Sunday, June 21, 2015

Bi kịch của nhân dân Nga (Dan Drápal, Báo Konzervativní listy)



Dan Drápal, Báo Konzervativní listy (Cộng hòa Czech)
Phạm Nguyên Trường dịch
Posted on Jun 22, 2015
Nga chưa bao giờ là nhà nước pháp quyền. Bao giờ cũng là chế độ chuyên chế – ngay cả khi ở Nga đã có những thiết chế tương tự như ở Tây Âu.
Sau khi sáp nhập Crimea vào năm ngoái và sau đó là cuộc xung đột ở miền đông Ukraine, uy tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gia tăng đáng kể. Điều này, tự nó, không phải là đặc biệt: người ta đã thấy hiện tượng tương tự như thế vào năm 1982, trong giai đoạn diễn ra cuộc chiến ngắn ngủi giữa Anh và Argentina, để tranh giành quần đảo Falkland. Lúc đó, thủ tướng Anh là bà Margaret Thatcher.
Bà này đã kéo đất nước ra khỏi vũng lầy kinh tế nhưng chưa bao giờ được nhiều người yêu thích. Chưa bao giờ bà được quá 50% người dân ủng hộ – trừ giai đoạn diễn ra chiến tranh và những tháng tiếp theo. Sau đó, số người ủng hộ nhảy vọt lên tới 55%. Rõ ràng là nhờ cuộc chiến tranh Falkland mà Margaret Thatcher đã giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1983, nhờ đó mà bà có thể thực hiện những cuộc cải cách tiếp theo, tạo ra động lực tích cực cho nền kinh tế Anh.
Cho nên uy tín của tổng thống hay thủ tướng gia tăng đáng kể khi có căng thẳng về quân sự là chuyện không có gì đáng ngạc nhiên. Số người ủng hộ tổng thống Putin hiện đang dao động xung quanh con số 85%. “Người dân đoàn kết xung quanh nhà lãnh đạo của họ”. Về mặt tâm lý, đây là điều dễ hiểu.
Những giữa sự gia tăng uy tín của Margaret Thatcher và uy tín của Vladimir Putin có khác biệt to lớn. Ở quần đảo Falkland, Vương quốc Anh đánh trả vụ gây hấn của Argentina. Còn ở Crimea, Nga là kẻ xâm lược. Và sau đó, tổng thống Putin đã cho phép mình nói nhiều điều dối trá và bịa đặt mà ông không thèm che giấu. Nếu Margaret Thatcher cho phép mình nói chỉ một phần điều mà tổng thống Putin cho phép mình làm thì người ta đã cho bà về vườn ngay lập tức. Mà đấy không phải là vì áp lực quốc tế (dĩ nhiên là sẽ rất lớn), nhưng là vì nhân dân của bà không chấp nhận chuyện đó.
Vì sao uy tín của Putin gia tăng, mặc dù ông ta công nhận là mình nói dối?
Ai đó có thể cố gắng tìm câu trả lời trong các sự kiện đã diễn ra. Bộ máy tuyên truyền của Điện Kremlin rất lão luyện và đã làm việc hết công suất. Nga có thể đang ở trên đỉnh cao của cuộc chiến tranh tuyên truyền và truyền thông. Tất cả, dĩ nhiên là như thế, nhưng lý do thực sự cho những chuyện đang diễn ra ở Nga, lại nằm trong lịch sử của nước này.
Nền dân chủ lâu đời trong lịch sử Nga
Không thể nói rằng Nga chưa bao giờ có truyền thống dân chủ. Cho mãi đến năm 1478 đã có một nhà nước độc lập Novgorod, mà đôi khi được gọi là nước cộng hòa lãnh chúa hay cộng hòa phong kiến. Những cuộc hội nghị (сход), gọi là вече, của các công dân tự do có ảnh hưởng rất mạnh mẽ (вече liên quan với từ věc trong tiếng Czech, tương tự như trong các nhà nước Đức nơi mà hội họp (сход – quốc hội nếu bạn muốn gọi như thế) được gọi là thing (Nghị viện của Iceland vẫn còn được gọi althing, thượng và nghị viện của Na Uy gọi là lagting và odelsting)).
