Sunday, April 26, 2015

Nhìn Lại 40 Năm (Trần Khải - Việt Báo)





Trần Khải     -     Việt Báo
26/04/2015

Như thế là tròn 40 năm, kể từ ngày 30-4-1975, khi kết thúc Cuộc Chiến Việt Nam.

Một cách căn bản, đây là Nội Chiến Quốc-Cộng. Một cách tổng thế, đây là cuộc chiến quốc tế, với lãnh thổ Việt Nam trở thành chiến trường -- nghịa là, Việt Nam là điểm nóng của Cuộc Chiến Tranh Lạnh giữa Thế Giới Tự Do, và Thế Giới Cộng Sản.

Nhìn từ lý luận, đây là cuộc chiến ý thức hệ; trong khi nhìn về cảm xúc ẩn kín, đây là cuộc chiến thống nhất đất nước, nhưng phủ màu kích động Chống Mỹ.

Nói một cách tổng quát qua diễn tiến biên niên, theo Tự Điển Bách Khoa Mở, Chiến tranh Việt Nam (1955–1975) là giai đoạn thứ hai và là giai đoạn khốc liệt nhất của Chiến tranh Đông Dương (1945–1979).

Đây là cuộc chiến giữa hai bên, một bên là Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam cùng Hoa Kỳ và một số đồng minh khác như Úc, New Zealand, Đại Hàn, Thái Lan và Philippines tham chiến trực tiếp; một bên là hình nộm bù nhìn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, cùng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đều do Đảng Lao động Việt Nam lãnh đạo, được sự viện trợ vũ khí và chuyên gia từ các nước xã hội chủ nghĩa (cộng sản), đặc biệt là của Liên Xô và Trung Quốc.

Cuộc chiến này tuy gọi là "Chiến tranh Việt Nam" do chiến sự diễn ra chủ yếu tại Việt Nam, nhưng đã lan ra toàn cõi Đông Dương, lôi cuốn vào vòng chiến cả hai nước lân cận là Lào và Campuchia ở các mức độ khác nhau. Do đó cuộc chiến còn được gọi là Chiến tranh Đông Dương lần thứ 2.

Cuộc chiến này chính thức kết thúc với sự kiện 30 tháng 4, 1975, khi Tổng thống Dương Văn Minh của Việt Nam Cộng hòa đầu hàng Cộng quân.

Bao nhiêu người chết?

Theo Wikipedia, Chiến tranh Việt Nam đã gây ra cái chết của từ 2 đến 5 triệu người Việt (tùy từng nguồn khác nhau).

Trong số các nước đồng minh của Việt Nam Cộng hòa, người Mỹ có số thương vong cao nhất với hơn 58.000 người chết và hơn 305.000 người bị thương (trong đó 153.000 bị thương nặng hoặc tàn phế).

Vào khoảng từ 4.400 đến 5.000 binh sĩ Hàn Quốc bị chết; Úc có khoảng 500 chết và hơn 3.000 bị thương; New Zealand 38 chết và 187 bị thương; Thái Lan 351 chết và bị thương; còn Philippines vẫn chưa có con số thống kê cụ thể.

Nhà văn Phạm Đình Trọng bên thắng trận, trong bài viết nhìn lại 40 năm đăng ở mạng Bauxite Việt Nam, nhan đề “Cần gọi đúng tên cuộc chiến này” đã ghi nhận, trích như sau:

“Lần thứ 40 ngày 30 tháng Tư của lịch sử đau thương mất mát, của vui nông nổi mà buồn thăm thẳm lại đến.

Suốt 40 năm qua, hệ thống tuyên truyền khổng lồ của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền đã ngốn quá nhiều tiền thuế của dân, tiền bán tài nguyên đất nước vào việc tự huyễn hoặc mình và lừa dối người dân về ngày 30 tháng Tư năm 1975, ngày huy hoàng đại thắng, ngày vẻ vang thống nhất đất nước.

Cuộc chiến tranh mà hệ thống tuyên truyền của nhà nước Việt Nam cộng sản vẫn thần thánh hóa là cuộc chiến tranh “Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, “Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước” thực chất chỉ là cuộc nội chiến tội lỗi, người Việt bắn giết người Việt, hệ quả tất yếu của hiệp định Genève cắt đôi đất nước Việt Nam thành hai tiền đồn, hai trận tuyến của hai ý thức hệ quyết liệt đối kháng, tiêu diệt nhau, chia đôi dân tộc Việt Nam thành hai thế lực thù địch không đội trời chung, hai tên lính xung kích của hai lực lượng đối kháng đó. Việc chia cắt độc đoán, phũ phàng, oan nghiệt đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam hoàn toàn do những người cộng sản thực hiện, cộng sản Tàu mưu toan và áp đặt, cộng sản Việt cam tâm cúi đầu chấp nhận.

