Thu, 05/28/2015 - 09:34 —
Kami
"Phẩm hạnh và lòng tự
tôn quốc gia"là một khái niệm rất thiêng liêng nhưng cũng vô cùng gần gũi
với mỗi người, song ở Việt nam còn ít người để ý và quan tâm. Vì ít người biết
rằng, một khi phẩm giá của từng cá nhân được tôn trọng, tự khắc đất nước của
mình sẽ giữ được sự tự tôn.
Khi có dịp đến các quốc
gia trong khu vực, như Singapore, Malayxia, Thái lan và thậm chí cả Campuchia
hay Lào thì không khó các bạn có thể gặp rất nhiều những người Việt bỏ quê
hương xứ sở sang những miền đất ấy để kiếm ăn. Song qua ánh mắt của những người
này, bạn dễ dàng thấy rằng họ thiếu một vẻ tự tin khi họ là người Việt nam. Những
người Việt ở đó, họ làm rất nhiều nghề miễn là có tiền, có thể là buôn bán nhỏ,
lao động làm thuê trong các ngành xây dựng, hay bán hàng thuê... Khó có thể biết
rằng ở mỗi nơi đó có người Việt nam tất cả là bao nhiêu người, là hàng nghìn,
hàng vạn hay nhiều vạn. Song chỉ biết là nhiều lắm, đi đâu cũng thấy, cũng biết
qua giọng nói hay các biển hiệu ở các quán cũng như cửa hàng.
Thực ra, từ trước kia chứ
chẳng phải bây giờ, chuyện người ta đi ra nước ngoài để kiếm việc làm hay đi
làm thuê ở các nước giàu có là chuyện tương đối phổ biến ở các nước Đông Nam Á.
Hầu hết các nước nghèo ở khu vực này như Myanmar, Campuchia, Lào, Philippines,
Việt nam hay Indonexia thậm chí cả Thái lan một quốc gia được coi khá phát triển
so với Việt nam đều có người đi làm thuê ở các nước khác. Tuy nhiên đa số lao động
người Thái lan đi ra nước ngoài làm thuê là họ kén nghề làm việc, họ không làm
những nghề đơn giản, lương thấp như các công dân các nước khác trong khu vực
thường làm, ví dụ như như người giúp việc, trông trẻ.... Mà chủ yếu họ là những
lao động có tay nghề, được nhà nước đào tạo tham gia lao động trong các lĩnh vực
như nông nghiệp, xây dựng...
Sở dĩ có tình trạng như
trên vì Thái lan là một nước thiếu rất nhiều lao động, hàng năm Thái lan phải
thuê khoảng 4 triệu lao động phổ thông từ các nước Myanmar, Campuchia, Lào, Việt
nam. Với mức lương tối thiểu cho một lao động phổ thông là 300 baht/ngày (tương
đương 10$ Mỹ/ngày). Chính vì thế hầu như người Thái lan không chịu tham gia các
công việc lao động nặng nhọc như đánh cá, xây dựng... mà theo họ những công việc
đó để dành cho lao động từ các nước Myanmar, Campuchia.
Nếu hiểu, mọi người khi
đã sinh ra thì phải bươn trải kiếm sống để tồn tại, và sinh tồn là bản năng của
con người thì mọi chuyện sẽ là bình thường. Tuy vậy, trên cuộc đời này mỗi người
cũng có mỗi hoàn cảnh khác nhau, cũng bởi vì họ có các cơ hội khác nhau, đó là
điều người ta thường an ủi nhau cho rằng đó là số phận. Nếu nói như thế thì
chuyện người ta đi đây, đi đó kể cả ra nước ngoài để kiếm sống thì cũng là chuyện
bình thường không có gì đáng nói. Tuy vậy, trong một xã hội bất công, thiếu
bình đẳng và nhà nước không quan tâm đến cuộc sống của dân chúng như ở Việt
nam, thì điều đó hoàn toàn đúng như nó đã và đang xảy ra.
Gần đây người ta bảo, có
một nghề hình như là độc quyền và trở nên rất nổi tiếng của các cô gái Việt nam
thời bây giờ. Đó là nghề bán dâm hay còn gọi là nghề làm đĩ. Chuyện cánh đàn
ông Việt nam khi đi ra nước ngoài du lịch hay công tác, trong những cuộc nhậu
nhẹt hay trò chuyện vui vẻ, bạn thường được những người bản xứ giới thiệu một
vài địa điểm ăn chơi nổi tiếng như Geyleng ở Singapore, Beach Club ở Kuala
Lumpur, Patphong ở Bangkok... Đau lòng hơn là chuyện đó xảy ra cả ở Viêng
chăn hay Pnompenh là những quốc gia kém phát triển hơn Việt nam, và bao giờ người
ta cũng kèm theo câu quảng cáo "Ở đó con gái Việt nam nhiều, rẻ lắm
tha hồ mà chọn".
