28.05.2015
Tiền, tiền, và tiền…Từ hàng nghìn năm nay tiền luôn
gắn liền với cuộc sống con người. Nó trở nên quen thuộc đến nỗi người ta coi sự
tồn tại của nó là hiển nhiên. Trong xã hội hiện đại này khó có thể tìm ra một
người trưởng thành không biết đến sự tồn tại của tiền, hoặc không biết cách sử
dụng tiền.
Thật ra, sự tồn tại của tiền hoàn toàn không tự
nhiên. Mặc dù không ai biết chính xác tiền xuất hiện từ khi nào, nhưng rõ ràng
nó là một khái niệm rất mới trong lịch sử tồn tại của loài người. Có thể nói
không ngoa rằng tiền là một phát minh vĩ đại nhất về mặt kinh tế của loài người
cho đến nay. Tại sao? Vì tiền là một thước đo chung của mọi loại sản phẩm và dịch
vụ. Với thước đo chung này, mọi thứ hàng hóa dịch vụ có thể được quy đổi thành
một con số và làm cho việc trao đổi chúng trở nên đặc biệt dễ dàng. Không có tiền
thì sẽ không có nền kinh tế hàng hóa, không có thị trường, không có khoa học
công nghệ và xã hội hiện đại.
Nhưng tiền không đơn thuần chỉ là… tiền. Với một bà
nội trợ khi đi chợ mua thực phẩm, tiền đơn giản là những mảnh giấy do ngân hàng
trung ương phát hành có mệnh giá nhất định (tiền mặt) hoặc tiền điện tử dưới dạng
thẻ ngân hàng (thẻ ghi có - debit, hoặc thẻ ghi nợ - credit). Với một nhà đầu
tư, tiền có thể là nhiều loại tiền mặt (do nhiều ngân hàng trung ương phát
hành), vàng, tiền gửi không kỳ hạn trong ngân hàng, tiền gửi có kỳ hạn, trái
phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu, các giấy tờ sở hữu (nhà cửa,
tài sản), các hợp đồng quyền chọn (option), các loại commodities (bạc,
nhôm, đồng, thậm chí gạo, lúa mì…) và vô số các công cụ tài chính phức tạp
khác. Các loại “tiền” này khác nhau ở tính thanh khoản và có giá quy đổi nhảy
múa từng giây từng phút trên các sàn giao dịch. Có thể nói, tiền trong xã hội
hiện đại là một sản phẩm do con người tạo ra và có quá trình tiến hóa hàng
nghìn năm, trở nên đặc biệt phức tạp và có tầm ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với
xã hội loài người hiện đại.
Và như vậy, để tìm hiểu một cách thấu đáo và đầy đủ
về tiền là một việc hoàn toàn không đơn giản. Rất may là phần lớn các tri thức
này đã được Niall Ferguson hệ thống hóa một cách khoa học và trình bày một cách
hấp dẫn trong cuốn sách mà quý vị đang cầm trên tay, cuốn Đồng tiền lên ngôi (The Ascent of Money).
Đồng tiền lên ngôi được mở đầu với một phần hướng dẫn bao quát về lịch sử của thế giới với sự
phát triển và suy tàn của nhiều mô hình xã hội sử dụng và không sử dụng tiền tệ.
Theo tác giả, tiền không đơn thuần là một phương tiện để phục vụ việc trao đổi,
giao thương. Với quá trình hình thành được dẫn ngược về các định dạng thô sơ nhất
của tiền tệ như những phiến đất sét từng được sử dụng cho việc ghi chép các hoạt
động nông nghiệp của khu vực Lưỡng Hà, tiền tệ còn được xem như là “vấn đề của
niềm tin, thậm chí là đức tin.”
Từ đó, tác giả dẫn chúng ta qua các chủ đề về hệ thập
phân và phương thức tính lãi, những khái niệm gốc rễ của tài chính hiện đại; sự
tham gia của người Do Thái trong lịch sử phát triển tài chính cùng hoạt động
cho vay nặng lãi và sau đó là sự đi lên của thế lực tài chính hùng mạnh Medici
tại Florence vào thế kỷ 14 và 15; ba phát minh cơ bản được thêm thắt vào mô
hình tài chính của nền kinh tế Italy: tiền tệ được tiêu chuẩn hoá, sự hình
thành của hệ thống phân đoạn dự trữ (fractional reserve banking), và độc quyền
phát hành giấy bạc ngân hàng của ngân hàng trung ương; sự hình thành, phát triển,
và suy tàn của hệ thống bản vị vàng (gold standard) để nhường chỗ cho một hệ thống
lưu hành giấy bạc ngân hàng dựa trên các khoản tiền gửi ngân hàng và tỷ giá hối
đoái thả nổi.
Chương 2 bàn về thị trường trái phiếu, các rentiers,
và lạm phát. Thị trường trái phiếu được cho là cuộc cách mạng vĩ đại thứ hai
trong sự lên ngôi của đồng tiền. Thị trường trái phiếu cho phép chính phủ và
các tập đoàn lớn thực hiện việc vay mượn từ một nhóm đối tượng rộng rãi và đa dạng
hơn ngân hàng. Thời kì Phục hưng của Italia và toàn bộ khối châu Âu, chiến
tranh được xem là thuỷ tổ của thị trường trái phiếu. Sự thành công mang tính lịch
sử của gia đình Nathan Mayer Rothschild chính là dựa trên sự khôn khéo và nhạy
bén trong kinh doanh và việc có một nguồn vốn cùng mạng lưới thông tin tốt hơn
nhiều so với những đối thủ khác.
