Thursday, April 30, 2015

Vận mạng Tổng Thống Nga Vladimir Putin (Hà Tường Cát/Người Việt)





Vận mạng Tổng Thống Nga Vladimir Putin
Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)
Friday, April 24, 2015 6:41:21 PM
Các phân tích gia quốc tế có nhận định rất khác nhau về việc này vì trên căn bản, như bà Thủ Tướng Đức Angela Merkel đã từng nói: “Nước Nga không tuân theo bất kỳ nguyên tắc thông thường nào”.
Căn cứ vào mẫu mực  dân chủ Tây Phương, người ta thường cho rằng ông Putin khó có thể tồn tại lâu dài trước chống  đối  trong nước và khó khăn từ bên ngoài do chính sách  ở Ukraine.

Lập luận ấy chưa đủ thuyết phục, một phần vì thiếu thông tin khách quan, phần khác vì trải qua lịch sử, dân tộc Nga cùng nước Nga vẫn có nhiều xa cách và chuyển biến không giống như Tây Âu.

Do đó, dự đoán dứt khoát về vận mệnh của Tổng Thống Nga Vladimir Putin khó tìm thấy nơi các bình luận gia chính trị và chỉ có nhiều ở các  nhà tướng số.

Chẳng hạn một trong các người ấy,  Douglas Parker,  chiêm tinh gia Australia,  tự nhận đã có 30 năm kinh nghiệm bói toán. Ông nói rằng sao Thái Dương định đoạt sự nghiệp của  Putin suốt năm 2015 chịu tác động của Diêm Vương Tinh (Pluto), hành tinh mạnh nhất trên cung hoàng đạo, ở vị trí 90 độ, cùng với Hải Vương Tinh (Neptune)  ở 135 độ. Với những ảnh hưởng ấy, Parker kết luận là áp lực mạnh nhất từ cuối năm ngoái sẽ đạt tới cực điểm khoảng giữa tháng 7 – 8 năm nay và rất có thể Putin sẽ bị lật đổ khỏi chức vị Tổng Thống liên bang Nga lúc đó.

Như cách thông thường của khoa tử vi  Đông cũng như Tây, tính toán của Parker được điều chỉnh đối chiếu với quá khứ cuộc đời, để cho rằng Putin sinh vào lúc  9.30 giờ sáng ngày 7 tháng 10 năm 1952  tại Leningrad.  Điều ấy có nghĩa là dự đoán chỉ căn cứ trên giả thiết, nên nếu sai thì không phải do tiên tri dở, mà vì thiếu tài liệu chính xác.

Tài liệu chính xác không thể nào có, vì khai sinh ở Nga không ghi giờ. Ngoài ra theo những nguồn tin khác thì Putin sinh năm 1950 chứ không phải 1952 và nơi sinh cũng không phải là Leningrad.  Đừng quên rằng Putin đã từng là sĩ quan mật vụ KGB và cơ quan tình báo này có huấn thị cho các nhân viên không bao giờ được tiết lộ, công nhận hay phủ nhận, mọi  thông tin về cá nhân.

Gia nhập KGB sau khi tốt nghiệp đại học bộ môn luật dân sự năm 1975, Putin làm việc 15 năm trong ngành tình báo, hầu hết tại Đông Đức và dường như đã có thời gian  từ Berlin lén qua Tây Đức để tìm hiểu về những bí mật thương mại của các công ty Mỹ như IBM.

Năm 1990 Putin ra khỏi KGB trở về làm một phụ tá khoa trưởng ở đại học quốc gia Leningrad, sau đó tham gia chính quyền địa phương của thị trưởng Sobchak và lên tới chức phó thị trưởng đặc trách kinh tế.
Bằng kinh nghiệm học hỏi trong thời gian ở KGB cùng với khả năng cá nhân, Putin lập được thành tích ký kết tới 6,000 hợp đồng liên doanh với nước ngoài khi làm việc tại thành phố Leningrad lấy lại tên Saint Petersburg sau khi Liên Xô sụp đổ,

Năm 1996 thị trưởng Sobchak không tái đắc cử, Putin được gọi về Moscow làm việc ở điện Kremlin trong chính quyền Tổng Thống Boris Yeltsin và mau chóng thăng tiến tới chỗ được chỉ định làm giám đốc cơ quan FSB (Văn phòng An ninh Lliên bang), hậu thân của KGB.

Một số bình luận gia căn cứ vào quá trình của Putin, coi ông ta trước sau là con người  gốc gián điệp, một trùm mật vụ cộng sản nhiều bí ẩn và hành động tàn bạo đáng sợ kiểu KGB. Quan niệm  như thế quá thô thiển vì thực tế Putin có rất nhiều đặc điểm khác và phải coi ông ta là một nhà lãnh đạo lớn trong lịch sử nước  Nga.

Xuất thân từ một gia đình không phải đảng viên hay nhân viên cao cấp, Putin tiến thân rất nhanh bằng nỗ lực, khả năng cá nhân, sự thông minh, tinh thần thực dụng và chứng tỏ  là người rất am hiểu các vấn đề kinh tế xã hội của nước Nga. Mặc dầu bị cấm trong thời Liên Xô, ông đã được bí mật rửa tội theo Chính Thống Giáo và chính niềm tin tôn giáo là một thành tố quan trọng trong ý thức hệ của Putin về dân tộc Nga và nước Nga vĩ đại.
Ông cho rằng chế độ cộng sản Liên Xô là con đường mù và từng nói “Nước Nga không bắt đầu năm 1917 hay 1990 mà đã có lịch sử và văn hóa lâu dài hàng ngàn năm”.

Putin được Tổng Thống Yeltsin chỉ định làm Thủ Tướng và khi Yeltsin đột ngột  từ chức cuối năm 1999, ông trở thành quyền Tổng Thống theo hiến pháp. Chính sách cương quyết sử dụng vũ lực để ngăn chặn Chechnya ly khai khỏi liên bang và tiêu diệt loạn quân khủng bố Hồi Giáo khiến ông chiếm được tín nhiệm của dân chúng.

Tổng Thống liên bang Nga Vladimir Putin coi sự tan rã của Liên Bang Xô Viết là thảm họa địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 20. Ông hiểu rất rõ là không thể nào tái lập chế độ ấy, nhưng vẫn muốn phục hưng  vị thế, sự huy hoàng thời Liên Xô và bảo vệ đất nước rộng lớn của các Nga Hoàng. Putin cho giữ lại nhạc quốc thiều  Liên Xô nhưng đổi lời khác, và từ bỏ hẳn chính sách kinh tế hoạch định để cố gắng đi vào đường lối kinh tế thị trường.

Muốn hợp tác với Tây Phương nhưng Putin không ngần ngại bảo vệ chặt chẽ  lợi ích Nga đối với mọi ý đồ xâm lấn của Tây Phương. Năm 2008 khi Tổng Thống Mikhail Saakashvili có ý muốn gia nhập NATO, Putin can thiệp bằng việc đưa quân tới Georgia. Tuy vậy tất cả mọi hành động bá quyền khu vực ở Chechnya, Georgia hay Ukraine chỉ có phạm vì giới hạn và trong một thời gian ngắn. Đường lối ấy có lẽ thay đổi từ khi Putin trở lại nhiệm kỳ Tổng Thống thứ ba, và Tây Phương có thể đánh giá sai lầm là ông ta không còn nắm vững quyền lực trước nhiều phản ứng mạnh mẽ của đối lập ở quốc nội cùng với tình hình kinh tế khó khăn.

Nguyên nhân chính khiến Tổng Thống Yeltsin phải rút lui năm 1999 là tình trạng xã hội và  kinh tế  suy sụp, nhưng cũng có phần khác từ vai trò kém cỏi của ông trong chiến tranh Kosovo.  Nga không muốn NATO đánh đồng minh Serbia, liên bang Nam Tư cũ,  nhưng Tây Phương xem thường lập trường ấy. Khi chiến dịch oanh kích  không quân không đủ để Belgrade phải đầu hàng, Nga đứng ra  làm trung gian dàn xếp và được hứa hẹn sẽ góp một phần quan trọng trong lực lượng bảo vệ hòa bình ở Kosovo, Nhưng rồi không bao giờ quân đội Nga được giao nhiệm vụ ấy, có nghĩa Nga vẫn là nước bị NATO gạt ra ngoài lề và vị trí cường quốc thời cộng sản trong hậu bán thế kỷ 20 đã hoàn toàn mất hẳn.
Khủng hoảng trầm trọng khởi đầu từ Ukraine, quốc gia nằm ở vị trí trái độn giữa Nga và Liên Âu, và là con đường chuyển khí đốt, sản phẩm xuất cảng căn bản của kinh tế Nga, cung cấp đến thị trường Tây Phương. Với Nga, Ukraine quan trọng hơn nhiều so với Chechnya hay Georgia, những nơi Nga đã có hành động can thiệp bằng quân sự từ thời gian sau khi Liên Xô sụp đổ.
Ukraine là nước cộng hòa quan trọng thứ nhì sau Nga, một thành viên sáng lập Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết năm 1922, vựa lúa mì và trung tâm kỹ nghệ quốc phòng của Liên Xô. Sau năm 1990, Ukraine trở thành nước cộng hòa hoàn toàn độc lập nhưng còn nhiều liên hệ với Nga, đặc biệt là Nga vẫn duy trì căn cứ hải quân của hạm đội Hắc Hải ở cảng Sevastopol.
Nga không chấp nhận Ukraine xích lại gần  Liên Âu để thoát ra khỏi ảnh hưởng khống chế của mình, đồng thời cũng lo ngại an ninh bị đe dọa trong thế bao vây và tiếp cận với khối NATO. Do đó khi đầu năm 2014 các đảng phái chính trị ở Ulraine huy động quần chúng  biểu tình thúc đẩy thực hiện đường lối này, và cuối cùng đi tới việc lật đổ Tổng Thống  Viktor Yanukovich, thì Nga bị đẩy tới chổ bắt buộc phài có phản ứng. Yanukovich đắc cử năm 2010 trong cuộc bầu cử dân chủ, thật ra không hẳn là bù nhìn của Nga, tuy nhiên chính sách thân Kremlin rõ rệt  là bảo đảm cho các lợi ích của Nga và sự duy trì Ukraine ở trong quỹ đạo Nga.
Những diễn biến kế tiếp là Nga sát nhập bán đảo Crimea, trực tiếp yểm trợ các phần tử ly khai nổi dậy ở các tỉnh miền Đông Ukraine và Tây Phương đưa ra một loạt các biện pháp trừng phạt Nga. Lấy lại Crimea là phù hợp với tinh thần dân tộc Nga, vì bán đảo này đã  chiếm của đế quốc Ottoman/Thổ Nhĩ Kỳ từ thời nữ hoàng Catherine Đại Đế năm 1783 và tới 1954 mới được Nikita Krushev giao cho Ukraine khi ấy chỉ là một nước cộng hòa trong khuôn khổ Liên Bang Xô Viết. Mặt khác vị trí địa lý của Crimea với các căn cứ quân sự trên bán đảo là nhu cầu chiến lược thiết yếu của nước Nga.
Sau khi tái sát nhập Ukraine, uy tín của Tổng Thống Putin lên tới trên 90% theo các thăm dò dư luận và những tiếng nói đối lập trong nội bộ Nga hầu như tắt lịm.
Tuy nhiên nội chiến xảy ra ở miền Đông Ukraine có lẽ không hẳn là chủ trương của Nga mà chỉ là tình huống không thể tránh của hoàn cảnh. Người ta biết rằng từ lâu, trọng điểm trong chính sách của Putin là làm sóng dậy lòng tự hào dân tộc và phục hồi vai trò cường quốc của nước Nga. Tuy nhiên là con người nổi danh về tính thực dụng, Putin hiểu rằng không thể làm tất cả mọi điều như ý muốn và chỉ giới hạn trong chừng mực khả năng hiện hữu. Người ta cho rằng Putin không có ý định mở rộng thêm lãnh thổ như kiểu các Sa Hoàng và do đó không có chủ trương xâm chiếm toàn bộ hay một phần Ukraine. Mục tiêu tối đa của ông ta ở Ukraine chỉ có thể tới chỗ đưa một số khu vực miền Đông, nơi có nhiều dân Nga, đi tới quy chế tự trị. 
Thị trường Nga mất ổn định qua một năm gánh chịu sự trừng phạt của Tây Phương, tuy nhiên về mặt chính trị và kinh tế nói chung, những biện pháp đó chưa tỏ ra có hiệu quả trong một tương lai gần. Nga trả đũa bằng việc cấm nhập cảng nông phẩm Tây Phương giúp sản phẩm Nga lên giá có lợi cho giới nông dân, nhưng sẽ ảnh hưởng đến cơ chế định giá.
Lệnh cấm vận khiến các công ty quốc doanh Nga không tiếp cận được các nguồn vay vốn quốc tế và vấn đề tái cấp vốn trở thành gánh nặng cho chính phủ. Nhiều dự án quốc tế của các công ty quốc doanh Nga phải bãi bỏ. Công ty dầu khí Rosneft đình hoãn kế hoạch liên doanh với ExxonMobil khai thác ở vùng Bắc Cực.
Tuy nhiên tình hình dầu mất giá gần đây lại là may mắn bất ngờ, vì nếu không có lệnh cấm vận từ một năm trước, nhiều công ty dầu khí Nga đã đổ tới khai thác ở miền Bắc Cực, và việc này chỉ có hiệu quả kinh tế nếu giá dầu ở mức trên $100/một thùng chứ không phải là trên $50 như hiện nay.
Các biện pháp trừng phạt chưa tỏ ra có thể làm Putin thay đổi chính sách đối ngoại và chỉ tác động nhiều đến thường dân. Tuy vậy người ta ghi nhận uy tín của Putin không sút giảm, vẫn còn trên mức 70% và không thấy có dấu hiệu công khai bất mãn của quần chúng hay các doanh nghiệp lớn gây áp lực với chính quyền.
Mặt khác, Putin đối phó bằng cách tìm kiếm những đối tác mới, chẳng hạn việc ký kết hợp đồng $400 tỷ cung cấp khí đốt cho Trung Quốc trong 30 năm. Nga cũng giải tỏa sự hạn chế bán vũ khí cho Trung Quốc, Iran, mở rộng hợp tác quân sự với Ấn Độ, Việt Nam, Ai Cập, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặc dầu không thể tin rằng Nga không bị khó khăn lớn do vụ khủng hoảng Ukraine, nhưng sẽ là quá sớm nếu cho rằng  Tổng Thống Vladimir Putin  không ở trong điện Kremlin ít nhất đến hết nhiệm kỳ năm 2016. 

No comments:

Post a Comment