Wednesday, March 25, 2015

Thời Điểm Bỏ Đảng CSVN (Trần Nhật Kim - nhóm Văn Tuyển)





Trần Nhật Kim    -   nhóm Văn Tuyển            
21-3-2015

Hai thế giới trong Một xã hội

“Đảng giầu, Dân đói”
 
Sau 70 năm xuất hiện tại Việt Nam, đảng cộng sản chỉ vì quyền lợi của đảng mà không lo cho quyền lợi của dân tộc.  Vì xuất thân do hành động chiếm quyền nên hành xử vô luật pháp, coi thường sinh mạng con người.  Những đảng viên chân chính không thể tự hào về một chính quyền không do dân bầu, một chế độ không mang lại tin tưởng và nể vì đối với người dân và các quốc gia trên thế giới.

Hành động giết người không gớm tay được che giấu dưới chiêu bài “Vì Nhân dân” đã khích động phong trào “Bài Phong-Đả Thực”.  Người dân miền Bắc bị quay cuồng trong cơn sốt “Giải phóng Dân tộc, Thống nhất đất nước”, tin tưởng vào lời tuyên truyền nên đảng CS có cơ hội phóng tay trong chính sách Cải cách Ruộng đất, giết hại 172.008 người vô tội.  Hồ Chí Minh và đảng CS đã gây tội ác diệt chủng nhưng vẫn tuyên bố “dù Cải cách Ruộng đất có sai lầm, nhưng thắng lợi vẫn là căn bản”.  Ông Hồ đã thực hiện được ý đồ loại bỏ những thành phần không theo chủ thuyết tàn bạo cộng sản.  Đảng chiếm đoạt tài sản nhân dân, tạo lên một xã hội: “đảng giầu, dân đói”.

Thanh trừng trong nội bộ đảng CS
Bản chất của các nước theo chế độ cộng sản là độc tài và khủng bố.  Tùy theo hoàn cảnh xã hội của mỗi quốc gia cũng như tham vọng của nhóm cầm quyền, số nạn nhân dưới chế độ cộng sản cũng khác nhau.  Thanh trừng trở thành phương tiện để củng cố hệ thống độc tài toàn trị.  Nhóm cầm quyền vốn không có cơ sở xã hội nên họ đã tôn vinh một vị lãnh đạo, vun đắp cho sự sùng bái cá nhân để củng cố chỗ dựa hầu giữ đặc quyền đặc lợi.  Tuy nhiên, càng được sùng bái vị lãnh đạo càng lộng hành và vượt ra ngoài giới hạn, và chính những người đã suy tôn vị lãnh tụ lại trở thành nạn nhân của sự sùng bái này.

Tại Nga, cuộc thanh trừng vào năm 1937-1938 của Stalin nhằm hạ sát và tù đầy những phần tử chống đối, kể cả những người cho là có âm mưu chống đối, gồm cả trong đảng, chính phủ, quân đội và các thành phần dân chúng trong xã hội.  Theo tài liệu, khoảng một triệu người đã bị giết, 18 triệu người bị đưa vào các trại tù lao động khổ sai (Gulag), 14.5 triệu người bị bỏ chết đói và 9.5 triệu người bị đầy ải tại vùng đất hoang nơi Bắc cực.

Trọng tâm các cuộc thanh trừng của Stalin nhắm vào các địch thủ chính trị còn sót lại từ thời Lenin như Strotsky, Bukharin…, những tướng lãnh được đảng và nhân dân mến phục, những trí thức, khoa học gia, văn nghệ sĩ tên tuổi và các thành phần xã hội có khả năng lật đổ chế độ.  Giới phú nông, nhân viên chính quyền của chế độ Sa Hoàng và các thành viên trong đảng Xã hội Nhân dân cũng là mục tiêu thanh toán của Stalin. Để biện minh cho hành động sắt máu diệt chủng này, Stalin đưa ra chiêu bài “kẻ thù của nhân dân” cần phải thanh toán.