Rắp tâm làm cuộc nội chiến, lực lượng cộng sản Việt Nam ở miền Nam phải chuyển ra miền Bắc theo qui định của hiệp định Genève nhưng họ đã bí mật ém lại lượng lớn súng đạn và khá đông đội ngũ lãnh đạo cộng sản chỉ biết có đấu tranh giai cấp bạo liệt, sắt máu, không biết đến đạo lí thương yêu đùm bọc giống nòi. Đầu năm 1959, Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành nghị quyết 15 xác định rõ việc thâu tóm miền Nam bằng bạo lực cách mạng, tiến hành chiến tranh trong lòng dân tộc, quyết thực hiện nội chiến tương tàn.

Có nghị quyết 15, những người cộng sản ở miền Bắc liền hối hả mở đường đưa súng đạn và lực lương chiến đấu vào miền Nam. Tháng năm, 1959, đường mòn từ miền Bắc xâm nhập miền Nam được mở dọc theo dãy Trường Sơn. Tháng Bảy, 1959, mở tiếp đường mòn trên biển, mở luồng mở bến cho những con tàu không số chở súng, đạn, thuốc nổ từ Đồ Sơn, Hải Phòng vào Vũng Rô, Phú Yên, Trung Bộ, vào Gành Hào, Cà Mau, Nam Bộ.

Có nghị quyết 15, cán bộ cộng sản ở lại miền Nam nằm vùng liền tổ chức, tập hợp lực lượng. Những hầm súng đạn được khui lên. Cuối năm 1959, tiếng súng nội chiến bùng nổ ở Trà Bồng, Quảng Ngãi. Ngày 17.1.1960, tiếng súng nội chiến rộ lên ở huyện Giồng Trôm và huyện Mỏ Cày, Bến Tre. Từ đó tiếng súng nội chiến lan ra khắp miền Nam. Khắp miền Nam, nơi nào cũng có lãnh đạo cộng sản nằm vùng, nơi nào cũng mịt mù lửa khói nội chiến, lênh láng máu người Việt giết người Việt. Từ đó, ngày 17.1.1960 được những người Cộng sản tự hào coi là ngày Đồng khởi vẻ vang của họ. Còn lịch sử Việt Nam phải đau buồn ghi nhận ngày 17.1.1960 là ngày khởi đầu cuộc nội chiến Nam Bắc.

Chiến tranh vũ trang thảm khốc và chiến tranh chính trị lừa dối do những người cộng sản phát động đã đẩy chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam vào cuộc khủng hoảng nặng nề, triền miên không có điểm dừng. Trước nguy cơ sụp đổ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, một chính quyền được tổ chức theo mô hình dân chủ văn minh, có tam quyền phân lập thực sự, nhờ thế người dân miền Nam bước đầu đã có tự do dân chủ thực sự, một chính quyền đang chiến đấu ngăn chặn sự tràn lan bạo lực cộng sản; trước nguy cơ cả Đông Nam Á bị tràn ngập trong sắt máu bạo lực cộng sản, năm 1965, sáu năm sau nghị quyết 15 của Đảng Cộng sản Việt Nam sử dụng bạo lực thâu tóm miền Nam, gần sáu năm sau tiếng súng nội chiến bùng nổ ở miền Nam, Mĩ mới đưa quân vào miền Nam Việt Nam cứu đồng minh Việt Nam Cộng hòa trước nguy cơ sụp đổ và củng cố một tiền đồn ngăn chặn cơn thác lũ cách mạng bạo lực cộng sản đang ở đỉnh cao trào.

Năm 1965, quân đội Mĩ đổ vào Việt Nam cũng như năm 1944 quân đội Mĩ đổ bộ vào châu Âu trong chiến tranh thế giới thứ hai, cũng như năm 1950 quân đội Mĩ đổ bộ lên bán đảo Triều Tiên đều không có mục đích xâm lược, không đánh chiếm lãnh thổ mà chỉ để làm trách nhiệm của một đồng minh và làm trách nhiệm của một nước lớn bảo đảm một thế giới ổn định, công bằng, bảo vệ những giá trị tự do, dân chủ của con người, ngăn chặn thảm họa phát xít thời thế chiến hai và ngăn chặn thảm họa cộng sản đang như bệnh dịch nhấn chìm thế giới vào hận thù đấu tranh giai cấp, vào bạo lực chuyên chính vô sản và nô dịch con người…”
(ngưng trích)

Cần ghi nhận: nhà văn Phạm Đình Trọng, 71 tuổi, cũng là một đại tá hồi hưu của bên thắng trận, và bản thân ông đã trả thẻ đảng, tự ý ly khai đảng Cộng sản sau hơn 40 năm tuổi đảng!









No comments:

Post a Comment