Trong năm được quy định, cuối cùng Novgorod đã hoàn toàn khuất phục vương quốc Moscow, và cùng với thời gian, vương quốc này phát triển thành nước Nga Sa hoàng. Như vậy là, chế độ dân chủ chưa bao giờ có cơ hội phát triển ở Nga, mặc dù đã có nhiều cuộc thử nghiệm, và nổi tiếng nhất có lẽ là trong những năm 1905 và 1917. Nhưng cuối cùng chế độ chuyên chế bao giờ cũng chiến thắng, mặc dù trong một số giai đoạn sức lôi cuốn về phía dân chủ là rất mạnh mẽ và không phải là hoàn toàn vô vọng.
Thế thì tại sao ở Nga chế độ dân chủ không bao giờ giành được chiến thắng? Tôi cho rằng, và những tác phẩm của Fareed Zakaria cũng như Samuel Huntington khẳng định như thế, điều kiện tiên quyết cho chế độ dân chủ hiệu quả là chế độ pháp quyền và mức độ phát triển kinh tế nhất định. Đế chế Áo-Hungary (đặc biệt là ở phần nước Áo), Tây Ban Nha thời kỳ Franco và Bồ Đào Nha thời kỳ Salazar là những nhà nước pháp quyền. Vì vậy mà trên những tàn tích của đế chế Áo-Hungary người ta đã có thể xây dựng được nước Tiệp Khắc dân chủ, vì vậy mà sau khi các chế độ độc tài ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sụp đổ những nước này dễ dàng biến thành nhà nước dân chủ hiệu quả.
Thiếu vắng nhà nước pháp quyền
Theo nghĩa này, Nga chưa bao giờ là nhà nước pháp quyền. Bao giờ cũng là chế độ chuyên chế – ngay cả khi ở Nga đã có những thiết chế tương tự như ở Tây Âu. Nếu Nga đã có một số dòng họ giàu có và có ảnh hưởng (Potemkin, Sheremetyevo), thì quyền lực và sự giàu có của họ luôn luôn là kết quả của sự tận tụy và trung thành với nhà vua. Các Sa hoàng Nga chưa bao giờ chấp nhận những đối thủ trong hàng ngũ của giới quý tộc (dòng họ Rosenberg và Tổng giám mục Prague từng là những người như thế đối với các hoàng đế Czech). Nhưng người có quan hệ tốt với nhà vua là người có quyền lực to lớn.
Tôi sẽ thử minh họa điều này bằng câu chuyện mà một người bạn – trong những năm 80 anh này từng có mặt trong đoàn đại biều tới thăm Volgograd – đã nói với tôi. Đoàn đại biểu Cộng hòa Czech được người đứng đầu của Đoàn Thanh niên Cộng sản vùng Volgograd tiếp. Ông ta muốn cho những vị khách người Czech thấy vẻ đẹp của thành phố, để làm như thế, ông ta bắt một chiếc xe buýt của thành phố dừng lại, rồi yêu cầu các hành khách xuống xe ra và ra lệnh cho lái xe đưa các đại biểu người Czech đi quanh thành phố. Khi nghe chuyện này, tôi hiểu rằng ngay cả tổng thống Hoa Kỳ cũng không có quyền lực như vậy. Nếu ông ta tự cho phép mình làm một cái gì đó tương tự như thế (mặc nói chung là không thể tưởng tượng nổi), người ta sẽ cách chức ông ta với tốc độ mà pháp luật hiện hành cho phép. Nhưng ở Nga, người dân cũng như người đứng đầu đoàn thanh niên Komsomol và hành khách chuyến xe buýt đó đều cảm thấy là bình thường. Họ coi đấy như là biểu hiện của lòng hiếu khách với đoàn đại biểu Czech.