Tệ hại hơn nữa, Stalin còn thanh toán các đồng chí, kể cả các cộng sự viên thân tín đã củng cố địa vị cho Stalin.  Năm 1934, Stalin dàn dựng vụ ám sát Sergey Kirov, một đối thủ chính trị được nhiều người mến mộ.  Sau khi Kirov chết, tất cả những người trong phe đối lập đều bị Stalin thanh toán.  Cuộc thanh trừng vô nhân đạo này đã tạo lên không khí kinh hoàng bao trùm xã hội Liên xô thời bấy giờ và trở thành mối quan tâm cho các quốc gia trên thế giới.

Tại Trung Hoa, sau khi chiến tranh “Quốc-Cộng” chấm dứt, Mao Trạch Đông và đảng cộng sản Trung hoa đã nối gót Stalin thực hiện các cuộc thanh trừng.  Nhóm đầu tiên bị sát hại bao gồm thành phần trí thức, viên chức chính phủ và sĩ quan quân đội thuộc chính quyền của Tưởng Giới Thạch.  Mao đã đưa ra các chính sách “Cải cách Ruộng đất, Bước tiến nhẩy vọt và Trăm hoa đua nở” để thanh toán các thành phần có thể gây trở ngại cho việc thực hiện chế độ cộng sản toàn trị tại Trung Hoa.

Mao Trạch Đông đã thanh trừng một số đồng chí tên tuổi, trong đó phải kể tới Lâm Bưu, một đảng viên CS kỳ cựu đã sáng lập phong trào “Cách mạng Văn hóa/ Vệ binh đỏ” bắt đầu từ năm 1966.  Các phong trào này do Lâm Bưu cầm đầu, đã thanh trừng một số nhân vật chủ chốt thuộc bộ chính trị trong đó có Lưu Thiếu Kỳ, Chủ tịch nước;  Bành Chân, Thị Trưởng Bắc Kinh;  Bành Đức Hoài, cựu Bộ trưởng Quốc phòng và Đặng Tiểu Bình, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Bí thư đảng.

Bốn nhân vật nêu trên đã có công với Mao đều giữ những chức vụ quan trọng của đảng CS Trung Hoa.  Riêng Bành Đức Hoài là người duy nhất, trong thập niên 1950, đã phản đối đảng CSTH trong nỗ lực thần thánh hóa Mao và chỉ trích chương trình “Bước tiến nhẩy vọt” của Mao đã gây ra nạn đói làm hàng triệu người dân Trung Hoa bị chết.  Sau cuộc tranh luận với Mao tại Hội nghị Lushan, Bành Dức Hoài bị tước mọi quyền hành với tội danh “Tập đoàn chống đảng”.

Vào năm 1962, Đặng Tiểu Bình đưa ra nhận định làm cách nào để tăng gia sản xuất, kêu gọi cải tổ kinh tế bằng cách cho nông dân có một chút tư hữu.  Từ năm 1963, Đặng Tiểu Bình liên kết với Lưu Thiếu Kỳ để xúc tiến cải tổ kinh tế.  Những sự thay đổi trên khiến Mao cảm thấy bất ổn cho chủ thuyết cộng sản, nên đã phát động phong trào “Cách mạng Văn hóa” để thanh trừng Đặng Tiểu Bình và Lưu Thiếu Kỳ.  Sau khi thanh trừng, Đặng Tiểu Bình bị tước hết quyền hành và đưa về nông thôn làm lao động chân tay.

Tại Việt Nam, Hồ Chí Minh là cán bộ lãnh lương của Quốc tế CS, với nhiệm vụ tổ chức các mạng lưới cộng sản tại các nước Đông dương, nên đã rập khuôn đường lối giết người tàn bạo của Liên Xô và Trung cộng.  Điển hình là “Vụ án xét lại” đã trở thành một cuộc thanh trừng đẫm máu chưa từng có trong nôi bộ đảng CSVN.

