Thursday, March 19, 2015

Bức thư lạ thường gởi cho Iran của 47 Nghị Sĩ Cộng Hòa (Hà Tường Cát/Người Việt)





Hà Tường Cát/Người Việt
Tuesday, March 17, 2015 10:58:47 AM

HOA KỲ - Trải qua lịch sử, đấu khẩu giữa Quốc Hội và tổng thống là chuyện bình thường. Nhưng hầu hết những tranh luận ấy đều trong các vấn đề quốc nội, còn đối ngoại theo truyền thống thuộc trách nhiệm lèo lái của tòa Bạch Ốc. Quốc Hội chỉ chính thức can thiệp khi vai trò được minh định cụ thể, hoặc không chính thức khi bày tỏ sự cổ vũ hay lên tiếng chỉ trích đường lối của Hành Pháp.

Bài viết trên tạp chí US News & World Report số phát hành ngày 16 Tháng Ba, nói rằng “chưa bao giờ thấy một số nhà lập pháp làm một việc trơ tráo như vụ 47 thượng nghị sĩ Cộng Hòa ký tên trong lá thư gởi cho giới lãnh đạo Iran tuần trước.”

Không hài lòng với cuộc thương thuyết về vấn đề phát triển nguyên tử của Iran và tin rằng có thể đi đến một thỏa hiệp không có lợi cho Hoa Kỳ và Israel, lá thư ngỏ gởi đến giới lãnh đạo Iran công khai cảnh báo rằng bất cứ thỏa thuận nào đạt được cũng sẽ không có giá trị lâu dài. Nhóm thượng nghị sĩ này nhắc nhở Iran rằng theo Hiến Pháp Hoa Kỳ vị tổng thống Mỹ tương lai chỉ cần bằng một chữ ký vô hiệu hóa thỏa ước ấy.

Nói cách khác, xin quý vị lãnh đạo Iran hiểu là muốn ký gì thì ký, nhưng không bảo đảm rằng Quốc Hội Mỹ hay tổng thống Mỹ tương lai sẽ không đưa ra những biện pháp cấm vận mới. Và chắc quý vị cũng đã biết nhà lãnh đạo Hoa Kỳ hiện nay, Tổng Thống Barack Obama, tới đầu năm 2017 sẽ về vườn.

Sự đối đầu từ 6 năm qua giữa Quốc Hội Cộng Hòa với chính quyền Dân Chủ đi tới một bước rạn nứt mới. Những người Cộng Hòa tin là tổng thống không có quyền ban hành sắc lệnh về di dân chưa có sự đồng ý của họ. Và ngược lại họ đã chứng tỏ sự coi thường vai trò của tổng thống và không tôn trọng giá trị của nhà lãnh đạo nước Mỹ trong vị trí ngoại giao quốc tế.

US News & World Report cho rằng trong 1/4 thế kỷ qua, có sự khủng hoảng tín nhiệm đối với người đứng đầu tòa Bạch Ốc. Tổng Thống Bill Clinton trong khi làm việc luôn luôn tìm cách phát triển quan hệ hợp tác với những người Cộng Hòa. Nhưng điều ấy không làm giảm tâm lý bất phục của một số khác vẫn cho rằng ông không xứng đáng ở vị trí ấy, vì hai nhiệm kỳ đắc cử đều không đạt được trên 50% phiếu cử tri Mỹ (43% năm 1992 và 49.2% năm 1996). Sau chiến thắng vùng Vịnh năm 1991, uy tín của Tổng Thống Gerorge H.W. Bush theo thăm dò dư luận lên tới 80% và đã được coi như không thể thất bại trong kỳ bầu cử 1992. Tổng Thống George W, Bush thắng trong cuộc bầu cử nhiều trục trặc năm 2000, và thua Al Gore về số phiếu cử tri toàn quốc.

Mặc dầu thắng cử năm 2008 bằng 52.9% phiếu cử tri và 365/173 phiếu cử tri đoàn, vị tổng thống da đen đầu tiên vẫn không bao giờ được những người bất đồng ý kiến nể phục ở vị trí lãnh đạo Hoa Kỳ qua cả hai nhiệm kỳ. Bà Dianne Feistein, thượng nghị sĩ Dân Chủ tiểu bang California từng công khai phàn nàn: “Tôi thấy có những người Cộng Hòa muốn làm bất cứ điều gì có thể để hạ bệ vị tổng thống này. Trong một thời gian dài họ đặt vấn đề kinh tế. Ðến khi kinh tế hồi phục thì họ tìm lối khác.” Dự định cải tổ y tế của Tổng Thống Clinton không đi đến kết quả, trong khi Tổng Thống Obama thành công với đạo luật cải tổ y tế ACA (Affordable Care Act) quen gọi là Obamacare, hoàn toàn dựa vào sự ủng hộ của Quốc Hội do đảng Dân Chủ đang nắm giữ đa số cả hai viện, và cho đến nay đảng Cộng Hòa vẫn tiếp tục tìm mọi cách chống đối.

