Wednesday, March 18, 2015

40 năm chiến dịch babylift (Radio Australia)





Cập nhật lúc 3 March 2015, 11:01 AEDT

Trong tháng Tư tới, một bưa tiệc hội ngộ sẽ đón nhiều con nuôi của chiến dich babylift trở về Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến dịch di tản này. Rất nhiều người trong số họ hiện đang tìm kiếm cha mẹ ruột của mình và xét nghiệm ADN là một giải pháp giúp họ thêm cơ hội tìm lại được người thân.

Trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam, rất nhiều em bé từ các trại mồ côi và bệnh viện đã được đưa di tản trên những chuyến bay khẩn cấp ra khỏi Sài Gòn.

Chiến dịch Babylift năm 1975 đã đưa 3 nghìn trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ra khỏi Việt Nam đi làm con nuôi ở nhiều nước như Mỹ, Canada và Úc. Đã có 300 em bé đã được nhận nuôi tại Úc.

Chantal Doecke đã được một gia đình Úc nhận nuôi khi chiến tranh kết thúc. (Ảnh được cung cấp).


Chantal Doecke từng là một em bé có mặt trong một chuyến bay cất cánh vào ngày 5 tháng Tư năm 1975.
“Tôi được đặt nằm trong một chiếc hộp để giày giống như các em bé khác. Tất nhiên đó là chọn lựa dễ dàng và an toàn khi đó,”Chantal kể.

Chantal đã được một cặp vợ chồng Úc nhận nuôi và cô nói rằng mình không hề nghĩ ngợi nhiều về nguồn gốc của mình chỉ đến khi sinh con đầu lòng.
“Tôi đã đứng trước gương và tôi bế con gái trong tay. Tôi nhìn bé và nhìn bản thân rồi tôi nghĩ, ‘ồ con bé thật giống mình’. Nhưng rồi tôi nghĩ tôi không biết mình giống ai. Và điều đó bắt đầu khiến tôi suy tư nhiều.”

Đã nhiều năm Chantal không có manh mối gì trong việc tìm lại cha mẹ ruột của mình. Tháng tới cô sẽ trở về tham gia một bữa tiệc đoàn tụ của các em bé thuộc chiến dịch Babylift năm xưa ở thành phố Hồ Chí Minh.
“Ngay cả hôm nay, khi tôi đã 40 tuổi, tôi luôn cố gắng thay đổi ngoại hình của mình. Không phải vì tôi mặc cảm vì mình là người Việt hay vì tôi nhìn khác mọi người, chỉ là tôi luôn trăn trở về căn tính của mình.”

Chantal hiện đã 40 tuổi nhưng cô luôn trăn trở về căn tính của mình. (Ảnh được cung cấp)

Sue Yen Byland, một phụ nữ từ Perth, cũng trong hành trình tìm kiếm cha mẹ đẻ của mình gần chín năm qua. Cô nói mẹ của cô là người Việt nhưng cô nghĩ cha mình là một cựu binh người Mỹ.
“Tôi có cảm giác rằng mình đã làm tất cả trong khả năng của mình để có thể giới thiệu về mình với bên đó và tìm cách để người phụ nữ là mẹ ruột của tôi biết rằng tôi đang tìm kiếm bà ấy,” Sue nói.

Sue cũng sẽ đến tham gia bữa tiệc hội ngộ vào tháng tới. Sue nói rằng cô đến đó để thấy được bất cứ ai trong số họ đều từng có thể được đặt vào số phận của người kia, “đến để có thể gặp gỡ mọi người và có thể thấy một con nuôi người Thụy Điển và nghĩ rằng, người đó cũng có thể có số phận như mình”.
 
Tìm được cha trên Facebook

Cả hai cô gái trên đều không dùng công nghệ xét nghiệm ADN để tìm gia đình của mình, nhưng một phụ nữ người Mỹ, Tritia Houston đã thử và thành công.

Tritia Houseton may mắn tìm được cha ruột của mình sau khi xét nghiệm ADN. (Ảnh được cung cấp)

Thay vì là con lai như cô từng được kể, qua xét nghiệm ADN, cô biết được cả cha mẹ đẻ của mình đều là người Việt.

Đầu tiên cô đã tìm được cha của mình trên Facebook, nơi người đàn ông Việt này cho biết cuộc tìm kiếm con gái hơn 38 năm qua.
“Ông ấy nhìn thật buồn và có vẻ như ông ấy đã tìm kiếm ai đó suốt cả cuộc đời mình.”

Tritia đã tìm thấy cha ruột nhờ tin nhắn tìm con của ông trên Facebook. (Ảnh được cung cấp)

Kết quả xét nghiệm ADN cho thấy hai người là cha con và Tritia dự định sẽ về Việt Nam vào tháng tới để gặp cha của mình lần đầu tiên, 40 năm kể từ khi cô chào đời.
“Tôi hi vọng câu chuyện của mình đem lại hi vọng là có cơ hội tìm lại được những thành viên trong gia đình ruột thịt của mình.”  

Tại Mỹ, ngân hàng dữ liệu ADN đã cho thấy có ít nhất một tá những người con nuôi đã tìm lại cha mẹ ruột. Hàng nghìn người khác tìm thấy người thân thuộc, họ hàng xa như anh chị em họ.

Hiện chưa có ngân hàng dữ liệu nào như vậy tại Úc.







No comments:

Post a Comment