Nguyễn Đình Cống
30/06/2015
1-
Đại cương về lời nguyền
Lời nguyền thể hiện lòng mong ước của một hoặc một số
người nhằm mang lại một điều gì đó xấu xa cho kẻ đã gây ra điều hại cho họ hoặc
cho người mà họ quan tâm (nguyền rủa).Khoa học, đặc biệt là trường phái duy vật
phủ nhận tác dụng của lời nguyền. Tâm linh công nhận nó. Lời nguyền chỉ đạt được
kết quả khi người ta có lòng thành, có năng lượng tinh thần và phải được thế lực
tâm linh chấp nhận (thế lựcmà mình hướng tới, mình cầu khẩn). Lòng thành càng
cao, năng lượng càng lớn, thế lực tâm linh càng mạnh thì kết quả sẽ khả quan và
ngược lại. Không phải mọi lời nguyền đều có kết quả vì thế lực tâm linh có thể
chấp nhận toàn bộ, chỉ một phầnhoặc không chấp nhận. Lời nguyền không tồn tại
vĩnh viễn mà có giới hạn về thời gian. Khi đã chấp nhận lời nguyền thì thế lực
tâm linh sẽ đưa ra điều kiện để hóa giải nó (điều kiện để lời nguyền hết tác dụng).
Điều kiện này thường phụ thuộc vào cách hành xử của người bị nguyền. Như vậy mức
độ và thời gian tác dụng của lời nguyền không phải chỉ do người đưa ra mong muốn
mà còn phụ thuộc vào thế lực tâm linh được thỉnh cầu và cách hành xử của người
chịu sự tác dụng của lời nguyền đó (Có Trời mà cũng có ta – Kiều).
Về quan hệ giữa khoa học và tâm linh, TS Trịnh Xuân
Thuận, Việt kiều, nhà khoa học lớn về Thiên văn có viết: “Khoa học, để phát triển
không cần đến tâm linh. Tâm linh, để phát triển không cần đến khoa học, nhưng một
con người, để có thể phát triển toàn diện nên hiểu biết cả hai”. Tôi đang cố gắng
theo phương châm đó và chiêm nghiệm thấy rằng có một số vấn đề tâm linh đạt
trình độ cao hơn khoa học, chưa thể dùng khoa học để giải thích, trong đó có lời
nguyền.
2- Lời
nguyền của Tecumseh
Còn gọi là lời nguyền Tippecanoe. Đó là lời nguyền của
thủ lĩnh người thổ dân da đỏ khi bị người Mỹ da trắng lừa đảo và đàn áp đến mức
bị tiêu diệt. Nội dung lời nguyền tóm lược như sau:“Tổng thống nước Mỹ được bầu
vào các năm dương lịch có số 0 ở cuối sẽ chết bất đắc kỳ tử lúc đang tại nhiệm”.
Điều kiện hóa giải (lời nguyền hết tác dụng) như sau:“Khi nước Mỹ có đóng góp
đáng kể cho tiến bộ của nhân loại và tổng thống được bầu vào năm có số không ở
cuối chứng tỏ có bản lĩnh, được Thượng đế che chở”.
Lời nguyền có từ năm 1832, nhưng mãi đến năm 1931 mới
được trình bày trong một quyển sách (Rippley ‘ s Believe It or Not).
Kết quả theo dõi thấy như sau: Tổng thống Mỹ được bầu
vào các năm 1840, 1860, 1880, 1900, 1920, 1940, 1960 đều chết bất đắc kỳ tử giữa
nhiệm kỳ, trong đó có một số bị ám sát. Tổng thống Reagan được bầu năm 1980, bị
ám sát nhưng thoát chết. Người ta cho rằng đến đây lời nguyền đã được hóa giải
vì Reagan được Thượng đế che chở và trong một thời gian dài nước Mỹ đã góp phần
tích cực trong việc ngăn chặn thảm họa cho nhân loại. Tổng thống được bầu năm
2000 là George Bush con tại vị được cả 2 nhiệm kỳ.
