Tạp ghi Huy Phương
Sunday,
May 17, 2015 2:02:06 PM
Thế
nào là quảng cáo mà quảng cáo quá lố? Những người vào tuổi tôi, có thể đã trải
qua, ở tỉnh lỵ, buổi chiều sau phiên chợ tan, thường có những toán “Mãi võ Sơn
Đông,” chuyên bán thuốc cao đơn hoàn tán, trống kèn inh ỏi, để khuyến dụ người
qua lại, bọn trẻ con chúng tôi thường tò mò quây quần, tụ họp, không phải để
mua thuốc, nhưng để xem khỉ làm trò.
- “Nghe
đây! Nghe đây! Dầu này trị bá bệnh!”
- “Đàn
bà đau bụng chổng khu,
Xức vô
một tí xách cái dù đi chơi!”
- “Đàn
bà chồng bỏ chồng chê,
Xức vô
một tí, chồng mê về liền!”
Rõ ràng
là quảng cáo quá lố! Nhưng lũ trẻ chúng tôi không quan tâm và bà con cũng không
ai khiếu nại. “Đây anh Hai một chai, chị Tám hai chai!” Tin hay không tin là
“tùy người đối diện,” những tay múa võ, bán thuốc hoàn toàn không chịu trách
nhiệm. Khách hàng mua dầu “bá bệnh” của toán Sơn Đông cũng không thấy ai than
phiền, khiếu nại khi không xách được “cái dù đi chơi” hay chưa thấy ông chồng tệ
bạc trở về. Nhưng ngày nay, ở Trung Quốc, chỉ mới quảng cáo kem đánh răng, đã bị
phạt đến hơn $1 triệu. Đây là điều chúng ta cần để ý đến khi chúng ta đang sống
trong một thời đại mà quảng cáo “làm mưa làm gió,” không những trên đường phố
mà hiện diện ngay trong gia đình chúng ta mỗi ngày.
Tân Hoa
Xã đưa tin, một nhãn hiệu kem đánh răng do Từ Hy Đệ, “Đệ Nhất MC” của Đài Loan
làm người mẫu quảng cáo, mới đây bị Cục Công Thương Thượng Hải (Trung Quốc)
phán quyết là đã sai sự thật. Hy Đệ nói trong đoạn phim quảng cáo: “Chỉ cần một
ngày, răng đã trắng ra trông thấy,” nhưng theo điều tra của cơ quan trên, hình ảnh
người mẫu quảng cáo với hàm răng trắng bóng không tỳ vết là nhờ sửa chữa bằng kỹ
thuật photoshop, hoàn toàn không do hiệu quả mà loại kem đánh răng Crest Mica
mang lại. Theo đại diện của Cục Công Thương Thượng Hải, những mặt hàng sử dụng
hàng ngày không được quảng cáo sai sự thật.
Chuyện
photoshop là chuyện thường tình của lối quảng cáo bây giờ, “before” thì da
nhăn, đồi mồi, nám... qua một lần “ủi” của photoshop thành “after” vừa trẻ lại
10 tuổi và có làn da mịn màng. Nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần thì quen mắt,
cũng phải tin.
Để bảo
vệ cho quyền lợi của khách hàng (người tiêu thụ) chính tòa án tiểu bang
California vừa ra phán quyết, khẳng định người tiêu dùng khi mua hàng trên mạng
Internet, có quyền nêu nhận xét của mình về chất lượng dịch vụ của công ty cung
cấp món hàng liên quan. Đây là vụ án chưa có tiền lệ trong lịch sử tư pháp Mỹ
thời hiện đại.
Vào
Tháng Năm, 2013, hãng giày nổi tiếng Skechers phải bồi thường cho khách hàng vì
quảng cáo không đúng sự thật về sản phẩm của mình. Sau hơn 520,000 lời khiếu kiện
của khách hàng, tòa án buộc Skechers phải trả lại từ $40-$84 cho mỗi khách
hàng, tổng số tiền đền bù lên tới $40 triệu về loại giày đế mềm Shape-ups với lời
quảng cáo giày này giúp người mang giảm cân, tăng sức khỏe, làm lớn mông, và
săn chắc bắp thịt bụng. Quảng cáo này do người mẫu Kim Kardashian quảng cáo,
giày bán rất chạy nhưng sau đó hơn nửa triệu khách hàng đã than phiền vì hãng
đã quảng cáo “quá lố,” trong đó có khách hàng đã tốn thêm tiền để chữa bệnh đau
lưng do giày Shape-ups gây ra.
