Wednesday, June 17, 2015

MỘT THẰNG GIAN CHỐN VĂN CHƯƠNG (Phạm Đình Trọng)





Thứ Năm, ngày 18 tháng 6 năm 2015

“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm 
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” 

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu viết về những người cầm bút viết văn, làm thơ như vậy. Nhà văn nhà thơ làm việc bằng chữ nghĩa đương nhiên phải là người có trí tuệ, tài năng, là bộ mặt văn hóa của đất nước, nói tiếng nói lương tri của dân tộc. Nhà văn là con thuyền chở đạo trên dòng sông thời gian trôi trong cõi nhân gian, là khí phách nhân dân trước bạo quyền tha hóa.

Vậy mà thời tôi sống, tôi đã phải chứng kiến nhiều người bỏ tiền ra in vài tập thơ, xuất bản vài tập sách nhưng không viết nổi một câu văn, đến đọc một câu văn cũng không biết hay dở. Vì có tiền in hết tập sách này đến tập sách khác và có tiền mua những những thứ họ muốn, họ cũng có thẻ “nhà văn”. “Nhà văn” nhưng đọc một trang văn không biết chất lượng văn chương, chỉ biết quị lụy trước cái danh chốn quan trường và họ đã bỏ phiếu bầu một cái danh chốn quan trường cũng không viết nổi một câu văn, thẩm một câu văn cũng không xong, trở thành quan văn chương. Quan văn chương không viết nổi một câu văn tất nhiên quan cũng không có cốt cách của một nhà văn. Không phải là con thuyền chở đạo, quan còn là một “thằng gian”. Nhân đại hội các nhà văn lề đảng, tôi xin phác lại chân dung một quan văn, một “thằng gian” chốn văn chương lề đảng.

Thời đất nước chia cắt, học xong lớp ngữ văn, quan trở thành cán bộ văn nghệ của đảng, đeo ba lô vào chiến trường miền Nam, bổ xung vào ban tuyên huấn trung ương cục. Đất nước thống nhất, từ bưng biền Nam Bộ, trong hào quang chói lọi của người lính trận chiến thắng vinh quang trở về, quan hồi kinh được báo Văn Nghệ hội Nhà Văn Việt Nam rải thảm hoa đón về báo, quan trở thành biên tập ban văn báo Văn Nghệ.

Văn chương là thẩm mĩ. Thẩm mĩ tồi, biên tập hỏng. Những bài quan nhúng bút biên tập rồi đưa lên trưởng ban văn xuôi Trần Hoài Dương, trưởng ban Trần Hoài Dương đều phải biên tập lại. Có thêm người tưởng đỡ việc cho ban hóa ra lại thành rách việc! Trưởng ban đành giao cho quan việc đơn giản mà nhà báo bình thường nào cũng làm được là đọc sơ những bài gửi đến ban văn, bài nào quá kém thì loại bỏ, giữ lại những bài có chất lượng văn chương giao cho biên tâp viên đọc. Nhưng việc đơn giản bình thường đó, quan cũng không làm nổi. Bài thực sự văn chương, quan loại bỏ. Bài kể lể sự việc báo chí dông dài, quan trân trọng giữ lại chuyển cho trưởng ban văn. Lại thêm nỗi khổ cho trưởng ban văn, phải lượm lại đống bản thảo đã bị quan loại bỏ, cặm cụi đọc, cứu vớt những bản thảo tốt bị quan giết oan.

Viết văn không nổi. Đọc văn không xong. Nhưng với những năm tháng bưng biền như một công trạng hiển hách, quan vẫn được lãnh đạo hội Nhà Văn Việt Nam đưa lên ghế chủ tịch hội đồng lí luận phê bình của hội Nhà Văn Việt Nam liền hai khóa VI và VII. Trong hội thảo “Nhà văn với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, do hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức ở Biên Hòa đầu năm 2009, bản tham luận của chủ tịch hội đồng lí luận phê bình hội Nhà Văn Việt Nam chỉ là bài viết xào xáo lại những điều cũ rích trên báo Nhân Dân những năm sáu mươi thế kỉ trước ghi nhận sự xuất hiện của lớp nhà văn công nhân ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Tham luận khoa học của thế kỉ 21 lại dông dài tán dương như vừa phát hiện ra những nhà văn công nhân từ giữa thế kỉ 20, nay người đã về chín suối, người còn sống cũng đã lùi vào quên lãng và chẳng ai còn làm thợ trong nhà máy, trong hầm mỏ nữa như Đào Cảng, Lý Biên Cương, Tô Ngọc Hiến, Lưu Nghiệp Quỳnh, Đỗ Bảo Châu, Trần Lưu, Trần Tự, . . .

