Friday, March 20, 2015

Tại sao thế giới ngày càng hỗn loạn? (David Miliband, Project Syndicate)





David Miliband, Project Syndicate
Biên dịch: Phạm Phan Hồng Anh | Hiệu đính: Bùi Thu Thảo & Lê Hồng Hiệp
Posted on 21/03/2015 by The Observer

Nguồn:  David Miliband, “The Deadth Toll of a Dying Order”, Project Syndicate, 18/02/2015.

Khủng hoảng tại Ukraine không nên ngăn chúng ta nhận ra nghịch lý chính của tình hình quan hệ quốc tế ngày nay: trong khi thế giới trở nên hòa bình hơn so với 300 năm trở lại đây nếu tính theo số lượng chiến tranh giữa các nước, thì mức độ rối loạn lại ngày càng tăng cao. Trên thực tế, tình trạng vô chính phủ ngày càng tăng tại các điểm nóng trên thế giới.

Xu hướng này có thể thấy không chỉ qua sự sụp đổ của Syria và tình trạng xung đột, di tản và sự thống khổ quy mô lớn của người dân lan tràn sang các nước láng giềng. Tại Nigeria, quốc gia lớn nhất châu Phi, có ít nhất 2.500 dân thường đã bị giết hại bởi phiến quân Hồi giáo cực đoan Boko Haram riêng một tháng vừa qua. Ước chừng 1,5 triệu người đã phải di tản từ các bang phía đông bắc Yobe, Borno và Adamawa, và bạo lực đã lan sang nước láng giềng Niger và Chad.

Thêm vào đó, phiến quân Taliban còn lâu mới thất bại tại Afghanistan. Chính phủ nước Cộng hòa Trung Phi rất khó khăn mới thiết lập được quyền lực ngay tại thủ đô. Khoảng 1.700 bộ tộc và các lực lượng dân quân đang tranh giành quyền lực tại Libya. 40 nhóm vũ trang lớn vẫn tồn tại một cách tự do tại phía đông Congo. Và danh sách vẫn còn tiếp tục.

Tại tất cả những địa điểm này, lực lượng cứu trợ nhân đạo trong tình trạng quá tải và thiếu nguồn lực bị đẩy tới tiền phương, nhằm xoa dịu những vết thương nghiêm trọng nhất của một lượng kỷ lục người di tản do xung đột và thảm họa. Các cơ quan của Liên Hợp Quốc và các đối tác phi chính phủ, được thiết lập nhằm hỗ trợ nạn nhân của các cuộc xung đột chính trị có tổ chức giữa các quốc gia, lại đồng thời phải ráng sức đối phó với các cuộc nội chiến hỗn loạn và kéo dài.

Có ba trường phái giải thích nguyên nhân tại sao điều này lại diễn ra. Một trường phái cho rằng, cũng như khi phong trào Kháng Cách (Reformation) gây rối loạn Châu Âu cách đây nửa thiên niên kỷ, thế giới ngày nay đang chứng kiến một cuộc đấu tranh có tiềm năng gây bùng nổ tương tự trong thế giới Hồi giáo. Bất chấp những luận đàm về mối đe dọa mà chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan gây ra đối với phương Tây, cần phải lưu ý một điểm đã được Ahmed Rashid nói rõ: “ISIS không phải gây chiến tranh chống lại phương Tây… Hơn tất cả, đây là cuộc nội chiến trong thế giới Hồi giáo: một cuộc xung đột của người Hồi giáo dòng Sunni chống lại người Hồi giáo dòng Shia, cũng là cuộc chiến bởi phe Sunni cực đoan chống lại những người Hồi giáo ôn hòa hơn”.

Cuộc đấu tranh trong thế giới Hồi giáo này đã đưa chủ nghĩa đa nguyên chống lại sự thanh tẩy (của những thành phần cực đoan – NBT). Nó chia rẽ các quốc gia và khu vực, lôi kéo người ta đi nửa vòng trái đất để gia nhập các cuộc thánh chiến jihad, đồng thời đe dọa gây thêm bạo lực chống lại người Hồi giáo, cũng như chống lại người Thiên Chúa giáo, người Do Thái và các tôn giáo khác.

