Saturday, June 6, 2015

Không chết mới là lạ (Tô Văn Trường)





Tô Văn Trường
07/06/2015

KHÔNG ĐƯỢC PHÉP BIẾN CẢ DÂN TỘC NÀY THÀNH CHUỘT BẠCH !

Không thể đưa dân tộc đi theo con đường mò mẫm như thí điểm con chuột bạch khốn cùng. Bản năng gốc như 5 mô men động lực của con người. Khái niệm bản năng gốc là cội nguồn có ý nghĩa cơ sở để xem xét khách quan mọi vấn đề, của mỗi cá nhân và của toàn xã hội. Nó luôn là động lực cho sự tồn tại và phát triển của muôn loài, trong đó có loài người. Nếu biết vận dụng “đồng pha” trên con đường phát triển đất nước, thì sẽ thấy rõ mê muội, lú lẫn và lạc lõng là đồng nghĩa với cái chết theo cả hai nghĩa đen và bóng.

Trong mỗi con người đều có 5 bản năng gốc bao gồm: bản năng sống (tồn tại), bản năng sinh sản (duy trì nòi giống), bản năng bày đàn (đám đông), bản năng đầu đàn (quyền lực) và bản năng sáng tạo (tư duy). Riêng bản năng sáng tạo chỉ con người mới có, nhờ nó mà con người có văn hoá. Nên nhớ rằng văn hoá là tất cả những gì con người sáng tạo ra.

Thu vén, tham lam, tham ô là hệ quả của bản năng sống. A dua, tôn giáo, đảng phái.... là bản năng bày đàn. Tham quyền cố vị, triệt hạ lẫn nhau, hám danh....là bản năng quyền lực.

Ngoại tình, đam mê tình dục... là hệ quả của bản năng sinh sản. Cường độ và mức độ thể hiện của các bản năng đó khác nhau. Ví dụ như bên Ấn Độ, bên Phi Châu bản năng tình dục lại phát triển nhiều, còn ờ Việt Nam có lẽ sĩ diện cá nhân lại nổi trội. Hiểu được những đặc điểm đó ở mỗi cộng đồng, mỗi vùng là đã chiếm được nhiều ưu thế. Nhưng chọn thời điểm để tác động phải là một nghệ thuật.

Theo tôi hiểu, khái niệm bản năng gốc này là cội nguồn có ý nghĩa cơ sở để xem xét khách quan mọi vấn đề, của mỗi cá nhân và của toàn xã hội. Nó luôn là động lực cho sự tồn tại và phát triển của muôn loài, trong đó có loài người.

Bản năng gốc như 5 mômen lực, nếu đồng pha thì phát triển, dị pha thì lụi tàn. Xã hội là tổng hoà các mômen trung bình của từng nhóm lợi ích, và mômen nhóm là tổng hoà của mỗi thành viên.

Thế giới, trong đó có Việt Nam đang trong tình trạng có chỉ số Entropia (nhiệt động) cực đại, đây là thời điểm đăc biệt, sớm muộn cũng bị phá vỡ để chuyển về trạng thái cân bằng mới. Khi nội năng càng lớn thì sự cân bằng càng mỏng manh. Đây là thuộc tính của xã hội đương đại. Nhờ bản năng sáng tạo con người sinh ra văn hoá, nền văn hoá bong bóng đang thịnh hành ở ta và nhiều nơi khác sẽ sớm xụp đổ, điều ấy chì còn là thời gian.

Những bản năng đó gắn với những lợi ich trong "tháp lợi ích" 5 tầng của Abraham Maslow. Rất đáng tiếc, tất cả chỉ gắn với "tầng 1" của tháp. Entropia chính là đấu tranh giai cấp theo cách lý giải của chủ nghĩa khoa học biện chứng. Xã hội Việt Nam hiện nay, cũng giống như trước đây luôn nằm trong các trạng thái cân bằng , mất cân bằng rồi tự lấy lại cân bằng vv... Trong các chu kỳ sau của cân bằng và mất cân bằng thường cao hơn các chu kỳ trước và mang tính văn minh hơn.

