Monday, March 2, 2015

Internet và tiến trình dân chủ hóa Việt Nam (Kính Hòa - RFA)





Kính Hòa, RFA
2015-03-02

Quyết định nối kết với thế giới bên ngoài qua Internet của chính phủ Việt nam, với mục đích đầu tiên là kết nối kinh tế với thế giới, đã bắt đầu một thời kỳ khác của thông tin đối với người Việt nam. Qua Internet, các ý tưởng phản kháng của giới trí thức Việt nam, của những đảng viên cộng sản từ bỏ lý tưởng đã đến với công chúng.

Tiếp cận thông tin và công bố ý tưởng

Năm 97, 98 thì họ đưa internet về, tôi cũng xoay sở để có được chiếc máy tính và nối được mạng. Đầu năm 2000 tôi cộng tác với tờ Talawas. Trang Talawas này có một chủ trương là một trang văn học, phê bình văn học, nhưng mà là văn học độc lập, văn học phê phán chế độ cộng sản. Nhờ Internet mà tôi mở rộng, đọc được các trang web của đồng bào hải ngoại như là Hưng Việt, Tự do ngôn luận, Đối thoại, cùng nhiều trang web khác, và tôi bắt đầu tham gia viết. ”

Đó là hồi ức của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa khi nhớ lại thời điểm bắt đầu tiếp cận nhiều thông tin, và một phương cách để tuyên bố những ý tưởng của chính mình. Ông vốn bắt đầu có những suy nghĩ khác biệt với tư tưởng chính thống được đảng cộng sản áp đặt từ những năm 60 của thế kỷ trước, nhưng sự hoạt động dân chủ của ông thực sự bắt đầu khi có internet.

Quyết định nối kết với thế giới bên ngoài qua Internet của chính phủ Việt nam, với mục đích đầu tiên là kết nối kinh tế với thế giới, đã bắt đầu một thời kỳ khác của thông tin đối với người Việt nam. Qua Internet, các ý tưởng phản kháng của giới trí thức Việt nam, của những đảng viên cộng sản từ bỏ lý tưởng đã đến với công chúng. Một đảng viên cao cấp nói là ông thực sự thay đổi khi đọc được những bài viết về sự cai trị phản dân chủ của đảng cộng sản Trung quốc được lưu truyền trên mạng.

Internet đặc biệt có tác dụng đối với giới trẻ trong việc lan truyền các ý tưởng dân chủ.
Cô Phạm Thanh Nghiên, một người đấu tranh dân chủ trẻ tuổi tại Hải phòng nói rằng:
Trước tiên là phải cảm ơn Internet. Cuối năm 2006, đầu năm 2007 tôi tập tành ra các quán Internet, và tôi vô tình đọc được nhiều bài viết và những thông tin.”

Cô Nghiên nói thêm là một trong những sự kiện làm cô suy nghĩ cho hoạt động dấn thân của mình là chuyện luật sư Lê Thị Công Nhân bị bắt mà cô Nghiên, thông qua Internet, đọc được qua trang mạng BBC.

Một hoạt động yêu thích của giới trẻ Việt nam có quan tâm đến đời sống chính trị của đất nước là tham gia những diễn đàn trên mạng, chính nơi đây mà họ phát hiện nhiều ý tưởng khác nhau, nhiều cách tiếp cận vấn đề khác nhau, từ đó dẫn tới những cuộc dấn thân vì một xã hội đa nguyên và dân chủ.

Vào năm 2009 một trang blog xuất hiện nhằm mục đích chống lại dự án Bauxite Tây nguyên vì tác động tiêu cực của dự án này lên môi trường và an ninh của quốc gia. Đó là trang Bauxite Việt nam. Nhà báo Đoan Trang nhận định về sự kiện này:

Trang Bauxite Việt nam là một trang gây chấn động, nhất là đối với các phong trào xã hội mà họ tạo ra như chống dự án Bauxite. Họ kêu gọi được đến 3000 đến 4000 chữ ký của các trí thức gốc Việt trên toàn thế giới ký vào kiến nghị như vậy thì quả là một việc làm có ý nghĩa và chấn động.”

