Thursday, April 2, 2015

Nhìn Lại Sau 40 Năm (Vũ Hoàng Anh Bốn Phương - Tiếng Dân)





Vũ Hoàng Anh Bốn Phương  -   Tiếng Dân
01-04-2015     



Tháng 4 năm 1975 và tháng 4 năm 2015 đánh dấu 40 năm đất nước thực sự thống nhất. Tuy nhiên, bốn mươi năm đã trôi qua, chúng ta vẫn nghe tuyên truyền thế lực phản động bên ngoài đang tìm đủ mọi cách đánh phá đảng và nhà nước Việt Nam.

Nếu thực sự có thế lực bên ngoài chống phá đảng và nhà nước Việt Nam thì chúng ta phải tự hỏi, tại sao cái thế lực đó lại tiếp tục làm chuyện vô bổ, chống lại đảng và nhà nước Việt Nam, một quốc gia đã từng đánh đuổi hai đế quốc sừng sỏ là Pháp và Mỹ? Đảng và nhà nước Việt Nam đã làm gì 40 năm qua để cái thế lực bên ngoài đó tiếp tục đánh phá?

Thế lực bên ngoài đó là gì? Hay chỉ là một sự tuyên truyền láo liếu để làm cho người dân sợ hãi cái thế lực bên ngoài (không có thật) và mặc nhiên chấp nhận cho đảng và nhà nước Việt Nam tiếp tục chuyện bóp chết tự do dân chủ, độc tài lãnh đạo; tiếp tục đàn áp, bóc lột và cướp tài sản của đất nước để bỏ vào túi các vị lãnh đạo đang ở vị thế cầm quyền?

Bốn mươi năm qua, một thế hệ mới đã sinh ra và lớn lên trên một đất nước thống nhất và hoàn toàn thiếu vắng chiến tranh (ngoài cuộc chiến đánh Miên năm 1979 và Trung Quốc đánh Việt Nam vào năm 1979 và vùng đảo Gạc Ma năm 1988). Thế hệ này đang chuẩn bị để nắm những chức vụ quan trọng trong đảng và cơ cấu cầm quyền gọi là nhà nước Việt Nam. Liệu thế hệ này sẽ có một cái nhìn mới, dám thẳng thắng nhìn vào sự thật là nước ta thực sự yếu kém về nhiều lãnh vực, dân tộc ta đang bị Trung Quốc áp đặt nền đô hộ kiểu mới của thế kỷ 21? Liệu thế hệ này có dám thực hiện thay đổi toàn diện như sự thay đổi ở Nga, Đông Đức và các nước Đông Âu cũ để thoát khỏi sự đô hộ của Trung Quốc hôm nay? Liệu thế hệ này có đủ can đảm để chống lại khối bảo thủ đang tiếp tục đưa dân tộc vào vòng nô lệ của Trung Quốc hiện nay? Liệu thế hệ này có đầy đủ trí tuệ để nhìn rõ vấn đề của Việt Nam, của dân tộc và hướng giải quyết hay sẽ tiếp tục a dua với khối bảo thủ để tiếp tục làm giàu trên xương máu của dân tộc?

Người Việt Nam dù sống trong nước hay ngoài nước đều có cái nhìn khác biệt về những tranh chấp quyền lực hiện nay đang xảy ra trong đảng CSVN. Sự xuất hiện của trang mạng Chân Dung Quyền Lực càng chứng tỏ là sự tranh chấp quyền lực trong đảng càng ngày càng dữ dội. Nói chung có hai khuynh hướng nhận định về tình hình chính trị của Việt Nam hiện giờ.

Khối bảo thủ luôn luôn giữ vững lập trường làm nô lệ cho Trung Quốc để được độc tài đảng trị. Khối này được sự ủng hộ của những cá nhân (ngoài đảng hay trong đảng) đang được hưởng quyền lợi (quyền và tiền) và sẵn sàng bán đứng dân tộc nếu cần thiết để giữ những gì hiện có.