Với chức danh kêu đùng đoàng như pháo tết, rổn rảng như trống hội, màu mè như cờ phướn, quan được báo Nhân Dân, tờ báo của cung đình cộng sản vốn là nơi chuộng danh, chuộng lí lịch, chuộng màu mè, đón về. Quan được giao đứng đầu tờ phụ trương cuối tuần của báo. Báo chính đã giáo điều khô khan, dân gian chả mấy ai đọc báo Nhân Dân. Phụ trương cần mượn văn chương dung dị đời thường để đến với chúng sinh dân dã. Chỉ là con người thư lại, không có hồn văn chương, lại thiếu cả cuộc sống dân dã đời thường, tờ Nhân Dân cuối tuần trong tay quan lạnh ngắt không khí ngưng đọng, buồn tẻ phòng lạnh, thiếu khí trời trong lành, thiếu hơi đất tươi mát, thiếu ô xy sự sống!

Tờ báo đảng đầy quan cách, làm báo đảng là làm công chức của đảng, sáng cưỡi xe đi, tối cưỡi về, an nhàn, đủng đỉnh mà cũng không thể là chỗ nương thân của quan. May sao, đúng lúc đó tờ báo của Mặt trận Tổ quốc đang cần một uy thế chính trị và một vị thế quan trường ngồi vào ghế Tổng biên tập. Có năm tháng bưng biền như một vốn liếng chính trị, có chức danh quan lớn ở báo đảng, quan liền được đón về làm sếp lớn tờ báo của tổ chức chính trị nối dài quyền uy của đảng cộng sản. Làm việc bằng ngòi bút, quan lộ ra cái hồn văn chương trống vắng. Làm việc bằng quyền uy, quan liền đánh thức “thằng gian” vẫn trú ngụ, rình rập trong con người quan trỗi dậy.

Khi người dân Đồ Sơn, Hải Phòng sôi sục mang đơn đến báo của quan tố cáo đám quan lại từ quan cấp sở đến quan cấp huyện hùa nhau vào cướp mảnh đất tái định cư của người dân thì đám quan chức ăn đất đó cũng lẻn đến gặp quan. Trong tình cảnh này, lại phải nhớ đến hai câu thành ngữ dân gian “Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan” và “ngậm miệng ăn tiền”. Không biết đám cướp ngày ở Hải Phòng đến gặp quan mang theo bao nhiêu tiền mà nhận đơn của người dân Đồ Sơn với chứng cứ cướp ngày rành rành của đám nha lại bản địa nhưng tờ báo của quan cứ câm như hến, ngậm miệng làm ngơ. Dân miệt biển Đồ Sơn vốn quen đương đầu với sóng gió, lẽ nào chịu thua. Họ liền tìm đến các báo khác. Các báo khác vào cuộc và quan lòi mặt “ngậm miệng ăn tiền”. Làm ô danh tờ báo của một tổ chức chính trị bề thế, quan bị kỉ luật, phải ngậm ngùi về hưu trước tuổi.

Về đất kinh kì là để làm quan. Mà con đường công danh của quan đã tận trong bẽ bàng tai tiếng. Ở lại kinh kì là bị cầm tù trong cô đơn, lạc lõng, trong lủi thủi điều tiếng, quan liền tìm đến mảnh đất phương Nam xa xôi vốn cởi mở, phóng khoáng, bao dung lại chẳng ai biết tì vết của quan để quan gửi quãng đời còn lại trong âm thầm lặng lẽ. Không ngờ ở mảnh đất hào phóng, nồng nàn nhiệt đới, những lá phiếu nông nổi của những nhà văn xuề xòa lại giao quyền lực vào tay quan, để “thằng gian” trong quan lại có dịp vươn vai đứng dậy, mặc sức vùng vẫy. Quan trở thành chủ tịch hội Nhà Văn của mảnh đất Bến Nghé Sài Gòn, rồi phó chủ tịch hội Nhà Văn Việt Nam!

Vừa lên chức phó chủ tịch hội Nhà Văn Việt Nam, quan liền cùng vợ nhân danh là những gương mặt nhà văn Việt Nam, đại biểu cho nền văn chương Việt Nam đi thăm nước Pháp, đến Paris thủ đô ánh sáng. Một hình hài con người dúm dó như quan, một tư thế văn chương thảm hại như quan mà đại diện cho các nhà văn Việt Nam, đại diện cho văn chương Việt Nam của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát đến với nền văn học đã khai sinh ra kỉ nguyên Ánh sáng, đến với lâu đài văn học của những tên tuổi Montesquieu, Jean Jacques Rousseau, Albert Camus, Jean Paul Sactre, . . . thì thật đau buồn, tủi nhục cho cả dân tộc Việt Nam có lịch sử ngàn năm văn hiến!