Vụ án “Xét lại chống đảng”
Vụ án xét lại chống đảng đã gây hận thù và chia rẽ nghiêm trọng trong nội bộ đảng CSVN.  Vì lệ thuộc vào Thế giới CS, nên mọi biến động tại hai quốc gia đàn anh Nga Tầu cũng ảnh hưởng tới các nước đàn em.  Vụ án này khởi đầu từ cuộc tranh chấp quyền lực và mâu thuẫn chính trị trong nội bộ đảng CSVN.

Tháng 9-1953, Nikita Khrushchev được bầu làm Bí Thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương đảng CS Liên Xô.  Tại Đại hội lần thứ 20 vào năm 1956, ông N. Khrushchev đã đọc bản báo cáo phê phán nặng nề về sự tàn bạo của Stalin và hành động sùng bái cá nhân.  Khrushchev cũng nhận định thay vì đối đầu với Tư Bản, một cuộc chiến không dễ gì thắng, nên sống chung hòa bình.  Đại biểu các nước cộng sản trong Hội nghị đều tán thành, nhưng sau đó một số nước bị lung lạc bởi lời kêu gọi của Mao Trạch Đông đã chống lại chủ trương của Khrushchev và gọi đó là “Chủ nghĩa Xét lại”.  Cộng sản Thế giới chia thành hai phe từ đó.

Tại Việt Nam, đảng viên CS phân hóa thành hai nhóm.  Nhóm thứ nhất gồm Võ nguyên Giáp và Trường chinh, chấp nhận chính sách xét lại của Khrushchev, chủ trương tạm thời sống hòa bình, không phát động chiến tranh với miền Nam và phải củng cố nền tảng Chủ nghĩa Xã hội tại miền Bắc.  Trong giai đoạn 1954-1959, Võ nguyên Giáp và Trường Chinh ủng hộ chính sách xét lại, vì hy vọng có thể thống nhất như Hiệp định Genève quy định.  Nhóm thứ hai gồm Lê Duẩn và Nguyễn Chí Thanh, ủng hộ quan điểm của Trung cộng, muốn theo đuổi chính sách cứng rắn của Mao Trạch Đông.

Năm 1963, Lê Đức Thọ, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đưa ra nhận định một số đảng viên bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa xét lại đã không tin tưởng ở chiến lược thống nhất đất nước.  Tại Hội nghị Trung ương lần thứ IX, các ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và Phạm Hùng đả kích chủ trương chung sống hòa bình và Hội nghị đi đến quyết định là đứng về phía Trung quốc, đẩy mạnh đấu tranh bằng vũ lực tại miền Nam.

Theo ông Pierre Asselin, Lê Duẩn khao khát quyền lực giống như Mao Trạch Đông và Stalin.  Thông qua việc cô lập ông Hồ, ông Giáp và các đồng minh của họ trong đảng, ông Lê Duẩn đã thiết lập một bộ máy lãnh đạo ở Hà Nội quyết tâm hoàn tất các mục tiêu cách mạng.  Về trường hợp của ông Hồ, ông William Duiker có nhận xét, vai trò của ông Hồ ngày càng bị hạn chế, nhất là khi Mỹ chính thức hiện diện tại miền Nam vào năm 1965, vai trò của ông Hồ ở trong đảng chỉ còn mang tính lễ nghi.

Năm 1967, Lê Duẩn được Lê Đức Thọ hậu thuẫn, bắt đầu cuộc thanh trừng các cán bộ lãnh đạo của các bộ.  Từ Bộ Ngoại giao đến Bộ Quốc phòng, bất kể cả những người đã có công với đảng.  Trong cuộc thanh trừng này, hàng loạt cán bộ cao cấp bị bắt giữ như nguyên Ngoại trưởng Ung Văn Khiêm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Lê liêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Vịnh…