Lá thư ngỏ gởi Iran có chữ ký của 47 thượng nghị sĩ Cộng Hòa trong đó có cả lãnh tụ Thượng Viện McConnell và nhiều thượng nghị sĩ có tiếng khác như John McCain, Lindsey Graham, Marco Rubio, Rand Paul, Ted Cruz,... Bảy người Cộng Hòa và toàn thể 46 người Dân Chủ không tham gia với “băng đảng 47” (Gang of 47, tên gọi do tờ Tampa Tribune đặt ra).

Bản tin Bloomberg cho biết dư luận phản ứng mạnh mẽ về việc gởi thư này. Tờ New York Daily News đưa tin trên trang nhất với hình bốn thượng nghị sĩ Tom Cotton, Rand Paul, Ted Cruz và Mitch McConnell và hàng chữ lớn bên dưới: Traitors (Những kẻ phản quốc).

Mika Brzezinski của MSNBC nói:Nếu như người ta còn chút nào dè dặt với ý nghĩa của việc Quốc Hội Cộng Hòa mời thủ tướng Israel sang nói chuyện, thì chuyện này chứng tỏ rõ ràng rằng mọi hành động của họ đều bị ám ảnh bởi mục tiêu đen tối muốn phá hoại tổng thống và những nỗ lực của ông để đi đến một thỏa hiệp thay vì chiến tranh.”

Phát ngôn viên tòa Bạch Ốc Josh Earnest nhận định rằng mục đích của lá thư chỉ là gây khó dễ phá hoại cuộc thương lượng với Iran. Tuy nhiên ông minh xác thỏa hiệp về chương trình nguyên tử của Iran không phải là một hiệp ước cần được Quốc Hội phê chuẩn. Kết quả tối đa của thỏa hiệp chỉ là gỡ bỏ các biện pháp cấm vận cho Iran. Hoa Kỳ không bị phương hại nào đến an ninh quốc gia hay thiệt thòi về quyền lợi.

Thượng Nghị Sĩ Tom Cotton, 37 tuổi, cựu chiến binh Iraq, mới đắc cử vào Thượng Viện Tháng Mười Một năm ngoái ở tiểu bang Arkansas là người cầm đầu việc vận động viết lá thư cho Iran. Các phân tích gia nói Cotton là “một thượng nghị sĩ hai tháng tuổi” như lời Thượng Nghị Sĩ Feinstein, chưa thông hiểu luật lệ, nên phạm lầm lỗi trong thư khi viết “vì giới lãnh đạo Iran có thể không hiểu hệ thống luật Hiến Pháp của chúng tôi,” nhưng chính ông lại sai khi nói hiệp ước “phải được Thượng Viện phê chuẩn bằng đa số 2/3.”

Danh từ “phản quốc” tràn lan trên các mạng xã hội, nhưng các cơ quan truyền thông dòng chính không dùng tới mặc dầu phê phán gay gắt về lá thư. Theo Los Angeles Times, lá thư không trái luật, cũng chưa đến mức phản quốc, nhưng vấp váp ngớ ngẩn.

Giáo sư khoa học chính trị Daniel W. Drezner trường đại học Tufts University nói: “Lá thư gởi Iran không bất hợp pháp nhưng thuộc loại ngu xuẩn (dumb).” Về mặt kỹ thuật, điều các thượng nghị sĩ nói là đúng, họ cho rằng Quốc Hội có quyền tìm cách vô hiệu hóa bất cứ thỏa hiệp gì của tổng thống. Có thể là cần nói cho lãnh đạo tối cao Iran, Ayatollah Ali Khamenei, biết như thế, nhưng phái đoàn thương thuyết Iran gồm nhiều thành viên đã được giáo dục tại Mỹ, chắc chắn phải hiểu rõ điều ấy như thế nào rồi.

