Monday, April 27, 2015

Cuộc chiến các giá trị với Nga (Anders Fogh Rasmussen - Project Syndicate)





Anders Fogh Rasmussen  -  Project Syndicate
Biên dịch: Trần Anh Phúc | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Posted on 27/04/2015

Nguồn: Anders Fogh Rasmussen, “A War of Values with Russia”, Project Syndicate, 20/04/2015.

Giới chức Nga gần đây đã đe dọa nhắm tên lửa hạt nhân vào các tàu chiến Đan Mạch nếu Đan Mạch tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO. Đây rõ ràng là một mối đe dọa gây phẫn nộ nhằm vào một đất nước không có ý định tấn công Nga. Nhưng nó cũng phản ánh một yếu tố cơ bản hơn trong chính sách đối ngoại của Kremlin: sự tuyệt vọng trong nỗ lực duy trì ảnh hưởng chiến lược của Nga tại một thời điểm xuất hiện những thách thức chưa từng có đối với quyền lực của nó.

Tất nhiên, các nhà lãnh đạo của Nga biết rất rõ rằng phòng thủ tên lửa của NATO không nhằm trực tiếp vào đất nước của họ.

Khi tôi giữ chức Tổng thư ký NATO từ năm 2009 đến năm 2014, chúng tôi liên tục nhấn mạnh rằng mục đích của phòng thủ tên lửa là để bảo vệ các thành viên thuộc Liên minh khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài khu vực châu Âu – Đại Tây Dương. Bất cứ ai chỉ với một kiến ​​thức sơ đẳng về vật lý và kỹ thuật – hai chủ đề mà người Nga vốn vượt trội – đều có thể thấy rằng hệ thống được thiết kế để thực hiện chính mục đích đó.

Những đe dọa hạt nhân của Nga đối với Đan Mạch và những nước khác là những dấu hiệu của một quốc gia đang suy yếu về kinh tế, nhân khẩu học và chính trị. NATO đã không đối xử một cách hung hăn đối với Nga giống như tuyên truyền của Kremlin. Cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và phương Tây – tập trung vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine – về bản chất là một cuộc đụng độ của các giá trị.

Hãy nhớ lại cách cuộc xung đột Ukraine bắt đầu: Hàng chục nghìn người dân Ukraine thuộc tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong các cuộc biểu tình chủ yếu ôn hòa, đã yêu cầu việc ký một thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu. Không ai kêu gọi một cuộc tàn sát chống lại những người nói tiếng Nga ở Ukraine, bất chấp những tuyên bố trái ngược của Kremlin. Và vai trò thành viên NATO (của Ukraine) không phải là một phần của thỏa thuận này.

Tuy nhiên, Nga đã phản ứng một cách nhanh chóng và gay gắt. Rất lâu trước khi bạo lực nhấn chìm các cuộc biểu tình, các quan chức Nga đã bắt đầu buộc tội những người biểu tình là những phần tử phát xít mới, những kẻ cực đoan và khích động. Ngay khi Tổng thống Ukraine lúc đó là Viktor Yanukovych trốn chạy khỏi Kiev, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bắt đầu khởi động quá trình sáp nhập Crimea.

Đây không chỉ là một sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế mà còn trái ngược rõ ràng với lời tuyên bố khăng khăng của Nga rằng không nước nào có quyền bảo đảm an ninh của mình mà làm phương hại an ninh của nước khác. Những người biểu tình Ukraine đã tuần hành chống chính phủ của họ, không phải chính phủ của Nga. Thật vậy, quan niệm cho rằng Ukraine có thể gây ra mối đe dọa quân sự cho Nga hoàn toàn vô lý. Thậm chí nếu Ukraine là một thành viên NATO, một cuộc chiến tranh xâm lược chống lại Nga cũng sẽ là một kịch bản vô lý, vì nó sẽ không phục vụ bất cứ lợi ích gì của các đồng minh.

