Trọng Nghĩa - RFI
Đăng ngày 31-05-2015
Liên
Hiệp Châu Âu, cũng như Đức và Anh vào hôm qua đã đả kích dữ dội « danh sách đen
» bao gồm 89 chính khách châu Âu, bị Nga cấm nhập cảnh để trả đũa lệnh trừng phạt
của Châu Âu nhắm vào Mátxcơva do vấn đề Ukraina.
Hôm 29/05/2015, danh sách này đã được chuyển đến các
đại sứ quán Nga, gồm nhiều cựu lãnh đạo chính phủ, quan chức quốc phòng cấp
cao, nghị sĩ, và những người chỉ trích chính sách của Mátxcơva.
Một phát ngôn viên ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu
Âu tố cáo một hành vi « hoàn toàn tùy tiện và phi lý », trong
bối cảnh Bruxelles không được thông báo về cơ sở pháp lý, tiêu chuẩn và quy
trình thiết lập danh sách này.
Bộ Ngoại giao Anh cũng đả kích một « danh
sách hoàn toàn không thể biện minh được », và chính quyền Nga « không
có bất kỳ cơ sở pháp lý để chính đáng hóa » quyết định của họ.
Về phần mình, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter
Steinmeier không che giấu thái độ bất bình : «Ít ra là họ (tức là Nga) phải
cho những người bị cấm visa biết vì sao, hoặc là công bố rõ danh sách này ».
Ngay ngày 29/05, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Ngoại
trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom đã tố cáo quyết định của Nga, trong lúc chính
quyền Bỉ đã yêu cầu Mátxcơva xem xét lại lệnh cấm.
Nga đã dự liệu trước các phản ứng bất bình. Vào tuần
trước, Đại sứ Nga bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu Vladimir Chizhov đã khẳng định rằng
không hề có chuyện một người nào đó bị đưa vào danh sách một cách ngẫu nhiên.
Nếu các chính quyền có phản ứng bất bình, rất nhiều
nhân vật bị Nga liệt vào danh sách đen đã tuyên bố rất hãnh diện, xem đấy là bằng
chứng cho thấy là các hoạt động chống lại chính sách của Putin đã có hiệu quả.
Theo các nguồn tin trùng hợp, có 4 người Pháp trong
danh sách này, hai người rất nổi tiếng là triết gia Bernard Henri Lévy, và Nghị
sĩ châu Âu song tịch Pháp Đức Daniel Cohn-Bendit, lãnh tụ phong trào đấu tranh
của sinh viên Pháp Tháng Năm năm 1968.
Tại Anh, số người bị Nga cấm nhập cảnh lên đến 9 người,
trong đó có Giám đốc cơ quan tình báo M.I5, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Anh,
cựu Phó Thủ tướng Nick Clegg hay cựu Ngoại trưởng Malcolm Rifkind.
Cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt và cựu Chủ tịch Nghị
viện Châu Âu kiêm cựu Thủ tướng Ba Lan Jerzy Buzek cũng nằm trong danh sách,
tương tự như đương kim Quốc vụ khanh Đức về quốc phòng Katrin Suder và Tướng
Karl Müllner, lãnh đạo cao cấp của Không quân Đức.
------------------------
BBC
31 tháng 5 2015
Liên
hiệp Âu châu phản ứng giận dữ về việc Nga ban lệnh cấm nhập cảnh đối với
89 chính trị gia, quan chức và quan chức quân sự của châu Âu.
Trong
số những người bị cấm được cho là có cả tổng thư ký Hội đồng EU, Uwe
Corsepius, và cựu Phó thủ tướng Anh, Nick Clegg.
Nga đã chia sẻ danh sách này sau khi các nhà ngoại
giao đã có một số lần đưa ra yêu cầu, EU nói.
EU gọi lệnh cấm là "hoàn toàn tùy tiện và
không thỏa đáng", và nói đã không hề có lời giải thích nào được đưa ra về
quyết định đó.
