Wednesday, June 17, 2015

Người Việt hải ngoại vận động cho tự do tôn giáo và nhân quyền ở VN (Hoà Ái - RFA)





Hoà Ái, phóng viên RFA
2015-06-17

Một cuộc tổng vận động ở Quốc Hội Hoa Kỳ với sự góp mặt của hàng trăm người Việt diễn ra từ ngày 17 đến ngày 19 tháng 6 này. Cuộc tổng vận động được yểm trợ bởi tổ chức BPSOS và tổ chức Liên Minh cho một Việt Nam Tự Do và Dân Chủ. Hòa Ái có cuộc trao đổi Tiến sĩ (TS) Nguyễn Đình Thắng, đại diện của 2 tổ chức này để tìm hiểu thêm thông tin về cuộc tổng vận động cho VN.

Hòa Ái: Xin chào TS Nguyễn Đình Thắng. Thưa ông, cuộc vận động cho VN lần này được diễn ra nhằm mục đích gì và trong bối cảnh như thế nào?
TS Nguyễn Đình Thắng: Mục đích chính yếu của cuộc tổng vận động này là ảnh hưởng đến Quốc Hội Hoa Kỳ cũng như Hành pháp Hoa Kỳ để cài những điều kiện nhân quyền căn bản vào trong cuộc đàm phán đang diễn ra về mậu dịch giữa Hoa Kỳ-VN cũng như tiến trình trao đổi nhiều hơn về vấn đề quốc phòng giữa 2 quốc gia trong bối cảnh ông Tổng Bí thư Đảng CSVN-Nguyễn Phú Trọng sắp sửa đến Hoa Kỳ, chúng tôi muốn nhắn gửi một thông điệp rất mạnh mẽ về vấn đề nhân quyền ở VN.

Hòa Ái: Lịch trình làm việc diễn ra trong 3 ngày sẽ bao gồm các sinh hoạt nào, thưa ông?
TS Nguyễn Đình Thắng: Có 4 sinh hoạt chính. Ngày thứ Tư, 17/6 sẽ có 1 cuộc điều trần tại Quốc Hội Hoa Kỳ, Hạ Viện Hoa Kỳ thì đúng hơn. Sinh hoạt thứ hai vào ngày hôm sau, 18/6-thứ Năm, khoảng 700 cho đến 800 nhà tranh đấu người Việt ở khắp đất nước Hoa Kỳ, 30 tiểu bang và 7 quốc gia khác sẽ tụ về thủ đô Hoa Kỳ để cùng nhau vận động. Chúng tôi ước lượng khoảng 200 vị Dân biểu và Thượng Nghị sĩ bởi vì Quốc Hội Hoa Kỳ có tiếng nói quyết định trong vấn đề chính sách đối với VN lúc này. Và đặc biệt năm nay sẽ có khá đông các cựu chiến binh Hoa Kỳ đã từng tham chiến ở VN sẽ nhập cuộc với phái đoàn của người Việt. Rồi qua ngày hôm sau, tức thứ Sáu ngày 19/6, chúng tôi sẽ có phái đoàn đa tôn giáo để gặp gỡ với Ủy Hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế vào lúc trưa và sau đó gặp Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, bộ phận đặc trách về vấn đề “Dân chủ-Nhân quyền-Lao động” và buổi chiều tối để đóng lại chương trình, chúng tôi có buổi trình diễn ở tại Kenedy Center-Trung tâm Nghệ thuật Quốc gia Hoa Kỳ với chủ đề vinh danh và tri ân những ai đã cho tự do và lôi kéo quần chúng Mỹ đứng cùng những người Việt tị nạn để giúp đưa cả dân tộc VN đến tự do.

Hòa Ái: Trong buổi điều trần tại Hạ Viện Hoa Kỳ vào chiều thứ Tư, 17/6 sẽ có sự góp mặt của các nạn nhân bị đàn áp tôn giáo cũng như bị vi phạm nhân quyền ở VN, họ là những ai?
TS Nguyễn Đình Thắng: Chủ đề chính chính của cuộc điều trần là vấn đề đàn áp tôn giáo đang diễn ra rất trầm trọng ở VN, trong bối cảnh khoảng vài tuần sau đó thì Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cần phải quyết định có chỉ định VN vào “Danh sách các Quốc gia cần quan tâm đặc biệt”, tức CPC, hay không. Chúng tôi sẽ có bà Đoàn Thị Hồng Anh, vợ của ông nguyễn Thành Năm là người thuộc giáo dân Cồn Dầu ở Đà Nẵng đã bị tra tấn đến chết năm 2010, bà Hồng Anh giờ này đã có mặt tại Hoa Kỳ, sẽ lên trình bày về thảm cảnh hết sức bạo lực trong vấn đề đàn áp tôn giáo ở VN, không nói riêng cho Cồn Dầu mà nói chung cho nhiều cộng đồng của các tôn giáo khác nhau đang bị đàn áp. Chúng tôi sẽ trình bày tổng lược và đặc biệt tập trung vào Dự thảo Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng đang được Quốc Hội VN xem xét. Đạo luật này rất tệ hại. Chúng tôi nghĩ rằng nó sẽ đẩy lùi tiến trình phát triển tôn giáo ở VN. Và người thứ 3 nói rộng hơn về nhân quyền nói chung thì đó là Blogger Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải.

