Monday, June 22, 2015

Khóc cho trận bóng, khóc cho đàn trâu (Kính Hòa - RFA)





Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-06-22

Khóc cho bóng đá, ai khóc cho ngư dân?  Photos 1 zing.vn, 2 vnexpress, 3 Thanh nien

Nhạc sĩ, blogger Tuấn Khanh mô tả tuần lễ vừa qua là một tuần lễ đầy nước mắt:

Chỉ trong một tuần, đã có thật nhiều nước mắt đổ xuống trên toàn cõi Việt Nam. Với nhiều lý do. Nước mắt tràn trên các trang báo, bi thương trong các lời mô tả.

Đó là đoạn mở đầu của bài viết mang tựa đề Tuần lễ nước mắt. Người nhạc sĩ thấy rằng nhiều thanh thiếu niên Việt nam đã khóc ngất khi đội tuyển bóng đá quốc gia thua trận, những giọt nước mắt tuôn trào trên khắp màn ảnh truyền hình.

Tuấn Khanh viết tiếp :

Những giọt nước mắt đó cuốn trôi và làm chìm lấp cả những điều hệ trọng khác mà người Việt cần rơi nước mắt lúc này.

Những điều hệ trọng ấy chính lại là những giọt nước mắt khác. Đó là những giọt nước mắt âm thầm hơn của những gia đình có người thân chết vì trận giông ngày chủ nhật, hay bi thảm hơn là chết ngoài biển Đông khi tàu đánh cá bị tàu Trung quốc đâm nát.

Cũng nói về những giọt nước mắt của người Việt trong tuần qua, blogger Song Chi viết rằng những thông tin như Tuấn Khanh đề cập, người chết vị giông bão hay người chết vì tàu Trung quốc đang dần dần trở thành những con bệnh bị lờn thuốc, mà công chúng Việt nam nói chung, hay giới trẻ Việt nam nói riêng không khóc về nó nữa:

Những thông tin đó giờ đã được đăng đều, công khai hơn, nhưng có bao nhiêu phần trăm người VN chú ý đến? Hay nước mắt của người trẻ VN còn dành để đổ xuống như mưa cho một nhóm nhạc K-Pop thần tượng, cho một lần thua trận bóng đá SEA Games như bài viết chua xót trên báo Thanh Niên “Khóc cho bóng đá, ai khóc cho ngư dân?”.

Đó  cũng là những chuyện mà blogger Cánh Cò đề cập trong bài Văn Miếu chỉ là chuyện nhỏ. Theo tác giả thì câu chuyện tiêu tốn tiền tỉ ở Vĩnh Phúc để thờ ông thầy thích làm quan (từ dùng của blogger Bảo Thư) người Trung quốc không đáng được giới trẻ quan tâm. Cái họ quan tâm là những chuyện vui của bóng đá, hay của những thần tượng K-pop như Song Chi đã nhắc. Cái khóc lóc của họ, cũng chính là những trận cười hồn nhiên đến vô tâm của họ. Cánh Cò viết rằng:

Những người trẻ cả cười hôm nay rồi sẽ khóc cho tới giọt nước mắt cuối cùng để trả giá cho sự vô tâm của mình. Người trẻ rồi sẽ già và đến lúc ấy họ sẽ quay lại lên án quá khứ vì đã để mất đất nước vào tay ngoại bang nhưng họ quên rằng trong cái quá khư ấy có sự góp phần của họ. Góp bằng tiếng cười thay cho tiếng uất khí núi sông. Tiếng cười hả hê ấy sẽ nhanh lắm biến thành nước nước mắt.

Đây không phải là lần đầu tiên việc giới trẻ Việt nam chỉ quan tâm đến giải trí và không màng đến chính trị được nói đến. Khi đi tìm nguyên nhân của hiện tượng này Giáo sư Nguyễn văn Tuấn thấy rằng nó nằm trong hệ thống xã hội chính trị do đảng cộng sản điều khiển hiện nay. Một mặt đảng cộng sản công khai tuyên bố rằng người Tàu (từ của Giáo sư Tuấn) là bạn, mặt khác các phương tiện thông tin truyền thông, cũng do đảng chi phối hoàn toàn, liên tục phát ra những chương trình vui chơi giải trí đủ loại. Giáo sư Tuấn kết luận rằng đó là một sự ru ngủ có hệ thống.

Khóc cho đàn trâu

Tuần lễ vừa qua cũng là tuần làm việc của Quốc hội. Dẫu còn lời ra tiếng vào về hoạt động nghị trường, nhưng giới quan sát cũng nhận thấy rằng tiếng nói của Quốc hội đã có trọng lượng hơn. Tác giả Tô Văn Trường nhận xét:

Cái cảm giác Quốc hội là “hình nộm” dần dần được (hay là "bị") thay thế bằng tiếng nói tuy yếu ớt của dân, tiếng nói đó đang to dần lên, ngoài ý muốn của phù thủy đã gieo âm binh, và đạo quân giấy đó đang trở thành có hồn, có ý nguyện mà không phải lúc nào cũng phù hợp với người sinh ra nó. Hay nói một cách khác, phương tiện được tạo ra đang trở thành một vật có trọng lượng không phải vứt bỏ dễ dàng được... như  xưa kia.

Nhận xét của ông Trường là muốn nói đến mối quan hệ giữa đảng độc nhất cầm quyền tại Việt nam và cơ quan được coi là đại diện của dân là Quốc hội. Mối quan hệ lúc nào cũng được cho là mang tính đảng nhiều hơn tính dân.

