Tuesday, May 19, 2015

Bảy lý do Trung Quốc sẽ phát động một cuộc chiến từ nay tới 2017 (David Archibald)





David Archibald
Thứ ba, 12 Tháng 5 2015 17:16

David Archibald thuộc Viện Chính trị Thế giới (IWP) tại thủ đô Washington. Bài viết được đăng trên American Thinker. | Văn Cường dịch

Đâu là những nguyên nhân chính có thể dẫn đến một cuộc chiến do Trung Quốc phát động? Nhật Bản và Mỹ cần chuẩn bị những gì để đối phó nếu như kịch bản này xảy ra?

1. Tính chính danh của Đảng cộng sản Trung Quốc
Tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc dựa trên cơ sở sự cải thiện liên tục về các điều kiện sống của phần lớn người dân Trung Quốc. Trong trường hợp không có sự cải thiện về kinh tế, một số lý do khác phải được đưa ra nhằm làm cho người dân tập hợp xung quanh sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều này có thể giải thích cho việc bất ngờ xây dựng các căn cứ tại quần đảo Trường Sa bắt đầu vào tháng 10/2014.

Nợ công của Trung Quốc đã tăng từ 7.000 tỷ USD vào năm 2007 lên 28.000 tỷ USD vào năm 2014. Đây là khoản nợ của một nền kinh tế có GDP 10.000 tỷ USD/năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong vòng 7 năm qua chỉ đơn giản là được xây dựng dựa trên tài trợ của các khoản nợ. Nền kinh tế thực sự của Trung Quốc nhỏ hơn nhiều.

Chính phủ Trung Quốc nhiều khả năng thấy được nền kinh tế của mình đang thu hẹp và nhận ra rằng việc phát hành thêm nợ sẽ không có ảnh hưởng lên việc duy trì hoạt động kinh tế. Vì vậy, việc xây dựng các căn cứ đã được đẩy nhanh nhằm cho phép lựa chọn phát động chiến tranh của họ. Đây là vấn đề sống còn đối với giới tinh hoa lãnh đạo đảng. Họ đang đặt cược tất cả vào điều này. Nếu canh bạc này không phát huy tác dụng thì sau đó nhiều khả năng sẽ có một sự thay đổi chế độ khá hỗn loạn.

2. Vết thương chưa lành
Nhật Bản đã đối xử với Trung Quốc như dân tộc nhược tiểu trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai. Trước đó, Nhật Bản bắt đầu xử tệ với Trung Quốc bằng cách tấn công nước này vào năm 1895, không lâu sau khi Nhật Bản bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa. Tiếp theo đó là 21 yêu cầu của Nhật Bản đối với Trung Quốc vào năm 1915. Chính quyền Quốc Dân Đảng ở Trung Quốc bắt đầu xác định ngày Quốc nhục vào những năm 1920. Tiếp theo đó là sự kiện Mãn Châu (Mukden Incident) vào năm 1931 và Trung Quốc bắt đầu tham gia Chiến tranh thế giới thứ hai năm 1937.

Trong suốt thời kỳ nghèo khó của những năm tháng dưới chế độ Mao Trạch Đông, người Nhật Bản đã được tha thứ (về những hành động của họ trong Chiến tranh thế giới thứ hai). Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình là những con người thực dụng. Hai người đã nói rằng Nhật Bản không thể bị trừng phạt mãi mãi. Sự thịnh vượng của Trung Quốc gần đây đã cho phép xu hướng bài Nhật sống lại như một hình thức tôn giáo của nhà nước. Ngày Quốc nhục một lần nữa được xác định là ngày 18/9. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chỉ đạo truyền hình quốc gia nêu bật chủ đề về cuộc xâm lược của Nhật Bản. Ngày nay, 70% thời lượng "giờ vàng" của truyền hình Trung Quốc là các bộ phim về Chiến tranh thế giới thứ hai. Có ít nhất 100 bảo tàng ở Trung Quốc được dành để trưng bày kỷ vật về sự xâm lược của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Chế độ tại Trung Quốc đang tạo ra và duy trì tình cảm chống Nhật nhằm cho mình một lựa chọn để đi đến chiến tranh.

