Monday, April 27, 2015

Điệp văn của Iran (Nguyễn Đạt Thịnh)





Nguyễn Đạt Thịnh     -     Viễn Đông Daily
22/04/2015

Phong cách của một ngoại trưởng phải là hòa nhã, kín đáo, để đại diện nước mình thương thuyết với ngoại trưởng những nước khác về những vấn đề tương quan quốc tế trên mọi bình diện, như hòa giải, kinh tế, thương mại, văn hóa, môi trường, nhân quyền và chiến tranh.

Toàn bộ những vấn đề phức tạp đó đều có đủ trong cuộc thương thảo nguyên tử giữa Iran và khối Ngũ Cường + Đức; Ngũ Cường là 5 nước thắng trận Thế Chiến Thứ Nhì, và là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An (HĐBA) Liên Hiệp Quốc - gồm có Mỹ, Nga, Anh, Pháp, và Trung Quốc; Đức là nước thứ 6, thường được mời tham dự những sinh hoạt quốc tế, vì sức mạnh kinh tế của họ tại Âu Châu.

Cuộc thương thảo lần này là đoạn nối tiếp của cuộc thương thảo trước, đã diễn ra từ những năm 2013 và 2014; lần này, thương thảo được triển hạn đến ngày chót là ngày mùng 1 tháng Bẩy 2015.

Trong giai đoạn thương lượng cuối cùng đó, ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif viết bài báo “Một Điệp Văn Của Iran”; lời lẽ và nội dung điệp văn chuyên chở góc nhìn của người Iran về cuộc thương thuyết nguyên tử.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif

Ông Zarif viết, “Trong tháng Tư này, cuộc thương thảo tại Thụy Sĩ đạt được nhiều thành quả quan trọng. Chúng tôi đồng ý với đại diện 5 quốc gia thành viên thường trực của HĐBA Liên Hiệp Quốc + đại diện của Đức về những biện pháp giải tỏa mọi ngờ vực về chương trình nguyên tử của chúng tôi - một chương trình chỉ chuyên nhất phục vụ hòa bình - và việc giải tỏa những hình thức trừng phạt kinh tế của quốc tế đối với Iran.
“Tuy nhiên, việc ký kết một thỏa ước về những điều đã được đồng thuận, cũng còn đòi hỏi có thêm nhiều thiện chí chính trị. Dân tộc Iran đã chứng minh quyết tâm của họ qua thái độ cộng tác, nhưng không để mất nhân phẩm. Giờ này là lúc Hoa Kỳ và những đồng minh Tây Phương của họ quyết định chọn thái độ cộng tác hoặc đối đầu, chọn thái độ thương thuyết hay truyền lệnh, và chọn hòa giải hay tiếp tục hăm dọa.”

Zarif có dụng ý dùng cụm từ “Hoa Kỳ và những đồng minh Tây Phương của họ” để tách Trung Cộng và Nga ra khỏi khối những quốc gia đối đầu với Iran, đặt Hoa Kỳ vào vị trí lãnh đạo khối này để chịu trách nhiệm, nếu cuộc thương thuyết thất bại.

Zarif viết tiếp, “Với một giới lãnh đạo can đảm và dám quyết định, chúng ta có thể dẹp bỏ cuộc khủng hoảng tiền chế này để đối phó với những vấn đề quan trọng hơn - đối phó với tình hình rối loạn trên toàn Vịnh Persian. Quan trọng không vì chính phủ này sụp đổ, hay chính phủ khác lên cầm quyền, mà quan trọng vì những giá trị xã hội, văn hóa, và tôn giáo đang bị giằng xé nát ra thành từng mảnh vụn.”

Zarif nêu lên một thảm trạng có thật là cuộc tàn sát giữa một tỉ tín đồ Hồi Giáo đang giết lẫn nhau, để chỉ trích một nhược điểm giả tưởng của Hoa Kỳ. Ông hoàn toàn sai khi ông nói, vì Hoa Kỳ không dẹp bỏ cuộc khủng hoảng với Iran, nên thiếu khả năng giải quyết cuộc chiến tranh giữa những tín đồ Hồi Giáo.

