Friday, March 20, 2015

Chuyên gia giải thích căn bệnh mãn tính của Trung Quốc (Valentin Schmid, Epoch Times)





Valentin Schmid, Epoch Times
20 Tháng Ba , 2015

Theo nhà phân tích kỳ cựu Trung Quốc Fraser Howie, Trung Quốc đang trong tình trạng hỗn loạn về kinh tế lẫn chính trị.

Dù nhìn từ bất kỳ góc độ nào thì Trung Quốc cũng đang gặp phải rất nhiều vấn đề. Nền kinh tế của Trung Quốc giống như một quả bóng khổng lồ và việc đấu đá nội bộ đang làm tê liệt bộ máy chính quyền.

Đối với một số người, Trung Quốc vẫn là một điều bí ẩn, và hầu hết những ai sống bên ngoài Trung Quốc chỉ có cái nhìn thoáng qua về những gì đang xảy ra ở đất nước khổng lồ này thông qua các bản báo cáo hoặc các thống kê chính thức. Nhưng với ông Fraser Howie thì khác: ông đã dành nhiều năm làm việc tại Trung Quốc vào những năm 2000 để viết nhiều về Trung Quốc.

“Red Capitalism” (Chủ nghĩa tư bản đỏ), cuốn sách gần đây nhất của ông không những được vinh danh là cuốn sách của năm do tạp chí The Economist bình chọn, mà còn là một trong những cuốn sách đầu tiên tiết lộ cơ chế nợ trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc và những rủi ro của mô hình tăng trưởng đầy nợ nần này.

Ông Howie cho biết: “Những vấn đề của Trung Quốc đã trở thành mãn tính và không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Không giống như Hy Lạp hoặc Dubai — những quốc gia khi cần tái cấp vốn thì không thể in thêm tiền, Trung Quốc gặp phải những vấn đề về mô hình cấu trúc dài hạn vốn đã ăn sâu bám rễ từ lâu”.

Cốt lõi của những vấn đề nằm ở việc đầu tư quá mức. Theo Ngân hàng Thế giới, tích lũy tài sản cố định gộp chiếm gần 50% GDP trong thập niên qua.

Đầu tư quá nhiều

Nếu so sánh thì đầu tư của Mỹ vào các tư liệu sản xuất như nhà máy, nhà cửa và đường xá chiếm gần 20% GDP.

Ông Howie nói: “Vâng, là một quốc gia đang phát triển, Trung Quốc cần xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng cũng cần phải thu được lợi nhuận từ các khoản đầu tư này”.

“Về cơ bản họ không thể biến dự án tồi thành dự án tốt. Nếu bạn xây dựng một chung cư ở giữa sa mạc và không ai muốn sống ở đó, bạn sẽ thua lỗ. Cho dù bạn thu hút người dân đến đó sống bằng việc trợ cấp và giá thuê rẻ hơn, thì lợi nhuận của bạn vẫn sẽ thấp đi”, ông Howie nói.

Theo ông Howie, với một dự án thông thường thì một nhà đầu tư (công ty hoặc chính phủ) đều có thể thu được mức lợi nhuận 10%. Nếu bạn xây dựng những thứ không ai cần, lợi nhuận có thể bằng không hoặc thậm chí âm.

Khi các nhà kinh tế nhận thấy không có tiềm năng về lợi nhuận, họ sẽ ngừng đầu tư và toàn bộ kế hoạch sẽ bị phá sản.

Ông Howie cho biết: “Bạn có thể thấy hàng tồn kho đang tích dụ dần ở rất nhiều lĩnh vực. Do đó, khi bạn thấy tổng năng suất dư thừa trên tất cả các lĩnh vực và các loại mặt hàng, bạn sẽ nghĩ rằng: Đây giống như một bức tranh kinh dị”.

Ông Howie cũng xét thấy có một sự sai biệt đáng kể giữa con số chính thức và những gì đang diễn ra trên thực tế. Đúng là Trung Quốc đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,8% trong năm 2015, nhưng hầu hết các báo cáo về Trung Quốc đều cho thấy mọi thứ đang chậm lại đáng kể.