3. Được công nhận như là cường quốc số một
Trung Quốc là một dân tộc đầy tự hào. Người dân Trung Quốc thực sự phẫn nộ với thực tế rằng Mỹ được coi là quốc gia số một trên hành tinh. Trung Quốc cũng nhận ra rằng để được công nhận là số một, họ phải đánh bại quốc gia số một hiện tại trên chiến trường. Đây là lý do tại sao Trung Quốc sẽ không chỉ từng bước leo thang gây hấn. Nước này cần một cuộc chiến vì lý do tâm lý của riêng mình.

Điều này có nghĩa rằng Trung Quốc sẽ tấn công Mỹ vào cùng thời điểm mà nước này tấn công Nhật Bản. Do các cuộc tấn công bất ngờ nhiều khả năng thành công hơn nên cuộc tấn công của Trung Quốc sẽ là một cuộc tấn công bất ngờ vào các căn cứ của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, có lẽ còn xa hơn thế. Cuộc tấn công này nhiều khả năng sẽ bao gồm các cuộc tấn công mạng vào hệ thống tiện ích và thông tin liên lạc của Mỹ.

Trung Quốc đã cơ cấu lực lượng vũ trang của mình để có khả năng đáp ứng một cuộc chiến tranh ngắn, cường độ cao. So với bất kỳ quốc gia nào trên hành tinh này, Trung Quốc có thể là nước có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất cho chiến tranh. Nước này có dự trữ ngũ cốc đảm bảo tiêu dùng trong một năm và thậm chí có cả dự trữ thịt lợn chiến lược. Trung Quốc vừa lấp đầy dự trữ dầu mỏ chiến lược của mình với trữ lượng khoảng 700 triệu thùng dầu.

Cuộc chiến tranh của Trung Quốc không liên quan gì đến việc đảm bảo các nguồn tài nguyên hay duy trì an toàn cho các tuyến đường thương mại của họ. Một số nhà phân tích phương Tây đã đưa ra các quan điểm đó nhằm giải thích cho những gì mà Trung Quốc đang làm. Bản thân người Trung Quốc đã không đưa ra lời bào chữa nào. Đối với Trung Quốc, sự toàn vẹn lãnh thổ là trên hết. Điều đó là thiêng liêng và không phải là với lý do thương mại tầm thường.

4. Làm bẽ mặt các nước láng giềng
Tầm quan trọng của quần đảo Trường Sa và yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc là nó phân chia châu Á.

Trung Quốc tuyên bố rằng toàn bộ vùng biển nằm trong yêu sách của Trung Quốc là lãnh thổ Trung Quốc mà không phải chỉ là những hòn đảo. Khi Trung Quốc tìm cách thực thi tuyên bố đó, các tàu buôn và máy bay nước ngoài sẽ phải xin phép để đi qua vùng biển này. Các tàu chiến và máy bay quân sự không phải của Trung Quốc sẽ không được phép đi vào vùng biển này. Yêu sách của Trung Quốc mở rộng xuống tới 4 độ Nam, gần như tới đường xích đạo.

Quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là Việt Nam, nước sẽ bị bao bọc trong vòng 80 km của đường bờ biển của mình. Nhật Bản nhận ra rằng các tàu thuyền của mình từ châu Âu và Trung Đông sẽ phải đi xa hơn về hướng Đông trước khi chỉ hướng Bắc qua Indonesia và Đông Philippines. Singapore sẽ bị ảnh hưởng xấu do thương mại qua nước này sẽ không còn.

Nhật Bản sẽ trở nên tương đối bị cô lập do máy bay của mình sẽ phải hướng xuống qua Philippines tới gần xích đạo trước khi bay về phía Tây.

Trung Quốc xếp hạng các quốc gia trên thế giới trên phương diện sức mạnh tổng hợp quốc gia, điều mà người Trung Quốc xem là sức mạnh để gây áp lực. Đây là sự kết hợp của sức mạnh quân sự, sức mạnh kinh tế và sự gắn kết xã hội. Khi nó được thực thi, yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc sẽ gây rất nhiều áp lực lên các nước láng giềng của nước này.

