Sunday, May 3, 2015

Câu chuyện sách báo [thời cộng sản ngăn sông cấm chợ] (Lê Phan)





Lê Phan
Saturday, May 02, 2015 2:32:05 PM 

Có một người bạn, may mắn đi thoát khỏi Việt Nam trước khi chính quyền Cộng Sản vào chiếm Sài Gòn, có lần hỏi tôi, “Thế sau năm 75 thấy thiếu cái gì nhất?” Không cần suy nghĩ tôi trả lời, “Thiếu sách báo. Thèm vô cùng.” 

“Đường Cá Hấp.” (Hình: https://www.flickr.com/photos/13476480@N07/16921957050/)

Mà quả thật vậy. Sau một năm ở tù, nhà cửa bị mất, sách báo cũng theo mọi sở hữu khác của mình đi theo Việt Nam Cộng Hòa, những kẻ mọt sách như tôi thật vô cùng khổ sở.
Vào năm 1976, những quán sách ở đường Lê Lợi đã bị nhà nước dẹp, nhà sách Khai Trí đã bị đóng cửa, các nhà sách ngoại quốc khác như Xuân Thu, Bookshop không còn nữa, nhưng may thay cho những con mọt sách của Sài Gòn là còn con đường mà chúng tôi quen gọi là Đường Cá Hấp.

Con đường ngắn ngủi nối liền giữa Đường Ký Con và Đường Calmette, dài khoảng một hai trăm mét gì đó, thực sự tên là Đường Bùi Quang Chiêu (sau này bị nhà nước Cộng Sản không chấp nhận tên một kẻ bị coi là theo chân đế quốc Pháp, đã đổi sang thành Đặng Thị Nhu), nhưng dân “chơi” như chúng tôi thì gọi nó với cái tên cổ xưa là Đường Cá Hấp, hay đúng hơn là “Hẻm Cá Hấp” như cụ Vương Hồng Sển có nhắc đến.

Tuy chật hẹp và không mấy trật tự, con đường đó là thiên đường của những người dân Sài Gòn cũ. Một ông bạn kiểu “Tây con” còn bảo, “Đó là nơi dân Sài Gòn nay Catinater.”(Xuất phát từ tên Đường Catinat, tức là Đường Tự Do, chữ này chỉ việc đi dạo phố đường Catinat của thời xa xưa). Mà quả thật đến đó là thấy đủ bá quan văn võ, từ nhà thơ “Bùi Giáng” giả điên giả cuồng đến cụ Vương Hồng Sển. Người bán cũng đủ loại, từ những ông bà vốn làm lái sách ở bên Đường Lê Lợi chạy sang đến những tay mơ mới vào nghề như các nhà văn, nhà thơ của Sài Gòn cũ. Với cả nước đều thất nghiệp, hiện tượng mà dân Sài Gòn gọi là “sạch nhà, sạch phố” có nghĩa là ai cũng vác đồ nhà ra bán.

Con đường lúc nào cũng tấp nập bởi có lẽ người đi xem, đọc ké nhiều hơn là người đi mua. Ngoài những sách được bày bán bên ngoài, có một số sách thuộc loại “quốc cấm” được chủ nhân giấu trong nhà. Phải quen biết thì mới được đưa vào trong những căn phòng nhỏ, đầy mùi sách cũ, ẩm ướt, hơi mốc nhưng rất lý thú. Trong những căn phòng đặc biệt này là những cuốn như “Dr. Zhivago” của Boris Pasternak hay “The First Circle” của Aleksandr Solzhenitsyn.