Nhưng đồng thờ ông Trường cũng nhận xét rằng những bế tắc của xã hội Việt nam hiện nay, từ kinh tế cho đến đời sống tinh thần, phải được đảng cộng sản chịu trách nhiệm vì chính đảng chứ không ai khác thống trị toàn diện đời sống chính trị và xã hội Việt nam từ mấy mươi năm nay.

Sự thống trị ấy, theo blogger Nguyễn Đình Bổn chính là một trở ngại cho việc chống tham nhũng được chính đảng cộng sản lên tiếng từ bấy lâu nay. Ông viết rằng Chỉ có 1 đảng chính trị thì chống tham nhũng chỉ là giấc mơ.

Câu chuyện chống tham nhũng được đề cập trong bài của ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó ban tuyên giáo trung ương. Theo ông thì nguyên do của quốc nạn tham nhũng chính là sự hình thành các nhóm lợi ích trong xã hội Việt nam hiện nay. Bài báo của ông Hoàng về các nhóm lợi ích được không những báo chí chính thống mà cả những trang blog bàn tán suốt hai tuần lễ qua.

Tác giả Trần Minh Khôi, nhân bài báo của ông Hoàng viết rằng cách đây ba năm ông từng hy vọng rằng trong nội bộ đảng cộng sản sẽ có một lực lượng cải tổ mạnh sẽ xóa bỏ được cái mà ông Khôi gọi là hiện tượng thân tộc hóa trong đời sống chính trị xã hội Việt nam. Nhưng nay ông thấy rằng đảng chưa có những người như thế.

Ý tưởng về thân tộc hóa cũng là ý mà Trần Minh Khôi nhắc đến khi so sánh hai sự kiện: Một ở nước Anh cách đây 800 năm, khi những quí tộc địa phương cùng nhau ký Đại hiến chương Magna Carta giới hạn quyền lực của vua Anh. Sự kiện thứ hai diễn ra cùng thời điểm đó ở Vương quốc Đại Việt, khi vua nhà Trần tập hợp các bô lão trong hội ghị Diên Hồng. Trần Minh Khôi cho rằng Diên Hồng không phải là một biểu hiện dân chủ như nhiều người bàn đến. Mà ngược lại sau hội nghị Diên Hồng, nước Việt nam bước vào con đường tập trung quyền lực ngược hẳn với nước Anh.

Và một điều nữa là từ tám trăm năm nay xã hội Việt nam thực chất vẫn nằm trong khuôn phép của một chế độ phong kiến tập quyền. Theo Trần Minh Khôi, công cuộc dân chủ hóa Việt nam hiện nay trên thực tế cũng là để đạt được sự phân quyền, chống lại quá trình thân tộc hóa, hay là những nhóm lợi ích theo cách gọi của ông Vũ Ngọc Hoàng.

Câu chuyện cải cách Việt nam trong tuần qua lại được ông Nguyễn Thiện Nhân Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc góp lời bằng cách lên tiếng đề nghị các trí thức trong và ngoài nước góp ý với nhà nước Việt nam.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống viết trên trang Bauxite Việt nam rằng:

Nếu ông Nhân chấp nhận điều kiện, như trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII ĐCSVN là vẫn kiên định chủ nghĩa Mác Lê nin (CNML), vẫn theo con đường XHCN  thì tôi tin chắc rằng sẽ không tìm được lời giải đúng, nếu có ai đưa ra lời giải thì chắc đó chỉ là kết quả của một sự ngụy biện nhằm đánh lừa những người nhẹ dạ cả tin mà thôi, chứ không thể nào biến thành hiện thực được.

Giáo sư Cống viết tiếp là nếu đảng cộng sản thực tâm nghe những lời góp ý thì trước khi tổ chức đại hội đảng toàn quốc vào năm tới, đảng nên mở một cuộc đối thoại với giới trí thức trong và ngoài nước. Ông cho rằng nếu đảng thực tâm thì không có gì phải sợ hãi những cuộc tranh luận cả.

Không rõ là đảng cộng sản có nghe ý kiến của Giáo sư Nguyễn Đình Cống hay không, nhưng có một điều chắc chắn là những người được xem là đại diện cho khuynh hướng duy trì chủ nghĩa Mác Lê tại Việt nam cũng lên tiếng. Đó là bài báo mang quan điểm cứng rắn của ông Lê Xuân Tùng, cựu ủy viên Bộ Chính Trị. Ông Tùng viết rằng nước Việt nam vẫn phải là một quốc gia có nền kinh tế do nhà nước điều khiển là chính, chứ không nên đi chệch hướng.
Điều ông Tùng viết là trái lại với những ý kiến cải tổ kinh tế Việt nam gần đây, mà đại diện là bài báo trên tờ Kinh tế Sài gòn của một nhóm chuyên gia Việt nam và nước ngoài, trong đó có lời kêu gọi công nhận xã hội dân sự.

Blogger Người Buôn Gió cho rằng chính những người trong lĩnh vực lý thuyết Mác lê là những người chống lại với cải cách kinh tế nhiều nhất. Người Buôn Gió đưa ra một sự so sánh trào lộng mà chúng tôi xin mượn lời để kết thúc mục điểm blog tuần này:

Cuộc cách mạng hiện đại hoá nông nghiệp không có vai trò của con trâu. Cuộc cổ phần hoá, tư nhân hoá  hay kinh tế thị trường đương nhiên chả còn chỗ những nhà lý luận, tư tưởng, tuyên giáo.









No comments:

Post a Comment