Khối “cấp tiến” nhìn rõ nhu cầu “thay đổi” và muốn thoát khỏi đô hộ kiểu mới của Trung Quốc. Tuy nhiên để làm chuyện này cần phải tóm lấy quyền hành và được sự ủng hộ của toàn dân. Tóm lấy quyền hành là điều đang xảy ra. Nhưng để được sự ủng hộ của toàn dân, khối “cấp tiến” này vẫn chưa có khả năng để thực hiện. Những lời tuyên bố của ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đầu năm 2014 nói đến cải cách thể chế, nói đến tự do dân chủ là chuyện phải xảy ra và cần xảy ra; hoặc gần đây, đầu năm 2015, ông Dũng nói về sự thông tin qua mạng là không thể cấm khi mà các quan chức nhà nước đều sử dụng mạng. Tất cả chỉ là lời nói suông, không đi đôi với việc làm. Hoặc chỉ nói để được sự ủng hộ từ khối “cấp tiến” thầm lặng để ông Dũng tóm lấy quyền hành lẹ hơn. Khối này được sự ủng hộ của phe “cấp tiến” đang hưởng lợi lộc trong cơ chế hiện tại và muốn diệt phe bảo thủ — mục đích để thoát Trung hay để độc quyền chia lợi là một câu hỏi lớn không có câu trả lời. Khối này cũng được sự “ủng hộ” của những nhà tranh đấu cho Việt Nam dân chủ với hy vọng là khối “cấp tiến” này thực sự thay đổi được Việt Nam trong tương lai.

Dĩ nhiên trong cuộc tranh chấp quyền hành này, những lớp người trẻ hôm nay đang nằm trong cơ cấu đảng và nhà nước sẽ lựa chọn một trong hai nhóm quyền lực này. Những người trẻ chọn nhóm bảo thủ, sẵn sàng làm tay sai cho Trung Quốc để được vinh thân phì da xin không bàn đến trong bài viết này. Đối với những người trẻ chọn phe “cấp tiến” cần phải can đảm nhìn vào thực tế của dân tộc mình đang đối diện trước thế kỷ 21 này.

Bốn mươi năm trôi qua, đất nước ta và dân tộc ta là một đất nước hỗn loạn trong nền hòa bình giả tạo. Giả tạo bởi đảng và nhà nước Việt Nam vẫn tuyên truyền là thế lực bên ngoài đánh phá làm cho cái nền hòa bình hiện có trở thành giả tạo. Những người Việt Nam đấu tranh cho những bất công tại Việt Nam, đấu tranh chống lại sự bành trướng thế lực của Trung Cộng tại Việt Nam thì bị đi tù, bị gán cho tội danh của bộ luật 79 (âm mưu lật đổ chính quyền), 88(tuyên truyền chống nhà nước), 245 (gây rối trật tự), và 258 (lợi dụng quyền tự do ngôn luận).

Sự hỗn loạn của đất nước được nhìn qua hai khía cạnh. Người dân đã được giáo dục để trở thành những người vô cảm, sẵn sàng đánh đập và giết cả người tình nghi trộm chó; hoặc trói người trộm gà, bịt mắt lại, cởi áo ra để tạt nước lạnh giữa mùa đông của miền Bắc. Người dân trở thành vô cảm khi những người dân oan đi biểu tình để đòi lại đất, đòi lại nhà, đòi xét lại vụ án oan cho con mình nhưng không nhiều người cùng tham dự những cuộc biểu tình đòi hỏi trên bởi — không phải đất, nhà của mình và không phải là con của mình bị tù oan. Người dân trở thành vô cảm cho nên xem chuyện cướp giựt tài sản của người khác bằng nhiều thủ đoạn là chuyện bình thường. Người dân trở thành vô cảm có thể đánh đập hay giết chết ai đó vì một lý do nào đó mà một mạng người rẻ hơn những gì mà người giết nhắm đến.

