Saturday, June 6, 2015

Nga : Tương lai đen tối của các tổ chức phi chính phủ (Thanh Phương - RFI)





Thanh Phương  -  RFI
Đăng ngày 06-06-2015

Ngay cả hoạt động hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học mà cũng bị xem là « nhân viên nước ngoài ». Đó là số phận của các tổ chức phi chính phủ tại Nga hiện nay.

Ngày 23/05 vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin đã ký ban hành một đạo luật cho phép đóng cửa mà không cần quyết định của tư pháp mọi tổ chức nước ngoài nào bị xem là đe dọa « an ninh quốc gia ». Luật này cũng cho phép phong tỏa các tài khoản ngân hàng và ngăn chận các phương tiện báo chí đối với các tổ chức phi chính phủ bị xem là phạm luật. Các nhân viên của những tổ chức đó có thể bị truy tố và có thể lãnh án đến 6 năm tù hoặc bị cấm nhập cảnh vào Nga. 

Đối với chính quyền Matxcơva, đạo luật nói trên bổ túc cho một luật đã được thông qua vào năm 2012, buộc các tổ chức nhận tài trợ nước ngoài và có một « hoạt động chính trị » phải đăng ký như là « nhân viên nước ngoài ». Cụm từ này khiến người ta nhớ đến cụm từ đã vẫn được sử dụng đối với các nhà đối lập dưới thời Liên Xô. 

Nhiều nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền lo ngại luật mới được ban hành càng trói chặt tay họ trong một xã hội mà không gian tự do vốn đã rất hạn hẹp, bởi vì luật này chủ yếu nhằm các các tổ chức nhân quyền của Nga và các thành viên những tổ chức này. 

Đối với những tổ chức phi chính phủ như Verdict Public, hoạt động bảo vệ các nạn nhân của bạo hành cảnh sát, vốn đã bị xếp vào danh sách « nhân viên nước ngoài », có nguy cơ là họ phải ngưng nhiều chương trình có sự hợp tác với các tổ chức quốc tế. 

Theo các nhà hoạt động nhân quyền, luật mới có thể dẫn đến việc loại bỏ ra khỏi xã hội dân sự mọi hiệp hội ngoại quốc đang làm việc ở Nga. Chưa kể là bất cứ lúc nào, các nhân viên làm việc cho những tổ chức bảo vệ nhân quyền đều có thể bị bỏ tù, nhất là vì các điều khoản của đạo luật mới rất mơ hồ. 

Nhưng ngay cả những tổ chức hoạt động hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học cũng không được yên thân, như trường hợp của tổ chức Dynasty, một trong những quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học lớn nhất ở Nga, mà hiện vẫn nuôi sống nhiều nhà nghiên cứu và sinh viên ở nước này. 

Ngày 27/05 vừa qua, phát ngôn viên của điện Kremli đã tuyên bố rằng do người sáng lập Dynasty, ông Dmitri Zimine nhận tài trợ của nước ngoài, cho nên tổ chức này cũng phải được trong danh sách « nhân viên nước ngoài ». Tuyên bố nói trên đã gây hoang mang trong giới nghiên cứu khoa học ở Nga, quốc gia mà giáo dục và nghiên cứu đang thiếu rất nhiều tiền. Còn ông Zimine đã đóng cửa tổ chức của ông. 

Để bày tỏ sự bất bình của họ trước quyết định đối với Dynasty, giới khoa học và giáo dục ở Nga đã xuống đường biểu tình ở thủ đô Matxcơva hôm nay, theo thông tín viên RFI ở Nga. Một nhà khoa học tham gia biểu tình cảnh báo rằng, không còn được tổ chức Dynasty tài trợ, nhiều nhà nghiên cứu có thể sẽ phải rời khỏi nước Nga và làm việc cho các viện nghiên cứu nước ngoài.




No comments:

Post a Comment