 Không khí chính trị tại Hà Nội lúc bấy giờ rất sôi động.  Công an chìm có mặt mọi nơi để dò xét thành phần nào liên quan đến vụ án xét lại chống đảng, mặc dù không có một cuộc chống đảng nào xẩy ra, cũng như những người bị bắt không có tên trong tổ chức nào chống đảng.  Về điểm này, ông nguyễn Minh Cần, nguyên là Ủy viên Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội, chủ nhiệm báo Thủ đô Hà Nội cho biết, năm 1962 ông sang học tại trường đảng cao cấp của Trung ương đảng CS Liên Xô.  Tại đây ông đã phê phán đường lối lãnh đạo của đảng CSVN nên bị truy bức.  Tháng 6 năm 1964 ông ra khỏi đảng cộng sản và xin tị nạn chính trị ở Liên Xô.  Cùng ở lại Liên Xô với ông, có 40 người đã bỏ đảng CSVN.

Ngoài những cán bộ cao cấp trong đảng bị thanh toán trong vụ án xét lại, còn có nhiều cái chết bí ẩn của các nhân vật rất nổi tiếng như Đại tướng Chu Văn Tấn, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng trong chính phủ VNDCCH;  Đại tướng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái;  Đại tướng Lê Trọng Tấn, Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân;  Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung Ương Cục miền Nam… Theo nghiên cứu của Sophie Quinn-Judge về vụ án xét lại chống đảng, có 30 nhân vật cao cấp trong số 300 người bị bắt.

Hành động lừa gạt của đảng CSVN sau ngày 30-4-1975.
Phải đến ngày 30-4-1975, khi bước chân của “bộ đội ông Hồ” xuất hiện tại Sài Gòn, đảng CS mới hiện nguyên hình là một đảng cướp, một tập đoàn lừa gạt người dân.  Thực chất của chiêu bài “Thống nhất đất nước, Giải phóng dân tộc” chỉ là một cuộc xâm lăng nằm trong mưu đồ nhuộm đỏ Á Châu của cộng sản Quốc tế, gây ra cái chết đau thương của hàng triệu người dân miền Nam vô tội.  Khí đó, người miền Nam đã có nhận định: “cộng sản Hà Nội khởi đầu sự thất bại ngay khi vừa chiến thắng”.

Về mục đích của ông Hồ cũng như bản chất của cộng sản, ông J.F. Revel đã đưa ra nhận định: “Mục tiêu của ông Hồ không phải là nền độc lập của nước Việt Nam mà là sự hội nhập vào quốc tế cộng sản.  Mục tiêu của ông Hồ không phải là giành lại cho nhân dân quyền tự quyết, quyền bầu cử, quyền chọn lựa người lãnh đạo, quyền có luật pháp của mình và lối sống của mình.  Mục tiêu của ông là cưỡng bức nhân dân phải chấp nhận chế độ toàn trị kiểu Stalin, với tất cả đặc điểm của nó: những cuộc hành quyết không qua xét xử, trại tập trung, sự chà đạp nhân phẩm trong trại cải tạo, quần chúng chết đói và sự tham nhũng của kẻ lãnh đạo”.  Theo sự nghiệp bán nước của ông Hồ, đám tay chân của ông đã trước sau đưa dân tộc vào vòng nô lệ.

Theo ông Tiziano Terzani, phóng viên báo Der Spiegel, một người có cảm tình và đã nhiều năm vào rừng sống chung với Việt Cộng.  Ông ở lại Saigon sau ngày 30-4-1975, đã ghi lại nhận định qua những sự việc mắt thấy tai nghe trong bài viết “Mười năm sau chiến tranh: cả người chết cũng bị lừa”.