3-
Sự mất nước và lời nguyền của người Chăm
Nước Chăm pa (Chiêm thành) đã từng là một Quốc vương
hùng mạnh trong thời gian dài. Vào thế kỷ 15 vua Chế Bồng Nga của Chăm pa vài lần
đem thủy quân ra tấn công vào Thăng Long, triều đình nhà Trần đã phải bỏ chạy
lánh nạn, kinh thành bị tàn phá. Năm 1653 chúa Nguyễn Phúc Chu sai quân đánh
Chăm pa, vua Chăm là Bà Tranh bị bắt giam và chết ở Hòn Chén. Trước khi chết,
vua Bà Tranh có lời nguyền sẽ báo thù không những giòng dõi chúa Nguyễn mà cả
dân tộc Việt. Biết được lời nguyền đó, nhằm làm giảm nhẹ hậu quả của nó, chúa
Nguyễn đã để cho người Chăm được hưởng chế độ tự trị. Năm 1832, dưới triều Minh
Mạng người Chăm khởi nghĩa, định giành lại độc lập. Cuộc khởi nghĩa thất bại,
vua Minh Mạng bãi bỏ chế độ tự trị của người Chăm, nước Chăm pa hoàn toàn bị
xóa sổ. Một đất nước hùng mạnh, có nền văn hóa rực rỡ một thời gian dài bỗng
dưng bị tiêu diệt chỉ vì sai lầm của một số vị vua chúa, chỉ lo đến quyền lợi của
cá nhân và hoàng tộc mà coi thường quyền lợi của dân tộc, để cho nạn tham
nhũng, nạn mua quan bán tước hoành hành, (ngày nay người ta gọi là vì lợi ích
nhóm). Nhân dân bị oan khuất tràn lan, mất niềm tin vào bề trên. Chăm pa mất nước
còn vì triều đình ngu muội, mắc phải mưu mô xảo quyệt của nước láng giềng đang
muốn bành trướng.
Tôi không có đủ cơ sở khoa học, không có đủ bằng chứng
vật chất của lời nguyền, chỉ nhận thức được bằng trực giác của tâm linh. Tôi viết
ra không nhằm chứng minh một vấn đề khoa học mà chỉ là trao đổi một cảm nhận. Vị
nào thấy phù hợp và có điều kiện thì tìm hiểu thêm, vị nào không tin, cho rằng
không có bằng chứng thì tôi cũng không dám cãi.
Lời nguyền của vua Bà Tranh năm 1653, nhờ sự sám hối
của chúa Nguyễn Phúc Chu, để dân Chăm tự trị mà được hóa giải một phần. Tuy vậy
nó vẫn phảng phất trong tâm linh của một số thủ lĩnh người Chăm. Năm 1832, trước
khi chết, vị thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa đã dựa vào nỗi oan khuất của cả dân tộc,
vận dụng hết năng lượng tinh thần, cầu nguyện thượng đế và các vị anh linh chứng
cho lời nguyền có nội dung sau:“Triều Nhà Nguyễn độc ác đối với
dân Chăm rồi sẽ bị trừng phạt. Dân tộc Việt cậy mạnh hiếp yếu rồi sẽ bị các nước
mạnh hơn áp bức, lợi dụng, làm tay sai cho họ, nội bộ sẽ chia bè phái chém giết
lẫn nhau”. Điều kiện hóa giải lời nguyền là:“Khi nào dân Việt biết
tôn trọng người Chăm và tổ tiên họ như người Chăm mong muốn và biết sám hối về
những sai lầm mắc phải trong lịch sử”.
4
–Những cuộc chiến không có lời nguyền
Lời nguyền thường do bên bị thất bại trong cuộc chiến
hoặc cuộc tranh giành, trong việc bị kết tội mà không tâm phục khẩu phục bên thắng
hoặc người kết tội, họ thấy bị đối xử bất công, bị áp bức, bị oan sai quá đáng.
Tuy vậy có nhiều cuộc chiến tranh khá khốc liệt nhưng khi kết thúc bên thất bại
không những không nguyền rủa bên thắng mà còn hợp tác thân thiện. Xin kể vài cuộc
như vậy.