Ở Việt Nam, có hàng ngàn thứ không chỉ “rất lạ”, mà phải nói “vô cùng lạ”!. Đơn cử như: Không biết có những đảng chính trị nào trên thế giới ghi vào Cương lĩnh của đảng mình mệnh đề sau đây như Cương lĩnh của Đảng cộng sản Việt Nam “Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc.” (Cương lĩnh năm 2011). Trong khi đó, theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì xây dựng chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm, đến hết thể kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay không? . Vậy hóa ra còn khoảng 100 năm nữa nước ta mới có độc lập dân tôc!. Phần lớn các nước trên thế giới vẫn giữ được độc lập dân tộc còn vững chắc hơn ta mà không hề theo chủ nghĩa xã hội, chúng ta giải thích thế nào về hiện tượng phổ biến này!?

Ở Việt Nam không phải “chính quyền là vua”, mà phải nói cho chính xác “đảng là vua”, Bộ Chính trị là những ông vua tập thể. Ở Việt Nam hiện có hai chính quyền song song tồn tại trong một nhà nước thống nhất (giống như Liên Xô trước ngày tan rã). Chính quyền 1 là đảng. Đảng có siêu quyền lực, nhưng không hề chịu sự kiểm soát của bất kỳ ai và cũng không phải do dân bầu. Chính quyền 2, cho dù là hình thức, do dân bầu, nhưng chỉ là hệ thống chính quyền “ăn theo, nói leo”.

Tình hình của ta hiện nay chẳng khác gì ở Liên Xô trước ngày tan rã và các nhà lãnh đạo Liên Xô nhận ra điều này thì đã quá muộn, không còn đủ thời gian để sửa sai. Ngày 23 tháng 6 năm 1990, trên tờ “Sự thật”, ông A. Iakovlev, ủy viên Bộ chính trị, nhà lý luận của Đảng cộng sản Liên Xô đã nêu lên đặc trưng của hệ thống chính quyền nhà nước Liên Xô lúc bấy giờ là: “một nền kinh tế trì trệ, phản dân chủ một cách trắng trợn, quan liêu và tham nhũng. Các cơ quan của Đảng, trên thực tế, đã thay thế tất cả các tổ chức khác, nhưng lại không chịu bất kì trách nhiệm về kinh tế hay pháp lý nào về các chỉ thị và nghị quyết của mình”. Và chỉ 14 tháng sau khi tuyên bố này được đưa ra, ngày 19 tháng 8 năm 1991 Đảng cộng sản Liên Xô tan rã trong nháy mắt và Liên Xô sụp đổ sau 74 năm tồn tại.

Ở Việt Nam khác với hầu như các nước trên thế giới rất sợ từ “công lý”, báo chí có nhắc tới chỉ nhắc trong cụm từ “Danh hài Công lý”, còn trong các bộ luật hình sự, dân sự, ngay trong các bản án đều vắng bóng thuật ngữ “công lý”. Mở đầu bản án bao giờ cũng có dòng chữ in đậm “Nhân danh nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, chứ không phải “Nhân danh công lý”, như thiên hạ vẫn làm. Và còn vô số điều “vô cùng lạ” lạ khác nữa….

Có lần tôi được nghe trực tiếp một vị trí thức (tướng công an) nhận xét về quy hoạch nhân sự ở Việt Nam người nào bộ mặt sạch sẽ và thông minh quá thì đó lại là khiếm khuyết. Mới nghe thấy rất lạ, tưởng đùa nhưng ngẫm suy thì đó là sự thật. Đối với "Văn hóa làng chài" của Việt Nam thì người tài khó thể hội nhập, đăc biêt, khi đất nước không còn hiểm họa ngoại xâm. Việt Vương Câu Tiễn (Vua nước Việt) sau khi diệt nước Ngô, hai mưu lược gia thân cận kỳ tài là Phạm Lãi phải bỏ nước ra đi, còn Văn Chủng bị bức hại vì quá giỏi. Khi điểu đã bay xa thì cung quý chẳng để làm gì, khi thỏ quý đã được bắt, thì chó quý giết thịt mà ăn.

Hiện tượng lịch sử này được lặp lại vào thời nhà Hậu Lê. Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi là những công thần lập quốc, nhưng họ cũng bị Lê Lợi xử trảm và bất tín không dùng, đến thời nhà Nguyễn, thì Nguyễn Ánh cũng không khác các tiền nhân xưa mấy.