Không làm nổi cái việc cỏn con là phân loại bài hay, bài dở, không biết bài nào dùng được, bài nào không dùng được ở một tờ báo thì quan làm sao nổi công việc bộn bề, trách nhiệm lớn lao của chủ tịch hội Nhà Văn của một trung tâm kinh tế, văn hóa lớn nhất nước. Không làm được gì cho cái chung nhưng quan rất giỏi mang cái danh chủ tịch hội Nhà Văn thành phố mưu cầu lợi ích riêng. Với cái danh chủ tịch hội Nhà Văn thành phố giàu có nhất nước, quan kiếm lợi cho quan, gây hại cho dân không kể xiết, chỉ xin nêu hai việc.

Với vị trí chủ tịch hội Nhà Văn thành phố, quan được nhận hai mươi triệu đồng khi được mời ngồi ghế giám khảo cuộc thi viết văn bia Truyền thống cách mạng Sài Gòn Gia Định. Đọc các bài dự thi, quan chộp được những ý tứ lấp lánh như những hạt vàng trong gàu đãi vàng. Nhìn lại bảng cơ cấu giải thưởng cuộc thi, mỗi giải đều trên dưới trăm triệu đồng so với tiền công giám khảo chỉ hai mươi triệu đồng (20 000 000 đồng), quan liền đưa ra đề xuất: Chưa nhận được bài hay như mong muốn, cần kéo dài cuộc thi để chờ có thêm bài. Rồi quan trả lại hai mươi triệu đồng tiền giám khảo để quan đổi từ vị trí giám khảo sang vị trí thí sinh. Những hạt vàng rải rác trong các bài dự thi quan nhặt nhạnh, gom góp được đã cho quan bài dự thi đoạt giải thưởng tám mươi triệu đồng (80 000 000 đồng). Một cú affair siêu đẳng của những con buôn trong bóng tối, những kẻ đầu cơ, buôn lậu.

Tháng sáu, 2014, khi giặc Tàu Cộng đang trắng trợn cướp biển Việt Nam, đang giễu võ giương oai đưa hơn trăm tàu chiến với pháo lớn pháo nhỏ cùng giàn khoan dầu khí HD981 vào sâu trong vùng biển Việt Nam, hung hãn thách thức độc lập toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Khi mọi trái tim Việt Nam yêu nước đang thắt lại trong lo lắng cho vận nước, đang bừng bừng phẫn nộ giặc Tàu Cộng xâm lược biển trời thiêng liêng của tổ tiên người Việt thì quan dẫn đầu đoàn nhà văn Việt Nam vô cảm, vô lương tâm, không còn lương tri, không còn nhân cách sang Côn Minh, Vân Nam xứ Tàu Cộng, hí hửng gặp gỡ, hân hoan chúc tụng, đãi đằng với các nhà văn Tàu Cộng, rập đầu cám ơn chính quyền Tàu Cộng. Cầm đầu đoàn người có thẻ Nhà Văn Việt Nam sang xứ giặc, bán linh hồn cho giặc, quan đã làm điều sỉ nhục với những nhà văn Việt Nam chân chính, điều sỉ nhục với linh hồn tổ tiên, điều sỉ nhục với những anh linh Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu . . .

Hôi viên hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh đã có người phải vào tù vì bị kết tội lừa đảo đất đai, lừa đảo tiền bạc. Lừa đảo đất đai, tiền bạc dù lớn đến đâu cũng có thể tính được và giá trị vụ lừa đảo đó cũng chỉ vài trăm triệu đồng. Người đứng đầu hội Nhà Văn mảnh đất này đã nhiều lần lừa đảo những giá trị thẩm mĩ, lừa đảo những giá trị nhân văn. Giá trị thẩm mĩ, giá trị nhân văn là thiêng liêng, vô giá, cao cả, không thể tính bằng tiền bạc, chỉ có thể tính bằng danh dự, phẩm gía con người, chỉ có thể tính bằng sự suy thịnh của xã hội, sự hung vong của thể chế. Kẻ lừa đảo những giá trị cao cả đó vẫn nhơn nhơn tại vị thì thể chế dung nạp nó suy tàn rồi!

Thời Nguyễn Đình Chiểu dù nô lệ mất nước, dù nhiễu nhưng, ô trọc, nhà văn vẫn là người cầm bút đâm mấy thằng gian. Nay người được coi là nhà văn lại chính là thằng gian. Loạn lạc từ nền tảng văn hóa, từ cội rễ đạo lí rồi. Thời mạt rồi!







No comments:

Post a Comment