Ông viết về ngày 30-4, mà tập đoàn cộng sản Hà Nội thổi phồng là chiến thắng thần thánh, một cuộc chiến thắng tô điểm bằng máu xương của người cùng huyết thống:

“Sài Gòn kỷ niệm 10 năm chiến thắng của tháng Tư 1975: công sở được quét vôi mới, người bất đồng chính kiến bị bắt giam, ăn mày trên các con đường chính của trung tâm bị đầy vào một trại ở ngoại ô thành phố, để họ đừng làm dơ bẩn hình ảnh chiến đấu của Sài Gòn trước đây, thành phố Hồ Chí Minh ngày nay.  Nhưng không gì có thể che đậy được sự chán ngán trên các khuôn mặt của đại đa số 3,5 triệu dân cư của nó…”, một người Sài Gòn đã tâm sự với ông: “Đối với chúng tôi thì lễ kỷ niệm này chỉ có nghĩa là bắt bớ và cúp điện. Họ cần điện để chiếu sáng chân dung của ông Hồ…”
Hòa bình đã không trở lại với Đông Dương.  Hàng ngàn người tuổi trẻ miền Nam đã phải nhập ngũ để thay thế cho con em miền Bắc, đã có hàng trăm người Việt trẻ tuổi hy sinh trên chiến trường Campuchia.  Ông chua xót với nhận xét: “Không có công lý, nếu như công lý khác với việc lật đổ một xã hội và thay thế bằng một chế độ độc tài khác.  Người Sài Gòn, rõ ràng là như vậy, ngày nay sống tồi tệ hơn, phải chịu đựng tình trạng thiếu năng lực và tham nhũng nhiều hơn, sợ cảnh sát nhiều hơn trước kia.”
Ông thuật lại lời một phi công thuộc không lực VNCH, sau hơn 8 năm tù cải tạo và bây giờ nhận băng ghế nơi tượng đài Trần Hưng Đạo làm chỗ cư ngụ: “Chúng tôi đã chết rồi, nhưng chúng tôi vẫn còn có thể bước đi.  Tôi có cảm giác mình giống như một bóng ma từ một thời gian khác.”

Nhiều người đã thắc mắc trước hành động tàn nhẫn của cộng sản Hà Nội đối với kế hoạch đưa dân thành phố tới những vùng “Kinh Tế Mới”.   Hành động này có thật sự xuất phát từ ý định tạo công việc làm cho dân cư thất nghiệp của thành phố hay không, hay chỉ với mục đích xua đuổi hàng ngàn gia đình Sài Gòn ra khỏi nhà của mình, để lấy những căn nhà này cho các gia đình từ miền Bắc tới.

Sự phản bội trắng trợn của đảng CS Hà Nội với thành phần theo CS của miền Nam càng  phơi bầy rõ rệt khi khai tử “Mặt trận Giải phóng Miền Nam” sau ngày 30-4-1975, tạo lên sự chia rẽ trầm trọng Nam-Bắc trong nội bộ đảng.  Chính hành động này nói lên MTGPMN chỉ là một thứ công cụ để lợi dụng nhất thời, và ý nghĩa “Giải phóng để nhân miền Nam thoát khỏi sự đàn áp của Mỹ Ngụy” đã trở lên trơ trẽn.  Tuy nhiên, đảng chỉ ban cho những người cầm đầu Mặt trận một chút quyền lợi như luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Bình, Thượng tướng Trần Văn Trà…, một hình thức “ngồi chơi xơi nước”, để giảm bớt sự bất mãn, chống đối của phe miền Nam, nhất là sau khi giải tán “Câu lạc bộ Kháng chiến” thành lập bởi những người Mặt Trận đã giải ngũ.

Một câu hỏi về chiêu bài “thống nhất đất nước, giải phóng dân tộc” vào ngày 30-4 đã mang lại thành quả nào, một người miền Nam trả lời: “Người cộng sản đã làm cho chúng tôi sáng mắt.  Trước 1975 tôi cần một cái kính mắt, còn bây giờ tôi vẫn nhìn thấy, nhưng không cần tới kính.”

