Ngô Nhân Dụng
Saturday, May 30, 2015 3:15:11 PM
Vụ
phi cơ thám thính P8-A Poseidon của Mỹ bay qua các hòn đảo Trường Sa mà Trung Cộng
đang chiếm của nước ta khiến nhiều người đặt câu hỏi: Khi lập các “đảo nhân tạo”
để xây dựng căn cứ quân sự, hải đăng, và phi trường, Cộng Sản Trung Quốc khôn
hay dại?
Từ năm 2002 Trung Cộng đã thỏa thuận với các nước
Ðông Nam Á là không thay đổi “nguyên trạng” trên các hòn đảo tranh chấp. Ðắp
các đảo nhân tạo không những làm trái thỏa thuận này mà còn vi phạm luật pháp
quốc tế. Trung Cộng được lợi gì khi thay đổi nguyên trạng?
Về mặt quân sự, mấy phi trường và căn cứ mới chỉ có
chút giá trị nếu Trung Cộng đánh nhau với Việt Nam. Nhưng tất cả đều là những
căn cứ cố định, phơi bày giữa biển chứ không giống những đoàn quân chui rúc
trong rừng; cho nên có thể bị hỏa tiễn Mỹ xóa tan ngay trong một cuộc đụng độ
giữa Trung Cộng với Philippines hay Nhật Bản, là những nước được hiệp ước an
ninh với Mỹ bảo vệ.
Về mặt kinh tế, Trung Cộng không cần phải có các căn
cứ quân sự mới làm gì. Ðường tiếp tế dầu khí và nguyên liệu cho kinh tế Trung
Quốc chưa bao giờ bị de dọa bằng vũ lực; mà nếu bị đe dọa thì các căn cứ mới
cũng không không ngăn cản được ai. Từ mấy chục năm nay Trung Cộng vẫn muốn chiếm
các mỏ dầu khí trong vùng; các nước khác vẫn phản đối; tình trạng giằng co này
sẽ còn kéo dài trong mấy chục năm nữa. Thế cân bằng quân sự của Trung Cộng
không mạnh hơn nhờ mấy phi trường mới vội vàng xây lên và sức mạnh pháp lý cũng
vậy. Phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Trung Cộng, Dương Vũ Quân, mới nói rằng họ lập
các căn cứ mới trên đảo để giúp cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ môi trường
và cứu nạn trên biển. Không ai tin rằng họ chỉ nghĩ đến việc phước thiện như vậy.
Cho nên, Trung Cộng không được lợi gì khi hấp tấp
xây dựng các căn cứ mới trên các hải đảo của nước ta, như đảo Gạc Ma, đảo Chữ
Thập. Ngược lại, họ tự gây ra nhiều điều bất lợi.
Tạo cơ hội cho phi cơ thám thính Mỹ biểu diễn bay
qua các phi trường mới xây là một bất lợi. Khi Trung Cộng bắn các tàu đánh cá
người Việt Nam, hay khi đem giàn khoan tới cắm trong hải phận nước ta, chính
quyền Mỹ không làm gì để phản đối cả. Ðáng lẽ Bắc Kinh nên tiếp tục khuyến
khích chính quyền Mỹ cứ đứng xa mà nhìn như vậy. Một tay cường hào đang lén lút
chiếm đất của hàng xóm thì tốt nhất không nên để cho cả làng, cả nước chú ý đến
việc mình làm. Gây sự khiến có người lên tiếng cảnh cáo, là dại. Trâng tráo nói
các hòn đảo mới chiếm là của mình, rồi bị bác bỏ, càng dại nữa. Người nào đã
nói lời bác bỏ đó, họ sẽ không thể ngoảnh mặt làm ngơ nếu tên cường hào ăn hiếp
lối xóm hung bạo hơn. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời Bành Quang Khiêm, giáo sư Học
Viện Quân Sự, đả kích Mỹ “từ ngàn dặm bay tới trước cổng nhà, khiến Trung Quốc
bắt buộc phải tự vệ!” Nhưng cả thế giới không ai tin luận điệu vừa ăn cướp vừa
la làng đó.
Mối bất lợi thứ hai là Trung Cộng đã khiến các nước
trong vùng bị đặt trong tình trạng báo động. Họ phải liên kết với nhau chặt chẽ
hơn. Philippines, Việt Nam, Nhật Bản và Australia. Càng có nhu cầu được cái dù
quân sự Mỹ che chở. Sau khi Trung Cộng xây các căn cứ mới, những cuộc tập trận
chung được tổ chức nhiều hơn, nhiều mặt hoạt động rộng hơn, so với trước năm
2014. Mỹ chính thức mời Nhật cùng bảo vệ vùng biển Ðông Nam Á. Phi cơ P-3C của
không lực Nhật Bản đã bay tới Ðà Nẵng lần thứ hai, sau khi Trung Cộng xây các
căn cứ mới.
Tóm lại, trong việc Trung Cộng xây thêm căn cứ quân
sự trên các đảo nhân tạo, lợi bất cập hại. Có phải giới lãnh đạo Bắc Kinh đã
hành động dại dột hay không?
Phải giả thiết rằng họ không dại dột. Họ đầy đủ
thông tin và đủ trí thông minh, nếu không hơn thì cũng không kém gì chúng ta. Họ
phải biết những hành động gây sự mới này chẳng được lợi bao nhiêu trong khi gây
nhiều hậu quả bất lợi.
Cho nên chỉ có thể giải thích những hành động “dại dột”
của Trung Cộng nếu công nhận họ có những mục tiêu đặc biệt mà người ngoài không
thấy.