Người dân như thế còn quan thì như thế nào? Quan thì có nhiều hạng lắm. Quan to, quan nhỏ, quan địa phương. Tất cả đều mang căn bệnh vô cảm. Chỉ có những người vô cảm mới sẵn sàng đánh đập người dân của mình khi người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận ghi rõ trong bản hiến pháp của Việt Nam. Chỉ có những người vô cảm mới bán cả đất nước, bán cả dân tộc để độc quyền lãnh đạo, độc quyền ăn trên ngồi trước và đưa con cháu mình vào vị thế lãnh đạo dù có tài hay không có tài. Chỉ có những người vô cảm nên mới đưa nhân viên công an mặc thường phục vào những đám ma của những người tù lương tâm hoặc thân nhân của người tù lương tâm để gây rối trật tự. Chỉ có những người vô cảm mới đưa ra những bản án tù mà không cần biết cá nhân đó có tội hay không có tội, bộ luật kết tội có hợp hiến pháp hay đi ngược lại hiến pháp. Chỉ có những người vô cảm khi cho rằng cảnh sát giao thông nhận tiền vài trăm không phải là hối lộ, tham nhũng. Chỉ có những người vô cảm mới kêu gọi người dân đánh cá giữ biển còn bản thân của nhà cầm quyền cung cúc phục vụ quan thầy Trung Quốc, không dám có những biện pháp mạnh đối với Trung Quốc. Khi dàn khoan Trung Quốc kéo vào bờ biển của VN trong năm 2014, Quốc Hội bù nhìn của VN không đưa ra một thông cáo nào về sự xâm phạm lãnh hải này. Chỉ có những người vô cảm mới lơ là trước những tố cáo có bằng chứng cho sự tham nhũng qua những bất động sản kết sù từ những quan chức cao cấp trong đảng mà trang mạng Chân Dung Quyền Lực đưa ra. Chỉ có những người vô cảm tình nguyện làm dư luận viên dùng những từ ngữ vô văn hóa để nói sai sự thật của những người đấu tranh cho một tự do dân chủ của Việt Nam; nói lên những điều mà một người có lòng tự trọng sẽ không dám nói bởi thế giới của hôm nay là thế giới mở, mọi gian dối dù trong lời nói sẽ bị phát hiện của nhiều người. Chỉ có sự vô cảm người ta mới sẵn sàng môi giới cho phụ nữ Việt Nam trần truồng để người Đại Hại chọn làm vợ. Chỉ có sự vô cảm người ta sẵn sàng đưa những phụ nữ Việt Nam qua Trung Quốc hay các quốc gia lân cận để bán thân dưới danh nghĩa lao động nước ngoài để lấy tiền môi giới mà không cần biết số phận của các phụ nữ này sẽ ra sao.

Tất cả những sự vô cảm trên được lớn mạnh, càng ngày càng nhiều sau 40 năm đất nước thống nhất. Kết quả là xã hội Việt Nam là một xã hội mất văn hóa, mất đạo đức, đang bị sự thống trị kiểu mới của Trung Quốc mà người dân không biết, hay biết nhưng vẫn lặng thinh chấp nhận sự thống trị kiểu mới này.

Trong khoảng 40 năm qua, kinh tế của đất nước vẫn thua xa những nước trong vùng như Mã Lai, Thái Lan, Nam Dương, Nam Hàn. Theo sự nhận định của tờ báo thương mại Forbes — đánh giá các nước trong việc làm ăn thương mại tốt, dễ dàng trong năm 2014 thì Việt Nam đứng hàng thứ 111 trong khi đó Nam Hàn đứng thứ 32, Mã Lai đứng thứ 37, Thái Lan đứng thứ 62, Nam Dương đứng thứ 77, và Phi Luật Tân đứng thứ 82. Nghĩa là các công ty vẫn thích đầu tư vào những quốc gia khác trong vùng hơn là Việt Nam bởi do cơ chế độc tài, tham nhũng từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên cho nên sự thu lỗ trong đầu tư sẽ cao hơn với những quốc gia khác.

