Friday, April 3, 2015

Thế giới có sẽ theo bước Thụy Điển không xài tiền mặt nữa? (Bernard Shusman - VOA)





Bernard Shusman  - VOA
Cập nhật: 04.04.2015 02:36

Tiền mặt chưa biến mất hẵn trong sinh hoạt hàng ngày, nhưng các công ty tài chính và thông tin lớn nhất đang tìm cách thay thế việc sử dụng tiền mặt bằng phương thức thanh toán qua các phương tiện thông tin liên lạc vô tuyến. Thụy Điển là nước tiên phong trong lãnh vực này với khoảng 85% đến 90% các giao dịch mua bán được thực hiện qua phương tiện điện tử. Hoạt động quả là lớn lao và đã có một số phản đối mạnh mẽ việc thay thế toàn diện tiền mặt. 

Tiền mặt là thứ mà người ta có thể giữ và dùng để mua bất cứ thứ gì hay xài cho bất cứ mục đích gì. Vậy thì có phải nó đang mất dần sự ưa chuộng trên thế giới?

Theo ông John Sheldon thuộc Nhóm Đổi mới công ty MasterCard, việc tiến đến một xã hội không còn dùng tiền mặt đang ngày càng tiến triển nhanh trên khắp thế giới, nhất là ở châu Phi. Ông nói:

“Họ có cơ hội bỏ qua các công nghệ hạ tầng hiện đang có châu Âu và Bắc Mỹ vì họ, cũng giống như Trung Quốc, có thể thông qua các bước để từ PC tiến đến điện thoại di động 4G. Các xã hội ở châu Phi, châu Mỹ Latinh, Đông Nam Á cũng có cùng cơ hội bỏ qua các công nghệ thanh toán để tiến thẳng đến điện thoại di động và thanh toán qua điện thoại di động thay vì qua tất cả các bước từ thẻ magstripe, con chip và các công nghệ khác. Vì vậy họ có thể tiến nhanh hơn nhiều.

Công ty MasterCard đã làm việc với Nigeria và Nam Phi từ lâu nay để giảm gian lận bằng cách sử dụng cái được gọi là công nghệ “chứng minh nhân thân” – cho phép thực hiện các giao dịch không bằng tiền mặt một khi người sử dụng thẻ được xác minh. Ông Sheldon giải thích:

"Tôi sắp mua hàng và chứng minh việc mua đó bằng ảnh căn cước của tôi, dùng bức ảnh đó để xác lập rằng đây là tôi. Nó thực sự chứng minh tôi, tìm mật khẩu của tôi và như vậy chứng minh rằng tôi đang ở đây và tôi đang tồn tại và vậy là tôi có thể mua hàng.”

Ở khắp các lục địa, người ta vẫn cứ tiếp tục in tiền. Nhưng theo Giáo sư Robert Hockett của Đại học Cornell thì không xài tiền mặt trong giao dịch mua bán là điều cần thiết ở nhiều nước. Ông nói:

“Thường khó mà tìm các dịch vụ ngân hàng, tìm được các tổ chức ở một địa điểm thuận tiện có thể đi đến đó gửi tiền hay gặp viên chức ngân hàng hay đại loại như vậy. Vì vậy cuối cùng thì thật là thuận tiện, kiểu như, có thể mang ngân hàng theo với mình, dưới hình thức một thiết bị điện tử duy nhất như điện thoại di động chẳng hạn.”

Ông Scott Shay, chủ tịch và là người sáng lập Ngân hàng Signature ở thành phố New York, cảnh báo một thế giới hoàn toàn không còn dùng tiền mặt. Ông nói:

“Một khi chúng ta tiến đến mức không còn chỉ tệ, không còn tiền mặt, trên cơ bản là mọi giao dịch mà bất cứ cá nhân nào thực hiện đều dễ bị theo dõi và thậm chí đáng lo ngại, kiểm soát hơn.

Vậy thì có thuyết phục công chúng hoàn toàn giao dịch bằng điện tử không? Bên ngoài trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Huda Alzeera người Bahrain phát biểu:

“Có thể thanh toán bằng phương tiện điện tử cũng tốt, khi mua hàng hoá trực tuyến. Cách đó thực sự tiện lợi cho toàn cầu hoá, bạn biết đó, mình có thể trả tiền trên mạng, và có thể mua hàng từ những nước khác nhau. Thanh toán điện tử tiện lợi. Nhưng tôi cảm thấy trong sinh hoạt hàng ngày có tiền mặt cũng tốt.”

Theo các chuyên gia về tiền tệ, các nước sử dụng tiền mặt chịu một phí tổn rất lớn – trong đó có chi phí in tiền, giữ an toàn tiền và phân phối tiền. Tuy nhiên cho dù ở Thuỵ Điển là nước gần như không xài tiền mặt, 2 phần 3 dân Thuỵ Điển nghĩ rằng mang theo tiền mặt là quyền của người ta.





No comments:

Post a Comment