Hòa Ái: Thưa ông, trong cuộc gặp gỡ với Ủy Hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, nội dung chính yếu được trình bày sẽ là gì?
TS Nguyễn Đình Thắng: Nội dung chính yếu là chúng tôi cố gắng thúc đẩy để Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trong vài tuần sau đó sẽ phải làm quyết định có cân nhắc cẩn thận là có đưa VN vào danh sách CPC vì đàn áp tôn giáo một cách trầm trọng hay không? Chúng tôi đã trưng dẫn nhiều chứng cớ ở VN vẫn còn đàn áp tôn giáo đã máu chứ không phải là bình thường cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nhưng qua cuộc điều trần chúng tôi muốn công khai hóa và chính thức hóa những thông tin đó để Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ khi báo cáo phúc trình cho Quốc Hội thì Quốc Hội đã biết trước rồi, thành ra họ phải báo cáo tương đối trung thực. Và dựa trên báo cáo trung thực, rất có thể tăng triển vọng là VN sẽ phải được đưa vào hoặc bị đưa vào danh sách CPC, trừ khi VN rất nhanh chóng cải thiện luật pháp về vấn đề tôn trọng tự do tôn giáo ở trong nước trước khi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ làm quyết định.

Hòa Ái: Và câu hỏi cuối cuối cùng xin phép được dành riêng cho TS, với tư cách là một trong những người tham gia tổ chức các cuộc vận động cho VN thì quan điểm của ông như thế nào khi nhà cầm quyền VN lên tiếng rằng Hoa Kỳ không nên gắn nhân quyền với mối quan hệ về ngoại giao, quốc phòng cũng như TPP, thưa ông?
TS Nguyễn Đình Thắng: Trước hết, chúng tôi hoàn toàn không ngạc nhiên gì cả bởi vì khi kêu gọi như vậy thì nó thể hiện 2 thực trạng. Thực trạng thứ nhất là có đàn áp nhân quyền ở VN, thành ra phía VN mới sợ hãi và muốn kêu gọi Hoa Kỳ đừng nối kết những vấn ấy với nhau. Thứ hai là có sự quan tâm từ phía chính phủ Hoa Kỳ, thành ra Hà Nội mới kêu gọi. Nhưng thực tế là thế này, những người Việt ở Hoa Kỳ là công dân Hoa Kỳ. Đại diện của họ là các vị Dân cử Liên bang trong Quốc Hội Hoa Kỳ. quốc Hội Hoa Kỳ là nơi làm chính sách chứ không phải bên Tòa Bạch Ốc-cơ quan hành pháp của Tổng thống Obama, chỉ thi hành chính sách thôi. Chính bởi vậy mà chúng tôi kỳ này tập trung vào vận động Quốc Hội cực kỳ mạnh trước khi Hành pháp có thể gọi là có những kết luận về vấn đề có đưa VN vào danh sách CPC không hoặc đóng lại hoàn tất cuộc đàm phán về mậu dịch với VN hoặc quyết định trao thêm những vũ khí sát thương cho VN.
Quốc Hội là nơi làm chính sách nên chúng tôi tập trung vào Quốc Hội. Rất rõ ràng rằng Quốc Hội đã hưởng ứng ở mức độ nào đó. Thứ nhất, cuộc tranh đấu đòi cài điều kiện nhân quyền, đặc biệt cho các công nhân phải được toàn quyền thành lập hoặc tham gia các nghiệp đoàn tự do và độc lập thì Quốc Hội Hoa Kỳ đã đặt các điều kiện ấy và Hành Pháp-Obama đã phải chấp nhận. Chúng tôi cũng vừa thành công trong việc cài 1 điều kiện về tự do tôn giáo vào trong tiến trình đàm phán mậu dịch giữa Hoa Kỳ và bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, kể cả VN. Thành ra, chúng ta thấy rằng VN kêu gọi là một đằng nhưng tiếng nói có trọng lượng của những cử tri người Mỹ gốc Việt cũng có ảnh hưởng rất mạnh đối với các vị Dân cử của Hoa Kỳ bởi họ phải thể hiện được quyền lợi của người dân Hoa Kỳ.

Hòa Ái: Cảm ơn TS Nguyễn Đình Thắng dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này với đài ACTD.







No comments:

Post a Comment