Một số người phản bác rằng đó thời kỳ Liên Xô, còn Liên bang Nga hiện nay – không phải là Liên Xô. Nhưng tôi tin chắc rằng người ta đánh giá quá cao sự khác biệt giữa Liên Xô và Liên bang Nga. Tất nhiên, có khác biệt – trước hết là trong việc tổ chức kinh tế. Nhưng nếu một nhân vật có ảnh hưởng nào đó muốn lên tiếng chống lại Putin, thì người đó cũng sẽ gặp những chuyện tương tự như với Mikhail Khodorkovsky, hoặc, trong trường hợp xấu nhất, với Sergey Magnitsky. Vâng, ở Nga có những thiết chế tương tự như các thiết chế ở Tây Âu: Duma giống như Nghị viện, có những tòa án về hình thức là độc lập. Nhưng vấn đề là tất cả những chuyện này chỉ là bịp bợm mà thôi. Người Nga không cho đó là chuyện lạ. Vì đây là đất nước của những ngôi làng Potemkin.
Những ngôi làng Potemkin
Tôi sẽ không đặt nhiều hy vọng vào nền giáo dục Czech: Bây giờ ở trường người ta không dạy các sự kiện, mà chỉ dạy cách đối phó với chúng mà thôi. Nhưng đôi khi sự kiện có thể có ích … Bá tước Potemkin muốn chỉ cho Nữ hoàng Catherine (năm 1787), những vùng đất mới được chinh phục ở phía nam, dưới sự lãnh đạo của ông ta đã thịnh vượng đến mức nào. Wikipedia viết: “Để tạo ra ảo tưởng về cuộc sống tươi đẹp trong những tỉnh mới sáp nhập, ông kéo từ St. Petersburg tới hơn 400 nghệ sĩ chuyên về kỹ thuật gọi là hướng tới tương lai, khá thịnh hành vào thời đó. Họ vẽ mô hình những ngôi làng và dựng dọc bờ sông Dnepr, vài chục con tàu của đoàn tùy tùng hoàng gia đi theo con sông này. Trên bờ sông là những người chăn gia súc, mặc đẹp, vừa vẫy tay chào vừa hát”.
Từ xa người ta không nhìn thấy rằng đàn gia súc đã gần như không đứng vững nữa, bởi vì người ta đã cho Nữ Hoàng xem chính đàn gia súc ấy năm sáu lần, mỗi đêm họ lại đưa chúng đến một địa điểm mới. Tương tự như vậy, người ta đã không phát hiện ra rằng chỉ có mấy đại đội, nhưng để tạo ấn tượng, họ đã di chuyển và diễu hành nhiều lần trước mặt Nữ Hoàng. Trên đường thì có những chiếc xe, bao tải xếp chồng chất lên nhau (thực ra đó là những bao cát) và còn trước những ngôi là là binh sỹ của Potemkin, mặc quần áo theo lối nông dân.
Trong làng mạc và trong các thị trấn, nơi đoàn xe hộ tống đi vào, chỉ có các đường phố chính là thực, còn mặt tiền tất cả những con đường xung quanh đều là giả. Trong các gia đình nông dân Nữ Hoàng và đoàn tùy tùng vô cùng kinh ngạc vì nhà nào trên bàn cũng có một con ngỗng quay. Vẫn chỉ là con ngỗng ấy, người ta đã chuyển qua cửa sau, từ nhà nọ sang nhà. Còn lực lượng hải quân ở Sevastopol thì chỉ có hàng đầu là tàu chiến, những hàng cuối là tàu buôn, được “sửa” thành tàu chiến…
Độc giả có thể tưởng tượng được có bao nhiêu người biết rằng tất cả chỉ là trò bịp? Và không ai phản đối? Không thể nói chắc chắn, nhưng có thể đoán được rằng sự báo thù sẽ khủng khiếp đến mức nào. Ví dụ, tương tự như trường hợp Anna Politkovskaya, một nhà báo độc lập, đã bị sát hại đúng vào ngày sinh nhật của Putin. Và nhiều nhà báo độc lập khác của Nga.
Người Nga – không ngu ngốc, không kém cỏi và không lạc hậu hơn các dân tộc khác. Trong quan hệ cá nhân, người Nga là những người rất nhạy cảm và thân thiện. Họ thể hiện tài năng trong nhiều lĩnh vực – chứ không chỉ trong môn cờ vua. Nhưng họ đã sống qua nhiều thế kỷ trong hệ thống mà sự thật không có vai trò đặc biệt, họ đã chấp nhận sự kiện: khắp nơi đều là dối trá và dù muốn dù không, họ cũng đều tham gia vào trò dối trên lừa dưới đó. Do đó, họ không cảm thấy áy náy trước sự kiện là ban đầu Putin phủ nhận sự hiện diện của quân đội Nga ở Crimea, nhưng ngay sau đó đã tặng thưởng cho những quân nhân tham gia chiến dịch này. Người chấp nhận sự kiện là sức mạnh chứ không phải chữ ký trên những hiệp ước sẽ giải quyết tất cả mọi chuyện.