Trước phản ứng trong dư luận, nhiều người trong nhóm 47 tỏ ra ân hận đã ký vào lá thư nhưng hầu hết vẫn giữ lập trường của mình. Thượng Nghị Sĩ Ron Johnson bênh vực quyết định nhưng nói: “Nếu tôi có chút gì hối tiếc, thì chỉ về mặt chiến thuật, có lẽ nên là lá thư ngỏ gởi đến tất cả mọi người hay không tới riêng ai.” Thượng Nghị Sĩ Pat Roberts cũng cùng ý kiến nhưng cho rằng “thông điệp là quan trọng hơn việc ai đưa ra và gởi đi đâu.”

Thượng Nghị Sĩ John McCain rõ ràng tỏ ra không hoàn toàn tán thành lá thư này. Theo Los Angeles Times, ông xác định sự đồng tình với lá thư nhưng nhìn nhận rằng: “Có thể đây không phải phương cách tốt nhất.” Ông cho biết thêm là đã nhanh chóng ký tên khi các đồng viện vội vã chuyển đến trước khi rời khỏi Washington trong ngày bão tuyết sắp tràn tới. Ông nói: “Tôi đã ký nhiều giấy tờ hôm ấy.”

Nhật báo Cleveland Plain Dealer và Cincinnati Enquirer ở Ohio ủng hộ Thượng Nghị Sĩ Rob Portman trong cuộc bầu cử năm 2010, nhưng bây giờ cả hai đều trách móc ông về việc ký tên trong nhóm 47. Hai tờ báo cho rằng việc làm này làm giảm giá trị của Thượng Viện.
Thượng Nghị Sĩ Jeff Flake tiểu bang Arizona, một trong 7 người Cộng Hòa không ký tên cho rằng việc làm ấy không thích đáng và phản tác dụng trong lúc này.

Tờ Washington Examiner loan tin tới cuối tuần vừa qua thỉnh nguyện thư gởi lên tòa Bạch Ốc đề nghị truy tố nhóm 47 thượng nghị sĩ đã thu được 235,000 chữ ký. Theo quy định, tòa Bạch Ốc buộc phải chính thức trả lời trong vòng 30 ngày những thỉnh nguyện thư có trên 100,000 chữ ký. Cho tới bây giờ chưa có lời giải đáp.

Bênh vực việc làm của nhóm 47, những người Cộng Hòa cho rằng họ cần phải tỏ một thái độ cương quyết là có tiếng nói trong cuộc thương thuyết vì lo ngại Tổng Thống Obama quá mềm.

Một số những người Cộng Hòa bảo thủ đã phê phán thỏa hiệp (có thể có với Iran) là lỗi lầm dại dột - hay nặng hơn là sự phản bội - của chính quyền Obama. Quan niệm ấy, đúng hay sai, đều quá chủ quan vì Hoa Kỳ không hành động một mình. Thương thuyết với Iran là nhóm P5+1 gồm 5 cường quốc nguyện tử - Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc - và Ðức. Như vậy lá thư của nhóm 47 còn là sự phá hủy liên minh quốc tế trong đó các thành viên đã cam kết chung lập trường đối phó với Iran.

Như vậy nếu muốn hủy bỏ thỏa hiệp thì vị tổng thống tương lai của Hoa Kỳ phải giải thích lý do vì sao không đồng ý cùng các đồng minh và chấp nhận rủi ro chiến tranh. Vị tổng thống ấy cũng sẽ phải mặc nhiên thừa nhận một nguyên tắc mới, “chủ thuyết Cotton,” rằng bất cứ hiệp định nào cũng chỉ có giá trị trong nhiệm kỳ của một tổng thống. Các quan sát viên tin rằng không một ông hay bà tổng thống nào sau này sẽ làm như vậy nếu Iran hãy còn tôn trọng thỏa hiệp ký kết trong nhiệm kỳ Tổng Thống Obama.

Âu Châu chỉ trích nặng nề lá thư của nhóm 47. Ngoại Trưởng Ðức Frank-Walter Steinmeier tuyên bố: “Ðây không phải chỉ là vấn đề chính trị nội bộ Hoa Kỳ, mà ảnh hưởng tới cuộc thương thuyết chúng tôi đang tiến hành ở Geneva.” Theo ông việc này làm tăng thêm sự thiếu tin cậy giữa các bên. Anh và Pháp cũng bày tỏ quan điểm tương tự.

Ngoại Trưởng John Kerry tố giác lá thư là sự phá hoại nỗ lực ngoại giao của Hoa Kỳ và gây khó khăn cho cuộc thương thuyết bằng một lập luận sai rằng Quốc Hội có quyền không chấp nhận thỏa hiệp. Ngoại Trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng chỉ trích lá thư nhưng nói rằng nó sẽ không làm ảnh hưởng đến các cuộc thảo luận đang tiến hành.









No comments:

Post a Comment