Trong truyện Tam Quốc, khi Khổng Minh đánh Phương
Nam đã nêu cao phương châm thu phục nhân tâm quan trọng hơn chiếm đất, vì thế
đã 7 lần bắt, 7 lần tha Mạnh Hoạch và sau khi chiến thắng đã làm lễ giải oan
cho chiến sĩ trận vong cả hai bên. Mạnh Hoạch hoàn toàn tâm phục khẩu phục người
chiến thắng. Ở nước Mỹ, sau khi kết thúc cuộc nội chiến Bắc – Nam, sĩ quan và
binh lính bên thất bại được hoàn toàn tự do, không một ai bị bắt đi học tập cải
tạo hoặc giam giữ, tử sĩ của hai bên được chôn chung nghĩa trang và được đối xử
như nhau, sau chiến tranh bên thắng đã cúi xuống nâng đỡ bên bại và đạt được sự
hòa hợp dân tộc thực sự.
Chuyện đời thường. Dục Quyền là quan tư pháp của triều
đình, xử tội chặt chân tên Mỗ vì phạm pháp. Sau biết tên Mỗ thân cô thế cô nên
ông tìm cho một việc để kiếm ăn qua ngày. Gặp khi giặc tràn đến, tính mạng Dục
Quyền bị đe dọa, ông chạy trốn thì gặp Mỗ. Anh ta tìm cách che giấu ông quan đã
chặt chân mình, nay thất thế phải tìm chỗ ẩn thân. Sau khi tan giặc Quyền hỏi Mỗ:
Tôi từng luận tội chặt chân anh thế mà anh không thù hận tôi , lại giúp tôi trốn
giặc, vì sao vậy. Mỗ trả lời: Con không thù hận mà còn biết ơn ông. Con mắc tội,
ông xử theo pháp luật chứ không tức giận hoặc ghét bỏ gì con cả. Khi luận tội
ông tỏ ra thông cảm, khi thấy con bị chặt chân ông tỏ ra thương xót. Con hoàn
toàn tâm phục khẩu phục việc ông làm. Sau đó ông còn giúp con kiếm việc làm ăn,
ơn ấy con chưa báo được.
5-
Lời nguyền 1975 và sau đó
Tháng 4 năm 1975 chiến tranh Việt nam kết thúc mang
lại sự thống nhất lãnh thổ, làm cho hàng chục triệu người vui mừng thì cũng đồng
thời làm cho hàng triệu người khác lâm vào tủi nhục. Bên chiến thắng quá say
sưa với chiến công, quá đề cao ý thức hệ, quá để tâm đến đấu tranh giai cấp và
kẻ thù giai cấp , không biết cúi xuống nâng đỡ người bại trận mà còn làm cho họ
thấy bị vùi dập, bị sỉ nhục để lòng mang nặng hận thù. Có thể những người cầm đẩu
phe bại trận đã không có một lời nguyền nào nhưng hàng vạn, hàng chục vạn những
người khác đã công khai hoặc bí mật nguyền rủa vì cho rằng họ bị đối xử bất
công, tàn bạo, bị phản bội lời hứa và lòng tin. Đó là những người bị triệu tập
vào các trại cải tạo, bị giam giữ không kết án, bị tước đoạt tài sản và tự do,
bị ép buộc đến các vùng kinh tế mới, bị trở thành “thuyền nhân”với không biết
bao nhiêu tai họa. Đó là những dân oan khắp mọi miền. Phần lớn lời nguyền tập
trung vào chế độ độc tài, đàn áp, thiếu công bằng và dân chủ, tập trung vào những
tên quan lại cậy thế cậy quyền áp bức người dân. Mỗi lời nguyền riêng lẻ của
người thường có thể chỉ như hơi thở , như gió nhẹ, nhưng hàng vạn, hàng triệu lời
nguyền thấu đến “Cửu Trùng Thiên” thì xin chớ coi thường.
6-
Đôi lời bình luận
Tình hình thế giới và trong nước mỗi thời có khác
nhau, nhưng nguyên nhân làm mất nước Chăm pa vào tay Triều Nguyễn và nguyên
nhân làm mất nước Việt vào tay thực dân Pháp ở thế kỷ 19 đang lặp lại cho nước
Việt ngày nay. Liệu rồi những người cầm đầu, tầng lớp ưu tú và đại đa số dân tộc
này có tỉnh ngộ ra được, có biết sám hối về những sai lầm đã mắc phải trong lịch
sử để tránh thảm họa hay là vẫn u mê lao theo vết xe đổ. Vấn đề quan trọng
không phải có hoặc không có lời nguyền của ai và tìm cách hóa giải nó, quan trọng
là phải thật sự bình tĩnh, sáng suốt, dũng cảm phân tích sự thật lịch sử và hiện
tại xem con đường đã đi, sự việc đã làm đúng sai, hay dở, khôn dại chỗ nào, cái
gì nên làm, cái gì cần loại bỏ.
Từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, nhiều phong trào
yêu nước Việt nam lần lượt thất bại. Từ 1930 những người yêu nước thế hệ mới đã
theo Chủ nghĩa Mác Lênin (CNML), lập ra Đảng Cộng sản, Đảng đã lãnh đạo dân tộc
đạt được một số vinh quang.Tuy vậy những vinh quang đó của Đảng buộc dân tộc trả
bằng giá quá đắt. Và mỗi lần Đảng cố tình vận dụng CNML như cải cách ruộng đất,
cải tạo tư sản, hợp tác hóa nông nghiệp, kinh tế quốc doanh, cải tạo tư tưởng,
chuyên chính vô sản là mỗi lần thất bại, đẩy dân tộc, đẩy nền kinh tế và đạo đức
vào những thảm họa. Lịch sử không thể làm lại nhưng có thể phân tích để rút ra
bài học cho tương lai. Phân tích kỹ lịch sử trong gần một thế kỷ vừa qua thấy rằng
con đường đã chọn, đã đi là nhầm lẫn, mang lại lợi ít hại nhiều.
Trong mấy chục năm qua, cứ mỗi lần Đại hội Đảng là mỗi
lần đánh giá tình hình, báo cáo thành tích và tồn tại, tìm nguyên nhân và rút
bài học. Tuy vậy vì cách nhìn bị hạn chế, vì bị ý thức hệ khống chế, vì quá chủ
quan nên sự đánh giá chỉ đúng được một phần còn phần nữa là sai lầm, là một chiều,
là phiến diện, là duy ý chí, là rập khuôn theo lối mòn. Những sai lầm đó nhiều
người không thấy được vì trình độ thấp, vì cả tin, vì quen thói lười suy nghĩ,
họ bị nhầm vì cho rằng mọi báo cáo và nghị quyết của Đảng đều hay, đều đúng. Số
người thấy được cái sai mà dám nói ra sự thật thì bị đe dọa, bị bắt bớ. Số đông
thấy được nhưng không dám nói vì sợ. Có một số ít thực tình thấy sai nhưng vì một
lý do nào đó mà cho là đúng, mà phụ họa theo, làm cho sự nhầm lẫn càng tăng
lên.
Trong mấy năm gần đây tình hình đất nước lâm vào
tình trạng mà những người có quan tâm rất lo ngại, bên trong thì nhiều thứ xuống
cấp, bên ngoài thì bị Trung Quốc uy hiếp. Phải chăng một phần là do tác dụng của
lời nguyền? Chưa biết Đảng sẽ dắt dẫn dân tộc theo con đường nào, Đại hội XII sắp
tới sẽ diễn ra như thế nào.
Quan trọng của việc lãnh đạo và quản lý là thu thập
và xử lý thông tin. Nhưng đó phải là thông tin chân thật và trí tuệ sáng suốt,
còn dựa vào thông tin sai lạc và trí tuệ mờ mịt thì vô cùng nguy hiểm. Để có được
thông tin chân thật thì không gì hơn là dám chấp nhận sự thật và mở rộng tự do
đối thoại về các quan điểm khác nhau. Một trong những vấn đề mà những người hoạt
động dân chủ đề xuất là trong mấy chục năm qua Đảng đã lãnh đạo dân tộc đi theo
CNML là một sự nhầm lẫn. Phải thấy được sự nhầm lẫn đó để từ bỏ, để quay lại.
Như vậy, theo khoa học thì đó là việc làm hợp quy luật để phát triển đất nước,
còn theo tâm linh,nếu quả thật có lời nguyền thì đó là việc góp phần hóa giải,
là nghĩa vụ của thế hệ sau sửa chữa sai lầm của thế hệ trước.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 07:26
No comments:
Post a Comment