Chê trách này không chính xác vì 2 yếu tố. Yếu tố thứ nhất là cuộc trừng phạt kinh tế Iran, không tạo bận bịu quân sự cho Hoa Kỳ, không làm Hoa Kỳ mất bớt khả năng tiếp cứu chính quyền Shiite tại Iraq, trong lúc vẫn tạo nhiều áp lực với một chính quyền Shiite khác tại Iran.

Zarif viết tiếp, “Iran can cường vì dựa vào lập trường can cường của cả một dân tộc đã quyết liệt đối phó với mọi chèn ép mà vẫn đầy thiện chí mở rộng những viễn tượng cộng tác trong xây dựng và tương kính. Iran đã gánh chịu nhiều xáo trộn về tình hình hỗn loạn hiện nay; nhưng Iran không thể làm ngơ trước những tàn phá toàn diện đang diễn ra quanh đất nước chúng tôi, vì chúng tôi biết, xáo trộn không ngừng lại trước lằn ranh biên cương.”

Zarif vụng về trong câu này. Ông nói với Hoa Kỳ, “Iran không thể làm ngơ trước những tàn phá toàn diện đang diễn ra quanh đất nước chúng tôi”, điều này không những tổng thống Obama đã biết, mà còn ngăn cản không cho chính phủ Shiite của Iran gửi chí nguyện quân sang giúp quân đội Shiite của Iraq phản công tái chiếm Tikrit nữa; không cho bằng cách bảo thẳng chính phủ Iraq là Hoa Kỳ sẽ ngưng không yểm cho quân đội Iraq, nếu chí nguyện quân Iran tiếp tục hợp tác với quân đội Iraq tấn công quân khủng bố IS của tín đồ Sunni.
Tổng thống Obama không để quân đội Hoa Kỳ liên can vào trận chiến tranh tôn giáo đang tàn bạo diễn ra, sẽ còn kéo rất dài, lan rất rộng, hiện đang tàn phá Iraq, Syria, và Yemen. Ông muốn giới hạn những cuộc chiến tranh này vào ranh giới của từng quốc gia, như 3 cuộc nội chiến; nhưng sự tham dự của quân Iran vào cuộc nội chiến Iraq sẽ biến nội chiến Iraq thành chiến tranh tôn giáo.

Như vậy, tác dụng của câu “Iran không thể làm ngơ trước những tàn phá toàn diện đang diễn ra quanh đất nước chúng tôi” không những không thúc đẩy Hoa Kỳ ký thỏa ước với Iran mà còn tạo thái độ Hoa Kỳ cứng rắn hơn duy trì những trừng phạt kinh tế đang làm người dân Iran thiếu thốn, thất nghiệp vì dầu hỏa không xuất cảng được.

Hoa Kỳ có thể thấy duy trì trừng phạt kinh tế là làm cho Iran nghèo đi, yếu đi, không đủ sức giúp những lực lượng Shiite đang lâm chiến với lực lượng Sunni.