Điểm yếu của Văn hóa Làng chài vẫn tồn tại từ rất xa xưa không dễ thay đổi, ngay cả trong cách chọn nhân tài đất Việt ngày nay. Cơ chế của ta trong lựa chọn nhân sự nhiều khi là một bộ lọc ngược. Càng có kiến thức sâu rộng, càng có chủ kiến riêng, càng vô tư và lòng tự trọng thì càng dễ bị loại bỏ khỏi số đông ưa ăn theo nói leo, mang nhãn hiệu "ý thức tổ chức" cao, kiên định lập trường này nọ để che giấu lợi ích nhóm, tham vọng vinh thân phì gia !

Không phải ngẫu nhiên trong dân gian truyền khẩu "giàu người ta ghét, nghèo ngươi ta khinh, thông minh ta cho chết" nên linh tinh ta cho quyền . Cụ Nguyễn Du đã phán " chữ tài liền với chữ tai một vần " đúng với lãnh đạo giỏi thì họ thu phục người tài, lãnh đạo kém thì dùng đám xu nịnh cơ hội và gây chia rẽ để nắm quyền.

Trong bất kỳ một cuộc lột xác thay đổi nào đều không tránh khỏi nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần. Mục tiêu tối thượng phải làm sao để dân ta tránh được đổ máu lần nữa, làm sao để không hao tổn hiền tài và nguyên khí quốc gia. Muốn tránh được điều này, thay đổi thể chế, đoàn kết dân tộc và thực hiện dân chủ phải thực sự bắt đầu từ trong đảng. Câu hỏi đặt ra là Đảng chọn gì? Chọn quốc gia, dân tộc hay chọn duy trì quyền lãnh đạo của nhóm thiểu số trong Đảng?

Có thể nói chưa có lúc nào đất nước ta lại lâm vào cơn khủng hoảng lòng tin, đường lối phát triển tù mù và tình trạng ngày càng lún sâu vào khủng hoảng toàn diện cùng với nguy cơ lớn từ phía Trung Quốc đe dọa độc lập và chủ quyền quốc gia như hiện nay. Bài học lịch sử mà nhà Trần đã mang lại là phải đi từ Hội nghị Bình Than thì mới có Hội nghị Diên Hồng.

Việt Nam đã thống nhất đất nước nhưng chưa hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng con người. Chính hệ thống song hành Đảng - Chính quyền cộng với các loại vòi ( bàn tay ) nối dài của Đảng làm cho bộ máy cầm quyền trở nên nặng nề, cồng kềnh, chồng chéo nên kém hiệu lực và góp phần làm cho năng suất lao động vốn đã thấp mà tốc độ tăng đang giảm dần thê thảm như hiện nay. Cái lỗi hệ thống này, cùng với “văn hóa làng chài” nếu cứ để vậy thì không chết mới là lạ.

Thiết nghĩ sự đổ vỡ là tất yếu đối với ngôi nhà có nền móng yếu không tựa trên 5 cái trụ cơ bản của động lực con người nên vecto lực tổng hợp bị triệt tiêu đi nhiều. Tuy nhiên, đó mới chỉ là cách nhìn nhận mang tính Logic, nếu nhìn vào lịch sử thì các chế độ Toàn trị ( kể cả các nhà nước Phong kiến Á châu trước kia) đều giống nhau ở chỗ chúng không thèm đoái hoài tới cái Vecto tổng lực kia. Các chế độ toàn trị đó rất dẻo dai, tồn tại hàng ngàn năm và chỉ bị sụp đổ hoặc buộc phải thay đổi, biến báo để thích nghi khi bị sức ép từ bên ngoài hệ thống toàn trị khép kín đó. Ngày nay toàn cầu hóa, hội nhập chính là áp lực mạnh từ mọi phía khiến các xã hội toàn trị bị vỡ ra nhanh hơn.

Đành rằng với người lãnh đạo thông minh, có viễn kiến và bản lĩnh thì việc cải cách Thể chế đúng lúc, đúng hướng sẽ cứu vãn sự sụp đổ, thế nhưng ở Việt Nam hiện nay dường như điều này chưa thấy xuất hiện.

T.V.T.
Tác giả gửi BVN.

Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 06:44 







No comments:

Post a Comment