Chen chân với những người Sài Gòn cũ còn có những ông “Tây” to lớn. Họ đủ cả, người Nga có, người Đông Âu. Dĩ nhiên lúc đó không còn ai thuộc thế giới tự do còn ở Sài Gòn cả. Tòa đại sứ Pháp có lẽ là tòa đại sứ Âu Châu duy nhất còn duy trì được nhưng họ đã tự bế quan tỏa cảng. Nhìn trước nhìn sau, họ lén lén mua một cuốn sách cấm, giấu vội vào trong áo, rồi bước vội ra ngoài. Có lần tôi tò mò hỏi ông bạn bán sách quen là làm sao họ biết mà đến. Ông này trả lời, “Họ giới thiệu cho nhau. Một người tìm được, những người khác đến nói là ông Ivan hay ông Peter nào đó giới thiệu tới.”

Cũng có lần tôi hỏi ông bạn này là vậy liệu có phải “thỏa hiệp” với công an không thì ông ta bảo cũng có nhưng chỉ với tên khu vực thôi. Tôi thắc mắc hỏi, “Bộ Công An không biết anh bán sách cấm sao?” Thì ông cười bảo, “May ra họ chẳng biết mình bán cái gì!”

Quả thật có lẽ của hiếm là của ngon. Chưa bao giờ thấy sách quý đến thế. Và cũng chưa bao thấy Sài Gòn lắm sách đến thế. Sách tiếng Anh nhờ ít khách nên lại rẻ. Sau khi đọc hết những tác giả quen thuộc, từ chuyện gián điệp đến chuyện trinh thám, từ sách khảo cứu đến sách giải trí thứ nào cũng có. Tôi còn nhớ một trong những khám phá lý thú nhất là Helen McInnes, một tác giả người Anh nhưng sống ở Mỹ chuyên viết truyện gián điệp. Điều lý thú nhất là bà là một tác giả chống cộng. Không có gì lý thú bằng ngồi ở trong xứ Cộng Sản mà đọc sách chống cộng.

Điều vừa vui vừa buồn nhất là khi thấy sách của chính mình ở ngay chợ sách. Một hôm đang lục trong đống sách cũ tôi bỗng thấy một cuốn sách quen quen. Đó là cuốn “The Diary of Anne Frank.” Lật vào trong còn thấy mấy lời của một cô bạn thân tặng cho hồi còn đi học ở trung học. Tôi vội mua cuốn sách về. Tiếc thay khi ra khỏi Việt Nam đã không mang theo được.

Nhưng sau một thời gian chấn chỉnh lại được tình hình, chính quyền dẹp Đường Cá Hấp. Một số chạy về bán trong nhà. Một số xoay sang bán sách mới nhưng nếu cần có thể hỏi sách cũ.

Chẳng bao lâu sau đến giai đoạn đánh tư sản của chính quyền. Đợt đánh tư sản lần đầu ngay tháng 9 năm 1975 thì tôi còn ở trong tù không biết nhưng đợt nhì bắt đầu từ tháng 3 năm 1978 là đợt mà tôi đã trải qua.

Thực ra đây là phong trào mà chính quyền gọi là “Cải tạo công thương nghiệp tư doanh” do ông Đỗ Mười đích thân chủ trì. Như tác giả Huy Đức đã viết trong Bên Thắng Cuộc “Sáng 23 tháng 3,1978, khi người dân Sài Gòn chưa kịp thức dậy thì trước những cửa tiệm, lớn có, nhỏ có, đã lố nhố từng tốp thanh niên, mặt mày nghiêm trọng. Họ chỉ chờ chủ nhà thức dậy là ập vào, kiểm kê, niêm phong hàng hóa và bắt đầu chốt giữ.” Và cũng trong buổi sáng hôm đó, báo chí cho đăng Quyết Định 341/QĐ-UB của chính quyền Sài Gòn, công bố chính sách mới: “Đình chỉ mọi hoạt động kinh doanh thương nghiệp của tư nhân; ra lệnh kiểm kê hàng hóa tồn kho; cấm các nhà tư sản làm nghề buôn bán và ‘khuyến khích’ họ chuyển sang sản xuất.”

