Tuesday, June 30, 2015

Quyết định lịch sử của nước Mỹ về hôn nhân đồng giới (Hải Ninh - RFA)





Hải Ninh, phóng viên RFA
2015-06-28

Phong trào đấu tranh cho giới đồng tính đạt được một chiến thắng lịch sử trong tuần vừa qua khi Toà án Tối cao Mỹ bỏ phiếu thông qua hôn nhân của giới này trên toàn nước Mỹ. Tạp chí phụ nữ tuần này sẽ nói về quyết định trên, phản ứng trên nước Mỹ, trên thế giới và cả trong giới đồng tính, song tính và chuyển giới (hay còn viết tắt là LGBT) ở Việt Nam, xin mời quý vị cùng đón nghe.

Trong văn bản về quyết định lịch sử nhằm hợp pháp hoá hôn nhân đồng giới trên toàn nước Mỹ, thẩm phán Anthony Kennedy viết rằng quyền tự do kết hôn này sẽ không bao giờ bị ngăn cản trên lãnh thổ nước Mỹ nữa. Ông viết thêm:

Kennedy: Không có sự gắn kết nào sâu sắc hơn hôn nhân, vì nó là biểu tượng cao nhất cho tình yêu, lòng chung thuỷ, sự dâng hiến, hy sinh và gia đình. Khi trao gửi cuộc sống cho nhau, hai con người trở nên vĩ đại hơn con người trước đó của họ.

Quyết định trên là kết quả của hàng chục năm đấu tranh cho phong trào của giới LGBT trên nước Mỹ. Cả nước Mỹ chìm đắm trong những tiếng hò reo, nhiều cặp tình nhân đã bước đến toà án địa phương để làm hôn lễ, có những nơi họ trở thành cặp đôi đồng tính đầu tiên kết hôn của bang họ.

Trên trang Facebook, mạng xã hội lớn nhất hành tinh, và Twitter tràn ngập thông tin liên quan tới quyết định lịch sử ở Mỹ. Twitter cho biết có tới 6,2 triệu những thông điệp gửi trên mạng này nói về chuyện hôn nhân đồng giới. Facebook thì nói có tới gần 4 triệu người ở nước Mỹ và hơn 10 triệu người đưa tin về sự kiện này.

Ở Việt Nam, hiện chưa có con số thống kê chính thức, nhưng nhìn từ Facebook của người viết bài này thì có tới ít nhất hơn một nửa thành viên biến đổi hình đại diện của họ với hình lá cờ vồng đa sắc màu của phong trào LGBT. Chính Nhà Trắng trong đêm 26/6 cũng được thắp sáng màu cầu vồng của lá cờ này.

Tổng thống Barack Obama, trong bài phát biểu ca ngợi quyết định của Toà án Tối cao Mỹ, cho biết:

Obama: Những thay đổi cho những phong trào như thế này thường diễn ra từ từ. Nhiều khi chúng ta tiến hai bước, rồi lại phải lùi lại một bước. Nhưng đôi khi chúng ta lại được chứng kiến một ngày như hôm nay, khi mà những nỗ lực bền bỉ đó được đền đáp, tin tức này đến như một cơn sét đánh. Sáng nay, Toà án Tối cao thừa nhận quyền được kết hôn của tất cả mọi người. Điều đó có nghĩa là tất cả người dân Mỹ đều được đối xử bình đẳng như nhau, bất kể họ là người như thế nào và họ đem lòng yêu mến ai.

Quyết định của Toà án Tối cao hôm thứ sáu vừa qua đánh dấu một tuần chiến thắng của Obama trong thời điểm nhiệm kỳ thứ hai của ông gần chấm dứt. Nhờ đó, tất cả người dân Mỹ đều có bảo hiểm y tế, lá cờ tượng trưng cho chế độ nô lệ bị dỡ bỏ và giờ đây tất cả người dân Mỹ có quyền kết hôn cho dù họ thuộc về giới LGBT.

Thẩm phán Kennedy là nhân vật chủ chốt dẫn tới chiến thắng lần này của giới LGBT. Ông cũng là tác nhân dẫn tới ba quyết định lịch sử về giới đồng tính tại Mỹ. Quyết định mới nhất diễn ra hai năm trước đây, khi mà Toà án Tối cao bác bỏ phán quyết liên bang về việc từ chối các khoản phúc lợi cho các cặp hôn nhân đồng giới. Trước đó 12 năm, chính ông đã giúp bác bỏ luật coi tình dục đồng giới là tội phạm.

Trong phán quyết lần này, thẩm phán Kennedy dẫn ra những nguyên tắc cơ bản của hôn nhân, trong đó nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng con cái.

Kennedy: Nếu các cuộc hôn nhân này không được thừa nhận, những đứa trẻ trong gia đình đó sẽ hứng chịu những tiếng xấu rằng gia đình chúng dường như thấp kém hơn những nhà khác. Chúng cũng sẽ thiệt thòi hơn về tài chính do được nuôi dưỡng trong gia đình mà phụ huynh không kết hôn, dẫn tới tương lai không đảm bảo. Luật pháp hiện hành vì thế gây phương hại tới những em nhỏ này.