5. Cửa sổ chiến lược
Các chiến lược gia Trung Quốc nhìn thấy một cửa sổ cơ hội chiến lược cho Trung Quốc vào đầu thế kỷ 21, mặc dù họ không công khai chỉ ra cơ sở của quan điểm đó. Tuy nhiên, chúng ta có thể làm rõ điều này. Thứ nhất, quan niệm chiến tranh là không thể tránh khỏi có ý nghĩa rất quan trọng để chiến thắng các trận chiến. Trong bối cảnh Trung Quốc được coi là có một nền kinh tế mạnh, đang tăng trưởng thì quan niệm về sự bất khả kháng này dẫn đến các cuộc phiêu lưu quân sự của Trung Quốc. Với nhận thức đó, Trung Quốc phải tấn công trước khi nền kinh tế của nước này thu hẹp do vỡ bong bóng bất động sản. Điều này giải thích sự gấp rút hiện nay của Trung Quốc trong việc xây dựng các căn cứ tại quần đảo Trường Sa.

Một vấn đề khác đặt ra với Trung Quốc là sự hung hăng và gia tăng chi tiêu quân sự đã làm cho các nước láng giềng của Trung Quốc phải tái vũ trang và thiết lập các liên minh. Sẽ là tốt hơn cho Trung Quốc nếu tấn công trước khi các nước láng giềng của mình vũ trang ngày càng lớn hơn.

Một khía cạnh cân nhắc khác là chu kỳ bầu cử tổng thống Mỹ. Tổng thống Obama được xem là một tổng thống yếu và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tấn công trước khi nước Mỹ có tổng thống mới. Chủ nghĩa thu hồi lãnh thổ đã mất của Trung Quốc và nhận thức về cuộc chiến sắp tới với Trung Quốc vẫn còn khá phổ biến trong giới quân sự Mỹ. Tổng thống Obama đã gây ra một số tranh cãi khi có một số chính sách không nhất quán dẫn đến hỗ trợ Trung Quốc. Trong khi một nền kinh tế mạnh là cần thiết để chống lại Trung Quốc thì chính quyền của ông Obama đang làm hết sức mình để bóp nghẹt nền kinh tế Mỹ với các quy định về cắt giảm lượng khí thải CO2.

Tổng thống Obama đã trải qua thời thơ ấu ở Indonesia và có thể đã chứng kiến rất nhiều thái độ bài Hoa (người Trung Quốc đã và đang là các thương gia và chủ tiệm thành công hơn) trong chính những năm tháng đầu đời. Cũng giống như thời thơ ấu của Valerie Jarrett ở Iran, điều này sẽ ảnh hưởng đến chính sách của ông.

6. Bệnh tự kỷ nước lớn
Đây là một thuật ngữ được tạo ra bởi chiến lược gia Edward Luttwak để mô tả một thực tế rằng Trung Quốc dường như không quan tâm gì về tác động của các hành động của mình đối với các nước láng giềng. Trung Quốc tự coi mình là trung tâm của thế giới và hoàn toàn nhìn qua lăng kính lợi ích của riêng mình. Điều này dẫn đến hệ quả thực tế là Trung Quốc không thể chấp nhận được khả năng của những điều không diễn ra theo cách mà nước này muốn. Luttwak cũng cho rằng người Trung Quốc phóng đại tư duy chiến lược của riêng mình.

7. Chủ tịch Tập Cận Bình
Mặc dù việc chuẩn bị cho cuộc chiến này đã được bắt đầu vào những năm 1980, song sự hung hăng gia tăng gần đây được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, người được coi là Thái tử đảng trong những năm đầu sự nghiệp, đã bị ấn tượng bởi cách cuộc chiến tranh với Việt Nam năm 1979 đã được sử dụng để củng cố quyền lực trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình đã tập trung được nhiều quyền lực hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Trung Quốc nào kể từ thời Đặng Tiểu Bình. Ông đang sử dụng chiến dịch chống tham nhũng để thanh trừng đối thủ chính trị. Được biết các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ chỉ cầm quyền trong vòng mười năm trước khi rời chính trường. Chỉ trong hai năm trên cương vị Chủ tịch nước, những người ủng hộ Tập Cận Bình đã làm dấy lên khả năng phục hồi vị trí chủ tịch đảng (từng bị bãi bỏ bởi Đặng Tiểu Bình nhằm không để tái hiện một Mao Trạch Đông khác) nhằm giúp Tập Cận Bình có thể tiếp tục cầm quyền từ vị trí đó. Chủ tịch Tập Cận Bình đã trải qua một thời kỳ khắc nghiệt làm cho ông trở nên cứng rắn qua những sự từng trải trong cuộc sống. Ở tuổi 15, ông được gửi đến sống và làm việc với nông dân tại một vùng quê khô cằn sỏi đá sau khi cha của ông bị thanh trừng. Ông sống trong một cái hang. Người chị của ông đã tự vẫn trước sức ép của lực lượng Hồng vệ binh.