Ông Huy Đức có nói rõ trong cuốn sách của ông về chính sách của ông Đỗ Mười là đánh không phải chỉ có tư sản mà đến cả tiểu thương, với mục đích nhằm xóa sổ mọi hoạt động kinh tế tư nhân ở miền Nam.

Về tình hình chung thì thế nhưng ở từng nơi một, vì chính quyền ra chỉ tiêu cho mỗi quận huyện phường xã phải “đánh được bao nhiêu tư sản” nên có nhiều chuyện cười ra nước mắt. Tôi có bà cô, nhà ở xóm nghèo, ông bà thuộc loại công chức thường nào giàu có gì cho cam. Nhưng vì “chỉ tiêu” ông bà cũng bị “đánh tư sản,” nhà cửa bị niêm phong, khổ sở mất mấy tháng trời, may mà chưa bị đuổi đi kinh tế mới.

Lúc đó tôi ở nhờ gia đình chị tôi. Bà chị tôi, đi ở tù về mất cả nhưng nhờ có một người giúp việc cũ còn ở lại nên không mất nhà. Cũng may lúc đó anh rể tôi, bác sĩ quân y, lúc đó chính quyền thiếu bác sĩ quá nên cho ông ấy về sau ba năm ở tù, rồi kêu đi làm lại nên được coi là “diện công nhân viên chức” không bị đánh tư sản. Thực ra, có lẽ vì chính mấy tên công an vẫn thỉnh thoảng chạy đến xin thuốc, nhờ chữa bệnh nên mới không bị quấy phá.
Có điều xóm giềng chộn rộn nên cũng lo. Trong nhà chả có gì nhưng quý nhất là kho sách mà chúng tôi đã “dày công” thu lượm ở Đường Cá Hấp và các nơi bán sách lậu khác. Thế là người ta lo giấu vàng giấu bạc chứ chúng tôi chỉ lo giấu sách. Mà giấu sách cũng phải, cứ mỗi ngày đi chợ là thấy mấy bà bán ve chai gánh từng gánh những sách vở của người ta bị “đánh tư sản” thật đau lòng. Cũng may là mấy anh cán bộ đánh tư sản không đốt sách chỉ đem bán ve chai nên mới còn. Nhiều khi đi qua, không cầm được, cũng sà vào lục lọi. Những cuốn sách, nhiều cuốn được bọc lại đẹp đẽ, gáy vàng, mà để cho các bà gói cá gói thịt thì thật đúng cảnh “Văn chương hạ giới rẻ như bèo.” Tôi còn nhớ đã “giải phóng” được một cuốn Nho Phong đóng bìa da.

Cuộc sống chật vật của những năm sau đó có lẽ cũng chịu đựng nổi phần là nhờ kho sách. Lúc nào chán đời quá thì lục sách ra đọc cho quên đời.

Thời gian trôi qua. Chế độ bị Liên Xô bỏ rơi, đói kém phải đổi chính sách. Dân Sài Gòn bắt đầu có giá lại. Và cuộc sống cũng đỡ dần. Từ khoảng giữa thập niên 1980 đến khi ra khỏi nước vào đầu thập niên 1990, không những chúng tôi có sách mới mà còn có báo nữa. Anh bạn hồi xưa buôn sách bây giờ có “đường dây mới” chuyên buôn các sách báo mới mà khách hàng bỏ lại ở các khách sạn hay là trên các chuyến bay. Vì là khách lâu năm, chúng tôi được đọc trước hết thành ra các tạp chí Time, Newsweek, The Economist, L’Express, có hàng tuần cập nhật. Báo thì khó hơn, nhưng thỉnh thoảng cũng vẫn có vài tờ Le Monde, International Herald Tribune. Còn sách mới nhất thì lúc nào cũng có. Best sellers thiên hạ bỏ lại, cũ người mới ta, đọc say mê.

Bởi quả đúng là “con người không thể chỉ sống nhờ bánh mì.” Tôi thì tôi tin là con người không thể sống nếu không có sách.






No comments:

Post a Comment