Monday, June 1, 2015

Phong Trào Marijuana (Ngàn Lau)






Sau phong trào “mua nhà bán gấp (flip-flop) kiếm lời nhanh” xảy ra năm 2008, chúng ta lại đang chứng kiến phong trào marijuana: trồng, mua, bán và sử dụng (hút) … hợp pháp. Tại các tiểu bang, thành phố Mỹ, các viên chức chính quyền đang họp và có khuynh hướng phê chuẩn việc sử dụng marijuana, không chỉ dành cho việc trị bệnh mà còn cho mục đích giải trí (recreation).

Cũng như bệnh dịch mua-bán nhà, bà con ở Mỹ đổ xô vào thị trường như một cơ hội làm giàu. Người tiêu thụ tìm cảm giác; người trồng, bán tìm cơ hội làm giàu; chính trị gia tìm cơ hội đánh thuế … nhưng không ai muốn tiên đoán hậu quả đường dài sẽ như thế nào.

Điều giản dị là chụp giựt trước đã, lấy tiền bỏ túi. Còn hậu quả ra sao, sức khoẻ, sập tiệm vì bành trướng cung nhiều hơn cầu … là chuyện để nhà nước lo (taxpayer trả).

Cũng không thấy ai đặt câu hỏi:
- Tại sao cả nước cấm hút thuốc vì sức khoẻ của người hút lẫn người không hút. (bệnh của người hút thuốc lá tốn bạc tỷ để chữa trị. Cũng như hãng sản xuất thuốc lá bị phạt cả tỷ bạc tiền để chữa trị những “nạn nhân” của thuốc lá.) nhưng marijuana, hại hơn thuốc lá, lại cho hút tự do?

Đó là một trong những cái “điên” của nước Mỹ.

Tìm thị trường mới, tạo công việc làm, đánh thuế. Người làm chính trị thử lòng dân, dân ham vui, ham làm giàu, nhào vô thử… đến khi bệnh đổ bể (như thị trường nhà của 2008) thì cả nước chịu. Tiền ai giựt được đã bỏ túi rồi.

Thế mới biết tuổi trẻ của nước Mỹ đang bị thử thách trước những cạm bẫy của xã hội, hợp pháp, do chính quyền chủ xướng.

Cũng như Heroin, cocain , tuổi trẻ Mỹ thử … quá độ: chết. Nay chính quyền đòi hỏi các xe cứu cấp phải có thuốc để cứu các nạn nhân dùng thuốc quá độ (mỗi liều thuốc trị giá hơn 1,000 đô la). Thành ra ai vui cứ thử, bị nạn thì cả nước (taxpayer) chịu trách nhiệm.

Cũng như phong trào “Charter School” (trường bán công). Nhiều người chê trường công vì giáo chức không bị đuổi nên không cố gắng dạy dỗ con em của họ. Trong khi trường bán công, vì cạnh tranh với trường công để được chính quyền trợ cấp, dạy dỗ có kết quả hơn.
Khi bạn được chính quyền đưa 3,000 đô la đễ chọn trường tư (nếu bạn muốn bỏ trường công) bạn chọn trường nào?

Nếu bạn có tiền, bạn sẽ sẵn sàng bỏ thêm chút ít để con bạn vào trường tốt hơn (tiền nào của nấy). Nhưng nếu con bạn không thích hợp với trường đã chọn, con bạn sẽ mắc kẹt và bạn không còn tiền để chuyển trường khác. Nhiều người thiếu kiến thức trong lãnh vực giáo dục hay quá bận rộn trong việc làm đã chậm trễ trong việc ghi danh trường và khi hết hạn, con bạn hổng cẳng: trường tư hết hạn, trường công không nhận. Hiện nay nhiều trường bán công tại Washington DC đã không có đủ số học sinh vì khi có nhiều trường, học sinh chạy theo trường có giáo sư, chương trình thích hợp bỏ lại các trường khác với những ghế trống mà không có học sinh theo học.

Có khi bạn chọn trường tốt cho con. Năm sau trường lên giá, nhà nước đâu có cho thêm, bạn phải bỏ tiền túi ra. Bạn chịu được bao lâu?

Có khi bạn chọn lầm trường, hiệu trưởng, thư ký, thủ quỹ… .. tham nhũng, ôm tiền bỏ trốn. Trường bị đóng cửa. Tiền mất, tật mang; con bạn sẽ học nơi đâu?

Bạn đã thấy giá trị của “tự do” giáo dục chưa?

Cũng như dưới thời Tổng Thống Bush “con” (Tổng Thống thứ 43) đã đề nghị trả lại tiền Social Security cho mỗi cá nhân tự lo đầu tư. May chuyện này đã không xảy ra. Không phải ai cũng có kiến thức và khả năng đầu tư (ai đã từng tham dự phong trào “day trader” đều có kinh nghiệm về đầu tư). Chắc chắn đa số sẽ ôm đầu máu. Tiền mất thì về già lấy gì sống? Nếu không hậu quả cũng sẽ như chuyện thị trường nhà cửa và trường tư.

Trò chơi “Tự Do, Dân Chủ” ở Mỹ là: “cơ hội, chụp giựt”; là thử thách cho những ai có tài, có khả năng nhào vô kiếm ăn và an toàn chạy ra. Đa số là lãnh đạn nhưng giấc mộng làm giàu nhanh chóng vẫn quyến rũ những người di dân nhào vô thử thời vận. Có ai trải qua 30, 40 năm để tìm hiểu tập tục, trò chơi của nước Mỹ? Đã tồn tại tức là không đam mê, có học hỏi, nghiên cứu, mới hiểu. Còn đã nhào dô thì quá muộn để tìm hiểu.

Vậy bạn có chịu đi bầu (vote) chưa?

TCL
VA 1-3-2015







No comments:

Post a Comment