Hy vọng cho LGBT ở Việt Nam

Không chỉ ở nước Mỹ, cả thế giới cúng đón mừng phán quyết lịch sử của Toà án Tối cao Hoa Kỳ. Ở Hàn Quốc, nơi mà xã hội bảo thủ khiến người LGBT sống trong dè dặt, hơn 20,000 người đã đổ ra đường phố thủ đô Seoul để tham gia cuộc tuần hành vì người LGBT. Ở Việt Nam, giới LGBT và những người ủng hộ cũng ăn mừng cả trên mạng xã hội  lẫn đường phố.

Hải Yến, nhân viên của tổ chức phi chính phủ vận động cho quyền của giới LGBT có tên là ICS, cho biết:

Hải Yến: Khi mà có tin tức ra thì tất cả các tờ báo vốn đưa tin bài về LGBT đã nhanh chóng truyền tải tin này đến xã hội và đến tất cả các bạn đọc. Trên Facebook, cảm xúc của mọi người bộc lộ mạnh mẽ nhất. Ví dụ mọi người share tin tức về Toà án Tối cao đưa ra quyết định này hoặc các bạn thay đổi hình đại diện thêm cái hình cờ cầu vồng. Cho nên hôm qua nguyên một cái Facebook của em toàn hình cầu vòng và những lời lẽ hết sức vui mừng, phấn khởi. Tối hôm qua, các bạn ở cộng đồng LGBT ở Hà Nội đã có một buổi tiệc nho nhỏ để chào đón một sự kiện mà các bạn thấy hết sức ý nghĩa mặc dù nó xảy ra ở nước Mỹ nhưng mà nó có thể ảnh hưởng tới các cộng đồng LGBT ở các quốc gia khác trong đó có Việt Nam. Hôm nay thì các bạn cũng có một gặp mặt để chào đón sự kiện này ở phố đi bộ Nguyên Huệ (TP HCM). Giống như là cộng đồng gặp gỡ nhau và chia sẻ niềm vui đấy.

Hải Yến, 32 tuổi, là một người đồng tính nữ và phải giấu gia đình về giới tính thật của cô trong suốt tám năm trời. Cô hiện là một thành viên tham gia các hoạt động vận động cho quyền của những người đồng giới trên khắp Việt Nam. Cô cho biết phán quyết của Toà án Tối cao Mỹ khiến những người LGBT có thêm hy vọng. Hải Yến nói:

Hải Yến: Không chỉ em mà còn rất nhiều bạn trong giới LGBT Việt Nam là rất vui mừng, phấn chấn và như được truyền nguồn năng lượng để các bạn tiếp tục hy vọng và tham gia vận động để cho người LGBT Việt Nam được công nhận và tôn trọng trong xã hội cũng như các chính sách của nhà nước.

Hiện nay, chính phủ Việt Nam tuy đã có phần cởi mở hơn nhiều quốc gia khác song vẫn chưa có nhiều chính sách nhằm hướng tới cải thiện đời sống của người LGBT tại đây. Hải Yến cho biết:

Hải Yến: Đến bây giờ chỉ có một cái nghị định 88 cho phép người liên giới tính được phép phẫu thuật chuyển đổi giới tính phù hợp với giới tính mong muốn của họ. Thứ hai là các đám cưới cùng giới thì không bị xử phạt nữa nhưng bên cạnh đó thì hôn nhân cùng giới thì chưa được công nhận. Một trong những luật quan trọng mà cộng đồng đang vận động là để công nhận người chuyển giới Việt Nam, nó liên quan tới luật dân sự. Em hy vọng điều này sẽ tác động đến các nhà làm luật và hoạch định chính sách và nhìn nhận rằng các quốc gia đã có những bước quyết đoán để bảo vệ quyền lợi cho người công dân LGBT của họ. Hy vọng chính phủ Việt Nam sẽ cởi mở hơn, sẽ đối thoại nhiều hơn với người LGBT và ra được chính sách và thiết thực, thiết thân với người LGBT Việt Nam.

Liên quan tới việc được kết hôn đồng giới ở Mỹ, một nhà báo ảnh người Mỹ kỳ cựu cho biết dù rằng bà vẫn chưa có ý định kết hôn, nhưng phán quyết của toà án cho bà quyền và sự lựa chọn về pháp lý để lấy bất kỳ ai mà bà đem lòng yêu. Một người bạn của nữ nhà báo này thì đùa rằng, luật mới mở cơ hội cho thêm gấp đôi người trên nước Mỹ không muốn cưới bà làm vợ.

Tạp chí phụ nữ tuần này xin tạm dừng tại đây. Hải Ninh xin cảm ơn quý vị và hẹn tuần sau. Mọi ý kiến đóng góp về bài vở và đề tài cho trang tạp chí, xin quý vị gửi về theo địa chỉ phamn@rfa.org hoặc trên mạng xã hội Facebook tạiwww.facebook.com/haininhrfa.

---------------------------

XEM THÊM :

Tue, 06/30/2015 - 07:04 — songchi







No comments:

Post a Comment