Từ Hy Đệ
sẽ trả số tiền phạt này hay chính công ty đã thuê mướn MC làm người quảng cáo để
ca ngợi sản phẩm phải trả. Công ty sản xuất đã trả tiền thuê mướn MC, danh ca,
nghệ sĩ và cả những nhân vật chính trị như ông Bob Dole (Viagra) vì biết rằng
những nhân vật này được lòng tin của quần chúng. Những người này được trả tiền
để nói, vì quảng cáo là một cái nghề thu nhập không ít, nên dù họ chưa bao giờ
dùng giày Shape-ups Skechers, kem đánh răng Crest Mica, dược thảo này, thuốc bổ
nọ, nếu được trả tiền, họ vẫn vui lòng nhận mình là người đang thực sự tiêu
dùng món hàng đó. Những lời nói này không có gì bảo đảm, danh tiếng, nhan sắc
hay học vấn không chứng thực lời “rao” của họ đáng tin cậy. Vấn đề là những
nhân vật này có bước qua nổi những lôi cuốn của tiền bạc, và giữ được sự lương
thiện hay không. Lương thiện ở đây là không chịu nói những lời dối trá.
Nếu có
một loại “thần dược” diệt được mầm mống ung thư, thì nhà sáng chế hay ông bác
sĩ này đã đoạt giải Nobel Y Khoa vẻ vang cho dân tộc Việt rồi, còn đâu những
ông mãi võ Sơn Đông khua chiêng đánh trống từ ngày này qua tháng nọ để bán thuốc!
Quảng
cáo quá lố có gây tai hại cho người tiêu dùng hay không?
Đi một
đôi giày quảng cáo “dỏm” có thể bị đau lưng mà thôi, nhưng uống một loại thuốc
quảng cáo “dỏm” có thể bị mất mạng, mà mất mạng từ từ, cũng không ai mổ xẻ để
giám định nạn nhân chết vì những thứ thuốc này không? Chúng ta thấy những người
trẻ ít tin lời quảng cáo, nhất là chuyện thuốc men. Trong khi đó chính người
già Việt Nam (trên 62 tuổi) là khách hàng tốt bụng và cũng là nạn nhân của loại
quảng cáo này.
Có một
điều quan trọng là quảng cáo mỹ phẩm quá lố có thể tàn phá một nhan sắc, quảng
cáo dược phẩm quá lố có thể giết một mạng người, nhưng có một thứ quảng cáo quá
lố có thể giết cả một thế hệ, đó là loại quảng cáo chính trị, là lời hứa hẹn đường
mật của các ứng cử viên hay các đảng phái cầm quyền. Việt Minh kêu gọi: “Đoàn kết
tất cả các tầng lớp nhân dân không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, già trẻ,
trai gái, miền ngược, miền xuôi... để đánh đuổi Nhật-Pháp làm cho nước Việt Nam
hoàn toàn độc lập.” Nhưng lúc chiếm được một nửa miền Bắc rồi thì chuyện “đoàn
kết tất cả các tầng lớp nhân dân” đã trở thành một loại mồm mép quảng cáo, phân
biệt bần nông với địa chủ, phát động phong trào đấu tố, tổng số người bị đấu tố
trong cải cách ruộng đất đã được thống kê là 172,008 người; số người bị oan sai
là 123,266 người, chiếm tỉ lệ 71.66%. Chùa nhà thờ thành nơi phơi lúa, ngô của
hợp tác xã, lòng người ly tán, con tố cha, vợ đấu chồng. Giành được nửa nước,
mang danh độc lập, nhưng mang súng đạn của Liên Xô, Trung Quốc về, xô đẩy hàng
triệu thanh niên ra chiến trường đi xâm lược miền Nam.
Quảng
cáo cho chuyện giải phóng, miền Bắc vẽ ra hình ảnh dân chúng miền Nam bị bóc lột
tận xương tủy, không có được cái bát ăn cơm, sau ngày “giải phóng,” để đem vào
một chục cái chén “ngang” rồi mang về một chiếc honda, vài cái “đài” lẫn “đổng.”
Miệng
lưỡi ngành tuyên huấn Cộng Sản cũng chẳng khác gì người khua chiêng gióng trống
Sơn Đông ngoài phiên chợ. Chính vì miệng lưỡi này mà hàng vạn vạn thanh niên miền
Bắc phải nát thân vì bom đạn, mang cái ảo tưởng đi giải phóng cho người, nhưng
chính thân mình thì sống dưới trăm tầng áp bức. Thành phần đầu não Hà Nội chủ
trương dùng xương máu của thanh niên Việt Nam để “đánh cho Liên Xô-Trung Quốc.”
“Độc Lập” nhưng thuần phục Trung Quốc, bán đất, nhường biển. “Tự Do” có nghĩa
là bịt mồm, chặn họng, bắt bớ giam cầm những người muốn có tiếng nói chính trực.
“Hạnh Phúc” phải chăng là bán sức, bán trôn khắp cùng bàng dân thiên hạ.
Quảng
cáo là tuyên truyền. Nói một lần nghe lạ tai, người không tin, lập lại trăm lần
cũng phải tin. Nếu chúng ta nói: Đừng tin những gì Cộng Sản nói, thì cũng phải
nói, đừng tin những gì người ta quảng cáo, hay ngược lại.
No comments:
Post a Comment