Mà đúng thế thật, phụ nữ Việt
nam bây giờ đã trở thành là nhân lực chủ yếu cho kỹ nghệ tình dục ở khu vực
Đông Nam Á. Bạn có thể dễ dàng gặp họ trong các phố du lịch đèn đỏ, trong các
quán bar, pub... hay các tiệm massage , kể cả trong các quán ăn. Đó là các cô
gái Việt nam ở độ tuổi 18-22, thậm chí chỉ là 15-16 tuổi nếu gặp ở Phnompenh
hay Viengchan. Qua tiếp xúc để trò chuyện những cô gái trẻ và đẹp ấy, được biết
họ là sinh ra và lớn lên ở những miền quê khác nhau ở Việt nam. Mỗi người
với mỗi hoàn cảnh khác nhau, song họ có mục đích chung là kiếm tiền để nuôi bản
thân và gia đình. Họ nói với chúng tôi rằng "Là con người, ai mà
không muốn ở nhà với cha mẹ, anh em và bạn bè. Nhưng nếu ở Việt nam những người
như chúng em biết làm gì để sống?". Nghĩa là họ đã không còn sự lựa chọn
khác.
Tất nhiên, là nhà báo thì
phải biết chuyện "Đừng nghe ca ve kể chuyện, đừng nghe con nghiện
trình bày", song cá nhân tôi thích cách đánh giá về những người phụ nữ
đó của nhà báo Tưởng Năng Tiến. Khi ông dẫn Nhà văn Alexander Solzhenitsyn, tác
giả các cuốn "Quần đảo ngục tù" (the Gulag Archipelago) khi nhắc
đến phụ nữ của nước Nga Xô viết, vào thời Stalin có viết rằng "Họ
là những người mẹ, người chị đã tảo tần thương khó để giữ cho dân
tộc này chưa đến nỗi bị diệt vong.". Vì tôi nghĩ rằng, những
con người đó họ không thể đánh mất đi bản tính chịu thương, chịu khó và thương
chồng thương con của người phụ nữa Việt nam. Đồng thời tôi tin rằng, nếu ở Việt
nam có một môi trường làm việc tốt, đồng lương kiếm đủ sống nuôi bản thân và
gia đình, thì tin chắc rằng những người phụ nữ đó sẽ không còn phải bỏ nước ra
đi để làm những nghề tủi nhục như vậy.
Ai đã từng đến Beach Club
ở thủ đô Kuala Lumpur đều được giới thiệu rằng “Beach Club này rất nổi
tiếng. Trước đây, toàn bộ là con gái Thái Lan làm việc. Sau đó, mấy cô
Philippines sang thay thế và chiếm lĩnh. Vài năm gần đây, là đến lượt mấy cô Việt
Nam đang làm chủ.”. Từ hiện tượng nói trên, câu hỏi được đặt ra một
cách nghiêm túc là "Nguyên nhân do đâu, việc phụ nữ Việt nam ra nước
ngoài để làm nghề bán dâm lại là chuyện hết sức phổ biến?" và"Ai
là người phải chịu trách nhiệm về tình trạng này?". Cũng như chuyện
người Việt nam trở nên nổi tiếng trong việc ăn cắp hàng trong các siêu thị ở Nhật
bản, ở Thái lan, ở Hàn quốc v.v...
Một điều ai cũng muốn biết
là vì sao ở các nước khác, kể cả các nước nghèo hơn Việt nam nhưng công dân nước
họ hầu như hoặc rất ít dính đến những việc xấu xa như vậy? Gần đây, nhà nước
Indonesia đã cấm phụ nữ nước này ra nước ngoài làm nghề giúp việc để bảo vệ “phẩm
hạnh và lòng tự tôn quốc gia”. Nên chăng VN cũng cần quan tâm để có các giải
pháp tương tự.
Nhiều người viện dẫn câu "Đất
lành chim đậu", để biện minh cho hiện tượng người Việt nam di cư
đi khắp bốn phương trời để kiếm sống, theo họ câu đó không chỉ để nói
về loài chim mà để nhắc nhở con cháu của mình muốn sống tốt thì hãy cố kiếm một
mảnh đất yên lành để sinh sống. Nhưng tôi vẫn tự hỏi, tại sao những người lãnh
đạo nhà nước Việt nam trong nhiều chục năm qua vẫn không làm đúng trách nhiệm
và bổn phận của một nhà nước tử tế, để biến Việt nam - một đất nước biển bạc, rừng
vàng để trở thành một miền đất lành để cho không chỉ loài chim mà để cả tất cả
những con dân nước Việt được trú ngụ yên ổn để làm ăn sinh sống? Để họ không phải
bỏ nước ra đi để làm những nghề bị người ta coi rẻ như hiện nay.
Các nước trong khu vực đã
lần lượt giải quyết xong và thành công vấn nạn này. Cách đây khoảng 20 năm,
chuyện người Malayxia đã từng phải ồ ạt vào Thái lan để làm thuê thì nay đã ngược
lại, khi kinh tế của Malayxia phát triển nhảy vọt thì người Thái lan (chủ yếu
là người theo đạo Hồi) lại sang làm thuê ở Malayxia. Đồng thời tình hình phụ nữ
Thái lan đi ra nước ngoài hành nghề mại dâm đã giảm đi rất nhiều. Có nghĩa là
việc đó hoàn toàn có thể làm được và làm thành công nếu kinh tế Việt nam phát
triển và nhà nước quan tâm chú ý đến những người này.
Đã đến lúc nhà nước Việt
nam cần coi trọng vấn đề "phẩm hạnh và lòng tự tôn quốc gia" của
người Việt nam để đề cao danh dự. Thiết nghĩ làm được việc đó thì mỗi người
Việt nam sẽ tự tin và tự hào vì tôi là người Việt nam.
Ngày 28 tháng 05 năm 2015
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không
thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
No comments:
Post a Comment