Friday, June 26, 2015

Chàng lao công gốc Việt trở thành khoa học gia không gian vũ trụ của Mỹ (Trà Mi-VOA)





27.06.2015

Tiến sĩ Phạm Đăng Khánh.

Một thanh niên làm lao công cho các cửa hàng trong những khu mua sắm khi sang Mỹ tỵ nạn trở thành một nhà khoa học không gian vũ trụ của Trung tâm Thí nghiệm Nghiên cứu Không quân Hoa Kỳ sau 25 năm miệt mài vượt khó vươn lên.

Đó là câu chuyện thành công của Tiến sĩ Phạm Đăng Khánh, cháu nội đích tôn của sử gia nổi tiếng Phạm Văn Sơn và là cháu ngoại của nhà thơ lừng danh một thời Bàng Bá Lân.

Đến Mỹ năm 1991 theo diện HO vì bố mẹ là cựu tù nhân chính trị từng làm việc cho chính phủ Mỹ trước năm 1975, chàng thanh niên 19 tuổi quyết tâm theo đuổi ‘giấc mơ Mỹ’, phấn đấu tiến thân bằng con đường học vấn.

Ý chí kiên trì và những nỗ lực không ngừng đã mang về cho anh những thành quả đáng nể. Trong số này phải kể tới hàng trăm bài viết nghiên cứu khoa học cùng hàng chục giải thưởng của Không quân Hoa Kỳ như Huy chương Không quân về Thành tựu dân sự, Giải Kỹ sư Không quân Xuất sắc, Bài nghiên cứu Xuất sắc nhất năm. Anh cũng là thành viên phê bình trong các ủy ban luận án Tiến sĩ và Thạc sĩ tại các trường đại học Mỹ, cố vấn nghiên cứu cho các cơ quan khoa học danh tiếng của Mỹ như Cơ quan Phòng thủ Tên lửa, Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng cao cấp, Hội Kỹ thuật Khoa học Quốc phòng Hoa Kỳ..v..v..

Tạp chí Thanh niên VOA hôm nay mời các bạn cùng gặp gỡ tấm gương thành công Phạm Đăng Khánh, niềm tự hào của người Việt hải ngoại.

TS. Khánh: Khi tôi đến Mỹ, mọi sự đều bỡ ngỡ về văn hóa, lịch sử, phong tục-tập quán. Khó khăn lớn nhất đối với tôi và cả gia đình là không có đủ khả năng đọc hiểu và nói tiếng Anh. Bản thân tôi phải bắt đầu lại con đường học vấn từ lớp 10. Các khó khăn về kinh tế người tỵ nạn nào cũng phải đương đầu, nhưng mình cũng phải cố gắng. Tôi cùng với em trai mỗi sáng sớm phải đi làm thêm. Sáng sớm, chúng tôi đi dọn dẹp, lau chùi các cửa hàng to trong các khu thương mại lớn. Mình làm 2-3 tiếng/ngày, và đi học cho tới 10 giờ đêm. Lên thạc sĩ, mình được học bổng. Mình biết tiết kiệm nên tiền học bổng cũng đủ trang trải các chi phí như đi lại, xe cộ, bảo hiểm.

Trà Mi: Với những cái giá đã trả để có được vị trí hôm nay, nhìn lại, anh nghiệm ra cho mình điều gì?
TS. Khánh: Tôi nghĩ mình lúc nào cũng nên luôn làm việc chăm chỉ, không được hài lòng với những gì đạt được, và con đường đó lúc nào cũng đòi hỏi những hy sinh. Chẳng hạn như vì công việc, thời gian của tôi dành cho gia đình đã bị ít đi.

Trà Mi: Tư chất ham học, nỗ lực, và sự may mắn chiếm tỷ lệ thế nào trong sự thành công của anh?
TS. Khánh: Tinh thần học hỏi và sự nỗ lực, hai tố chất này cộng lại chiếm 90%. Còn lại là do sự may mắn hay do cơ hội chính mình tự tạo nên. Những người tỵ nạn như tôi khi gặp khó khăn mà không biết cách giải quyết vấn đề và đương đầu với khó khăn một cách tích cực thì rất khó khăn. Làm sao để vượt qua và tìm phương hướng tùy thuộc vào bản thân mỗi người kèm theo các yếu tố tác động xung quanh từ gia đình.