Việc xây dựng các căn cứ quân sự vừa qua của Trung Cộng
có thể nhắm một mục tiêu nhỏ hơn các suy nghĩ của mọi người. Họ chỉ nhắm vào một
nước Việt Nam. Họ chấp nhận những phản ứng bất lợi từ nước Mỹ và Philippines,
Nhật Bản, trong một thời gian ngắn. Sau khi mục tiêu nhắm riêng vào Việt Nam đã
đạt được, Bắc Kinh vẫn có thể sẽ tỏ thái độ hòa hoãn, gây thiện cảm với các nước
này bằng cách khác, để xóa bỏ những phản ứng xấu họ mới gây ra. Bắc Kinh chỉ cần
ngưng các lời lẽ hiếu chiến đối với Tokyo và Manilla trong nửa năm thì cả chính
quyền Mỹ cũng được thoa dịu, coi như Trung Cộng đã lùi bước.
Nhưng riêng với Việt Nam thì khác. Trung Cộng đã củng
cố những hòn đảo chiếm được của nước ta ở Hoàng Sa và Trường Sa. Họ muốn tình
trạng đó càng ngày càng được phơi bày trước thế giới một cách rõ ràng, cụ thể,
hiển nhiên hơn. Họ muốn đặt dân tộc Việt Nam trước một “sự đã rồi” rõ ràng, chặt
chẽ, hơn, khó tháo gỡ hơn. Trung Cộng sẽ phân trần với cả thế giới rằng họ
không có ý khiêu khích Mỹ hay Nhật, không muốn “thay đổi nguyên trạng” trong cả
vùng Ðông Nam Á,” liên can đến các nước khác. Họ sẽ chứng tỏ với mọi người rằng
họ chỉ muốn “củng cố nguyên trạng” tại các hòn đảo đã cướp được của Việt Nam,
trong viễn tượng một tương lai lâu dài và không thể đảo ngược lại.
Ðể biện minh cho hành động này, Trung Cộng chỉ cần
trưng ra một lần nữa những thứ như bức công hàm của Phạm Văn Ðồng năm 1958, các
sách giáo khoa và bản đồ do Cộng Sản Việt Nam ấn hành từng công nhận các quần đảo
trên thuộc chủ quyền của Bắc Kinh. Khi Ðảng Cộng Sản Việt Nam không dám có một
hành động nào mạnh hơn những lời phản đối chiếu lệ như trước đây, thì tình trạng
“ván đã đóng thuyền” càng ngày càng khó đảo ngược. Nước Việt Nam sẽ tiếp tục bị
cô lập. Các nước khác sẽ không có lý do nào, và cũng chẳng có quyền lợi nào, để
phản đối mối quan hệ bang giao giữa Trung Cộng với Việt Nam, trong khi hai Ðảng
Cộng Sản vẫn song ca bài Bốn Tốt và 16 Chữ Vàng. Cuối cùng, việc xây dựng các
căn cứ và phi trường mới chỉ xác nhận cụ thể hành động bán đứt Hoàng Sa và Trường
Sa của Ðảng Cộng Sản Việt Nam mà thôi.
Tiến trình chứng tỏ “ván đã đóng thuyền” này đã được
tiến hành từ năm 1974 đến nay. Câu hỏi còn lại là tại sao giới lãnh đạo Bắc
Kinh lại thực hiện các công trình mới một cách gấp rút trong thời gian chưa đầy
một năm qua? Tại sao họ không tiếp tục đi từng bước nhỏ như trong bốn chục năm
vẫn làm, qua những việc thành lập quận Tam Sa; việc đánh, giết các ngư dân người
Việt; đưa giàn khoan lớn vào hải phận Việt Nam; hoặc lâu lâu ban hành các lệnh
cấm tàu đánh cá Việt Nam hoạt động?
Chỉ có một lý do, là Bắc Kinh lo ngại Việt Nam sẽ
thay đổi; và thay đổi nhanh chóng trước khi họ hoàn tất các biện pháp củng cố cần
thiết. Xây dựng các căn cứ quân sự mới là một việc cụ thể, cần thiết để xác nhận
chủ quyền của Trung Cộng.
Nhưng Trung Cộng có lo ngại chính Việt Cộng sẽ thay
đổi hay không? Ðiều này khó xảy ra. Ðạo quân tình báo Trung Cộng vẫn nắm chắc Ðảng
Cộng Sản Việt Nam trong tay. Giới lãnh đạo Việt Cộng vẫn tiếp tục để cho Trung
Cộng thao túng về kinh tế, chính trị, ngoại giao, không một cá nhân nào trong
hàng ngũ lãnh đạo Việt Cộng đủ sức thay đổi.
Cho nên, mối lo thực của Trung Cộng là cả chế độ Cộng
Sản Việt Nam sẽ tan rã và sụp đổ trước khi Trung Cộng củng cố vững chắc việc
mua đứt các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tình báo của Bắc Kinh cũng biết chế
độ Cộng Sản Việt Nam đang mong manh. Bất cứ một chính quyền mới nào ở Việt Nam
mà không thuộc Ðảng Cộng Sản cũng có thể thay đổi quan điểm đối ngoại. Ðặc biệt
là trong mối bang giao giữa Việt Nam và Trung Quốc, một chính quyền không Cộng
Sản có thể xóa bỏ trên danh nghĩa tất cả các cam kết đối với Trung Cộng, trong
đó có lá thư của Phạm Văn Ðồng. Khi đó, tất cả công trình của Ðảng Cộng Sản
Trung Hoa thực hiện ở Biển Ðông sẽ bị thế giới nhìn bằng con mắt khác.
Tóm lại, Trung Cộng không dại dột. Họ chỉ lo xa,
tính kỹ, “tiên hạ thủ vi cường” khi lo dân Việt Nam có thể thay đổi cuộc cờ,
không biết lúc nào!
No comments:
Post a Comment