Quyết định của Putin
Có thể cách đây vài năm Putin đã quyết định rằng ông ta sẽ không xây dựng nhà nước dân chủ “cổ điển” với chế độ pháp quyền và nền kinh tế thị trường. Ông ta thích chế độ chuyên chế hơn và ông ta nhận thức rõ rằng làm như thế là sẽ đưa nước Nga đến tình trạng nghèo đói. Tôi không biết ông ta nghĩ gì: Tôi không đọc được suy nghĩ của ông ta. Nhưng từ quan điểm của kinh tế học, chính sách của ông ta là vô nghĩa – điều này thì ông ta hiểu rõ. Gần đây, tôi có tranh luận với một người bạn về lý do tại sao Putin làm như thế. Bạn tôi đã tìm kiếm lời giải thích hợp lý nào đó. Tôi sợ rằng đối với Putin, chế độ chuyên chế chính là mục đích chứ không phải là phương tiện. Và không có mục đích nào khác – chỉ để cai trị một nhà nước, mà cũng là một siêu cường, và người ta có lý do để sợ hãi nhà nước đó.
Putin và Оbama
Cuối cùng, xin nói đôi lời về những lập luận của những người cho rằng tất cả tội lỗi là do người Mỹ và những người nói rằng chúng ta cần phải thông cảm với tham vọng siêu cường của Nga.
Tôi tin rằng khi Barack Obama trở thành Tổng thống và tuyên bố đặt lại quan hệ với nước Nga, ông hoàn toàn chân thành. Ông được dẫn dắt bởi ý tưởng cho rằng những người tiền nhiệm của mình đã làm hầu như tất cả mọi chuyện đều không đúng. Và đến lượt ông, ông sẽ hòa thuận với cả nước Nga lẫn thế giới Hồi giáo. Người dân đã hoan nghênh ông. Nhưng hóa ra là những tiền đề mà ông né tránh là sai và ông đã thấy thực tế. Những người ủng hộ ông gào lên: “Chúng ta có thể!” (Yes, we can!), nhưng Obama chỉ có thể phá hoại chính sách đối ngoại của Mỹ mà thôi.
Ngược lại, khi Putin đưa ra quyết định của mình, Hoa Kỳ không hề nghĩ tới việc chinh phục nước Nga. Và châu Âu dành cho quốc phòng số tiền ít nhất từ trước tới nay và chắc là họ cũng không muốn thay đổi, mặc dù tình hình chính trị có thể buộc họ phải làm như thế. Cả Mỹ và châu Âu, nó sẽ cảm thấy dễ dàng hơn nếu nước Nga cũng là quốc gia như tất cả các nước khác, dù đấy có là đất nước rộng lớn nhất và có kho vũ khí hạt nhân cực kỳ to lớn.
Một số chính trị gia của chúng ta cũng nói về “quyền lợi” của Nga, như là một đế chế. Nhưng đấy là những quyền lợi gì? Những lợi ích hợp pháp đó được hiểu như thế nào? Chả lẽ một số nước nhỏ phải từ bỏ một phần nền độc lập của mình, như tổng thống Zeman khuyến cáo, khi ông kêu gọi “Phần Lan” hóa Ukraine? Họ làm thế để làm gì? Tại sao Nga phải quan tâm đến chuyện đó? Nước này sẽ nhận được gì?
Quyền lợi hợp pháp chân chính của bất kỳ nhà nước nào cũng đều là chế độ dân chủ, pháp quyền và tự do ngôn luận. Điều này đúng với cả nước nhỏ như Estonia, nghèo như Moldavia cũng như lớn như Nga và Trung Quốc. Và tôi không chấp nhận “thông cảm” với những người vì lý do nào đó không hợp với những giá trị này.

No comments:

Post a Comment