Thúc đẩy dân chủ hóa xã hội

Từ mục đích ban đầu là chống dự án Bauxite, trang Bauxite Việt nam tiếp tục phát triển cho đến ngày nay với nội dung đăng tải những ý kiến phản biện xã hội hay kêu gọi dân chủ hóa Việt nam như là phản đối các điều luật phi dân chủ trong luật pháp Việt nam, hay nổi bật nhất là kiến nghị sửa Hiến pháp Việt nam theo hướng dân chủ đa nguyên.

Các trang blog chuyển tải nội dung chính trị qua phương tiện Internet liên tục xuất hiện, và nhà cầm quyền đã phải sử dụng nhiều biện pháp độc đoán như là dùng tường lửa để ngăn chận, hay bắt giam các bloggers. Những người điều hành các trang blog nổi tiếng như Ba Sàm, Quê Choa, Một góc nhìn khác đều bị bắt, và hiện nay các ông Nguyễn Hữu Vinh người điều hành trang Ba Sàm, ông Trương Duy Nhất của trang Một góc nhìn khác hiện vẫn còn nằm sau song sắt nhà tù.

Một thời kỳ mới của việc truyền bá thông tin trên mạng lại ra đời với các trang mạng xã hội. Một trong những trang mạng cổ võ cho dân chủ hóa Việt nam là trang Facebook Nhật ký yêu nước với hơn 200 ngàn người theo dõi thường xuyên.

Một trong những thanh niên điều hành trang này nói với chúng tôi về vai trò của Internet trong tiến trình dân chủ hóa Việt nam hiện nay:

Tôi nghĩ là Internet ngày càng có vai trò quan trọng trong tiến trình dân chủ hóa Việt nam. Trong bối cảnh là các phương tiện truyền thông khác do chính quyền Việt nam kiểm soát như là, báo in, radio, TV, bị kiểm duyệt rất nghiêm ngặt, thì Internet với mức độ truyền tải thông tin rất là mau lẹ, đi kèm với những tiện ích của nó, làm cho người dùng ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là những nước mà truyền thông bị kiểm duyệt một cách nghiêm ngặt như ở Việt nam, có khả năng tiếp cận được với những thông tin đa chiều hơn. Mọi người có thể tiếp cận nhiều nguồn khác nhau trên Internet, chứ không phải là chỉ một nguồn mà nhà cầm quyền Việt nam hay là các nhà cầm quyền có mong muốn kiểm duyệt thông tin khác muốn họ biết tới chỉ với phương thức một chiều.”

Sự tiếp cận thông tin đó, theo người điều hành trang Nhật ký yêu nước, sẽ góp phần cải thiện nhận thức và quan điểm của nhiều người đối với các vấn đề chính trị xã hội mà họ quan tâm, và từ đó dần dần quan tâm đến các vấn đề dân chủ và nhân quyền.

Theo quan sát của nhiều người thì trong các cuộc cách mạng hay biến chuyển xã hội gần đây ở các quốc gia có chế độ toàn trị như ở Bắc Phi, thì có vai trò của các trang mạng xã hội cũng như các blog chính trị.

Ở Việt nam, các trang mạng xã hội hay các blog trên Internet cũng là nơi phát động các cuộc biểu tình đòi đất của nông dân nghèo, đòi thả những tù nhân chính trị tại các phiên tòa của nhà cầm quyền.

Một điều trớ trêu là có cả những trang mạng mà người ta cho là của những người cầm quyền đứng đằng sau để đưa ra những thông tin về tham nhũng, về tranh giành quyền lực chính trị, một điều mà trước đây không hề có.

Sau gần 20 năm có mặt tại Việt nam, Internet thực sự tạo nên một môi trường thông tin khác hẳn trước đó. Một xã hội đa chiều hơn đã được hình thành như nhiều bloggers cùng công nhận. Nhưng cũng có những ý kiến thận trọng hơn, như của bà Tamara Wittes chuyên gia về Trung Đông, cho rằng Internet đóng vai trò quan trọng trong việc chia sẻ những ý kiến dân chủ với nhau, đưa những hình ảnh đấu tranh dân chủ ra thế giới, nhưng để đi đến một cuộc cách mạng nhanh chóng và thực sự thì còn cần những điều khác nữa.



No comments:

Post a Comment