Zarif viết tiếp, “Lập trường của chúng tôi rất minh bạch: viễn ảnh chúng tôi mưu tìm không chỉ giới hạn vào cuộc thương thuyết nguyên tử, mà còn là tình trạng giao hảo tốt đẹp với những nước lân bang với chúng tôi.
Chúng tôi nghĩ vấn đề nguyên tử của Iran chỉ là cái cớ nêu ra, chứ không phải là nguyên nhân của va chạm và chống đối giữa Iran và thế giới. Cuộc thương thuyết, đến giai đoạn này, đã đề ra nhiều biện pháp để loại bỏ những trường hợp gây ngờ vực, tạo ra cái cớ của bất đồng; trong giai đoạn sắp tới, cuộc thương thuyết nên thảo luận thẳng vào nguyên cớ của những tranh chấp đang diễn ra tại vùng Vịnh Persian.
Chính sách ngoại giao của Iran mang tính chất toàn bộ chứ không cục bộ; điều này chẳng phải do chúng tôi muốn, mà do nhu cầu đáp ứng với trào lưu toàn cầu hóa mọi vấn đề. Trong sinh hoạt chính trị thế giới hiện nay, không sinh hoạt nào khỏi liên hệ tới những sinh hoạt khác.
Không quốc gia nào có thể mưu tìm sự an toàn và quyền lợi cho riêng mình, bằng cách chà đạp lên sự an toàn và quyền lợi của những quốc gia khác.
Những diễn biến đang xẩy ra trong vùng Vịnh Persian là điển hình rõ rệ nhất cho sự tương quan quốc tế; chúng ta cần tỉnh táo đánh giá tình hình phức tạp toàn vùng, rồi kiên định một chính sách dài hạn hầu đối phó với khủng bố.
Không ai có thể vừa đương đầu hữu hiệu với Al Qaeda và những chi nhánh của nó -như Islamic State (Hồi Giáo Quốc)- vừa giúp đỡ những chi nhánh khác của nó tại Yemen và Syria.

Zarif có ý chê việc làm của Hoa Kỳ tại Trung Đông là bất nhất -giúp chính phủ Shiite tại Iraq chống quân IS, trong lúc chống quân nổi dậy Shiite tại Yemen. Iran chỉ giúp Shiite dù tín đồ của giáo phái này cầm quyền tại Iraq, hay đang nổi dậy tại Yemen.

Vấn đề cũng khá phức tạp đối với Mỹ, vì Saudi Arabia - một quốc gia Ả Rập đồng minh của Mỹ- đang sử dụng cả không quân lẫn bộ binh giúp chính phủ Yemen chống lại quân nổi dậy Houthi thuộc giáo phái Shiite.

Mục đích của Zarif là khuyến cáo Hoa Kỳ bênh vực giáo phái Shiite -tín ngưỡng của những nhà cầm quyền Iran, nhưng Obama lại không muốn dây vào cuộc chiến tranh tôn giáo; cho đến giờ này không quân Hoa Kỳ vẫn chỉ trợ chiến cho chính phủ Shiite của Iraq tấn công quân IS, vì lực lượng này tàn bạo, bắt cóc, giết con tin, và tấn công thường dân. Hoa Kỳ không tấn công quân Houthi vì đạo quân này chỉ tấn công quân chính phủ Yemen, và chưa có hành động bạo ngược với thường dân.

Iran chưa thành công trong cuộc thương thuyết với Ngũ Cường, chưa được quốc tế chấm dứt phong toả kinh tế, mà ngoại trưởng Zarif đã đề nghị Hoa Kỳ cộng tác với Iran trong cuộc chiến tranh Trung Đông - một phức tạp mà ông Obama, vị tổng thống hiện tại không muốn Hoa Kỳ liên can.

Nếu Zarif chờ thêm 19 tháng nữa -chờ vị tổng thống sắp tới của Hoa Kỳ- để đề nghị Hoa Kỳ đồng minh với Shiite chống Sunni, thì cơ may thành công của ông có thể khá hơn, nếu vị tân tổng thống là một chính khách Cộng Hòa, vì cựu tổng thống George W. Bush đã từng treo cổ ông Saddam Hussein, một vị tổng thống Sunni.

Nguyễn Đạt Thịnh

Các tin khác :
• 19 đánh một (21-04-2015)
• Đòn Độc (19-04-2015)
• Tòa Án Xã Hội (14-04-2015)
• Có Công Mài Sắt (12-04-2015)
• Phụ Nữ Trung Quốc (08-04-2015)
• Nhu Cầu Diễn Dịch (07-04-2015)
• Lối thoát (28-03-2015)






No comments:

Post a Comment