Đối với Nga, mối đe dọa do những người biểu tình Ukraine gây ra là mang tính sống còn. Với việc yêu cầu thay đổi, tự do và dân chủ – ngay ở khu vực tiếp giáp với Nga – những người biểu tình đã thách thức mô hình “dân chủ tập quyền” (sovereign democracy) của Putin, trong đó Tổng thống loại bỏ tất cả các phe đối lập, hạn chế tự do truyền thông và rồi nói với người dân rằng họ có thể lựa chọn các nhà lãnh đạo của mình. Kremlin lo sợ rằng nếu người Ukraine đạt được những gì họ muốn, người Nga có thể được truyền cảm hứng để đi theo những tấm gương đó.

Đó là lý do tại sao các nhà lãnh đạo của Nga đã quá say sưa với việc “gắn mác” cho các nhà lãnh đạo của Ukraine là phát xít và những người ghét Nga. Đó là lý do tại sao trong nhiều năm họ đã miêu tả các nước vùng Baltic là những kẻ đàn áp bất thường các công dân Nga. Và đó là lý do tại sao bây giờ họ đang mô tả chân dung EU là suy đồi, vô đạo đức và tham nhũng. Kremlin đang cố gắng hết sức để thuyết phục người Nga rằng dân chủ tự do là xấu và rằng cuộc sống dưới thời Putin là tốt. Điều đó đòi hỏi không chỉ lan truyền những lời dối trá gây tác động xấu ở trong nước, mà còn cần gieo rắc bạo lực và bất ổn ở các nước láng giềng.

Đối mặt với một cuộc tấn công tuyên truyền ồ ạt của Nga, phương Tây phải tiếp tục đứng lên ủng hộ Ukraine, cũng như Gruzia và các thành viên NATO như Estonia, Latvia và Litva. Dù có hứng chịu bất cứ thương đau nào, chúng ta vẫn phải duy trì – và nếu cần thiết, làm sâu sắc hơn – các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga và củng cố tiền tuyến của NATO. Và chúng ta phải đối mặt với thực tế rằng, sau cùng, chúng ta có thể phải trả giá cho sự phòng thủ của chúng ta.

Sức mạnh lớn nhất của phương Tây là dân chủ; đó là những gì đã cho phép chúng ta có thể đảm bảo hòa bình cho hai thế hệ và chấm dứt chế độ cộng sản ở châu Âu gần như không phải bắn một phát súng nào. Mặc dù nền dân chủ tự do còn chưa hoàn hảo, nó vẫn là sự bảo vệ tốt nhất chống lại chủ nghĩa cực đoan và tính không khoan dung – và là người bảo vệ quyền lực nhất cho sự tiến bộ của con người.

Nếu phương Tây cho phép Nga tấn công các nước láng giềng đơn giản vì họ có thể truyền cảm hứng cho người Nga để theo đuổi sự cải cách, nó sẽ gửi đi thông điệp rằng các giá trị dân chủ là không đáng để bảo vệ. Nó sẽ làm suy yếu vai trò của phương Tây như là một mô hình của sự thịnh vượng và tự do mà các xã hội trên toàn thế giới muốn noi theo. Và nó sẽ loại bỏ không chỉ uy tín đạo đức còn lại của phương Tây, mà cả ý nghĩa mục đích làm nên sinh khí cho NATO.

Cách tiếp cận như vậy sẽ khiến phương Tây dễ tổn thương trước các cuộc tấn công của Putin và những kẻ xâm lược tương tự. Và nó sẽ là một cái tát vào mặt đối với tất cả những người đàn ông và phụ nữ dũng cảm trên toàn thế giới dám đánh liều mạng sống của mình mỗi ngày để theo đuổi sự tự do và dân chủ.

Không ai nên bị đánh lừa bởi các nhà tuyên truyền của Kremlin. Các cuộc xung đột ở Ukraine không phải là về Ukraine. Nó cũng không phải là về Nga, hoặc thậm chí là về NATO. Nó là về dân chủ. Phương Tây phải phản ứng phù hợp.

Anders Fogh Rasmussen, cựu Thủ tướng Đan Mạch và Tổng thư ký NATO, là người sáng lập và Chủ tịch của hãng Rasmussen Global.








No comments:

Post a Comment