Nhưng cuộc chiến nội bộ Hồi giáo không phải là một cách giải thích đầy đủ hay thuyết phục cho tình trạng vô chính phủ mà chúng ta thấy tại một đất nước như Nam Sudan, quốc gia với 11 triệu người vừa giành được độc lập cách đây 3 năm. Mặc dù quốc gia mới nhất thế giới này xuất hiện sau một cuộc nội chiến gay gắt giữa người Thiên Chúa giáo với người Hồi giáo, nhưng cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập nhận được 99% số phiếu ủng hộ. Vậy mà hôm nay 1,5 triệu người đã bị di tản, và điều này không hề liên quan tới Hồi giáo mà hoàn toàn chỉ liên quan tới cuộc xung đột giữa các sắc tộc để giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên của đất nước.

Tối thiểu có hai yếu tố khác có vai trò thiết yếu trong việc lý giải cuộc khủng hoảng nghiêm trọng tại 30-40 quốc gia dễ bị tổn thương trên thế giới hiện nay. Yếu tố đầu tiên là mặt trái của sự toàn cầu hóa: Còn lâu mới có viễn cảnh đồng nhất dân cư trên thế giới và xóa bỏ sự khác biệt, kỷ nguyên của chúng ta được đánh dấu bởi sự khẳng định ngày càng mạnh mẽ bản sắc dân tộc, chính trị và tôn giáo địa phương. Điều quan trọng là ngày càng nhiều quốc gia không thể khống chế được những sự chia rẽ này trong các biên giới hòa bình của mình. Các hệ thống chính trị của họ quá mỏng manh, dân cư quá nghèo và các nước láng giềng can thiệp quá trắng trợn khiến cho các nhà cầm quyền khó có thể tìm cách để chia sẻ quyền lực và đáp ứng các nhu cầu của người dân.

Nhưng có một yếu tố nữa góp phần khiến cho chúng ta tiến vào một thập niên hỗn loạn mà trong đó các cuộc khủng hoảng nhân đạo gây bất ổn tại các quốc gia thất bại hoặc đang thất bại lại không được giải quyết một cách đúng đắn. Đây là một yếu tố tuy dễ dàng nêu ra nhưng lại khó khắc phục: Hệ thống quốc tế còn yếu và bị chia cắt.

Mặc dù Chiến tranh Lạnh được đánh dấu bởi sự phân cực toàn cầu, với các khối địa chính trị riêng biệt và các cuộc xung đột qua tay người khác, nhưng đây cũng là một khoảng thời gian hệ thống quốc tế có trật tự hơn ngày nay. Chúng ta không nên nuối tiếc Chiến tranh Lạnh; nhưng chúng ta nên công nhận hậu quả của khoảng chân không tồn tại dai dẳng trong một phần tư thế kỷ qua sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Ngày nay, khả năng thế giới thống nhất một cách có hiệu quả đã trở thành một ký ức xa vời.

Hãy xem xét nạn dịch Ebola bùng phát tại Tây Phi. Phản ứng chậm và yếu của quốc tế có nghĩa là các sáng kiến dựa trên cộng đồng địa phương phải chịu trách nhiệm cho một sứ mạng nặng nề. Kết quả là, dù đại dịch Ebola cuối cùng đã được ngăn chặn thì số lượng tử vong lại cao một cách không cần thiết.

Bức tranh lớn hơn là bức tranh về các thể chế quốc tế bị bao vây bởi các nhu cầu và ưu tiên quốc gia mâu thuẫn nhau. Các thể chế này không phải là đang cao ngạo tự mãn – một cáo buộc thường được đưa ra chống lại Liên minh châu Âu và Liên Hợp Quốc – mà chúng đang gắng gượng vượt qua các lập trường bảo thủ của các quốc gia. Bên cạnh các cơ cấu yếu kém của các quốc gia dễ bị tổn thương, đây chính là công thức tạo nên sự hỗn loạn.

Các tổ chức nhân đạo đang cố gắng nâng cao hiệu quả hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ việc làm rõ các kết quả tới thúc đẩy việc lên chương trình dựa trên chứng cứ cũng như các cuộc can thiệp có hiệu quả. Nhưng, dù chúng ta có thể cố gắng làm chậm lại cái chết (của các nạn nhân), chúng ta không thể chấm dứt được sự giết chóc. Đây là một thách thức đối với nền chính trị toàn cầu – một thách thức về việc xác định các ưu tiên, về các tổ chức và các giá trị.

David Miliband, Bộ trưởng Ngoại giao Anh nhiệm kỳ 2007-2010, hiện làm Chủ tịch và CEO của Ủy ban Cứu trợ Quốc tế.





No comments:

Post a Comment