Bốn mươi năm qua, đất nước đào tạo những tiến sĩ mà khả năng lý luận, suy nghĩ và đánh giá sự kiện thua một sinh viên tại các quốc gia khác trên thế giới, và thua cả sinh viên Việt Nam, những người đã trưởng thành trong tri thức của mình trước sự tiến hóa của thế giới ở thế kỷ thứ 21 hiện nay. Ông Tiến Sĩ Nguyễn Hữu Tri, Viện Phó Viện Xã Hội Học và Khoa Học Quản Lý, cho rằng chạy chức chạy quyền trên thế giới này rất nhiều và đưa thí dụ Tổng Thống Obama của Mỹ đã chạy chức chạy quyền để vào Tòa Bạch Ốc. Từ thí dụ này — ông đưa đến kết luận là chuyện chạy chức chạy quyền tại Việt Nam cũng là điều dễ hiểu (hợp lý hay chăng?). Thực tế thì chuyện  chạy chức, chạy quyền tại Mỹ vào Toà Bạch Ốc hoàn toàn không có. Chuyện tranh cử ở Hoa Kỳ là chuyện minh bạch, mỗi cá nhân có thể ủng hộ ứng cử viên của mình bằng cách bỏ tiền (số tiền bỏ vào có sự quy định của luật pháp) vào quỹ tranh cử để ban vận động tranh cử của ứng cử viên chi phí trong việc vận động tranh cử, chứ không phải đưa tiền ai đó trong cơ cấu cầm quyền để được mua chức mua quyền như ông tiến sĩ (giấy) này nói. Đây không phải là hình thức bỏ tiền ra để mua chức mua quyền như tại Việt Nam. Một điểm khác biệt rất quan trọng mà ông tiến sĩ này hoàn toàn không biết, hay cố tình không biết, thì tại các quốc gia dân chủ (Hoa Kỳ là một thí dụ), cá nhân có tiền rồi sau đó mới bỏ tiền túi ra để thành lập ủy ban vận động tranh cử, đưa ra những sách lược với mục đích thắng cử vào vị thế lãnh đạo — nhằm mục đích để phục vụ người dân và nhận đồng lương thấp hơn tiền làm ăn cá nhân. Còn tại Việt Nam, cá nhân bỏ tiền ra để lo lót cho cán bộ với mục đích mua chức mua quyền và từ cái chức quyền đó tha hồ tham nhũng để lấy lại số tiền bỏ ra và làm giàu trên chính xương máu của người dân. Một bên để phục vụ dân và một bên để bóc lột dân.

Bốn mươi năm qua đảng CSVN và nhà cầm quyền Việt Nam không hề phục vụ người dân mà bắt người dân phục vụ đảng, bắt người dân phục tùng những gì đảng muốn và nếu đi ngược lại điều đảng muốn thì sẽ bị đi tù. Bốn mươi năm qua, đảng CSVN tạo sự sợ hãi trong quần chúng, tiếp tục nói những điều không phải là thật, tiếp tục ru ngủ cả dân tộc để đảng tình nguyện làm thái thú kiểu mới cho Trung Quốc.

Bốn mươi năm đủ để trưởng thành. Những người trẻ lớn lên sau năm 1975 đủ trưởng thành để nhìn thấy rõ thực tế của đất nước chúng ta. Không thể nào tiếp tục nhìn sự đau khổ của chính đồng bào mình. Không thể nào tiếp tục a dua với cái ác, với đảng cầm quyền để bóc lột dân tộc mình. Không thể nào tiếp tục ru ngủ dân tộc trước sự lấn áp chủ quyền của Trung Quốc. Không thể nào vì quyền lợi của cá nhân để cả dân tộc nằm dưới sự thống trị của Trung Quốc như dân tộc Tây Tạng hiện giờ.

Dân tộc đã ngủ một giấc ngủ dài 40 năm qua. Đã đến lúc đánh thức dân tộc để trực diện với thực tế và giành lại quyền tự quyết cho chính mình. Hãy xóa bỏ sợ hãi mà nói thẳng với nhà cầm quyền — chấm dứt những trò hề rẻ tiền với tín nhiệm nhiều, tín nhiệm ít, tín nhiệm. Hãy chấm dứt đút lót hối lộ cho các quan chức cầm quyền và đòi hỏi công an đưa chứng cớ, luật lệ nào để bắt người dân. Hãy cùng nhau dừng xe, đứng lại — để cùng nhau hạch hỏi cảnh sát giao thông mỗi khi cảnh sát giao thông bắt giữ ai đó về chuyện vi phạm luật. Chỉ khi nào toàn dân đoàn kết lại để bắt đảng cầm quyền phục vụ cho người dân thay vì người dân phục vụ cho đảng cầm quyền. Lúc toàn dân đoàn kết đứng lên thì lúc đó chúng ta mới giải quyết được những vấn nạn mà dân tộc đang trực diện với những thái thú thời đại đang hiện diện ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Dallas, TX 









No comments:

Post a Comment