Chương 3 đề cập đến các hiện tượng bong bóng trên thị
trường tài chính. Tác giả cung cấp một phần phân tích tổng quát cho lịch sử
phát triển của thị trường chứng khoán Mỹ trong giai đoạn 1979 đến 2008. Giai đoạn
này được lựa chọn để nắm bắt một cách bao quát nhất một chu kỳ từ suy thoái đến
sự hình thành bong bóng và điểm vỡ của bong bóng trong thị trường chứng khoán Mỹ.
Sử dụng sự nhảy vọt về hoạt động của thị trường chứng khoán trong giai đoạn
này, tác giả thể hiện được cổ phiếu, với chức năng là một kênh đầu tư vào các
công ty lợi nhuận cao, có tỷ suất lợi nhuận vượt xa trái phiếu.
Chương 4 được dành để bàn về rủi ro,bắt đầu bằng
khái niệm cơ bản về bảo hiểm với vai trò là một công cụ phòng chống rủi ro
trong tương lai. Tác giá chuyển tiếp đến lịch sử của ngành bảo hiểm hiện đại và
nguồn gốc của nó từ Scotland. Sự phát triển của ngành này được gắn liền với
Robert Wallace, Alexander Webster, và các nghiên cứu về các ý tưởng liên quan đến
xác suất, tuổi thọ trung bình, luật số lớn (law of large numbers), phân phối
chuẩn, độ thoả dụng, và phép suy luận Bayes.
Chương 5 nói về cuộc chơi bất động sản và các ảnh hưởng
của nó đến thị trường tài chính, bắt đầu với lịch sử của trò chơi Monopoly và sự
say mê của các nước phương Tây đối với bất động sản. Tác giả phân tích sự suy
tàn của tầng lớp quý tộc sở hữu bất động sản và sự ra đời của Chính sách Mới
(New Deal) cũng như khái niệm bảo lãnh thị trường vay thế chấp mua nhà.
Chương cuối cùng (Chương 6) mô tả quá trình toàn cầu
hóa nền kinh tế thế giới về thương mại và đầu tư, sự xuất hiện của các nền kinh
tế mới nổi, hay theo cách nói của tác giả là mới nổi trở lại (vì
thực tế là một số nền kinh tế này trước đây đã có thời kỳ đặc biệt hùng mạnh).
Quá trình toàn cầu hóa được mô tả với một lịch sử đầy bạo lực, với các cuộc chiến
tranh và sự áp đặt của người Âu lên các phần còn lại của thế giới, các vụ phá sản
ở quy mô quốc gia, và các tác động dây truyền đưa khủng hoảng cục bộ thành khủng
hoảng toàn cầu và sự xuất hiện của hai cuộc Chiến tranh thế giới.
Phần kết của cuốn sách là một phần viết đầy lắng đọng.
Tác giả tóm lược lại bằng ngôn ngữ cô đọng nhất lịch sử phát triển của tiền tệ
và hệ thống tài chính quốc tế, sự không bằng phẳng trong lịch sử của nó với quá
nhiều giai đoạn bùng nổ và đổ vỡ (boom and bust) cũng như nguyên nhân sâu xa của
hiện tượng này. Đây là phần viết đặc biệt thú vị với những người muốn có một
hình dung tổng quát nhanh chóng về nội dung cuốn sách. Nó cũng đi sâu hơn vào một
số vấn đề mang tính học thuật và cung cấp cho độc giả một tóm lược về các nghiên
cứu về kinh tế học và tài chính hiện đại.
Tiền tệ là một sản phẩm do con người tạo ra, và chỉ
để nhằm phục vụ con người. Lịch sử của nó, cũng giống như lịch sử của con người,
là một lịch sử mang tính tiến hóa. Lịch sử này là một lịch sử phát triển, nhưng
hoàn toàn không bằng phẳng hay chỉ toàn màu hồng. Nó là một lịch sử đầy những
biến động và thậm chí thấm đầy máu. Những sai lầm, đổ vỡ, các cuộc khủng hoảng
trong hệ thống tiền tệ, tài chính (và vì thế kinh tế) rõ ràng thể hiện rõ nét bản
chất con người trong đó. Với 400 trang sách, Niall Ferguson đã có một công
trình đặc biệt thú vị, giới thiệu được một bức tranh toàn cảnh của lịch sử này,
qua ngôn ngữ kể chuyện thú vị và các phân tích sâu sắc. Cuốn sách này xứng đáng
được đọc và chia sẻ bởi tất cả các bạn đọc Việt Nam quan tâm đến “tiền” – không
chỉ ở khía cạnh tiêu dùng nó như thế nào, mà đến cả câu chuyên sâu xa và lịch sử
đầy biến động của nó cũng như tầm ảnh hưởng khủng khiếp của nó đến đời sống
kinh tế hiện đại.
*Blog của Tiến sĩ
Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng
ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment