Sunday, April 26, 2015

TƯỞNG NIỆM và KỶ NIỆM (FB Nguyễn Văn Tuấn)





25-4-2015

Tháng 4 năm nay giữa Úc và Việt Nam có một sự trùng hợp mang tính lịch sử. Úc kỉ niệm 100 năm ngày lính Úc và Tân Tây Lan đổ bộ lên bán đảo Gallipoli (Thổ Nhĩ Kì), gọi là Ngày ANZAC. Còn Việt Nam thì kỉ niệm 40 năm ngày “giải phóng miền Nam”. Đối với Úc, Ngày ANZAC là tưởng niệm sự hi sinh của lính Úc trong trận chiến mà Úc là phía chiến bại, còn đối với Việt Nam thì đó là ngày kỉ niệm chiến thắng. Nhưng quan sát hai nơi kỉ niệm ngày trọng đại đó làm tôi suy nghĩ Việt Nam nên thay đổi cách kỉ niệm trong tương lai: nên dành ngày 30/4 hàng năm để tưởng niệm những người lính và đồng bào của hai miền đã hi sinh trong cuộc chiến.

Hôm qua (Thứ Bảy, 25/4/2015) toàn nước Úc ngưng buôn bán nửa ngày để tưởng niệm 100 năm ngày quân đội Úc và Tân Tây Lan đổ bộ lên bán đảo Gallipoli của Thổ Nhĩ Kì đúng vào ngày đó năm 1915. Năm đó, liên bang Úc mới được 14 tuổi, tức còn rất non trẻ. Do đó, Úc rất muốn đóng góp cho thế giới, trước là chứng tỏ mình là công dân toàn cầu, sau là ngoại giao lấy tiếng. Lúc đó, Anh tuyên chiến với Đức và đồng minh của Đức là Thổ Nhĩ Kì. Mà, Úc và Tân Tây Lan là thành viên trong khối Commonwealth do Anh lãnh đạo, nên Úc và Tân Tây Lan tự động tham gia cuộc chiến. Anh giao cho haI nước non trẻ này nhiệm vụ đánh chiếm bán đảo Gallipoli.

Khi lính Úc và Tân Tây Lan đổ bộ lên Gallipoli thì gặp kháng cự dữ dội của quân Thổ Nhĩ Kì, mà lính Anh thì không có hỗ trợ. Thế là tưởng rằng sẽ chớp nhoáng đánh chiếm Gallipoli, nhưng cuộc hành quân trở thành một bế tắc. Cuộc chiến kéo dài đến 8 tháng, và hai bên đều bị thương vong lớn. Hơn 8000 lính Úc hi sinh trong thời gian đó! Cần nói thêm rằng năm đó quân đội Úc chiến đấu trong đơn độc, không có sự hỗ trợ của “mẫu quốc” Anh. Do đó, Ngày ANZAC thực tế là một ngày tưởng niệm sự thất bại về quân sự của Úc, tưởng niệm sự hi sinh của những người lính Úc.

Ngược lại, ngày 30/4 ở Việt Nam được xem là một ngày chiến thắng, ngày giải phóng miền Nam khỏi ách đô hộ của Mĩ Nguỵ. Nhìn chung thì đúng là ngày chiến thắng. Cũng là ngày thống nhất đất nước (dù trong thực tế, người dân của phân nửa đất nước chưa chắc muốn thống nhất). Tuy nhiên, nếu nhìn kĩ và theo thời gian, hai khái niệm “chiến thắng” và “giải phóng” dần dần được xem lại, và đã có nhiều ý kiến chung quanh câu hỏi “ai giải phóng ai” hay “ai thắng ai”. Thực tế hơn, nhiều người đặt câu hỏi: Về bản chất cuộc chiến đó tên gì? Anh em trong nhà đánh nhau, tức là nội chiến. Anh em trong nhà đánh cho người khác ở ngoài nhân danh chủ nghĩa ngoại lai, như vậy là cuộc chiến uỷ nhiệm. Dù là nội chiến hay chiến tranh uỷ nhiệm, thì người mất nhiều nhất và thiệt thòi nhất vẫn là dân tộc Việt Nam (sẽ nói thêm dưới đây).

Tuy nhiên, điều tôi thấy thú vị khi quan sát là cách mà hai nước tổ chức buổi lễ. Ở Úc, buổi lễ mang tính cách tưởng niệm hơn là kỉ niệm. Họ tưởng niệm những người lính đã ngã xuống trong chiến tranh. Họ làm một cách rất nghiêm chỉnh. Tất cả các bang trên toàn quốc đều chọn buổi sáng sớm (đúng vào lúc lính Úc đổ bộ lên đảo) để làm lễ tưởng niệm. Gần như tất cả các hàng quán, doanh nghiệp đều ngưng hoạt động trong buổi sáng ngày thứ Bảy 25/4, có nơi ngưng nguyên ngày, để dồn tâm trí vào ngày tưởng niệm. Đài truyền hình và truyền thanh thì trực tiếp tường trình buổi lễ rất trân trọng. Trân trọng nhưng không có màu mè, không có những bài diễn văn lên gân làm anh hùng, không có những buổi duyệt binh theo hình thức khoa trương. Trân trọng là thấm đẫm tính nhân văn. (Cái này tôi cảm nhận thật, buổi lễ làm cho một người ngoài cuộc như tôi còn cảm động, chứ không phải tôi nịnh gì cái đất nước này).

Còn ở Việt Nam thì làm hoàn toàn khác. Theo như báo chí mô tả thì năm nay sẽ có “hợp duyệt diễu binh”. Nhìn qua những hình thì thấy rất tiêu biểu cho những cuộc duyệt binh ở Bắc Hàn và Tàu. Thật vậy, nhìn qua bức hình những người mặc đồng phục màu trắng cầm cờ màu máu đỏ trong một rừng người tôi thấy quen quen. Đây chính là motif của Bắc Hàn và Tàu, nơi mà người ta thích lấy màu đỏ làm màu chủ đạo trong duyệt binh. Cái hình các nam và nữ quân nhân đi theo kiểu một chân đứng và một chân trên mặt đất cũng là motif của Tàu và Bắc Hàn. Có lẽ cái motif này xuất phát từ truyền thống thời Liên Xô, nơi thường có những cuộc duyệt binh để thị uy sức mạnh quân sự, nhưng cũng [có lẽ là] đe doạ phương Tây. (Có điều thú vị là các nước hùng mạnh như Mĩ chẳng hạn thì họ chẳng có (hay có thì cũng rất rất ít) diễu binh theo kiểu khoe vũ khí như Việt Nam, nhưng họ là vua buôn bán vũ khí. Đúng là có hiện tượng thùng rỗng kêu to ở đây). Liên Xô thì họ còn có khả năng đe doạ nước khác, chứ Việt Nam thì tôi không chắc là đe doạ ai.

Việt Nam nổi tiếng thế giới là nước đánh giặc giỏi, các nước trong vùng nể phục. Nói theo sử chính thống, có nước nào dám đánh và đánh bại các đội quân mạnh nhất nhì thế giới như Pháp và Mĩ. Chưa nói các thế kỉ trước đó, quân Tàu phải ôm đầu máu và tướng Tàu phải chui ống đồng về Tàu vì thất bại thảm hại ở Việt Nam. Nhìn như thế thì quả thật Việt Nam mạnh về quân sự.

Nhưng thú thật, nhiều khi tôi hơi nghi ngờ về sức mạnh quân sự của Việt Nam. Tính từ thế kỉ 20 trở đi, trong bất cứ cuộc chiến nào, quân đội Việt Nam cũng đều hi sinh rất nhiều, chắc chắn là nhiều hơn đối phương. Dĩ nhiên, có nhiều lí do về sự chênh lệch con số hi sinh, nhưng quan sát cuộc chiến xảy ra ở Tây Nam tôi thấy sự hi sinh như là “nướng quân”. Khi Kampuchea dưới sự hỗ trợ của Tàu đánh ta và giết RẤT NHIỀU thường dân và cán bộ ta, thì phía Việt Nam chẳng làm gì cả (có lẽ giới lãnh đạo họ bận?). Đến khi tình hình quá cấp bách, khi quân KPC đánh chiếm cả làng xã ta, thì Việt Nam mới bắt đầu ra quân. Nhưng họ để cho những người dân và lính mới đi trước, chứ quân chủ lực… đi sau. Hàng vạn lính Việt Nam chết, phần lớn họ chỉ mới tham gia quân đội có mấy tháng và chưa được huấn luyện tốt. Có thể nói rằng trong cuộc chiến đó phía Việt Nam nướng quân quá nhiều.

Ngay cả trong cuộc chiến với miền Nam và Mĩ, các tướng lãnh Mĩ cũng nói rằng Việt Nam nướng quân. Nếu con số thống kê đầy đủ (dĩ nhiên là chưa), số lính phe ta bị chết cao gấp 20 lần phe bên kia. Thật vậy, điều đáng nói mà tôi thấy ít ai đề cập đến là: Trong cuộc chiến đó, số người Việt Nam bị chết quá nhiều. Theo thống kê chưa đầy đủ thì số tử vong của các phe trong cuộc chiến là:
§  Miền Bắc: hơn 1.1 triệu lính;
§  Miền Nam Việt Nam Cộng hòa: hơn 300 ngàn lính;
§  Mĩ: 58 ngàn lính;
§  Hàn Quốc: khoảng 5 ngàn lính;
§  Úc: khoảng 500 lính.

Cái hình ảnh, cái ấn tượng quân đội Việt Nam hùng mạnh càng ngày càng làm nhiều người tự đặt ra nhiều câu hỏi. Nếu mình mạnh, sao không chiếM lại Hoàng Sa và Trường Sa? Nếu mình mạnh thì tại sao khi Tàu khiêu khích, chúng ta im lặng? Nếu mình tinh nhuệ thì sao mỗi lần tập trận là có vấn đề (như hai máy bay Su rớt gần đây)?

Do đó, tôi hơi nghi ngờ về sức mạnh của quân đội Việt Nam. Cứ mỗi lần về Việt Nam và máy bay đáp xuống phi trường TSN là tôi thấy buồn buồn. Những chiếc máy bay quân sự cũ kĩ, rỉ sét đậu trong phi trường trông rất thảm hại. Có khi thấy trực thăng được phủ bằng… vải. Mới đây, khi xung đột giữa ta và Tàu xảy ra trên biển, chúng ta mới biết rằng tàu hải quân, hải cảnh của ta rất cũ, chỉ bị Tàu nó đụng vào là biến dạng ngay. Tôi nhớ có lần một tàu hải quân Việt Nam sang thăm hữu nghị bên Tàu, báo Hoàn Cầu nó in hình tàu Việt Nam rỉ sét và mỉa mai nói “Tàu bè thế này mà họ vẫn còn chiếm đóng đảo của ta”! Do đó, khó có thể nói sức mạnh quân sự gì với những “hành trang quân sự” như thế. Thì ai mà không biết nước ta còn nghèo, nhưng muốn nói rằng quân đội Việt Nam hùng mạnh thì tôi nghĩ cần phải có thêm bằng chứng.

Nhiều khi chúng ta quen miệng nói theo tuyên truyền rằng ngày 30/4 là ngày miền Nam được giải phóng. Nhưng suy nghĩ lại xem: có thật sự giải phóng? Thông thường, giải phóng có nghĩa là làm cho người bị kìm kẹp thoát ra khỏi vòng cương toả của ai đó. Nhưng trong trường hợp miền Nam trước 1975 thì có ai kìm kẹp dân chúng đâu. Trong thực tế, người miền Nam sống tự do hơn đồng hương miền Bắc, và đó là một thực tế không thể chối cãi. Một thực tế khác là sau 1975 thì người miền Nam mới thực sự bị kìm kẹp. Nhìn như thế mới thấy hai chữ “giải phóng” có vấn đề. Có lẽ chính vì thế mà mấy năm sau này, danh từ “giải phóng” càng ngày càng ít được dùng hơn, và theo tôi đó là một tín hiệu tích cực.

Còn “chiến thắng”? Nếu nhìn chung, toàn cục, thì quả thật đó là một chiến thắng. Biểu tượng rõ ràng nhất là người Mĩ cuốn cờ rút khỏi Sài Gòn, và cờ Việt Nam Cộng hòa bị hạ xuống, thay thế bằng cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. (Ngày nay, có mấy ai còn nhớ đến cái “mặt trận” này?) Nhưng nếu nhìn kĩ vào chi tiết và những gì xảy ra sau đó, thì tôi thấy cần phải dè dặt với hai chữ “chiến thắng”. Mĩ họ không bao giờ nghĩ rằng quân đội họ thua trận; họ chỉ rút quân vì tình thế chính trị thôi. Còn phía ta, ngay cả Đại tướng Lê Đức Anh cũng thú nhận rằng:
“Việc chúng ta năm nào cũng nói đến việc thắng Pháp, Mỹ trong các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc thì có đúng không? Theo tôi là chưa đúng. Pháp, Mỹ đều là các siêu cường cả về khoa học, kỹ thuật, quân sự đến Liên Xô thắng được phát xít Đức cũng phải nể.
Thời điểm đó, mình thắng Mỹ làm sao được, mình là một nước nông nghiệp lạc hậu, chưa có vũ khí gì hết, không làm ra được 1 chiếc ô tô, xe máy. Đó là chúng ta bảo vệ được độc lập và Pháp, Mỹ phải rút quân. Sự thực như thế nào nói như thế, không được nói dối.”
(Trích phát biểu của tướng Lê Đức Anh trên báo Giáo dục Việt Nam 25/1/2012).

Chiến thắng gì khi mà xong cuộc chiến thì cả nước lâm vào cảnh khốn cùng, bị phía bên kia trừng phạt suốt 20 năm trời, và cuối cùng phải đi cầu cạnh chính cái kẻ mà mình đánh đuổi nó ra khỏi nước.

Hệ quả của cuộc chiến còn thê thảm hơn nữa. Nó đẩy đất nước vào nghèo đói triền miên. Cho đến nay vẫn còn nghèo. Cả triệu người bỏ nước ra đi bất chấp hiểm nguy. Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam có nhiều người bỏ nước ra đi như thế.

Do đó, tôi nghĩ kỉ niệm ngày 30/4 thì cũng nên kỉ niệm. Nhưng hình thức và cách làm cần phải suy nghĩ lại. Tôi không lặp lại những lời kêu gọi hoà hợp hoà giải dân tộc mà nhiều người đã nói (vì thấy đồng ý quá); tôi chỉ muốn nói rằng cần phải biến ngày 30/4 là ngày TƯỞNG NIỆM, chứ không phải kỉ niệm chiến thắng. Nên nhớ rằng ngoài số hơn 1.5 triệu lính của hai miền hi sinh, còn có 2 đến 5 triệu người dân hi sinh trong cuộc chiến. Chưa bao giờ trong lịch sử người Việt chết nhiều như thế. Đừng đổ thừa cho ngoại bang, mà hãy trước hết hỏi chính mình tại sao để chiến tranh xảy ra. Viết đến đây tôi chợt nhớ đến một tựa đề bài báo rất có ý nghĩa trên Việt Namexpress sáng nay, và tôi đồng ý: “Chiến tranh không bao giờ là ngày hội” (*). Không có một chuẩn mực đạo lí nào cho phép chúng ta ăn mừng trên những cái chết như thế. Thay vì ăn mừng, chúng ta nên dành ra một ngày để tưởng niệm những cái chết của người Việt trong cuộc chiến (như người Úc làm). 

N. V. T.
===










No comments:

Post a Comment