Sau khi xem xét về tình trạng hỗn loạn này, chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực duy trì cuộc sống hạnh phúc cho người dân với bất cứ giá nào bằng việc bơm tiền cho họ: việc làm chính đáng duy nhất của ĐCSTQ.

“Sự bất mãn phần nào được giải quyết bằng cách tăng lương. Bất cứ khi nào có thể, chính phủ đều cố gắng điều chỉnh mức lương hoặc mức giá trần, điều này cũng có nghĩa là các doanh nghiệp rất khó kiếm lời”. Nhưng ngay cả khi mức lương cao hơn cũng không thể mua được khí sạch hay thực phẩm còn tươi. Ông Howie thậm chí còn chế giễu rằng theo quy định thì bạn chỉ có thể lái xe hơi sang trọng hai ngày một lần.

Mặt khác, nhân quyền và tự do ngôn luận bị chà đạp để đi theo đúng đường lối của Đảng, theo ông Howie thì điều này gây phản tác dụng:
“Vì Đảng muốn duy trì một thứ ‘quyền lực sắt’ có thể đánh đổ bất kỳ thế lực nào khác. Nếu được tự do hơn về quyền công dân thì họ sẽ có được vị thế tốt hơn rất nhiều khi đối phó với một số căng thẳng. Và có thể đối phó với sự tăng trưởng chậm lại. ”

Quyền lực chính trị

Trong khi nhiều người nghĩ rằng chính phủ có thể sửa chữa mọi lỗi lầm, thì ông Howie lại không nghĩ như vậy.

“Nhiều người nghĩ rằng chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tiến hành thúc đẩy một cuộc cải cách toàn diện, và rằng ông sắp làm nhiều điều để thực hiện theo đúng cam kết tại Hội nghị Trung ương 3: yếu tố thị trường đóng vai trò quyết định và nhà nước đóng vai trò thứ yếu. Hiện nay có rất ít bằng chứng cho thấy điều đó, nó thuộc về hy vọng hơn là có bằng chứng cụ thể”, ông Howie nói.

Trong khi ông Tập đang chống tham nhũng quyết liệt, ông cũng tiến thêm một bước trong việc củng cố quyền lực trong nội bộ Đảng; đặc biệt là khi đối mặt với các phe phái tàn bạo mà gần như đã đánh bật được ông ra khỏi con đường tiến đến vị trí quyền lực tối cao vào năm 2012. Các cuộc thanh trừng chính trị không ngừng của phe này – liên quan mật thiết với cựu lãnh đạo Đảng Giang Trạch Dân – người đã không thực hiện tròn trách nhiệm của nhà nước trong việc cải cách kinh tế, mà luôn đưa ra những chiến dịch đàn áp tư tưởng trên quy mô lớn và hà khắc.

Ông Tập thể hiện một thái độ chính trị hết sức cứng rắn. Có thể thấy điều đó qua cách xử lý của ông Tập đối với những sự việc diễn ra tại Tây Tạng, Tấn Giang (thuộc miền Nam Trung Quốc, nơi gần đây xảy ra một vụ tranh chấp lao động) hoặc Hồng Kông.

Thật khó để dự đoán những gì có thể xảy ra: “Nếu ông Tập tiếp tục duy trì trấn áp, người ta sẽ không dám phê duyệt bất cứ điều gì vì sợ bị liên lụy về tham nhũng. Trung Quốc cần có một hệ thống tốt hơn về vấn đề trách nhiệm và minh bạch mà chúng ta lại không thấy được điều này. Ông Tập không hề thể hiện được rằng ông ta đang thay đổi mô hình”.

Trung Quốc không phải là nền kinh tế lớn nhất thế giới

Trong loạt bài phỏng vấn của ông Howie với Thời Báo Đại Kỷ Nguyên, ông đi ngược lại với một nhận thức sai lầm phổ biến. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong năm 2014 đưa ra quan điểm cho rằng Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn nhất thế giới theo một khái niệm kinh tế ít người biết gọi là sức mua tương đương (PPP).