Đã đến lúc đảng viên bỏ đảng CSVN:

Cái chết của Thượng tướng Phạm Quý Ngọ liên quan tới số tiền 1.5000.000 Mỹ kim do tử tôi Dương Chí Dũng, nguyên Tổng giám đốc công ty Vinalines, hối lộ.  Nhiều nguồn tin cho rằng đây chỉ là một vụ thanh toán “giết người bịt miệng”.  Ông Ngọ trở thanh một vật hy sinh để không bị “rút giây động rừng”.  Về cái chết của ông Ngọ, Thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó chánh Tòa Hình sự Hà Nội, người đã công bố quyết định khởi tố vụ án “Làm lộ bí mật nhà nước”, cho biết vụ án này sẽ bị đình chỉ.  Trong khi đó dư luận cho rằng “phải làm sáng tỏ ông Ngọ có tội hay không, ngoài ông Phạm Quý Ngọ còn ai nữa liên hệ tới số tiền trên.”  Người ta cũng nêu thắc mắc khi tòa án khởi kiện, vì cho đây là vụ án “Làm lộ bí mật nhà nước”.

Sau cái chết của Thượng tướng Phạm Quý Ngọ đến lượt ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đảng, một nhân vật theo như Hãng Thông tấn AFP loan tin, là quan chức đứng đầu thành phố Đà nẵng đã thay đổi thành phố biển này trở thành một trung tâm du lịch và đầu tư qua các biện pháp dẹp tham nhũng và quan liêu cửa quyền.  Trước khi chết ông Thanh đã để lại thư tố cáo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người đã hạ sát ông Thanh bằng hóa chất phóng xạ của Trung cộng.  Cái chết của ông Thanh cũng đi vào quên lãng.  Nhiều người đặt câu hỏi tại sao ông Thanh bị đưa về Hà Nội, liệu đây có phải là một trong những vụ tranh chấp giữa các phe phái trong đảng vì quyền lợi chia chác không đồng đều.

 Trong cơn lốc “ôm của chạy theo người”, cái chết bí ẩn của hai ông Phạm Quý Ngọ và Nguyễn Bá Thanh như để cảnh tỉnh, sẽ còn nhiều nhân vật quan trọng trong đảng phải “hy sinh” vào một ngày không xa.

Tình trạng bỏ đảng CS của các quan chức trong đảng ngày một nhiều.  Ông nguyễn Minh Cần, một đảng viên kỳ cựu với chức vụ quan trọng trong chính quyền Hà Nội đã bỏ đảng từ năm 1964.  Ông nhận định về đảng CS: “Nhóm cầm quyền trong đảng cứ khư khư ôm cái cũ, không dám và cũng không đủ trí tuệ để nhận ra cái mới, cái năng động của mầm non, cái tương lai, để dám đi những bước sáng tạo…Ban lãnh đạo, nhất là Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư già cả không có sức sống của tuổi trẻ để vươn tới trí tuệ, văn minh và tiến bộ, nên đảng CS mãi lạc hậu…”

Về hành động bỏ đảng, ông Cần cũng nêu lên: “Mỗi người sẽ tự hỏi và tự quyết định: có nên tiếp tục ở trong cái đảng CS  này nữa không hay rời bỏ nó?  Cái đảng phạm tội diệt chủng.  Cái đảng gian dối, lừa gạt lật lọng, trong 85 năm qua đã gieo rắc bao đau thương, tang tóc, tủi nhục cho mấy chục triệu con người…”

Vì biết rõ hành động phản bội dân tộc của đảng CSVN, ngày 10-4-2013, Thiếu tướng Hà Thanh Châu, Chính Ủy Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, trong một lần thăm các con du học tại Hoa Kỳ, đã tới Sở Di trú King County, Seatle, Tiểu bang Washington State xin tỵ nạn chính trị.  Ông đã tiết lộ một tập tài liệu tối mật của đảng CSVN về những thỏa thuận của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với Giang Trạch Dân tại Hội Nghị Thành Đô năm 1990, sát nhập Việt Nam vào Trung quốc năm 2020.