Nhật Bản
Nhật Bản nhận thấy rằng cuộc chiến tranh này đang được đẩy về phía mình và nước này đang tiếp cận nó với sự tiên lượng trước. Nhật Bản coi cuộc chiến này là không thể tránh khỏi, mặc dù gần đây Thủ tướng Abe đã diễn ra yêu cầu gặp Chủ tịch Tập Cận Bình ở Indonesia. Cuộc gặp đã diễn ra căng thẳng do Chủ tịch Tập Cận Bình muốn hàng chục nghìn người dân đất nước của Thủ tướng Abe phải trả giá. Thủ tướng Abe đã phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ như là một phần của nỗ lực của ông nhằm đảm bảo rằng Mỹ và Nhật Bản sát cánh đối phó và đẩy lùi cuộc tấn công của Trung Quốc.

Mỹ
Mỹ tin rằng một trật tự thế giới dựa trên luật lệ cần phải được duy trì vì an ninh và thịnh vượng toàn cầu, trong đó có thịnh vượng của riêng Mỹ, vì điều đó dựa phần lớn vào thương mại thế giới. Vì vậy đối với Mỹ, cuộc chiến này sẽ xoay quanh việc duy trì sự tiếp cận đối với các lợi ích chung toàn cầu. Quân đội Mỹ đã không cập nhật cho công chúng nước này về tất cả sự chuẩn bị của Trung Quốc đối với chiến tranh, có lẽ bởi vì họ không muốn bị coi là làm leo thang căng thẳng. Tuy nhiên, quân đội Mỹ không còn nghi ngờ rằng Trung Quốc sẽ bắt đầu một cuộc chiến. Vấn đề chưa rõ chỉ là thời điểm.

Sự hung hăng của Trung Quốc hóa ra lại là may mắn đối với Hải quân Mỹ, một lực lượng trước đó đã thiếu một mối đe dọa đáng tin cậy và phải đối mặt với sự cắt giảm liên tục. Hiện có một xu hướng nhấn mạnh đến tính hiệu quả của các hệ thống vũ khí của đối phương. Người Trung Quốc có thể đã đọc được các báo cáo của Hải quân Mỹ về các hệ thống vũ khí của họ, điều có thể đã làm họ càng củng cố quyết tâm hơn nữa.

Cuộc chiến này sẽ được thực hiện như thế nào
Sẽ có hai chiến trường chính: Biển Hoa Đông ở phía Bắc của Đài Loan và Biển Đông ở phía Tây của Philippines.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku (lần cuối cùng bị Nhật Bản chiếm đóng khoảng 100 năm trước đây) và toàn bộ chuỗi Ryuku từ quần đảo Yaeyama ở cực Nam tới đảo Okinawa ở phía Bắc. Nếu Trung Quốc chiếm được quần đảo Senkaku, nước này cũng đồng thời có thể nắm giữ được quần đảo Yaeyama. Để đạt được điều đó, Trung Quốc đang xây dựng một căn cứ quân sự tại quần đảo Nam Kỷ cách quần đảo Senkaku khoảng 300 km về phía Tây. Căn cứ này có thể tiếp nhiên liệu với 10 đường bay cho trực thăng cất cánh. Điều này cho thấy cuộc tấn công khởi đầu sẽ do trực thăng thực hiện bay vượt trên các tàu tuần duyên của Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku.