Trà Mi: Nếu đặt tất cả những bí quyết thành công anh vừa kể vào môi trường ở Việt Nam, anh nghĩ đích đến của mình có giống ngày hôm nay không?
TS. Khánh: Chị hỏi một câu rất sát thực tế. Những tố chất về nỗ lực, ham học, sự giúp đỡ của những người xung quanh thì ở trong hay ngoài nước mình đều có được, nhưng môi trường nuôi nấng nghiên cứu và các chính sách hay những khuyến khích từ các cơ quan, hội đồng khoa học rất quan trọng. Có thể trong nước đang dần dần có môi trường này nhiều hơn so với những năm trước, nhưng những điều kiện đó không thể nào bằng được bên Mỹ này.

Trà Mi: Có nhiều con đường để thành công, vì sao anh chọn theo đuổi con đường khoa học đầy cam go đòi hỏi rất nhiều kỳ công và chất xám để tiến thân?
TS. Khánh: Lĩnh vực khoa học luôn năng động, thay đổi, biến động nên tôi muốn đóng góp một phần nào đó cho hướng đi này.

Trà Mi: Thành tựu hôm nay đạt được trên đất Mỹ có ý nghĩa thế nào đối với anh, một người tỵ nạn gốc Việt?
TS. Khánh: Tôi vẫn luôn tự hào mình là người Việt Nam và đề ra mục tiêu dài hạn là hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu sáng tạo do người Việt đứng đầu hoặc các chuyên gia người Việt ở đây.

Trà Mi: Vì sao mục tiêu đó chỉ mới giới hạn ở cộng đồng người Việt ở Mỹ? Anh có bao giờ nghĩ tới mình có thể làm gì để đóng góp, giúp đỡ nơi chôn nhau cắt rốn của mình chăng?
TS. Khánh: Câu hỏi này tương đối rất khó. Bất kỳ thể chế nào muốn thu hút nhân tài về giúp nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu đất nước trân trọng sự phát triển về khoa học, thúc đẩy và động viên tinh thần nghiên cứu khoa học thì ai cũng muốn về giúp đỡ cả. Hiện nay, tôi biết vài nhân tài người Việt bên này đang hợp tác với các cơ quan hữu trách ở Việt Nam để nâng cấp giáo dục đại học. Nhân tài người Việt ở nước ngoài đang dần dần trở về hợp tác và giúp đỡ phát triển kinh tế trong nước. Tôi nghĩ nếu môi trường và các điều kiện trong nước thích hợp với các nhân tài bên này và tạo điều kiện cho họ phát triển tài năng và lương bổng gần gần với bên này thì dần dần họ sẽ trở về thôi.

Trà Mi: Theo ý kiến của Tiến sĩ, học vấn cao và vị trí lãnh đạo có phải là thước đo chính xác về sự thành công của người trẻ hay không?
TS. Khánh: Tôi nghĩ học vấn vẫn là một công cụ nhiều tiềm năng. Về tinh thần lãnh đạo, đối với giới trẻ, nếu mình có vị trí cao trong một cơ quan hay tổ chức nào đó, mình nên truyền đạt tinh thần đóng góp tích cực và tinh thần tự nguyện. Tinh thần lãnh đạo và học vấn, hai điều này phải luôn đi đôi với nhau.

Trà Mi: Một lời khuyên cho các bạn trẻ ngưỡng mộ thành quả anh đạt được, anh sẽ nói gì?
TS. Khánh: Tôi muốn gửi đến các bạn trẻ một lời khuyên đơn giản thôi, đó là phải luôn luôn làm việc tích cực, ham học và hướng tới. Đây là những bí quyết đã giúp tôi thành công. Và mình cũng không nên quên nguồn gốc gia đình của mình và bản thân mình là ai.

Trà Mi: Xin cảm ơn Tiến sĩ Khánh rất nhiều về thời gian dành cho cuộc trao đổi hôm nay.






No comments:

Post a Comment