Nhiều người trong danh sách bị cấm là những người chỉ
trích mạnh mẽ Điện Kremlin, và một số người đã bị Nga từ chối trong những
tháng gần đây.
EU nói tổ chức này đã lặp đi lặp lại yêu cầu cung
cấp danh sách những người bị cấm, nhưng đã không nhận được gì cho tới tận bây
giờ.
"Danh sách gồm
89 người nay được giới chức Nga chia sẻ. Chúng tôi không có bất kỳ thông tin
nào khác về cơ sở pháp lý, về việc phân nhóm và quá trình đưa ra quyết định
này," một phát ngôn nhân của EU nói hôm thứ Bảy.
"Chúng tôi coi
biện pháp này là hoàn toàn tùy tiện và không thỏa đáng, đặc biệt là khi
không có những diễn giải chi tiết và sự minh bạch trong việc lập danh
sách," ông nói thêm.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Nga không xác nhận
danh tính những người bị cấm nhưng nói lệnh cấm là kết quả của các lệnh trừng
phạt mà EU áp dụng đối với Nga.
"Tại sao chính
xác những người đó có tên trong danh sách... là chuyện đơn giản - đó là câu trả
lời cho chiến dịch trừng phạt Nga mà một số nước thành viên của Liên hiệp Âu
châu áp dụng," quan chức giấu tên này nói với hãng tin Nga Tass.
Quan chức này nói Moscow trước đó đã khuyến cáo mọi
quan chức ngoại giao từ các nước áp lệnh trừng phạt lên Nga cần kiểm tra với
cơ quan lãnh sự Nga trước khi đi để được biết mình có bị cấm hay không.
Lệnh trừng phạt của EU được áp dụng sau khi Nga sáp
nhập vùng Crimea của Ukraine vào thành của Nga hồi tháng Ba 2014 và đã được
gia hạn giữa lúc giao tranh giữa binh lính chính phủ và các thành phần đòi ly
khai thân Nga vẫn tiếp diễn ở vùng Đông Ukraine.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hôm thứ Sáu nói với các
phóng viên rằng danh sách đã được chia sẻ với các quan chức ngoại giao EU và có
ba chính trị gia Hà Lan nằm trong danh sách này. Ông nói Hà Lan sẽ không tuân
thủ lệnh cấm bởi lệnh này "không dựa trên luật pháp quốc tế".
Các quan chức tình báo và quân sự Anh, trong đó có
Giám đốc MI5 Tướng Andrew Parker, cựu Giám đốc MI6 Sir John Sawers và Tổng tham
mưu trưởng quốc phòng Tướng Sir Nicholas Houghton được cho là cũng có tên trong
danh sách.
Cũng góp mặt trong danh sách là triết gia người
Pháp Bernard-Henri Levy, cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt và cựu quan chức phụ
trách lĩnh vực mở rộng EU Stefan Fule.
Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom nói nước bà
đã đòi Nga phải giải thích.
Có tám người Thụy Điển trong danh sách, trong đó có
Dân biểu EU người Thụy Điển Anna Maria Corazza Bildt.
"Tôi tự hào chứ
không sợ hãi và điều này càng làm tôi quyết tâm theo đuổi... Nếu Kremlin cứng rắn
với tôi và các đồng nghiệp thì điều đó có nghĩa là chúng tôi đang làm tốt công
việc của minh," bà Bildt nói với hãng tin AFP.
Cựu ngoại trưởng Czech, Karel Schwarzenberg, cũng
nói ông hài lòng thấy mình có tên trong
danh sách.
"Khi tôi thấy
tên mình (trong danh sách), tôi thấy mình có mặt trong
một câu lạc bộ rất chỉn chu. Tôi coi đây như một phần thưởng," ông được
hãng tin CTK dẫn lời.
Các
nước khác có quan chức bị liệt kê trong danh sách được biết gồm Ba Lan,
Latvia, Lithuania, Estonia, Đan Mạch, Phần Lan, Romania, Bulgaria và Tây Ban
Nha.
No comments:
Post a Comment