Trung Quốc có một hạm đội tàu đánh cá khá lớn và tàu buôn với sức vận chuyển lên tới 70 triệu tấn. Nước này đã sử dụng đội tàu đánh cá của mình để quấy rối lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku và tới tận phía Đông quần đảo Osagawa, trong đó có đảo Iwo Jima. Điều này cho thấy các tàu đánh cá có thể được sử dụng để đổ bộ các lực lượng đặc nhiệm của Trung Quốc nhằm tấn công các căn cứ của Nhật Bản trên một phạm vi rộng, điều được coi là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến. Những lực lượng này sẽ được sử dụng như vật hiến tế để gây ra tình trạng lộn xộn tối đa nhằm làm nhụt chí lực lượng quốc phòng Nhật Bản. Ở phía Bắc, cách thức của Trung Quốc sẽ là chiếm giữ và cầm cự chống lại sự phản công của Nhật Bản và Mỹ.

Tại Biển Đông, Trung Quốc đang xây dựng 7 pháo đài khổng lồ và một đường băng. Các pháo đài được thiết kế với tháp pháo phòng không đứng ở các góc nhằm giúp mỗi tháp pháo đều có phạm vi hỏa lực ít nhất là 270 độ. Các pháo đài dường như được thiết kế nhằm tấn công trừng phạt với cường độ lớn và cầm cự cho tới khi chúng được giải vây. Trung Quốc sẽ thắng nếu vẫn giữ được các pháo đài này cho tới thời điểm cuối cuộc chiến.

Trung Quốc nhiều khả năng sẽ bắt đầu cuộc chiến ở phía Nam với các cuộc tấn công nhằm vào các căn cứ của các nước khác trong quần đảo Trường Sa cũng như các căn cứ của Mỹ tại khu vực về phía Đông tới tận đảo Guam. Một cuộc chiến kéo dài sẽ có hại cho Trung Quốc do trên tuyến đường tiếp vận từ đảo Hải Nam tới quần đảo Trường Sa, tàu thuyền và máy bay rất dễ bị tấn công. Việt Nam đã và đang nâng cấp hệ thống radar của mình và nước này hy vọng tất cả các nước tham chiến không phải Trung Quốc sẽ chia sẻ thông tin mục tiêu. Hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm (AWACS) của Mỹ tại Philippines sẽ có thể theo dõi các mục tiêu Trung Quốc được trao đổi từ phía Việt Nam. Singapore nhiều khả năng sẽ vận hành các máy bay F-15 của mình ngoài khơi vịnh Cam Ranh. Máy bay Trung Quốc sẽ ở vào cuối tầm bay khi tới được quần đảo Trường Sa.

Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đã nâng số lượng các căn cứ tại Philippines với mục đích gia tăng sức mạnh tấn công nhằm đánh bật Trung Quốc khỏi các pháo đài mới xây dựng của họ. Một số hệ thống vũ khí của Mỹ như tàu USS Zumwalt có thể sẽ phải được triển khai để đạt được mục tiêu này.

Trong bức tranh lớn hơn, Nhật Bản và Trung Quốc sẽ cố gắng để phong tỏa nhau, chủ yếu là bằng lực lượng tàu ngầm của mỗi nước. Hải quân Nhật Bản có chất lượng cao hơn Trung Quốc và rất nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến phong tỏa lẫn nhau này.
Ngành công nghiệp trên toàn châu Á sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến này. Đặc biệt, ngành công nghiệp Trung Quốc nhiều khả năng sẽ bị đình trệ nhanh chóng, điều mà cuối cùng sẽ dẫn đến bất ổn xã hội. Cuộc chiến càng kéo dài thì vị thế tương đối của Trung Quốc sẽ càng tồi tệ. Thịt sẽ biến mất khỏi khẩu phần ăn của người Trung Quốc. Đậu tương không bán được sẽ chất đống trong các kho của Mỹ.

Việc loại bỏ các căn cứ của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa sẽ cho phép một giải pháp hòa bình dành cho bất cứ ai cuối cùng cầm quyền ở Trung Quốc. Đây sẽ là một trong những cuộc chiến tranh vô nghĩa, ngu ngốc và hủy diệt nhất trong lịch sử, song đó là những gì đang đến.







No comments:

Post a Comment