việt Nam bị Tầu Cộng thôn tính chỉ còn là vấn đề thời gian.” (7)(8)

21/11/09
© 2009-2015 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


(4) Về chi tiết, xin xem Ngô Đình Diệm Và Chính Nghĩa Dân Tộc của Minh Võ, Diễn Đàn Giáo Dân tái bản năm 2009, trang 274.
(5) Trong 2 cuốn sách về ông Diệm và cuốn Hồ Chí Minh nhận định tổng hợp, cũng như trong nhiều bài báo về chiến tranh ý thức hệ.
(6) Đối đáp giữa nhà thơ Nguyễn Chí Thiện và nhà văn Hoàng Hải Thủy trong một bài ký của Công Tủ Hà Đông đăng trên bán nguyệt san Văn Nghệ Tiền Phong số 813.
(7) Chính Đề Việt Nam, Tùng Phong, 2009, trang 212.
(8) Sau khi đọc xong, nếu quý bạn nào còn cho rằng chỉ có kẻ cướp (thắng) phải nhận tội và sám hối, còn kẻ bị cướp (thua) thì không cần phải ân hận gì, thì người viết xin lỗi là đã làm mất thì giờ của quý vị. Vì thực ra quan niệm về đạo lý của quý vị và chúng tôi không giống nhau nên đã thành ra kẻ nói gà bà nói vịt. Nước mất thì toàn dân thua, chỉ có kẻ cướp là Cs thắng thôi. Đến bao giờ lấy lại được nước thì mới ngẩng cao đầu và tái sinh được. Chứ không nên chỉ trông vào sự can thiệp của quốc tế làm áp lực cho bọn cướp bố thí cho chút tư do, dân chủ, nhân quyền kiểu ăn xin. Ta nên tự hỏi, tại sao các nước Đông Âu đã đựoc tự do, mà Việt Nam còn mãi mãi trong vòng nô lệ? Có phải vì ta quá kiêu ngạo, thua mà vẫn không chịu mình thua để rút kinh nghiệm cho con cháu tìm cách chiến thắng không?









No comments:

Post a Comment