Bởi vì tỷ giá chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố khác ngoài thương mại hoặc sản xuất và tiêu dùng nội địa (ví dụ dòng vốn và đầu cơ), họ bóp méo số liệu tiêu thụ thực tế và bức tranh sản xuất của nền kinh tế địa phương – những yếu tố phản ánh đúng sức mạnh kinh tế và sự giàu có của một quốc gia.

Theo ông Howie, mô hình này gặp thiếu sót nghiêm trọng trong trường hợp của Trung Quốc: “Có một giả định rất lớn về nguyên lý sức mua tương đương nhưng họ thường không nêu ra. Nó là cơ sở cho toàn bộ nguyên lý: Điểm duy nhất khác biệt giữa hàng hoá và dịch vụ trong các nền kinh tế là về giá chứ không phải chất lượng”.

Ông cho biết chất lượng của sản phẩm và dịch vụ của Trung Quốc kém hơn rất nhiều so với Hoa Kỳ, ngay cả hàng xuất khẩu cũng vậy.

Bất cứ ai đã từng đến Trung Quốc sẽ xác nhận về sự kém cỏi này, nhưng ngoại lệ với một số hàng hoá và dịch vụ do công ty các nước phương Tây cung cấp, hầu hết là bán với giá tương đương.

Sự ngang giá ở Manhattan

Ông Howie cho biết, “Bạn có thể cắt tóc ở Bắc Kinh với giá chỉ 5 nhân dân tệ (0,8 đô la Mỹ) hoặc 10 nhân dân tệ (1,6 đô la Mỹ) nhưng ở New York đó là 20 đô la Mỹ. Vâng, thực ra ở đại lộ số 5 là 75 đô la Mỹ và ở Brooklyn là 25 đô la Mỹ. Vì vậy, liệu bạn có sức mua tương đương giữa Brooklyn và Manhattan không?

Ông ấy nghĩ rằng giá trị hàng hóa và dịch vụ ở Trung Quốc có thể chỉ bằng 50% so với hàng hóa và dịch vụ ở Mỹ, đặc biệt là dịch vụ hậu mãi: “Nói chung họ có thể cung cấp các dịch vụ cơ bản. Nếu có sai sót, các dịch vụ chăm sóc khách hàng lại rất tệ. Tôi sử dụng một số sản phẩm phần mềm của Trung Quốc và việc mã hóa rất là kém. Và điều đó dẫn đến dịch vụ bảo hành kém”.

Nhìn chung ông Howie nghi ngờ lãnh đạo kinh tế của Trung Quốc, ngay cả nếu như nền kinh tế có lớn hơn nữa. Ông cho biết thực tế là sẽ không có bất cứ sự đổi mới nào sắp diễn ra ở Trung Quốc và quốc gia này cũng không ảnh hưởng đến các nền kinh tế khác theo hướng tích cực, ngoại trừ việc cung cấp hàng giá rẻ cho thị trường các nước phương Tây.

“Hoa Kỳ vẫn luôn là nước đứng đầu toàn cầu trong nhiều lĩnh vực và mọi thứ phát triển ở Mỹ đều được sao chép ở nơi khác hoặc được ứng dụng ở nơi khác. Có rất ít bằng chứng cho thấy các công ty Trung Quốc thành công trong việc xây dựng mạng lưới và sự thành công bên ngoài Trung Quốc hay cộng đồng người Trung Quốc”.

Thay vào đó toàn bộ nền kinh tế và các ngành công nghiệp nhà nước được gọi là lớn chỉ bởi vì họ phục vụ một tỷ người. Hầu như tất cả các số liệu thống cơ bản, bao gồm cả những số liệu hiệu chỉnh hệ số PPP tệ hơn nhiều so với các nước Tây Âu hay Hoa Kỳ.

Ông Howie đưa ra kết luận “Tại một thời điểm nào đó nền kinh tế Trung Quốc sẽ lớn hơn Hoa Kỳ, rồi sao. Trong 30 năm qua, Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mà đa phần là trì trệ và không có sức ảnh hưởng tới các nước còn lại. Nền kinh tế lớn thế nào? Bạn chỉ đơn giản là tổng hợp các hoạt động của 1,3 tỷ người, ”







No comments:

Post a Comment