Trong thời gian tham dự phiên họp Kiểm điểm định kỳ về nhân quyền ở Việt Nam diễn ra vào ngày 5-2-2014 tại Genève-Thụy Sỹ, ông Đặng Xương Hùng, nguyên Vụ phó Bộ Ngoại giao VN, nguyên Lãnh sự VN tại Genève đã dứt khoát tuyên bố ra khỏi đảng CSVN và xin tỵ nạn chính trị tại Thụy Sỹ.  Ông tố cáo hành động độc tài cũng như đe dọa, khủng bố, bắt giam các nhà đấu tranh dân chủ và nhân quyền của chế độ CS Hà Nội.

Từ Đại sứ quán VN tại Thụy Sỹ, ông Hùng gửi thư ngỏ đề ngày 19-1-2014, tới các bạn tham dự Hội Nghị về Nhân Quyền của VN, cho hay ông đã từ bỏ đảng CSVN từ tháng 10-2013 để bắt đầu cuộc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.  Trong thư ông viết: “…Chúng ta, những người dân Việt Nam, đều là nạn nhân của chế độ cộng sản Việt Nam.  Hiện nay, đảng CSVN đã chọn con đường đi ngược lại nguyện vọng chính đáng của nhân dân VN.  Họ quyết tâm duy trì chế độ đảng trị, phớt lờ những đòi hỏi dân chủ và nhân quyền cho nhân dân VN…”

Ông Hùng cũng nhắn nhủ các bạn: “Những bằng chứng về vi phạm nhân quyền ở VN luôn luôn thữa thãi, mà chính các bạn là người nắm đầy đủ nhất.  Điều mọi người quan tâm là thái độ của các bạn tại phiên họp lần này.  Cái tâm nằm trong con tim và khối óc, nhưng muốn có được cái tâm trong sáng, cần được thể hiện ra ngoài bằng thái độ và hành động.  Các bạn đã có tấm lòng thương yêu nhân dân  và dân tộc VN, các bạn nên biểu hiện bằng hành động.  Các bạn nên chăm chú lắng nghe, ghi chép đầy đủ và báo cáo trung thực tất cả những gì mà bên ngoài nói về nhân quyền ở VN.  Các bạn nên làm những điều này với sự chân thành và cầu thị nhất…”

Kết luận:

Sau khi bản “Hiến Pháp 1992” được sửa đổi vào năm 2013, đảng CS Hà Nội quyết tâm giữ điều 4, một điều khỏan cho phép đảng độc quyền cai trị và khủng bố người dân, vì biết “bỏ điều 4 là tự sát”.  Chính hành động này khiến các đảng viên bất mãn.  Chưa có một quốc gia nào, kẻ cầm quyền đàn áp, tù đầy người dân khi họ quyết tâm bảo vệ đất nước trước sự xâm lăng của ngoại bang.  Chỉ có chế độ CS mới khủng bố người dân khi họ đòi hỏi quyền sống của con người.

Chính lúc này các đảng viên chân chính phải quyết định rời bỏ một đảng hèn với giặc, ác với dân.  Không thể vì một chút quyền lợi mà làm ngơ trước đời sống của người dân ngày một nghèo đói, một xã hội ngày càng tồi tệ băng hoại, người dân nghèo đang là những miếng mồi béo bở trước hành động buôn người của những kẻ cầm quyền.

Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất nước .  Tuổi trẻ Việt Nam đã đứng dậy, vì sự tồn vong của đất nước nhiều đảng viên thức thời đã bỏ đảng.  Hành động bỏ đảng CS của ông Đặng Xương Hùng hẳn là tấm gương cho quý vị cán bộ đại diện cho chính quyền CSVN tại các quốc gia dân chủ noi theo.  Không vì một chút quyền lợi của “chế độ bán nước” ban cho, mà quên đi bổn phận đối với dân tộc.  Đừng bao giờ “Ăn cơm nhân dân, thờ quân bán nước”, vì đây là một mối nhục mà con cháu phải mang.

Dân chủ pháp trị là con đường duy nhất để đất nước phát triển, dân tộc hùng cường, quốc gia hưng thịnh.







No comments:

Post a Comment